Chuyến du hành “80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới”
Cuốn tiểu thuyết kinh điển của nhà văn Jules Verne “80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới” giúp chúng ta tìm hiểu và khám phá những bí ẩn và tiềm năng của thế giới, để mỗi ngày trôi qua là một món quà cần được mở ra và khám phá.
Đã đến lúc thoát khỏi mùa đông ảm đạm.
Hãy đặt những tờ báo xuống và hôm nay chúng ta sẽ trải nghiệm một chuyến du lịch vòng quanh thế giới nhé! Chúng ta sẽ dành vài ngày tại miền quê Ấn Độ, hay một chuyến thăm chớp nhoáng đến Singapore, băng qua đồng bằng và núi non miền Tây Mỹ quốc bằng những chiếc xe cánh buồm chạy trên đường ray, hay vượt Đại Tây Dương trên con tàu hơi nước.
Trên đường đi, chúng ta sẽ giải cứu một quý cô gặp nạn, hay đối mặt với những tên cướp, bão tố, những nguy hiểm rình rập khác trong khi chúng ta bị một anh chàng thám tử dũng cảm rượt đuổi vì một tội ác mà chúng ta không phải là thủ phạm và dùng mưu kế để sống sót và sự liều lĩnh để thắng một cuộc cá cược.
Tin vui cho các bạn đây: Chúng ta có thể thực hiện được những ước muốn này mà không cần phải rời khỏi tổ ấm! Chúng ta có thể nhâm nhi một tách trà nghi ngút khói trên chiếc trường kỷ giữa phòng khách và có thể nghỉ ngơi mọi lúc sau những cuộc trốn chạy – có thể gọi điện thoại, làm một miếng bánh mì, đi dạo quanh khu phố – nếu chúng ta muốn.
Tất cả những gì chúng ta cần làm chỉ là yên vị và mở cuốn tiểu thuyết kinh điển của Jules Verne “80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới”.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1872, Phileas Fogg, một quý ông người Anh, vừa cược với một số hội viên Câu lạc bộ Cải cách London rằng ông có thể du hành vòng quanh địa cầu trong 80 ngày. Ngay buổi sáng đó, Fogg thuê được một người tùy tùng, Jean Passepartout, một anh chàng người Pháp rất tự hào về tài năng của bản thân: một người huấn luyện viên thể dục, một diễn viên cưỡi ngựa, một diễn viên xiếc thăng bằng trong rạp xiếc và còn là một anh chàng tử tế. Passepartout hy vọng sẽ tìm được “một cuộc sống yên bình” khi làm việc cho quý ông Fogg. Song, họ phải ra đi để thực hiện vụ cá cược là một cuộc viễn du vòng quanh địa cầu. Không chỉ nhân vật mà độc giả cũng sẽ bị cuốn vào hàng loạt cuộc phiêu lưu và thử thách của chuyến hành trình.
Ông Tổ của những câu chuyện phiêu lưu
Nguy hiểm, rủi ro và chết chóc luôn là một phần trong cuộc đua thách thức thời gian này.
Tại Ấn Độ, Fogg – một ông chủ người Anh và Passepartout – một tùy tùng người Pháp, đã giải cứu góa phụ trẻ Aouda khỏi giàn hỏa thiêu khi nàng sắp bị thiêu sống cùng ông chồng già đã chết theo phong tục.
Tại xứ Hương Cảng, Passepartout trở thành nạn nhân trong âm mưu của thám tử Fix khi truy đuổi Fogg vì cho rằng ông chủ của anh ta là một kẻ cướp nhà băng. Bị bỏ lại trong một phòng hút á phiện, cuối cùng Passepartout cũng đoàn tụ được với chủ nhân của mình.
Bốn người, kể cả thám tử Fix, phải đối diện với những thử thách gay go khác như cuộc tấn công của những chiến binh da đỏ Sioux trên đồng bằng Mỹ quốc hay chuyến hành trình vượt Đại Tây Dương đầy tuyệt vọng.
Trong Lời bạt của ấn phẩm “80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới,” bản dịch cập nhật và hiệu chỉnh của Jacqueline Rogers, Nhà xuất bản Penguin Group, nhà phê bình Thurston Clarke đề cập đến một số lỗi của cuốn tiểu thuyết nhưng sau đó nói thêm rằng đây là một trong những tác phẩm có sức ảnh hưởng nhất về đề tài phiêu lưu từng được sáng tác, đặt ra các tiêu chuẩn, thiết lập các khuôn mẫu và chủ đề cần tuân thủ; định ra rằng bất kỳ một cuộc hành trình nào cũng cần được mô tả với những thử thách, những pha nguy hiểm hoặc mục tiêu nào đó.
Thurston Clarke còn dẫn chứng những tác phẩm phiêu lưu kinh điển khác như The Old Patagonian Express (tạm dịch: Chuyến tàu tốc hành Patagonia cũ kỹ) của Paul Theroux, Journey Without Maps (tạm dịch: Chuyến hành trình không bản đồ) của Graham Greene và Old Glory: An American Voyage (tạm dịch: Thời hoàng kim cũ: Một chuyến du hành của người Mỹ) của Jonathan Raban đều lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của Jules Verne. Ông viết: “Không chỉ là khám phá vùng đất xa xôi, lạ lẫm, một nhà văn còn phải trở về cùng những chuyến phiêu lưu”.
Một quý ông người Anh điển hình
Passepartout, góa phụ xinh đẹp và hàng chục nhân vật khác trong tiểu thuyết của Jules Verne đều được mô tả rất sinh động. Chúng ta cảm thấy thích thú với những trò hề và lối suy nghĩ của Passepartout, tán thưởng sự khéo léo và lòng quả cảm của anh ta; khâm phục Aouda không chỉ vì vẻ đẹp của nàng mà còn vì lòng biết ơn vô hạn và sự trung kiên đối với các vị ân nhân cứu mạng. Kể cả những chú chó của thám tử Fix cũng khiến chúng ta tò mò thích thú bởi sự tận tụy phục tùng của nó mặc dù cũng có lúc sai lầm.
Song, chính ngài Fogg khó hiểu mới thật sự thu hút sự chú ý của chúng ta. Trong khi những người khác thức trắng vì lo lắng khi đối mặt với thảm họa nào đó thì ngài Fogg của chúng ta lại bình thản ngủ suốt đêm. Khi đối mặt với kẻ thù hay mối nguy hiểm nào đó, ông ấy suy xét các sự kiện và hoàn cảnh, tìm kiếm giải pháp. Một khi đã quyết tâm thực hiện kế hoạch hành động, ông ấy không bao giờ dao động. Không có thảm họa nào có thể uy hiếp được ông ấy. Verne lặp đi lặp lại từ “điềm tĩnh” và “một cách điềm tĩnh” để mô tả hành vi của Fogg khi đối diện với nghịch cảnh.
“Phớt tỉnh Ăng-lê,” một thuật ngữ biểu thị sự kiềm chế cảm xúc và giữ điềm tĩnh trong những tình huống nguy nan, một tính cách điềm đạm đặc trưng của người Anh dưới thời Victoria. Ví dụ, trong một số truyện ngắn của mình, nhà văn Rudyard Kipling cũng tán dương tính cách nam tính này và bài thơ “Nếu” của ông có thể được xem là một cuốn cẩm nang hướng dẫn thực hành tính khắc kỷ này. Các nguyên tắc được bài thơ này trình bày cực kỳ phù hợp với ngài Fogg của chúng ta.
“80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới” ngay lập tức trở thành quyển sách bán chạy nhất. Thật thú vị khi nghĩ rằng một câu chuyện được một tiểu thuyết gia người Pháp kể lại có thể làm nổi bậc tính “khắc kỷ” được người Anh coi trọng, một nhận thức được lưu giữ cho đến những năm 60.
Quý ông người Anh dành tình yêu cho góa phụ Aouda
Bất chấp vẻ mặt khó hiểu và tính cách lạnh lùng của Fogg, cuối cùng độc giả cũng nhận ra Aouda đáng yêu đã phải lòng người đàn ông cứu mạng mình. Ông ấy luôn để ý đến sự an toàn và thoải mái của cô trong những chuyến phiêu lưu kỳ lạ mà họ đã trải qua. Passepartout nhận thấy điều đó và anh ta mong cho ông chủ của mình cảm nhận được tình cảm của cô dành cho ông ấy, còn chúng ta chỉ mơ hồ về cảm xúc của ông ấy dành cho cô gái kia.
Không có chi tiết gợi ý cho thấy trước Fogg và Aouda sẽ đính hôn ở cuối câu chuyện. Ngay cả một độc giả bình thường cũng có thể đoán được kết quả đó. Tuy nhiên, chúng ta không nghi ngờ rằng Aouda là người ngỏ lời với Fogg. Đây là chi tiết thường thấy trong các câu chuyện tình lãng mạn. Đối mặt với khủng hoảng tài chính cá nhân, Fogg thừa nhận rằng không thể dựa vào sự giúp đỡ của bạn bè hay người thân. Aouda đáp rằng:
“Nếu thế thì thật ái ngại cho ông quá, ông Fogg ạ, bởi vì cô độc là một điều đáng buồn. Không một ai cùng chia sẻ những nỗi ưu phiền của ông ư? Vậy mà người ta nói rằng hai tâm hồn đồng cảm thì có thể nhẫn chịu được sự khốn khổ”.
“Vâng, thưa bà, người ta nói thế.”
“Thưa ông Fogg, Aouda vừa nói, vừa đứng lên và nắm lấy tay ông, – ông có muốn cùng một lúc có cả người thân và một người bạn không? Ông có muốn nhận tôi làm bạn trăm năm của ông không?”
Nghe thế, đến lượt mình, ông Fogg đứng lên, ánh mắt lạ thường, đôi môi mấp máy. Aouda nhìn ông. Sự chân thành, lòng ngay thẳng, chí kiên nghị và ánh mắt dịu dàng của một người đàn bà cao quý dám làm tất cả để cứu người đã đem lại cho nàng tất cả, thoạt đầu khiến ông ngạc nhiên, rồi thấm vào lòng ông. Ông nhắm mắt lại trong giây lát, như thể tránh cái nhìn của nàng… Khi lại mở mắt ra, ông chỉ giản dị nói: Ta yêu nàng! Vâng, thật vậy, bằng tất cả những gì thiêng liêng nhất trên đời, ta yêu nàng, và ta hoàn toàn thuộc về nàng!
– Ôi! – Aouda đặt tay lên ngực và kêu lên.
Thông điệp hàm ẩn
Thời nay, một số người tin rằng sự lãng mạn như vậy đã chết. Có người khi đọc “80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới” đã ca thán rằng thế giới ngày nay không còn cơ hội để phiêu lưu và khám phá điều mới lạ nữa bởi vì du lịch hàng không và phương tiện liên lạc điện tử đã thu hẹp toàn cầu, không còn nơi dành cho khám phá, mạo hiểm hay những hoạt động phi thường nữa. Giống như Miniver Cheevy trong bài thơ cùng tên của Arlington Robinson, những người hiện đại này mơ về “Thebes và Camelot và những người hàng xóm của Priam” và than phiền về thời đại xám xịt, chán chường mà họ đã được sinh ra.
Nhưng những Miniver này có nghĩ đúng không?
Sinh năm 1828 và qua đời ở tuổi 77, Jules Verne viết “80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới” không như chuyến đi hoài niệm về quá khứ. Những địa danh, phương tiện đi lại và các sự kiện đồng tại với thời đại ông đang sống. Fogg đặt cược vào năm 1872; “80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới” được xuất bản một năm sau đó.
Theo ý tưởng đó, vào thời điểm này của năm 2022, chúng ta có thể xem “80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới” ở một góc độ khác. Câu chuyện của Jules Verne có thể gợi ý như một lời kêu gọi hành động.
Đó là một lời nhắc nhở rằng chúng ta có thể chọn cho mình viễn cảnh cuộc đời là một cuộc du ngoạn kỳ vĩ và lý thú, một cuộc hành trình được trải nghiệm từ khi sinh ra cho đến khi lìa trần.
Đây không phải là cuộc đua vòng quanh thế giới thách thức thời gian mà là để tìm hiểu và khám phá những bí ẩn và tiềm năng của thế giới, kể cả mọi thứ có trong sân nhà của chúng ta và để mỗi ngày trôi qua là một món quà cần mở ra và khám phá.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times