Chuyên gia làm việc cho WHO phân tích về kế hoạch đại dịch trị giá 31 tỷ USD của tổ chức này
Ông Garrett Brown, một giáo sư về chính sách y tế toàn cầu gần đây được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thuê để xác định xem kế hoạch chuẩn bị và ứng phó với đại dịch trị giá 31.1 tỷ USD của tổ chức này có khả thi hay không, đã bày tỏ lo ngại về mối tương quan giữa chi phí-hiệu quả của sáng kiến này.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 22/04 với chương trình “American Thought Leaders” (Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ) của EpochTV, ông Brown cho biết quỹ trị giá 31.1 tỷ USD này là nhu cầu ước tính để ứng phó với đại dịch ở tất cả các cấp khu vực, quốc gia, và toàn cầu. Ước tính này đã được đưa ra bởi WHO, G20, và Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, ông Brown e ngại về liệu sáng kiến này có thành công trong việc nhận được nhiều tiền tài trợ đến như vậy hay không.
“Hãy cân nhắc vấn đề này. Tổng ngân sách hoạt động cho quỹ toàn cầu, quỹ chịu trách nhiệm về AIDS, sốt rét, và lao, ba trong số các bệnh truyền nhiễm lớn nhất, là khoảng bốn tỷ một năm. Những con số đó đã là khó để nhận được tài trợ rồi. Việc đó vốn đã là phức tạp rồi,” ông Brown nói.
“Quý vị có những mô hình bổ sung hàng năm này, và có rất nhiều tranh cãi về việc ai sẽ trả những gì. Các khoản tiền này vốn đã phức tạp với chi phí nghiệp vụ cao vì quý vị phải bổ sung chúng mọi lúc. Đột nhiên, quý vị đang nói về 31.1 tỷ USD.”
Ông Brown không xác định được số tiền 31.1 tỷ USD này đã được tính toán như thế nào. Con số ước tính này bao gồm hai thành phần, một cho quỹ toàn cầu và một cho quỹ khu vực.
Khoảng 26 tỷ USD một năm sẽ được dành riêng để khiến các nước điều chỉnh các chương trình quốc gia của họ cho phù hợp với các chương trình toàn cầu. Ngoài ra, cần có 4.7 tỷ USD ở cấp độ toàn cầu để giám sát, điều phối, và chi cho các cấu trúc khác.
“Một trong những câu hỏi được đặt ra là liệu đây có thực sự là chi phí cho việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch hay không và làm thế nào chúng ta có thể biện minh cho những con số đó. Nhưng đó là những con số đang được sử dụng,” ông nói rõ.
Ông Brown chỉ ra rằng COVID-19 ước tính đã tiêu tốn của thế giới khoảng từ 12 ngàn tỷ USD đến 20 ngàn tỷ USD cho các gói kích thích và GDP bị mất.
“Đó là những chi phí cơ hội bởi vì nếu quý vị chỉ nghĩ, ‘Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đầu tư 20 ngàn tỷ USD vào thứ khác? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta làm điều gì đó khác với số tiền đó hoặc sử dụng số tiền đó theo những cách khác ở cấp độ vi mô hơn trong cuộc sống của một cá nhân?’ Điều đó sẽ đòi hỏi phải suy nghĩ kỹ càng. Cuối cùng thì chúng ta đã nhận được gì với 20 ngàn tỷ đó?” ông cho biết.
Chuyển tiền ra khỏi dịch vụ chăm sóc sức khỏe căn bản
Ông Brown thể hiện sự lo lắng về việc tiền được chuyển từ chăm sóc sức khỏe tổng quát sang tập trung vào đại dịch COVID-19.
Ông chỉ ra rằng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã thêm một “mục riêng biệt” (line item) cho COVID-19 vào năm 2020, mà theo ông nói là một “số tiền lớn lạ thường”. Thuật ngữ mục riêng biệt ám chỉ đến số tiền được ghi riêng trong một ngân quỹ.
Ông Brown cho biết hầu hết tất cả số tiền viện trợ mới đều được sử dụng cho COVID hoặc vào việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm, đồng thời lưu ý rằng có một số con số “đáng kinh ngạc” phản ánh mức độ ảnh hưởng tiêu cực của quyết định này đối với ngân sách y tế nói chung.
“Sức khỏe căn bản là một mục riêng biệt, và sức khỏe căn bản đã giảm 34%. Quý vị đang chuyển tiền từ sức khỏe căn bản sang việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Dinh dưỡng căn bản giảm 10%. Các chương trình dinh dưỡng đã chứng kiến ngân quỹ cạn kiệt,” ông Brown nói.
“Có một nghiên cứu ở Indonesia mà trong đó Indonesia về căn bản đã đình chỉ chương trình bệnh bại liệt của họ và chuyển những nguồn nhân lực đó sang vaccine cho các chương trình chích ngừa. Chúng ta đã chứng kiến việc này xảy ra với bệnh sốt rét, bệnh lao, HIV, AIDS, và sức khỏe sinh sản.”
Quay trở lại với quỹ 26 tỷ USD hàng năm mà WHO muốn các quốc gia phải chi ra, ông Brown nêu lên mối lo ngại rằng các quốc gia này có thể cuối cùng sẽ rút số tiền đó ra khỏi các chương trình hiện có.
Các nguồn tài trợ, hiệp ước đại dịch
Về phần WHO dự định thu gom 31.1 tỷ USD đó như thế nào, ông Brown nói rằng số tiền này sẽ đến từ một “sự kết hợp của các nhà tài trợ”, mà thường bao gồm các quốc gia có thu nhập cao như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh cũng như các tổ chức lớn như Quỹ Bill và Melinda Gates.
“Hàng năm, Bộ Ngoại giao sẽ chuyển một lượng tiền nhất định cho các tổ chức này.”
“Các nhà lãnh đạo tại G7 sẽ cam kết cung cấp một gói bổ sung cho quỹ toàn cầu. Họ sẽ sẵn sàng trả một số lượng nhất định hàng năm trong hai hoặc ba năm tới. Đó là nơi mà số tiền được tạo ra.”
Trong khi đó, các quốc gia thành viên của WHO hiện đang đàm phán về một hiệp ước toàn cầu về phòng ngừa, chuẩn bị, và ứng phó với đại dịch. Nhà đàm phán chính đại diện cho Hoa Kỳ trong các cuộc thảo luận này, Đại sứ Pamela Hamamoto, nói rằng Hoa Kỳ cam kết thiết lập hiệp ước này.
Một số người lo lắng rằng hiệp ước này có thể xâm hại đến quyền tự chủ của từng quốc gia khi đến lúc cần ứng phó với đại dịch.
Bà Michelle Bachmann, cựu nữ nghị sĩ Đảng Cộng Hòa, cho ý rằng việc Hoa Kỳ tham gia hiệp ước này có thể là một hành động thâu tóm quyền lực của chính phủ Tổng thống (TT) Biden.
Bà Bachmann nói với ông Tony Perkins, chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Gia đình, rằng: “Chưa bao giờ có một vụ thâu tóm quyền lực nào lớn hơn vụ thâu tóm quyền lực này — và nó đang được dẫn dắt bởi chính phủ Tổng thống Biden.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times