Chuyên gia phân tích: Vì sao châu Âu tăng cường bắt giữ gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Đầu tháng 05/2024, trong khoảng thời gian lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình thực hiện chuyến viếng thăm ba nước Âu Châu, tin tức về việc bắt gián điệp Trung Quốc trên toàn lục địa Âu Châu đột nhiên gia tăng. Cùng với việc leo thang mâu thuẫn có tính kết cấu giữa Trung Quốc và Âu Châu, các vụ bắt giữ và điều tra gián điệp của ĐCSTQ gần đây cũng tăng lên. Điều này cho thấy sự thay đổi quan trọng trong thái độ của châu Âu đối với mối đe dọa từ ĐCSTQ.
Châu Âu tăng cường bắt giữ gián điệp của ĐCSTQ
Từ ngày 05/05 đến ngày 10/05, ông Tập Cận Bình thực hiện chuyến viếng thăm ba nước châu Âu, với ý định gieo mầm chia rẽ tại khu vực này.
Tuy nhiên, ông Trịnh Khâm Mô (Zheng Qinmo), Phó giáo sư khoa Ngoại giao trường Đại học Đạm Giang nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, chuyến thăm châu Âu của ông Tập Cận Bình về cơ bản không đạt được kết quả gì. Về thực chất, đây chỉ là một dạng tuyên truyền nội bộ thì đúng hơn. Vì hiện nay, toàn bộ hoạt động ngoại giao của ĐCSTQ chủ yếu là để tô vẽ hình ảnh vị lãnh đạo của đảng này. Bề ngoài có vẻ như đây là một hoạt động thúc đẩy mối bang giao giữa Trung Quốc và châu Âu, nhưng thực chất là để nâng cao hình ảnh của ông Tập.
Hôm 07/05, đúng vào thời điểm lãnh đạo ĐCSTQ thăm châu Âu, cảnh sát Bỉ và Đức đã tiến hành khám xét văn phòng của nghị viên người Đức ở Nghị viện Âu Châu Maximilian Krah và trợ lý người Hoa của ông này là ông Quách Kiến (Guo Jian). Ông Quách Kiến bị cáo buộc tình nghi “nhiều lần chuyển giao thông tin về đàm phán và quyết định sách lược của Nghị viện Âu Châu” cho cơ quan tình báo ĐCSTQ, và giám sát các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc tại Đức thay cho cơ quan này. Công tố viên của Đức còn cho biết ông Quách Kiến là nhân viên [không chính thức] của cơ quan tình báo ĐCSTQ.
Hôm 10/05, hai công dân Anh quốc được thông báo sẽ phải hầu tòa vào năm tới. Trước đó, hồi tháng 04/2024, hai nhà nghiên cứu là Christopher Cash, 29 tuổi, và Christopher Berry, 32 tuổi, bị tố cáo vi phạm Đạo luật Bảo mật Chính thức (Official Secrets Act) vì cung cấp thông tin mật cho chính quyền ĐCSTQ.
Hai vụ án gián điệp của ĐCSTQ này rất trùng hợp với chuyến thăm châu Âu của ông Tập, có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Hai người Anh nói trên đã bị bắt từ tháng 03/2023, còn ông Quách Kiến bị bắt hôm 22/04/2024. Tuy nhiên, việc chính phủ Âu Châu tăng cường bắt giữ gián điệp của ĐCSTQ là một xu hướng rõ ràng và dễ nhận thấy.
Bị bắt giữ cùng ngày với ông Quách Kiến còn có ba người Đức khác. Bộ Tư pháp Đức cho biết ba người Đức này bị bắt vì tình nghi hợp tác chuyển giao công nghệ có thể sử dụng cho mục đích quân sự, đặc biệt là kỹ thuật hải quân cho cơ quan tình báo ĐCSTQ. Công tố viên xác nhận hai trong số ba nghi phạm này là một đôi vợ chồng điều hành một công ty ở Düsseldorf, người còn lại là đặc vụ của Bộ An ninh Quốc gia (MSS) của ĐCSTQ.
Đầu tháng 04/2024, Thụy Điển cũng bắt giữ và trục xuất một ký giả Trung Quốc có giấy phép cư trú và đã sống ở nước này 20 năm, vì cho rằng ký giả này đe dọa đến an ninh quốc gia Thụy Điển.
Ông Erich Schmidt-Eenboom, Giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách Hòa bình và là chuyên gia tình báo, cho biết trên tờ Nikkei Asia rằng tình hình hoạt động gián điệp của ĐCSTQ “rất nghiêm trọng,” và đã gia tăng trong nhiều năm qua. Những vụ bắt giữ gần đây chỉ là phần nhỏ của tảng băng chìm.
Phó giáo sư Lâm Tử Lập (Lin Zuli) thuộc khoa Chính trị học, Đại học Đông Hải, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại châu Âu chủ yếu có ba mục đích: Thứ nhất là thu thập thông tin mới nhất về quân sự, chính trị, và công nghệ tại nơi đó. Thứ hai là nhằm thay đổi không khí chính trị địa phương thông qua việc kết nối với các tổ chức xã hội và quyên góp cho các nhân vật chính trị, để thay đổi thái độ của họ đối với Trung Quốc (ĐCSTQ). Thứ ba là đe dọa và trấn áp các nhà bất đồng chính kiến phản đối người cầm quyền ĐCSTQ, bao gồm những người ủng hộ độc lập cho Tây Tạng, Tân Cương, hoặc những “tù nhân chính trị” đào thoát khỏi Trung Quốc. Hoạt động gián điệp này đã diễn ra trong một thời gian rất dài và rất bí mật, thậm chí hoạt động cả bên trong truyền thông và trong cộng đồng.
Các vụ án gián điệp của ĐCSTQ ở châu Âu gần đây còn cho thấy một đặc điểm nổi bật khác: dù là ở Anh hay Đức, những người tham gia hoạt động gián điệp chủ yếu là công dân bản địa (ông Quách Kiến có hai quốc tịch Đức-Trung). Theo truyền thống, đối tượng cho việc mở rộng hoạt động gián điệp của ĐCSTQ ở hải ngoại thường sẽ là những người gốc Hoa. Mặt khác thân phận của những đối tượng này càng có thể dễ tiếp cận tầng lớp chính trị cấp cao của quốc gia sở tại. Điều này cho thấy mức độ thâm nhập của gián điệp của ĐCSTQ đang ngày càng sâu rộng hơn.
Theo nhật báo The Times của Anh quốc, nhân viên nghiên cứu của Nghị viện bị bắt là một người Anh, có giấy thông hành vào Nghị viện, và đã hợp tác nhiều năm với các nghị viên về chính sách quốc tế (trong đó có những chính sách liên quan với Bắc Kinh). Trước đây, người này từng sống và làm việc tại Trung Quốc. Các quan chức an ninh tình nghi người này đã bị ĐCSTQ chiêu mộ làm gián điệp khi ở Trung Quốc. Sau đó được đưa trở về Anh quốc, với ý đồ thâm nhập vào mạng lưới chính trị chỉ trích chính quyền Bắc Kinh.
Vụ việc công dân Anh bị tình nghi thâm nhập Nghị viện đã đưa tới sự cảnh giác rộng rãi tại Anh quốc. Ông Ken McCallum, Giám đốc Cục Tình báo nội địa Anh (MI5) cảnh báo rằng, ĐCSTQ đang đặt ra “thách thức chiến lược lớn nhất làm thay đổi cục diện” đối với Anh quốc.
Chính phủ của các quốc gia lớn ở châu Âu đã trở thành mục tiêu chính của cơ quan tình báo ĐCSTQ. Ông Matthew Brazil, đồng tác giả của cuốn sách có tựa đề “Hoạt động gián điệp của ĐCSTQ: Nhập môn Tình báo” (Chinese Communist Espionage: An Intelligence Primer) cho biết trên tờ Nikkei Asia rằng, đối với Bắc Kinh, “việc hiểu rõ các chính sách của Anh quốc và các quốc gia Liên minh Âu Châu (EU) đang thảo luận về vấn đề Trung Quốc hiện nay quan trọng hơn nhiều so với mười năm trước.”
Ông Stephan Blancke, phó nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia về Quốc phòng và An ninh (RUSI) có trụ sở tại London, nói rằng sau khi Ý rút khỏi Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và gia tăng chỉ trích Bắc Kinh, thì các cơ quan tình báo của ĐCSTQ đã tăng cường sự chú ý đến Ý.
Chiến tranh Nga-Ukraine là một bước ngoặt
Trong thời kỳ cải tổ và mở cửa của Trung Quốc trước đây, Anh quốc và Đức quốc đã cố gắng duy trì mối bang giao tốt đẹp với ĐCSTQ. Tuy nhiên, việc gia tăng các vụ bắt giữ và điều tra gần đây cho thấy đã có sự thay đổi quan trọng trong thái độ của châu Âu đối với mối đe dọa từ ĐCSTQ.
Ông Lâm Tử Lập cho biết, ít nhất trong mười năm qua, gián điệp ĐCSTQ luôn là một vấn đề nghiêm trọng. Một lượng lớn gián điệp ĐCSTQ đã sớm có mặt ở các quốc gia Đức, Pháp, và Anh. Cơ quan tình báo của các quốc gia này cũng đã cảnh báo về hành vi gián điệp của ĐCSTQ, nhưng các cơ quan hành chính cố tình làm ngơ vì muốn duy trì liên kết thương mại với Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng, khoảng hai năm trước khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine, châu Âu đã thay đổi thái độ đối với ĐCSTQ. Nhiều người cho rằng điều này là do vấn đề Hồng Kông, hoặc đại dịch COVID-19. Thực ra, nguyên nhân chính là do cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Cuộc chiến này khiến châu Âu nhìn nhận lại về Nga, và mối liên hệ đối tác chiến lược không giới hạn giữa ĐCSTQ và Nga đã làm châu Âu lo ngại hơn. Họ không thể để Nga thắng trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, ĐCSTQ và ông Tập Cận Bình cũng không thể để Nga thất bại. Vì vậy, châu Âu đã mất niềm tin căn bản vào người Trung Quốc, cũng giống như cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc, đây là một thực tế không thể thay đổi trong thời gian ngắn.
Ông Trịnh Khâm Mô (Zheng Qinmo), Phó giáo sư khoa Ngoại giao, Đại học Đạm Giang, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, mối bang giao Trung-Anh trong những năm gần đây đã liên tục xấu đi. Đặc biệt là sau khi các nhà hoạt động xã hội Hồng Kông chạy sang Anh quốc để tìm kiếm tị nạn chính trị. Những người này hiểu rõ tình hình nội bộ Hoa lục hơn so với ngoại giới. Điều này gây ra một đòn giáng mạnh vào tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ ở hải ngoại, nên ĐCSTQ phải vội vàng thâm nhập vào Anh quốc.
Ông Trịnh cho rằng việc ĐCSTQ bị phát hiện thâm nhập vào các đảng cực hữu của Đức và can thiệp vào lĩnh vực chính trị của một số quốc gia lần này là một điều cấm kỵ rất lớn. Chúng gây ra phản ứng mạnh mẽ đối với ĐCSTQ trong xã hội Đức.
Ông Trịnh nhận định rằng, hiện tại ĐCSTQ đang nóng lòng muốn mở rộng sức ảnh hưởng ở châu Âu. Dù muốn dùng châu Âu để cân bằng với Hoa Kỳ, hay là qua châu Âu để tiêu thụ lượng hàng hóa sản xuất quá dư thừa, thì Trung Quốc đều cần đến châu Âu. Do đó, có thể dự đoán rằng hoạt động gián điệp của ĐCSTQ ở châu Âu, đặc biệt là ở các nước Đức, Pháp, và Anh, sẽ không ngừng gia tăng.
Tiến sĩ Chung Chí Đông (Zhong Zhidong) của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, trước đây Anh quốc cũng giống như hầu hết các quốc gia Âu Châu khác, chỉ xem Trung Quốc (ĐCSTQ) là một thách thức chứ không phải là một mối đe dọa. Nhưng hiện nay, Anh quốc là quốc gia chủ yếu ở châu Âu tích cực phối hợp với Hoa Kỳ [trong vấn đề liên quan đến ĐCSTQ] nhất. Liên minh Âu Châu (EU) đã từng xác định ĐCSTQ là đối tác hợp tác, đối thủ cạnh tranh, và đối thủ mang tính hệ thống. Hiện nay định hướng đối thủ này đang ngày càng phát triển theo hướng tiêu cực hơn.
Ông Chung phân tích bốn nguyên nhân: Thứ nhất là, tham vọng bành trướng đối ngoại của ĐCSTQ là nhằm thách thức Âu-Mỹ. Thứ hai là, mối quan tâm lớn nhất của châu Âu hiện nay là cuộc chiến Nga-Ukraine, và việc ĐCSTQ tiếp tục ủng hộ Nga, giúp duy trì cỗ máy chiến tranh của Nga. Thứ ba là, vấn đề cạnh tranh thương mại không công bằng của ĐCSTQ, trong đó xe điện là ví dụ rõ ràng nhất. Thứ tư là, sự khác biệt cơ bản về giá trị quan hình thái ý thức giữa châu Âu và ĐCSTQ.
Ông Chung cho rằng châu Âu sẽ ngày càng cứng rắn hơn với ĐCSTQ. Cụ thể là châu Âu tiếp tục hợp tác và thực hiện các bước đồng nhất với Hoa Kỳ. Hơn nữa, họ sẽ tăng cường nhận thức rõ hơn về mối đe dọa của ĐCSTQ đối với các quốc gia phương Tây, tăng cường kiểm soát ĐCSTQ trong vấn đề khoa học công nghệ và tham gia vào các vấn đề liên quan đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Cuối cùng là châu Âu xem xét nghiêm túc hơn về lập trường của ĐCSTQ trong việc ủng hộ Nga.
Hiện tượng ‘đất mềm dễ đào sâu’: Vì sao gián điệp ĐCSTQ chọn châu Âu làm trung tâm hoạt động
ĐCSTQ đã biến châu Âu thành một trung tâm hoạt động gián điệp khác ngoài Hoa Kỳ. Ngày 18/04/2024, báo cáo thường niên của cơ quan Tình báo Quân sự Hà Lan (MIVD) cho biết gián điệp ĐCSTQ nhắm mục tiêu vào các ngành công nghiệp bán dẫn, hàng không vũ trụ và hàng hải của Hà Lan, nhằm tăng cường lực lượng vũ trang cho Bắc Kinh. Hồi tháng 03/2024, Trung tâm An ninh mạng quốc gia Anh quốc (NCSC) đã ra tuyên bố rằng Ủy ban Bầu cử rất có thể đã bị các tổ chức mạng liên quan đến chính quyền ĐCSTQ tấn công. Đầu năm nay, cơ quan tình báo Na Uy cho biết gián điệp ĐCSTQ hoạt động trên khắp châu Âu, tham gia vào các hoạt động gián điệp chính trị và công nghiệp.
Những người theo dõi sát sao hoạt động của tình báo ĐCSTQ cho biết trọng tâm của hoạt động gián điệp ĐCSTQ vẫn là thu thập thông tin liên quan đến an ninh nội địa, các quyết sách ngoại giao và an ninh quốc gia, nghiên cứu khoa học và kỹ thuật.
Báo cáo của Ủy ban Tình báo và An ninh Nghị viện Anh quốc năm 2023 cho biết mục tiêu quốc gia của ĐCSTQ rất đơn giản. Đó là phải bảo đảm ĐCSTQ tiếp tục nắm quyền, mọi thứ khác đều phải phục vụ cho mục tiêu này. Hầu hết các hoạt động toàn cầu của ĐCSTQ đều diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cùng với các vấn đề như phong trào độc lập cho Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, phong trào dân chủ Trung Quốc là những trọng tâm chính thu hút sự chú ý nhất của cơ quan tình báo Trung Quốc. Đồng thời vấn đề Pháp Luân Công cũng được cơ quan tình báo ĐCSTQ chú ý không kém. ĐCSTQ chú trọng thu thập thông tin tình báo từ Anh quốc nhằm kích động sự chia rẽ giữa Anh quốc và Hoa Kỳ trong chính sách đối với Trung Quốc.
Brussels, Bỉ (nơi đặt trụ sở của EU và NATO) đã trở thành thủ phủ gián điệp của ĐCSTQ, với mạng lưới gián điệp rộng lớn gồm có khoảng 250 nhân viên gián điệp. Năm 2019, Cơ quan Hành động Đối ngoại Âu Châu (EEAS) đã khẩn cấp cảnh báo các nhà ngoại giao Âu Châu cảnh giác với hoạt động gián điệp của ĐCSTQ. Cơ quan này khuyến nghị rằng các nhà ngoại giao Âu Châu tránh xa một số địa điểm nhất định, bao gồm một quán Beefsteak nổi tiếng, một quán cà phê nằm trong khoảng cách đi bộ đến tòa nhà chính của Ủy ban Âu Châu và tòa nhà Văn phòng các vấn đề kinh tế Âu Châu.
Ông Chung Chí Đông gọi hiện tượng này là “đất mềm dễ đào sâu.” Ông cho biết, lập trường của châu Âu đối với Trung Quốc ôn hòa hơn so với Hoa Kỳ, và không có những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như Hoa Kỳ. Điều này khiến toàn bộ châu Âu trở thành trung tâm hoạt động khá dễ dàng cho gián điệp của ĐCSTQ.
Ông Chung phân tích rằng châu Âu chủ yếu là những quốc gia dân chủ có tính bao dung cao, luôn mong muốn trở thành một cực của hệ thống cộng đồng quốc tế đa cực bên ngoài Hoa Kỳ. Điều này tương đối khác biệt so với cách nhìn nhận của Hoa Kỳ. Châu Âu cũng là một trung tâm công nghệ lớn ngoài Hoa Kỳ. Do đó tất nhiên châu lục này đã trở thành trọng điểm của toàn bộ công tác tình báo của ĐCSTQ.
Việc nắm quyền của ĐCSTQ không có tính hợp pháp nên luôn có cảm giác bất an rất mạnh mẽ
Ông Trịnh Khâm Mô cho biết hoạt động gián điệp của ĐCSTQ là mang tính toàn cầu, không chỉ đặt trung tâm hoạt động ở châu Âu, mà còn có nhiều hoạt động gián điệp tại Đài Loan. Thậm chí ngay cả trong giới học thuật ở Hoa lục cũng có rất nhiều gián điệp.
Ông Trịnh nói, vì ĐCSTQ không có tính hợp pháp, nên việc thống trị của đảng này cơ bản là không xuất phát từ sự đồng thuận của người dân. Trong quá trình tự ti chuyển sang kiêu ngạo, đảng này muốn kiểm soát mọi thứ. Không chỉ khống chế trong nước, mà đảng này còn muốn kiểm soát mọi thứ ở cả ngoại quốc. Họ còn không ngừng thực hiện việc thu thập thông tin thông qua các tin tặc trên mạng (hacker).
“Nhiều người thắc mắc vì sao họ muốn thu thập mọi thông tin. Đó là do ĐCSTQ, kể cả ông Tập Cận Bình có cảm giác bất an về chính quyền, dẫn đến việc họ ngày càng trở nên độc tài. Điều khó tưởng tượng là, họ rất tích cực bắt giữ gián điệp ở trong nước, không cho phép bất kỳ người ngoại quốc, thậm chí là người bản xứ nào thu thập thông tin thương mại bình thường. Đối với ĐCSTQ, tất cả những điều này đều là gián điệp.”
Ông Trịnh Khâm Mô cho biết, từ hàng ngàn năm nay, xã hội Trung Quốc luôn nhấn mạnh đến nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, và là một xã hội hòa đồng giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã phá hủy điều này nhằm khống chế tất cả. Bằng cách đưa vô số đặc vụ trà trộn vào thường dân, gây ra sự thiếu tin tưởng hoàn toàn giữa con người với nhau. Hiện tại, xã hội Trung Quốc có rất nhiều hiện tượng khiến người ta khó có thể tin được. Như sự xa cách thờ ơ giữa người với người, giả vờ để ăn vạ, ngay cả người thân trong gia đình cũng tố giác lẫn nhau. Thậm chí đối với mỗi quan chức chính quyền, họ luôn cảm thấy như có một Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đang giám sát từng hành động của mình. Điều này làm cho mọi người luôn sống trong sự nghi kỵ lẫn nhau. Đây chính là mối nguy hại lớn nhất mà ĐCSTQ gây ra cho xã hội Trung Quốc.