Chuỗi cung ứng xe điện: Một vấn đề nhức nhối trong mối bang giao giữa EU và Trung Quốc
Hành động tuần trước (16-22/10) của Trung Quốc nhằm hạn chế xuất cảng than chì, một nguyên liệu quan trọng trong pin xe điện, sẽ không chỉ buộc các nhà sản xuất xe hơi Âu Châu phải tăng tốc nỗ lực phát triển các nguồn cung ứng và vật liệu thay thế; mà vì lĩnh vực xe điện ở châu Âu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào pin từ Trung Quốc, chuỗi cung ứng xe điện cũng đang nổi lên như một nguồn căng thẳng mới giữa Bắc Kinh và Liên minh Âu Châu (EU).
Hiện tại, sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường xe điện đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi trong khu vực khi EU đẩy nhanh việc chuyển đổi sang xe điện bằng cách cấm bán xe hơi chạy bằng xăng và dầu diesel mới trong khối từ năm 2035. Hồi tháng Chín, Brussels cũng cam kết bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi Âu Châu khỏi “cuộc đua xuống đáy” thông qua việc điều tra về trợ cấp nhà nước của Trung Quốc cho các nhà sản xuất xe điện.
Bà Ursula von der Leyen, người đứng đầu Ủy ban Âu Châu, bày tỏ lo ngại rằng trợ cấp nhà nước của Trung Quốc cho các nhà sản xuất xe hơi của nước này có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh trong khối và đe dọa lĩnh vực sản xuất của châu Âu.
Trình bày trước Nghị viện Âu Châu ở Strasbourg với tư cách là chủ tịch EU, bà von der Leyen nói rằng thị trường toàn cầu hiện đang bị tràn ngập xe điện rẻ hơn của Trung Quốc và các khoản trợ cấp đáng kể của chính quyền Bắc Kinh đã khiến giá xe điện ở mức thấp một cách giả tạo.
Cuộc điều tra là bước đầu tiên hướng tới việc tăng thuế nhập cảng đối với xe hơi do Trung Quốc sản xuất. EU hiện áp dụng mức thuế 10% đối với xe hơi nhập cảng từ Trung Quốc.
“[Với việc Trung Quốc hạn chế xuất cảng than chì], chuỗi cung ứng xe điện đã trở thành nguồn gốc khiến hiềm khích leo thang giữa Bắc Kinh và phương Tây,” ING cho biết hồi tuần trước trong một ghi chú dành cho khách hàng mà The Epoch Times xem được.
Năm 2020, EU đã xác định than chì tự nhiên là nguyên liệu thô thiết yếu cho khối. Đó cũng được Hoa Kỳ xem là khoáng sản quan trọng và chiến lược.
Tuần trước, chính phủ Hoa Kỳ đã thắt chặt các hạn chế đối với việc tiếp cận vi mạch bán dẫn của các công ty Trung Quốc, bao gồm cả việc tạm dừng bán vi mạch trí tuệ nhân tạo tân tiến hơn của Nvidia.
Tuần đó, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng gặp các quan chức EU để thảo luận về các khoáng sản thiết yếu như một phần của một loạt thỏa thuận có phạm vi lớn.
Hơn nữa, Fitch Ratings cho biết trong một ghi chú hôm 23/10 rằng các thương hiệu xe điện hạng sang, trong đó có cả Mercedes, BMW, và Volkswagen, bán khoảng ⅓ số xe điện của họ tại Trung Quốc. Cơ quan xếp hạng này cho biết: “Sự phụ thuộc này cũng có thể khiến các nhà sản xuất xe hơi Âu Châu phải đối mặt với các biện pháp đáp trả có thể xảy ra đối với cuộc điều tra của EU về trợ cấp sản xuất hoặc các biện pháp bảo hộ tiềm năng khác của Trung Quốc.”
Than chì vì an ninh quốc gia
Viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia, hôm 20/10, Bắc Kinh đã thông báo rằng bắt đầu từ ngày 01/12, việc xuất cảng một số loại than chì sẽ cần giấy phép đặc biệt. Họ cho biết thêm rằng hạn chế này không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
Nhưng theo những hạn chế mới, các nhà xuất cảng phải xin giấy phép vận chuyển hai loại than chì: vật liệu than chì tổng hợp có độ tinh khiết cao, độ cứng cao, và mật độ cao; và than chì vảy tự nhiên cùng các sản phẩm của loại than này.
Trong khi đó, giới hạn tạm thời đối với năm mặt hàng than chì ít nhạy cảm hơn được sử dụng trong các ngành công nghiệp cốt lõi như thép, luyện kim, và hóa chất đã được dỡ bỏ.
Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng than chì toàn cầu, một nguyên tố cơ bản cần thiết để sản xuất pin EV. Ngoài việc là nhà sản xuất và xuất cảng khoáng sản lớn nhất, Trung Quốc còn tinh chế hơn 90% than chì của thế giới thành vật liệu cực dương cho pin EV. Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, những bên mua than chì hàng đầu khác từ Trung Quốc gồm có Hoa Kỳ, Nam Hàn, Nhật Bản, Ba Lan, và Ấn Độ.
Cuộc cạnh tranh
Từ chế biến vật liệu đến chế tạo các thành phần tế bào và pin, Trung Quốc dẫn đầu chuỗi cung ứng toàn cầu về các khoáng chất thiết yếu cần thiết để sản xuất pin EV.
Trong nhiều năm, chính quyền Trung Quốc đã đặt trọng tâm vào công nghệ xe điện, đầu tư hàng tỷ USD dưới dạng trợ cấp của chính phủ và miễn thuế để trợ giúp ngành công nghiệp này.
Ngay từ đầu, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng xe điện sẽ là ưu tiên chiến lược quốc gia, thúc đẩy các công ty Trung Quốc đầu tư vào khai thác mỏ, sàng lọc nguyên liệu thô, và công nghệ pin.
Xét đến thực tế rằng Trung Quốc cho đến nay là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ có động lực mạnh mẽ để gia nhập lĩnh vực này. Ngoài ra, một phần nhờ cơ sở sản xuất mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng hậu cần hiệu quả của Trung Quốc, các công ty xe điện đã có thể nhanh chóng tăng quy mô sản xuất.
Trong nhiều năm, giống như Trung Quốc, EU cũng đã ủng hộ ngành công nghiệp pin EV địa phương. Ví dụ, năm 2017, EU đã thành lập Liên minh Pin Âu Châu để khởi động sản xuất nội khối. Đến năm 2030, mục tiêu là các nhà cung cấp Âu Châu sẽ cung cấp 90% nhu cầu pin của khu vực.
Các quốc gia Âu Châu như Đức cũng đã tạo ra các công nghệ quan trọng cho các phần nhất định của chuỗi giá trị công nghệ pin EV, chẳng hạn như trong lĩnh vực tái chế và dẫn đầu trong việc thử nghiệm các hóa chất pin cải tiến như pin natri-ion.
Tuy nhiên, lĩnh vực pin của châu Âu thiếu quy mô và phải đối mặt với những thách thức trong việc chuyển từ giai đoạn phát triển ban đầu sang thương mại hóa rộng rãi. Châu Âu ngày nay hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc để mua sắm ở một số phần nhất định của chuỗi giá trị, chẳng hạn như tinh chế nguyên liệu thô.
Ghi chú của Fitch Ratings gửi đến khách hàng cho biết: “Chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất xe điện Âu Châu sẽ tiếp tục phụ thuộc vào pin được mua chủ yếu từ Trung Quốc (và Nam Hàn) cho đến khi họ thiết lập thành công nguồn cung ứng từ các khu vực khác, điều này có thể sẽ diễn ra vào khoảng năm 2030.”
Khi thế giới chạy đua hướng tới áp dụng xe điện, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán rằng nhu cầu than chì sẽ tăng từ 20 đến 25 lần trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2040.
Sự phụ thuộc vào Trung Quốc
Theo Fitch, lượng xe điện nhập cảng từ Trung Quốc vào châu Âu đã tăng nhanh trong năm qua, mặc dù xe điện do Trung Quốc sản xuất vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh số bán xe điện mới.
Tuy nhiên, xe điện mang nhãn hiệu Tesla sản xuất tại Trung Quốc có thị phần lớn nhất trên thị trường Âu Châu, ngay cả khi tổng thị phần của Tesla tại châu Âu đã tăng hơn gấp đôi vào tháng Tám cùng thời kỳ năm ngoái, trong khi các thương hiệu có trụ sở tại Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 1% thị phần.
Tuy nhiên, Fitch cho biết, “EU đã tiến hành cuộc điều tra về tính công bằng trong các khoản trợ cấp dành cho sản xuất xe điện của Trung Quốc, điều này có thể thúc đẩy các hành động bảo hộ thương mại của EU và các biện pháp đáp trả của Trung Quốc,” đồng thời lưu ý rằng cuộc điều tra không chỉ giới hạn ở các thương hiệu Trung Quốc và có thể cũng ảnh hưởng đến các thương hiệu xe điện Âu Châu sản xuất tại Trung Quốc.
Trung Quốc đáp trả
Tuy nhiên, các biện pháp đáp trả của Trung Quốc đã bắt đầu.
Các chuyên gia cho rằng các hạn chế xuất cảng than chì mà Trung Quốc áp đặt vào tuần trước tương tự như các hạn chế xuất cảng mà nước này áp đặt vào tháng Bảy đối với các vật liệu gallium và germanium được sử dụng trong vi mạch máy điện toán và các linh kiện khác.
Các biện pháp hạn chế này cũng được hiểu rộng rãi là sự đáp trả đối với các hạn chế của Hoa Kỳ đối với việc bán công nghệ cho Trung Quốc và làm gia tăng mối lo ngại của phương Tây rằng Trung Quốc có thể hạn chế vận chuyển các mặt hàng khác, đặc biệt là kim loại đất hiếm mà quốc gia này cũng thống trị sản xuất.
Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy tất cả các nhà sản xuất xe hơi lớn ở châu Âu đều sử dụng pin khi họ đang cố gắng đáp ứng các quy định của EU về việc loại bỏ dần động cơ đốt trong vào năm 2035. Ví dụ: Mercedes-Benz, BMW, và Volkswagen đang đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển một công nghệ gọi là pin thể rắn.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times