‘Chúng ta không muốn bình đẳng’: Diễn viên hài người Anh nói rằng con người phát triển mạnh mẽ trong cạnh tranh không phải trong sự bình đẳng gượng ép
Ông Konstantin Kisin, một diễn viên hài và là nhà bình luận chính trị người Anh gốc Nga sinh ra tại Moscow trong những năm cuối thời Liên Xô, đã cảnh báo rằng một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nền văn minh phương Tây sẽ đến từ bên trong.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình “American Thought Leaders” [“Những nhà lãnh đạo tư tưởng Mỹ”] của EpochTV, ông Kisin đã thảo luận về cuốn sách mới của mình, “An Immigrant’s Love Letter to the West,” (tạm dịch: Bức thư Tình gửi phương Tây của Một Người nhập cư), trong đó ông nêu rõ tầm quan trọng của văn hóa phương Tây.
Không như những gì nhiều người cấp tiến nghĩ, có một thứ như thế được gọi là sự thật khách quan – đặc biệt là trong các ngành khoa học cứng vật lý, hóa học, và sinh học – và việc tuân thủ nguyên tắc đó, cùng với sự tự do đổi mới và khám phá các khả năng, đã dẫn đến sự thành công của phương Tây, ông Kisin cho biết.
“Nếu chúng ta muốn tiếp diễn trong những xã hội tiến bộ, mở rộng về mặt khoa học, công nghệ tiên tiến này, thì tự do là điều khiến tất cả xảy ra,” ông nói. “Và nếu quý vị không muốn điều đó, thì có rất nhiều xã hội mà quý vị có thể đến và sinh sống. Chỉ cần đừng mang thứ vớ vẩn đó đến đây.”
Ở Liên Xô cũ, và hiện tại dưới sự cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc, đã và đang không có quyền tự do để thử nghiệm và gắng làm một thứ gì đó mới mẻ để xem liệu rằng điều đó có hiệu quả hay không, ông Kissin cho biết.
“Đổi mới không thể xảy ra mà không có tự do và cạnh tranh,” ông nói.
Các vấn đề sáng tác của những người cấp tiến
Ông Kisin cho biết các thế hệ trẻ ở phương Tây không thấy rõ sự may mắn của họ vì họ không có bất cứ thứ gì để so sánh.
Ông nói: “Họ thậm chí không biết rằng một thế giới khác đã từng tồn tại ở nơi nào đó trong quá khứ hoặc hiện có ở một khu vực vị trí địa lý khác.”
Ông Kisin nói rằng các chính phủ độc tài như Nga, Trung Quốc, Cuba, Venezuela, và Bắc Hàn không có những quyền tự do này, nhưng những người cấp tiến lại so sánh Hoa Kỳ với các xã hội không tưởng hoặc chủ nghĩa cộng sản vốn không tồn tại.
Một số người trong xã hội sẽ sẵn sàng sử dụng chủ nghĩa độc tài để theo đuổi một xã hội không tưởng không có thực, và họ sẽ kiểm duyệt hài kịch, đóng các cuộc thảo luận, và loại bỏ các nhân vật chính trị đang cố gắng thách thức những ý đồ đó, ông nói.
“Chúng ta nói về việc loại bỏ nhiều thứ ra khỏi xã hội của chúng ta, như phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, hoặc bất cứ điều gì,” ông cho biết. “Chúng ta còn không thể loại bỏ tội sát nhân ra khỏi xã hội. Chúng ta không thể loại bỏ nạn hiếp dâm khỏi xã hội. Chúng ta không thể loại bỏ đi quá nhiều vấn đề, bởi vì chúng ta không hoàn hảo.”
Nhân loại phát triển mạnh mẽ nhờ cạnh tranh
Bất kỳ chính phủ nào thúc đẩy sự công bằng sẽ phải sử dụng vũ lực để đạt được mức “công bằng” đó, ông Kisin nói.
Ông Kisin cho biết khi ông còn sống ở Liên Xô, chế độ này đã sử dụng các chiến thuật tương tự như của cánh tả mà hiện đang được sử dụng ở Hoa Kỳ, và thuyết phục người dân rằng mọi người nên bình đẳng và cuộc sống phải công bằng. Ông nói rằng chính việc theo đuổi sự công bằng này — các kết quả bình đẳng cho tất cả mọi người — đòi hỏi phải sử dụng vũ lực.
Chính phủ ông Biden đã và đang thúc đẩy các học thuyết “đa dạng, công bằng, và hòa nhập” ở khắp tất cả các cơ quan liên bang dưới hình thức những thay đổi chính sách và các buổi đào tạo.
Nhưng điều này đi ngược lại bản chất cơ bản của con người, ông Kisin cho biết.
“Chúng ta không muốn bình đẳng,” ông nói. “Chúng ta muốn được khen thưởng dựa trên công lao và tài năng của mình. Đó là điều mà mọi người mong muốn.”
Ông Kisin nói rằng ở Liên Xô, trên bề mặt thì mọi người có vẻ đều bình đẳng. Chính quyền cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí, chăm sóc trẻ em miễn phí, giáo dục miễn phí, và công việc được hứa hẹn, và đa số người dân đều hưởng mức giàu có ngang nhau và được trả lương bằng nhau.
Nhưng điều đó xa vời với cái xã hội không tưởng mà các nhà lãnh đạo độc tài hứa hẹn vì nó cướp đi của mọi người động lực để vươn lên và đổi mới, ông cho biết.
“Quý vị làm cho mọi người trở nên bình đẳng bằng cách làm cho mọi người nghèo túng như nhau,” ông Kisin nói. “Và đó là lý do tại sao quý vị cần sự chuyên chế, bởi vì mọi người không muốn nghèo như nhau. Những người làm việc chăm chỉ và những người có tài năng và những người cống hiến nhiều hơn muốn cảm thấy được tưởng thưởng vì điều đó.”
Ông kể rằng tại Nga, người dân đánh mất động lực để làm nhiều hơn. Họ trở nên bằng lòng do họ không được chính phủ tưởng thưởng vì đã nỗ lực nhiều hơn.
Đa sắc tộc, không phải đa văn hóa
Ông Kisin lập luận rằng khi mọi người ở phương Tây nói rằng họ muốn sống trong một xã hội đa văn hóa, thì điều họ thực sự mong muốn là một xã hội đa sắc tộc.
Việc mọi người mang các nguồn gốc sắc tộc và tôn giáo khác nhau sống trong cùng một quốc gia có thể rất tích cực và hữu ích cho sự thịnh vượng, ông nói, nhưng họ phải có cùng bản sắc văn hóa và dân tộc, điều mà tạo ra sự gắn kết.
“Quý vị không thể đưa hệ thống pháp luật tôn giáo của mình vào một xã hội và yêu cầu rằng hệ thống đó song hành với hệ thống pháp luật của quốc gia mà trong đó quý vị đang làm việc,” ông Kisin nói.
Mọi người không phải từ bỏ [bản sắc] độc đáo của đất nước quê hương mình, nhưng họ phải tiếp thu bản sắc dân tộc mới của họ và tự mình trở thành những thành viên đóng góp của xã hội đó.
Ông Kisin cho rằng những người nhập cư phải học ngôn ngữ, hòa nhập vào văn hóa đó, và tiếp nhận các giá trị của quốc gia mới của họ để có thể giúp xã hội đó thịnh vượng.
“Chúng ta không thể sống trong một xã hội có những cấu trúc song song. Xã hội đa sắc tộc: rất, rất quan trọng, rất đáng mơ ước. Tôi nghĩ rất có lợi,” ông nói. “Xã hội đa văn hóa là một công thức đi đến thảm họa.”
Hàng chục cách để hủy hoại phương Tây
Trong cuốn sách của mình, ông Kisin đã đưa vào một danh sách có tiêu đề “Mười cách để hủy hoại phương Tây.”
Danh sách này đả động đến thuyết chủng tộc trọng yếu, việc đánh mất tinh thần, và thúc đẩy chủ nghĩa xã hội thông qua “chủ nghĩa tư bản bất lương.” Nhưng ông Kisin cho biết mối đe dọa lớn nhất trong danh sách này có lẽ là cách cuối cùng: “Là một tên ngốc hữu dụng.”
Ông Kisin cho biết các khoa học gia phương Tây mà phát triển bom nguyên tử trong khuôn khổ Dự án Manhattan đã trao công nghệ hạt nhân cho nhà cựu độc tài cộng sản Joseph Stalin vì các khoa học gia này tin vào chủ nghĩa cộng sản.
“Họ trao nó cho ông ta vì chủ nghĩa cộng sản là hệ tư tưởng đẹp đẽ như thế này mà họ tin tưởng,” ông Kisin cho biết. “Đây là sức mạnh của những tư tưởng bất lương, và nó có thể khiến mọi người làm những điều khủng khiếp và cảm thấy vui mừng về điều đó.”
Ông Kisin nói ông đã quá tập trung vào việc xác định và giải thích vấn đề đến mức vẫn chưa tập trung vào việc làm thế nào để hiểu được những người đã bị truyền bá bởi tư tưởng thù hận.
Ông Kisin cho biết tại Anh Quốc, một phần của vấn đề là người dân tin tưởng vào chính phủ, trên tất cả mọi điều khác, ngay cả để cứu họ khỏi đại dịch COVID-19.
Nhưng chính phủ không thể giải quyết tất cả các vấn đề. Có nhiều thứ họ không thể kiểm soát, và đôi khi, không may là, người dân sẽ thiệt mạng, ông nói.
“Chúng ta tin rằng nếu có vấn đề, thì điều đó có nghĩa là chính phủ đã làm không đúng, và chúng ta cần thêm [sự hiện diện của] chính phủ để vào cuộc và giải quyết vấn đề,” ông Kisin nói. “Nếu chúng ta tiếp tục tin điều đó, thì bất kể vấn đề là gì, câu trả lời sẽ là thêm [sự hiện diện của] chính phủ.”
Đánh mất tinh thần, kẻ thù đến từ bên trong
Ông Kisin cho biết ông tin rằng trong khi có những thế lực bên ngoài đang nỗ lực gây bất ổn cho Hoa Kỳ về các cấp độ xã hội, văn hóa, và kinh tế, thì chính các thế lực bên trong mới là điều mà người Mỹ cần quan tâm nhất, bởi vì nếu không có sự phản đối, thì xã hội sẽ sụp đổ.
“Vấn đề không phải là những người có ác tâm, xấu xa lượn lờ xung quanh những người muốn làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn,” ông nói. “Vấn đề là những người tiếp nhận hệ tư tưởng cho phép [những kẻ xấu xa] làm những điều khủng khiếp nhân danh điều tốt đẹp hơn.”
Một trong những mối đe dọa bên trong nguy hiểm nhất ở Hoa Kỳ là đánh mất tinh thần, ông Kisin cho biết.
Nhiều người dân ở phương Tây thiếu niềm tin vào giá trị của xã hội của chính họ, thay vào đó là sử dụng một xã hội không tưởng để so sánh với xã hội hiện thực, xã hội mà trong đó không thể nào loại bỏ tất cả những thất bại về mặt đạo đức hay xã hội vì bản chất con người là không hoàn hảo.
Ông Kisin cho biết ông nghĩ rằng hầu hết mọi người không biết việc họ đã bị đánh mất tinh thần, hay thiếu sự tin tưởng mà họ cảm nhận thấy trong xã hội và văn hóa của họ là việc không bình thường.
“Việc tự hành mình không ngừng nghỉ này là kiểu được coi tương đương với ‘đây là những gì chúng tôi làm hiện nay,’ nhưng mà điều đó là bất bình thường,” ông nói. “Hiện tại chúng ta đang ở trong một xã hội rất bất bình thường, một xã hội không ngừng nghi ngờ bản thân.”
Tuy nhiên, ông Kisin cho rằng miễn là Hoa Kỳ giữ vững các nguyên tắc và giá trị lập quốc của mình, thì các thế lực ngoại lai không thể nào gây tổn hại.
“Miễn là chúng ta tin tưởng chính mình và chúng ta sẽ sẵn sàng bảo vệ bản thân và bảo vệ những gì chúng ta tin tưởng, thì chúng ta không có gì phải sợ,” ông nói.
Bà Masooma Haq đã bắt đầu đưa tin từ Pakistan cho The Epoch Times từ năm 2008. Hiện tại, bà chuyên viết về nhiều chủ đề bao gồm chính phủ, văn hóa, và giải trí của Hoa Kỳ.
Ông Jan Jekielek là Biên tập viên Cao cấp của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ.” Sự nghiệp của ông Jan đã trải dài trên các lĩnh vực học thuật, truyền thông và nhân quyền quốc tế. Năm 2009, ông tham gia The Epoch Times toàn thời gian và đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả vị trí Tổng Biên tập Trang web. Ông là nhà sản xuất của bộ phim tài liệu về Holocaust từng đạt giải thưởng “Đi tìm Manny.”