Chuyên gia: ‘Chính sách ngoại giao thân thiện’ với Bắc Kinh là vô nghĩa
Các chuyên gia về chính sách đối ngoại cho rằng mục tiêu cuối cùng của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Úc không phải là một chính sách ngoại giao thân thiện với Bắc Kinh, thay vào đó, trọng tâm nên phải là buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuân thủ nhân quyền và các quy tắc quốc tế về thương mại.
Ông John Lee, cựu cố vấn cao cấp của Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, cho biết các cuộc gặp gần đây giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ là những bước tiến hướng tới việc nối lại liên lạc ngoại giao thông thường và bất kỳ thay đổi lớn nào đối với những mối bang giao song phương này đều không khả dĩ.
Ông nói với The Epoch Times trong một thư điện tử: “Chúng ta không nên dựa vào và cũng không nên coi trọng bất kỳ thỏa thuận miệng nào với ông Tập do vị lãnh đạo Trung Quốc này nổi tiếng với việc luôn nói một đằng làm một nẻo.”
“Thay vì tìm kiếm một thỏa thuận miệng với ông Tập vốn dĩ rất vô nghĩa, trọng tâm của Tổng thống Biden nên là thảo luận về các cách hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh và đối tác Á Châu để hạn chế những lựa chọn chiến lược của Trung Quốc và ngăn chặn Bắc Kinh cân nhắc sử dụng vũ lực để thực hiện các mục tiêu của họ.”
Ông Lee hiện là một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Hudson và Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ.
Các nhà lãnh đạo phương Tây gấp rút gặp ông Tập
Hôm 14/11, ông Biden đã gặp ông Tập bên lề hội nghị G20 ở Bali, Indonesia, nơi hai nhà lãnh đạo này thảo luận về tương lai của Đài Loan, vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, và cạnh tranh toàn cầu.
“Ông ấy đã nói rõ, và tôi cũng rất rõ ràng rằng chúng tôi sẽ bảo vệ các lợi ích và giá trị của Mỹ quốc, thúc đẩy nhân quyền phổ quát, và ủng hộ trật tự quốc tế, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của chúng tôi,” ông Biden nói sau cuộc gặp.
Trong khi đó, ông Albanese đã gặp ông Tập một ngày sau đó để nêu ra một loạt vấn đề với Bắc Kinh bao gồm các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, việc giam giữ công dân Úc gốc Trung Quốc, và khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt thương mại đã chặn 20 tỷ USD (13.5 tỷ AUD) giá trị hàng hóa vào thị trường Trung Quốc.
“Quý vị không thể dự kiến sẽ nhận được những tuyên bố ngay lập tức trong một cuộc họp như vậy. Tôi tin rằng nếu mọi người nghĩ điều đó sẽ xảy ra, thì điều đó là không thực tế,” thủ tướng nói với các phóng viên sau đó.
Tuy nhiên, những nhóm doanh nghiệp lớn bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Úc, Hội đồng Kinh doanh Úc, và Phòng Thương mại và Công nghiệp Úc rất hoan nghênh cuộc gặp gỡ này.
Ông Innes Willox, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Công nghiệp Úc, cho biết các doanh nghiệp là “những nạn nhân không may mắn của mối bang giao đang xấu đi” giữa Úc và Trung Quốc.
Bắc Kinh chịu trách nhiệm, không phải phương Tây
Đáp lại, ông Lee cho biết các lệnh trừng phạt thương mại của Bắc Kinh — được áp dụng để đáp trả lời kêu gọi điều tra về nguồn gốc của virus COVID-19 — là vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới và Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-Úc.
Ông nói: “Chính xác hơn khi nói rằng Bắc Kinh nên bắt đầu tôn trọng những cam kết pháp lý và hiệp ước của mình hơn là định hình thương mại thông thường từ việc bình thường hóa mối bang giao.”
Trong khi đó, cựu Thượng nghị sĩ Đảng Tự Do Eric Abetz, từng là Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao của Thượng viện, cho biết ông hoan nghênh việc chính phủ Đảng Lao Động Úc tiếp tục lập trường của chính phủ ông Morrison trước đây đối với ĐCSTQ.
“Đó là một chút thay đổi trong chính sách mà Đảng Lao Động đã thực hiện — trên một cơ sở dân túy — khi họ ở thế đối lập, đó là bất kỳ ai tìm cách lên án chế độ độc tài tàn bạo ở Bắc Kinh đều bị chụp mũ là một ‘kẻ phân biệt chủng tộc’ trong một nỗ lực sai lầm để giành được sự ủng hộ với cộng đồng người Hoa ở Úc,” ông nói với The Epoch Times, đồng thời lưu ý rằng trên thực tế, nhiều cộng đồng người Hoa ở địa phương đã trực tiếp chịu đựng những hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times