Chuyển dịch liên minh ở Nam Á: Ấn Độ-Hoa Kỳ đối đầu với Trung Quốc-Pakistan
Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) đang gây bất ổn cho khu vực Nam Á.
Ấn Độ đang chuẩn bị chiến đấu trên hai chiến tuyến, trong khi Pakistan cũng phát hiện rằng cái giá phải trả cho Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) cũng bao gồm cả gánh nợ chồng chất, mất đi sự liên minh với Hoa Kỳ, và mối xung đột tiềm tàng với Ấn Độ.
Năm 2018, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc rằng dự án này đã gây ra các nguy cơ nợ nần, các nguy cơ về mặt xã hội, tham nhũng, và làm đình trệ hoặc đóng băng các dự án cơ sở hạ tầng. Thêm vào đó là sự gia tăng khủng bố, sự can thiệp chính trị của quân đội, và những căng thẳng giữa Trung Quốc với Ấn Độ và Hoa Kỳ – điều này đã nói lên tác động của CPEC đối với Pakistan.
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ Alice Wells, Giám đốc Văn phòng Nam Á và Trung Á, từng nói với Trung tâm Wilson rằng chính quyền Trung Quốc đang khai thác Pakistan. Vào thời điểm đó, khoản nợ của Pakistan với Trung Quốc đã lên tới 15 tỷ USD, chưa kể khoản nợ thương mại 6.7 tỷ USD nữa. Các dự án đã được báo giá cao ngất ngưởng, và sau khi khởi công, giá cả thậm chí còn bị nâng cao hơn nữa.
Việc nâng cấp tuyến đường sắt từ Karachi đến Peshawar ban đầu dự kiến sẽ tiêu tốn 8.2 tỷ USD. Bộ Đường sắt Pakistan thông báo rằng giá đã được thương lượng xuống còn 6.2 tỷ USD. Nhưng sau đó lại có thông tin nói rằng giá cả đã tăng lên 9 tỷ USD. Bất chấp tỷ lệ thất nghiệp cao của Pakistan, CPEC lại sử dụng phần lớn các công nhân người Trung Quốc. Việc cho vay “không ràng buộc” của Bắc Kinh đã thúc đẩy tham nhũng, và sự thiếu minh bạch khiến cho việc tìm hiểu chính xác Pakistan nợ những gì, đã chi tiêu những gì, và có bao nhiêu công nhân Trung Quốc ở Pakistan trở nên rất khó khăn.
Ở Balochistan, nơi có Bến cảng Gwadar – điểm cuối của CPEC, các ký giả chống tham nhũng đã bị đe dọa và thậm chí bị sát hại. Theo các ký giả Pakistan, không có báo cáo độc lập nào về CPEC, và những phóng viên duy nhất được cấp phép vào Cảng Gwadar là người của các hãng truyền thông nhà nước của Trung Quốc hoặc Pakistan.
Trong khi việc giám sát CPEC bị cấm ở Pakistan, thì các nhà chức trách và nhà đầu tư Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được những bất lợi ngày càng tăng khi họ tiếp tục đổ tiền vào. Các dự án của CPEC bị chậm lại sau các cuộc bầu cử năm 2018 của Pakistan do những yếu tố như hệ thống chính trị mong manh, các cuộc tấn công khủng bố gia tăng, tình trạng tham nhũng, mất lợi nhuận, và suy thoái kinh tế. Đến năm 2019, các khoản đầu tư và các dự án của CPEC gần như đi vào bế tắc.
Năm 2020, ông Asim Ayub, giám đốc dự án của Cơ quan Hợp tác Công nghiệp CPEC, đã báo cáo rằng khi bản dự thảo về hợp tác công nghiệp được đề nghị cho năm sau được chuyển đến Trung Quốc, nó đã không được đón nhận một cách nhiệt tình. Tệ hơn nữa, cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Hợp tác chung (JCC) đã bị hoãn lại. Có vẻ như Bắc Kinh không còn hào hứng trong việc tiếp tục với CPEC.
CPEC dự kiến sẽ khởi động lại một cách ấn tượng vào năm 2021. Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án vẫn chưa hoàn thành và nhiều dự án dường như không có chút tiến triển nào. Cảng Gwadar là hợp phần quan trọng nhất của CPEC, tuy nhiên, tại thành phố Gwadar, người dân địa phương lại không có nước uống. Vì lo ngại các cuộc tấn công vào dự án này, nên phía Trung Quốc đã yêu cầu tăng cường an ninh và xây hàng rào bao quanh cảng Gwadar. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Baloch đã biểu tình khi có các tin đồn cho rằng khu vực này sẽ bị rào lại và sau đó được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của liên bang.
Do sự thúc giục của Bắc Kinh, một cơ quan thẩm quyền của CPEC đã được thành lập ở Pakistan để điều phối các dự án CPEC. Cơ quan thẩm quyền của CPEC này nằm dưới sự bảo vệ của pháp luật và một vị tướng về hưu, ông Asim Saleem Bajwa, được bổ nhiệm làm giám đốc. Giờ đây người dân địa phương lo ngại rằng quyền kiểm soát tùy ý đối với các dự án trị giá 70 tỷ USD này sẽ chuyển từ chính phủ dân sự sang quân đội. Hơn nữa, ông Bajwa đã bị cáo buộc tội ngấm ngầm tích lũy tài sản và cả các tài sản ở ngoại quốc trong nhiệm kỳ của mình với tư cách là giám đốc CPEC.
Trong giai đoạn đầu của CPEC, đầu tiên Bắc Kinh sẽ giải ngân vốn và tiếp theo là bắt đầu công việc xây dựng. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã trở nên thận trọng hơn về những rủi ro ở Pakistan và thay đổi mô hình này: việc xây dựng phải được bắt đầu trước khi nguồn vốn được giải ngân. Vấn đề đối với nhiều dự án đó là Islamabad bị thâm hụt ngân sách để khởi công xây dựng và do đó, các dự án bị đình trệ.
Rất khó để nhìn thấy những cái lợi dành cho Pakistan. Các khoản vay của CPEC không rõ ràng và nhiều dự án, ngoài việc chưa hoàn thành, còn có giá trị đáng ngờ. Do không có khả năng thanh toán nợ CPEC, Pakistan đã phải tìm đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để nhận một khoản cứu trợ trị giá 6.3 tỷ USD trong vòng ba năm. Ngay cả trong lĩnh vực thương mại, chính quyền Trung Quốc cũng đang bóc lột Pakistan. Xuất cảng năm 2020 của Pakistan sang Trung Quốc là 1.87 tỷ USD, trong khi nhập cảng từ Trung Quốc lại là 12.49 tỷ USD.
Một mối đe dọa đối với Hoa Kỳ và sự ổn định của khu vực đó là một vị tướng về hưu đang giám sát CPEC và hầu hết các dự án đang được quản lý thông qua quân đội. Điều này đã củng cố vai trò của quân đội trong xã hội dân sự, làm suy yếu nền dân chủ của Pakistan. Trong khi đó, quân đội Pakistan đang mở rộng và bộ ba Trung Quốc-Pakistan-Taliban đang có lợi thế hơn so với Ấn Độ.
Ấn Độ đã từ chối tham gia vào BRI của Trung Quốc và coi sự hiện diện của Trung Quốc tại Pakistan là một mối đe dọa. Một phần của CPEC có đi qua Gilgit-Baltistan, thuộc lãnh thổ tranh chấp Kashmir. Kết quả là, khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng trong hoạt động khủng bố/ly khai. Ngoài việc phải đối phó với tình trạng bạo lực leo thang, New Delhi tuyên bố rằng một số dự án CPEC đang ở trên đất Ấn Độ. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại bác bỏ tuyên bố này.
Tại một cuộc họp báo thường niên, Tổng chỉ huy quân đội Ấn Độ M.M. Naravane đã gọi “sự tăng cường hợp tác giữa Pakistan và Trung Quốc, cả trong lĩnh vực quân sự và phi quân sự,” là một “thế gọng kìm” mà quân đội của họ phải chuẩn bị tinh thần trước. Lãnh đạo Không quân Ấn Độ (IAF), Thống chế R.K.S. Bhadauria, cũng cho biết tương tự rằng quy mô lực lượng không quân [của họ] là không đủ để đối mặt với mối đe dọa từ hai phía.
Nhận thấy mối đe dọa từ Pakistan và Trung Quốc – cả hai quốc gia mà Ấn Độ đã từng tham chiến trong quá khứ – Ấn Độ đã gia tăng quy mô quân đội và hợp tác với Hoa Kỳ. Quân đội Ấn Độ thậm chí còn khai triển trực thăng Chinook của Hoa Kỳ để đối đầu với Trung Quốc ở khu vực biên giới.
Ấn Độ, Hoa Kỳ, cùng với Nhật Bản và Úc là thành viên của Đối thoại Tứ giác An ninh – hay còn gọi là Bộ tứ Kim cương (the Quad) – một hiệp ước quốc phòng nhằm mục đích chống lại sự bành trướng của Trung Quốc cộng sản ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hoa Kỳ đã chỉ định Ấn Độ là một Đối tác Quốc phòng Chính vào năm 2016. Ấn Độ cũng được nâng cấp quy chế Quyền Thương mại Chiến lược lên cấp độ 1, theo đó cho phép Ấn Độ có quyền tự do truy cập vào nhiều loại công nghệ lưỡng dụng và quân sự của Hoa Kỳ.
Hợp tác thương mại quốc phòng Hoa Kỳ-Ấn Độ bao gồm Thỏa thuận Trao đổi Hậu cần (LEMOA), Thỏa thuận An ninh và Tương thích Liên lạc (COMCASA), cũng như Thỏa thuận An ninh Công nghiệp (ISA). Giao thương quốc phòng của Hoa Kỳ với Ấn Độ vào năm 2020 đã lên tới 20 tỷ USD.
CPEC được coi là lá cờ đầu trong BRI của ông Tập Cận Bình, nhưng đến năm 2021, dự án này đang bị mất kiểm soát. Các dự án bị đình trệ, hoàn thành chỉ một nửa, và trong nhiều trường hợp, rõ ràng là không thể duy trì được nữa. Pakistan đang gánh món nợ khổng lồ cộng với nạn thất nghiệp. Quốc gia này vẫn đang duy trì một sự thâm hụt thương mại nghiêm trọng với Trung Quốc. Ấn Độ thì đang tự trang bị vũ khí, chuẩn bị cho một cuộc chiến “lưỡng đầu thọ địch”. Và Hoa Kỳ thì đang mất đi một đồng minh, trong khi thu hút một đồng minh khác.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc) và “A Short Course on the Chinese Economy” (Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc).
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: