Chuyên gia: ĐCSTQ sử dụng công nghệ cao để tăng cường đàn áp tôn giáo
Học viên Pháp Luân Công Mã Trường Thanh (Ma Changqing) ở tỉnh Cát Lâm đã bị camera giám sát ghi lại khi đang phát tài liệu giảng rõ sự thật về Pháp Luân Công, và bị bắt cóc. Ngày 18/09 năm nay, ông Mã bị bức hại đến tử vong tại Trại giam Cát Lâm. Vụ việc này khiến các chuyên gia và học giả lo ngại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang sử dụng công nghệ cao để tăng cường đàn áp những người có tín ngưỡng tôn giáo.
Liên quan đến trường hợp của ông Mã Trường Thanh, ông Lương Thiếu Hoa (Liang Shaohua), cựu luật sư người Trung Quốc, phụ trách nhóm luật sư “Tòa án Công dân,” nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng: “Cuộc đàn áp tôn giáo của ĐCSTQ, đặc biệt là cuộc đàn áp Pháp Luân Công, là không thể tin được. Thủ đoạn trong hơn 20 năm qua muôn hình vạn trạng, không cách thức nào là không dùng đến.”
Trong quá trình bức hại các học viên Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã sử dụng camera và công nghệ dữ liệu lớn để tiến hành giám sát toàn diện các học viên Pháp Luân Công.
Ông Lương nói: “[ĐCSTQ] dùng kiểu giám sát xã hội toàn diện như [tiểu thuyết] ‘1984,’ mọi nơi mọi lúc. Nhưng kỳ lạ là: kiểu giám sát của họ rất thuận tiện để bắt người, quý vị chỉ cần giơ cao một tấm biển lên, họ sẽ nhanh chóng bắt được quý vị; nhưng quý vị thấy đấy, phụ nữ và trẻ em hàng năm bị bắt cóc, cho đến việc một số thanh thiếu niên mất tích bí ẩn, thì sau đó không hề tìm thấy. Sự giám sát của ĐCSTQ chỉ nhằm vào những gì họ cần chứ không phải những gì người dân cần. Họ giám sát để ngăn chặn người dân.”
Ông nói rằng Pháp Luân Công là “một tôn giáo rất bình hòa,” “Họ [Pháp Luân Công] dạy những điều tốt đẹp, ‘chân, thiện, nhẫn’. Tại sao lại một mực bức hại họ chứ?”
Cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân vì ghen ghét, đố kỵ, và lo sợ số lượng học viên Pháp Luân Công vượt quá số đảng viên ĐCSTQ, nên đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, tiến hành chính sách xóa sổ toàn diện nhóm những người có tín ngưỡng này. Trong 24 năm qua, số học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bức hại đến tử vong, được xác nhận danh tính và thông tin cá nhân, lên tới 5,010 người. Chỉ tính riêng từ tháng Một đến tháng Mười năm nay, 1,008 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị kết án phi pháp. Từ tháng Một đến tháng Chín, 166 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến tử vong, trong đó có học viên Mã Trường Thanh. Do sự phong tỏa thông tin và đàn áp nghiêm trọng của ĐCSTQ, những con số trên chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
Ông Lương Thiếu Hoa nói rằng, hành vi bắt cóc, giam giữ, vu cáo và ngược đãi trong tù của ĐCSTQ đối với học viên Pháp Luân Công Mã Trường Thanh đều là phi pháp, và những người liên quan phải chịu trách nhiệm.
Bà Arielle Del Turco, Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của “Hội đồng Nghiên cứu Gia đình” (Family Research Council,FRC), một tổ chức tư vấn ở Hoa Thịnh Đốn, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng: “ĐCSTQ đã hạn chế trên quy mô lớn các hoạt động tôn giáo và đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số. Cuộc đàn áp tôn giáo này nhắm vào những người thuộc mọi tín ngưỡng. Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Phật giáo Tây Tạng, các học viên Pháp Luân Công và bất kỳ tín đồ nào khác xung đột với hệ tư tưởng của đảng này đều là nạn nhân mà ĐCSTQ đàn áp.”
Bà nói: “Khi ĐCSTQ sử dụng công nghệ mới để tăng cường kiểm soát và đàn áp các tín đồ tôn giáo, thì tình hình đàn áp tôn giáo của ĐCSTQ càng tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.”
Liên quan đến trường hợp của ông Mã Trường Thanh, luật sư Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, ĐCSTQ “tiến hành giám sát lâu dài” đối với những cá nhân nhạy cảm như các học viên Pháp Luân Công và “cho rằng bất kỳ ai thuộc nhóm ‘hắc ngũ loại’ (năm nhóm người đen tối) đều có thể ảnh hưởng đến sự ổn định chính quyền của họ, nên đảng này muốn từng thời từng khắc theo dõi hành tung của mọi người ở mọi nơi. Không chỉ hành động của họ bị giám sát, mà điện thoại, Internet, … tất cả mọi thứ đều bị theo dõi. Tôi tin rằng ĐCSTQ đang theo dõi họ.”
Việc ĐCSTQ sử dụng công nghệ giám sát để theo dõi các học viên Pháp Luân Công là hiện tượng rất phổ biến. Ví dụ:
Cục Tư pháp thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh, quản lý 179 cơ quan tư pháp trong thành phố. Phương thức mà họ sử dụng để kiểm soát các học viên Pháp Luân Công bị kết án quản chế phi pháp là: Cho nhân viên giám sát quay video, lấy dấu vân tay và ghi âm với mục đích thu thập dữ liệu để tiến hành nhận dạng cử chỉ và giọng nói; cấp phát điện thoại di động trong hệ thống và không cho phép rời khỏi địa phương; mỗi tháng phải báo cáo hành tung đầy đủ. Văn phòng Tư pháp thỉnh thoảng gọi điện để theo dõi xem họ có ở nhà hay không, yêu cầu đến Văn phòng Tư pháp hàng tháng để viết một văn bản, ký tên, và in dấu vân tay.
Ngày 05/01/2023, học viên Pháp Luân Công Thái Xảo Linh (Cai Qiaoling) ở Hà Nam đến Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh của huyện Thông Hứa, thành phố Khai Phong, nơi cô ghi danh cư trú, để đề nghị cấp hộ chiếu. Cô được thông báo rằng cô đang bị Cục Công an khu Thuận Hà, thành phố Khai Phong, kiểm soát đi lại đến ngày 26/01. Ngày 28/01, học viên này đến Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh huyện Thông Hứa để đề nghị cấp hộ chiếu lần nữa nhưng bị từ chối. Ngày 02/08, Phòng Xuất nhập cảnh quận Thông Hứa nhận được thông báo phải tiến hành kiểm soát đi lại vô thời hạn đối với cô Thái Xảo Linh.
Hiện tại, trước cửa nhà cô Thái bị lắp đặt camera giám sát. Cô Thái vẫn phải sống trong sự giám sát, quấy rối, và kiểm soát việc đi lại.
Luật sư Ngô Thiệu Bình nói rằng, ĐCSTQ không chỉ giám sát người dân Trung Quốc mà còn xuất cảng công nghệ và thiết bị giám sát ra ngoại quốc.
“Trên thực tế, ĐCSTQ sử dụng cái gọi là vi mạch bán dẫn cao cấp để đáp ứng nhu cầu về thiết bị giám sát và công nghệ AI. Họ không chỉ sử dụng cái gọi là công nghệ AI này ở nước mình mà còn xuất cảng sang các nước Đông Nam Á, sang tận châu Phi,” luật sư Ngô nói. “Cho dù trong lĩnh vực công nghệ máy ảnh, công nghệ AI hay sản xuất điện thoại di động, [cho đến nay], ĐCSTQ vẫn có thể cung cấp những sản phẩm đó ra thế giới một cách bình thường”.
Luật sư Ngô đề nghị chính phủ Hoa Kỳ mở rộng chế tài trừng phạt đối với ĐCSTQ.