Câu chuyện thư sinh “biến thành hổ” kỳ lạ thời nhà Thanh
Thời nhà Thanh có một câu chuyện truyền kì. Con trai nhà giàu nọ có tính cách hung bạo, kiêu ngạo, có vị đạo sĩ biết được tiền kiếp của anh ta, sợ anh ta lại lần nữa trầm mê vào loại dị biệt, vì thế nên ra tay giúp đỡ, “bắt hổ” giúp anh ta. Thư sinh hung bạo cuối cùng làm sao có thể sửa đổi lỗi lầm chuyển làm điều thiện, hóa giải được tai ách hóa thành hổ?
Huyện Sầm Khê có một thư sinh tên là Châu Diễm, tự là Côn Ngọc, sinh trưởng trong một gia đình giàu có ở làng quê. Nhưng anh ta bẩm sinh tính tình hung bạo, lại rất ngang ngược. Dù là chuyện nhỏ nhặt vẫn sinh lòng oán hận, động chút là hoa tay đấm đá người khác. Bởi vì khí chất thô bạo, ồn ào khiến người nhà bất hòa, hàng xóm cũng không dám mạo phạm.
Cùng làng có một thư sinh họ Liêu rất thích tài hoa của anh ta, nhưng lại ghét sự ngang ngược của người này, vì thế xem anh ta như Châu Xử. Châu Xử (236-297) là danh thần thời Tấn. Thuở nhỏ bởi vì làm hại làng xóm nên mọi người liệt anh ta cùng giao long, bạch hổ vào hạng ba loại hại người. Về sau anh ta bỏ tính ác theo điều thiện, cuối cùng trở thành trung thần hiếu tử một lòng cương chính không hề a dua nịnh nọt.
Châu Diễm nghe được chuyện này, phẫn nộ nói: “Anh sao có thể giễu cợt sau lưng bạn bè như vậy?”. Liêu sinh nói: “Châu Xử thuở nhỏ rất giống như Châu Diễm hiện nay, nhưng anh ta về sau trở thành một bậc thiện sĩ, Châu Diễm chưa hẳn có thể được như Châu Xử a”. Châu Diễm nghe xong muốn đánh anh ta. Liêu sinh nhanh chân bỏ chạy được. Châu Diễm đuổi theo, may được mọi người ngăn cản mới dừng lại.
Ngày nọ, có một đạo sĩ đến trước cửa nhà Châu gia, người nhà thí cấp cho ông ấy tiền và gạo, đạo sĩ khẳng khái từ chối. Châu Diễm đi đến cửa hỏi: “Đạo sĩ, ông muốn làm gì?”
Đạo sĩ nói: “Bần đạo rất giỏi việc bắt hổ, muốn vì cậu mà gắng sức”. Châu Diễm cười nhạt nói: “Ví như có hổ, tôi tự mình có thể bắt được, còn cần đến ông sao? Huống hồ nơi này gần ngoại thành, đông người tụ tập, làm gì có con hổ nào?”
Đạo sĩ chỉ vào Châu Diễm nói: “Cậu chính là hổ đấy”. Châu Diễm bất ngờ nổi giận, nói: “Đạo sĩ, ông là thứ gì mà dám mắng chửi người khác là hổ!” nói rồi giơ tay lên trước đánh lên ngực đạo sĩ. Đạo sĩ huơ tay áo hất anh ta bay ra ngoài cả trượng. Châu Diễm nằm trên đất không động đậy được. Lúc này anh ta trong lòng khiếp sợ, tráng khí tiêu tan.
Đạo sĩ cười nói: “Cậu yếu đuối như vậy, còn muốn đánh người khác sao? Bần đạo đến nơi này, sao có thể làm việc xấu? Thấy cậu sắp trở thành kẻ dị thường, cho nên ra tay giúp đỡ. Cậu sao có thể ngoan cố như thế, để đến nỗi như thế này!”
Châu Diễm không hiểu ý. Đạo sĩ giải thích: “Cậu kiếp trước vốn là một con hổ, may mắn chuyển sinh thành người, là bởi vì có đủ thiện niệm. Không ngờ lời nói và hành động của cậu bây giờ, không hề biết kiêng kị, ngang ngược phách lối. Bất quá mùa thu năm nay người sẽ lần nữa hóa thành con hổ.”
Châu Diễm kinh ngạc nói: “Có cách nào không?” Đạo sĩ nói: “Không có cách nào khác, chỉ cần cậu bình tâm tĩnh khí, bản thân nỗ lực làm nhiều việc thiện, còn có thể vãn hồi. Tặng cậu một loại thuốc tốt, dùng xong tất sẽ có hiệu quả. Chớ coi thường.” Đạo sĩ lưu lại thuốc rồi rời đi. Sau đó Châu Diễm đóng cửa ở nhà mấy ngày.
Những người bạn cùng làng nghe nói chuyện này, nối nhau tiến đến chúc mừng. Châu Diễm nói: “Các cậu đều bị đạo sĩ mê hoặc rồi sao? Tôi nghĩ tính tình là bẩm sinh, thay đổi tính tình sẽ thành đạo. Nhưng tôi bản tính cường bạo, cho nên làm những việc ngang ngược, tôi tự nhiên có thể thay đổi tính tình mà tu đạo. Thiên thượng phú cho tôi tính tình như thế, sao có thể làm hại được!” Thế là anh ta vẫn hung bạo như trước, không biết hối cải.
Bỗng một ngày, gió tây cuốn lá, nhanh chóng chuyển vần qua mùa thu. Châu Diễm ở nhà say mê uống rượu, say bí tỉ, nằm trên giường ngủ mất.
Trong mơ, anh ta cảm thấy bản thân khắp người co quắp, giữa xương cốt phát ra tiếng động. Châu Diễm từ trong mơ kinh ngạc tỉnh dậy, kế đó nhìn hai mu bàn tay ẩn ẩn hiện hiện vằn da hổ, lúc ấy vạn phần khiếp sợ, vội vàng cởi y phục ra kiểm tra, phát hiện toàn thân cũng như thế. Anh ta kinh hãi chấn động, kêu lớn. Người nhà vây quanh, ai nấy đều kinh hãi.
Anh ta đột nhiên nhớ đến thuốc mà vị đạo sĩ để lại, gấp gáp dùng ngay. Chỉ trong một bữa ăn, da dẻ đã trở lại bình thường. Lúc này, anh ta mới biết vị đạo sĩ là một người khác thường.
Từ đó, Châu Diễm sửa đổi lỗi lầm, tâm bình khí tĩnh, ước thúc lời nói và hành động của bản thân, đồng thời nỗ lực làm nhiều việc thiện. Anh ta khắc tám chữ lên bên phải chỗ ngồi “Phóng tình thi tửu, tuyệt tưởng công danh” (Buông bỏ tình, thơ, rượu, dứt hẳn ham muốn công danh). Từ đó tự đặt hiệu là Hổ Biến cư sĩ.
Cung Thái (Phú Sát Thị, hiệu Lan Nham) bình phẩm việc này rằng: “Một thiện niệm, hổ có thể chuyển sinh thành người; hung bạo, ngang ngược, người có thể chuyển thành hổ. Giữa bậc thánh hiền và kẻ ngông cuồng, xằng bậy, sai khác chỉ trong gang tấc. Nhưng hổ cũng không phải là loài thú tầm thường. Châu Diễm khẳng khái hào sảng, cho nên được biến thành hổ. Trên đời những kẻ hiểm ác, tà mị như thế, e rằng biến thành chó cũng không được. Loài súc sinh canh cửa ban đêm giúp con người còn dám mơ tưởng mình thành hổ sao?”
- Dựa theo quyển 4 Dạ đàm tùy lục
Do Văn/Đỗ Nhược thực hiện
Thiên Lý biên dịch
Quý độc giả xem bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ.
Xem thêm: