Chuẩn bị cho cuộc suy thoái: Doanh nghiệp có thể làm gì để vượt qua giai đoạn suy giảm kinh tế
Lần cuối cùng Hoa Kỳ (và rộng ra, là cả thế giới) phải đối mặt với một cuộc suy thoái lớn là vào năm 2007. Vào thời điểm các nhà kinh tế nói cuộc Đại Suy Thoái đó đã kết thúc, vào tháng 06/2009, thì tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Hoa Kỳ đã giảm đáng kể tới 4,3% so với mức đỉnh điểm vào Q4-2007. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5% trong Q4-2007 và tăng lên 9,5% trong Q2-2009, chạm đỉnh 10% vào cuối năm đó. Đây đã là giai đoạn suy thoái dài nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến, và mọi lĩnh vực của nền kinh tế đều chịu tác động. Giờ đây, khi nhìn lại cách các sự kiện được tiết lộ sau đó, bao gồm các phản ứng của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng, và đặt những dữ kiện đó vào tình huống hiện tại, người ta không thể không thể thấy điều gì khác ngoài cảm giác “deja vu!” (lại vẫn thế).
Có phải vậy không?
Sau khi cố gắng đối phó với cuộc khủng hoảng, nhưng không thành công, bằng các phương pháp truyền thống (cắt giảm lãi suất, kích thích tài khóa, cắt giảm thuế), Cục Dự trữ Liên bang đã xoay trục sang một loạt các công cụ phi truyền thống, bao gồm các chương trình mua tài sản quy mô lớn (LSAP), và mua chứng khoán có bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp (MBS) của Fannie Mae, Freddie Mac, và các ngân hàng tham gia chương trình Cho Vay Mua Nhà Của Liên Bang.
Tiếc thay, một số nhà phân tích lại cho rằng cuộc suy thoái kinh tế sắp tới đây có nguồn cơn từ chính một vài trong số các chương trình này, khiến hiệu suất kinh doanh giảm, trong khi lạm phát vẫn tăng đều. Thời ấy, đã có nhiều tiếng nói ủng hộ hành động mạnh tay hơn và sớm hơn; rất giống với những ý kiến mà chúng ta đã nghe thấy gần đây về hiện trạng của nền kinh tế. Thời ấy, các cơ quan quản lý đã tìm cách xoa dịu mối lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp, giống như cách chúng ta đã thấy họ làm cách đây vài tháng, bằng những câu cửa miệng như “chuyển tiếp”, “không cố hữu” và “tạm thời”. Tuy nhiên, “bài cũ” chính thống bây giờ là: Không có gì phải lo lắng.
Doanh nghiệp cần phải theo dõi những gì
Tốc độ tăng lãi suất điên cuồng của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu cho thấy các cơ quan quản lý hiện đều đang nhận thấy những khó khăn tương tự như nhau đang đến gần, như chúng ta đã thấy vào năm 2007. Tuy nhiên, vào khoảng thời gian hiện nay, theo dõi các dấu hiệu và đi trước bằng cách lập kế hoạch cho những sự kiện tất yếu sẽ xảy ra (nếu/khi nó đến) có thể là một ý tưởng tốt. Các doanh nghiệp tư nhân phải chủ động lập kế hoạch cho cuộc suy thoái (chắc là cuối cùng cũng sẽ đến) của nền kinh tế.
Dưới đây là một số dấu hiệu, mà các nhà quản lý doanh nghiệp nên theo dõi, chúng sẽ cung cấp chỉ dấu cho thấy chúng ta đúng là đang trên đà suy thoái trong chu kỳ kinh doanh:
- GDP giảm hai quý liên tiếp
- Niềm tin của người tiêu dùng giảm sút
- Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng
- Thẻ tín dụng và nợ cho vay tăng dựng đứng
- Sản lượng các nhà máy giảm sút
… và tất nhiên là, ngày càng có nhiều lời bàn tán về sự suy thoái đến từ các lý do của chính phủ, với điệp khúc quen thuộc ấy: Điều tồi tệ nhất không phải là không thể tránh được! Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác với những gì cơ quan quản lý đang buộc phải nói. Ví dụ, Conference Board, một tổ chức nghiên cứu và ủng hộ chính sách thay thế bao gồm các thành viên là doanh nghiệp lớn và nhỏ, cho rằng các doanh nghiệp sẽ thấy bị tác động nặng nề trong những tháng tới đây, và đưa ra cảnh báo này: “Hiện tại, hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng, và thị trường lao động vẫn vững mạnh, bất chấp những khó khăn từ lạm phát và lãi suất. Tuy nhiên, những yếu tố này có khả năng hạn chế đáng kể chi tiêu của người tiêu dùng và hoạt động đầu tư kinh doanh trong các quý tới. Tăng trưởng hàng năm vào năm 2022 sẽ ở mức 2.0% (so với cùng thời kỳ năm trước) và chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng là 0.6% (so với cùng thời kỳ năm trước) vào năm 2023.”
Khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhìn thấy một số dấu hiệu nêu trên, họ sẽ biết rằng suy thoái kinh tế đã đến. Tuy nhiên, đến lúc đó, có thể đã quá muộn để một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể kịp để chuẩn bị cho mình. Vậy, chúng ta đã rơi vào khủng hoảng hay chưa? Không hẳn … nhưng có vẻ như chúng ta đang trên đường rơi vào suy thoái! Và, giống như bất kỳ hành trình không mong muốn nào mà quý vị thực hiện, lập kế hoạch trước một chút có thể khiến hành trình này trở nên dễ chịu hơn nhiều.
Hy vọng cho điều tốt nhất … lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất
Ngày nay, có rất nhiều điều không chắc chắn trong hệ thống kinh doanh và tài chính, và khi các nhà hoạch định của chính phủ và khu vực tư nhân nói rằng họ đang đối phó với một môi trường kinh tế chưa từng có, thì họ đang rất đúng. Tuy nhiên việc lắng nghe người tiêu dùng mới là quan trọng đối với các chủ doanh nghiệp khi lên kế hoạch vượt qua suy thoái kinh tế. Và vì người tiêu dùng đóng vai trò then chốt trong số phận của bất kỳ doanh nghiệp nào, nên điều quan trọng là phải nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng như một cảnh báo sớm để dự đoán cho những thời điểm tồi tệ sắp đến.
Và đó chính xác là những gì mà các chỉ số Tâm lý Người tiêu dùng của Conference Board chỉ ra, thời điểm tồi tệ đang sắp đến. Với việc người tiêu dùng ngày càng bi quan hơn về điều kiện kinh doanh, thị trường lao động, và triển vọng tài chính của họ, đã đến lúc các doanh nghiệp (và cá nhân) phải chủ động và chuẩn bị cho một cuộc suy thoái kinh tế có thể xảy ra (mặc dù không nhất thiết là không thể tránh khỏi).
Đúng là trước đây chúng ta đã trải qua các cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, quy mô của những gì sắp tới có thể dữ dội hơn những gì chúng ta từng thấy trong cả một thế hệ. Điều đó không có nghĩa là mọi doanh nghiệp đều đứng trước bờ vực phá sản … mà chỉ có nghĩa là các doanh nghiệp cần có tầm nhìn và lập kế hoạch để vượt qua khủng hoảng và dành chiến thắng.
Vậy các cá nhân và doanh nghiệp có thể làm gì để vượt qua cơn bão khủng hoảng sắp tới? Dưới đây là một số lời khuyên:
1) Rà soát các kế hoạch hoạt động
Đã đến lúc xem lại các kế hoạch kinh doanh của quý vị, đánh giá đến những gì quý vị có thể đối mặt trong tương lai không xa. Nếu quý vị có (hoặc đã có) kế hoạch mở rộng sang các thị trường mới, phát triển các dòng sản phẩm bổ sung, hoặc giới thiệu một dịch vụ mới, hãy xem xét lại các kế hoạch đó dưới góc nhìn khi có suy thoái. Liệu các đặc điểm về nhu cầu sẽ vẫn giống như quý vị từng dự kiến? Các nhà cung cấp có muốn tiếp tục hỗ trợ quý vị không? Quý vị vẫn dự kiến có được các kỹ năng và chuyên môn (của nhân viên, nhà thầu, lao động tạm thời) cần thiết để thực hiện thành công các kế hoạch đó?
Với dữ liệu chỉ số kinh tế và kinh doanh trong tay, bao gồm dự báo và dự đoán về chu kỳ kinh doanh, hãy kiểm tra các kế hoạch đó để bảo đảm chúng vẫn còn giá trị. Nếu không, hãy xem lại và sửa đổi các điểm cần thiết —kể cả khi điều đó có nghĩa là tạm dừng một số kế hoạch đó vô thời hạn.
2) Xem xét kế hoạch tài chính của quý vị
Trong thời kỳ tốt nhất, Tiền mặt là Vua! Tuy nhiên, trong thời kỳ hoạt động kinh tế suy giảm, Tiền mặt là cứu cánh! Hãy xem xét các kế hoạch tài chính của quý vị từ hai khía cạnh—dòng tiền vào, và dòng tiền ra.
- Dòng tiền vào
Về phía dòng tiền vào, hãy rà soát cấu trúc tính giá của quý vị để xem có bất kỳ cơ hội nào giúp tăng doanh số từ khách hàng. Tuy nhiên, hãy giữ những mức tăng đó ở mức “thực tế”, và hiểu rằng trong thời kỳ suy thoái, mọi người (kể cả khách hàng của quý vị!) đều đang tìm cách cắt giảm chi tiêu. Bảo đảm rằng quý vị không cho khách hàng cái cớ để đưa hàng hóa hoặc dịch vụ của quý vị vào danh sách “không cần đến”!
Nếu quý vị có các tài sản hoặc hàng tồn kho dư thừa, có lẽ bây giờ là thời điểm tốt để xử lý chúng và chuyển số tiền thu được vào quỹ dự trữ của quý vị. Nếu quý vị có thể thuyết phục khách hàng ký hợp đồng dài hạn, mặc dù với mức giá giảm chút đỉnh, nó sẽ mang lại sự chắc chắn cho dòng tiền vào của quý vị. Cuối cùng, hãy theo dõi các chương trình hỗ trợ của chính phủ, nếu chúng được công bố, và đăng ký ngay khi quý vị đủ điều kiện.
- Dòng tiền ra
Có một câu ngạn ngữ cổ thế này: Một dollar tiết kiệm được là một dollar kiếm được! Bây giờ là lúc để xem xét kỹ lưỡng từng đầu mục trong ngân sách chi phí của quý vị, để thử và cắt giảm hoặc loại bớt những thứ không cần thiết mà quý vị vẫn có thể kinh doanh tốt. Đăng ký tới ba dịch vụ thông tin phục vụ kinh doanh có thể là quá mức cần thiết. Liệu quý vị có thể chỉ cần đăng ký một có được không? Làm thế nào để chuyển sang một gói dữ liệu điện thoại di động phục vụ kinh doanh ít tốn kém hơn? Hãy cam kết các hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp của quý vị với mức giá thấp hơn. Và … hãy làm điều không thể tưởng: Cắt giảm bảng lương của doanh nghiệp của quý vị.
Nếu quý vị có các dòng sản phẩm không sinh lãi, hoặc địa điểm kinh doanh không bền vững, có lẽ đã đến lúc đóng cửa hàng hoặc ngừng kinh doanh với chúng. Với việc có rất nhiều doanh nghiệp đang đóng cửa, bên cho thuê mặt bằng đang cố gắng để giữ chân những người đi thuê uy tín. Liệu có cơ hội thương lượng giá thuê thấp hơn không?
3) Xem lại chiến lược xuất hóa đơn của quý vị
Nếu quý vị phải chờ một khoảng thời gian dài từ lúc lập hóa đơn cho khách hàng cho đến lúc nhận được tiền, thì đã đến lúc xem lại chính sách lập hóa đơn của quý vị. Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, quý vị thu tiền sau khi xuất hóa đơn càng nhanh thì quý vị càng có thể sử dụng các khoản tiền đó hiệu quả hơn. Vì vậy, nếu quý vị đang có vòng quay thu nợ chậm hơn thông thường (có lẽ khách hàng của quý vị cũng đang gặp khủng hoảng tài chính!), hoặc nếu quý vị đang phải đối mặt với các khoản nợ khó đòi cao hơn bình thường hoặc gặp phải khách hàng gây khó dễ, thì đã đến lúc xem lại các điều khoản cho chậm trả của quý vị.
Một cách để công việc thu nợ bớt căng thẳng là chiến lược có tên gọi là Invoice Factoring (Bao thanh toán). Trên thực tế, phương thức này đòi hỏi một doanh nghiệp “bán” hóa đơn của mình với giá chiết khấu cho một công ty cung cấp dịch vụ bao thanh toán chuyên nghiệp. Tùy thuộc vào phương thức hoạt động của dịch vụ bao thanh toán đó, quý vị nhận được một số tiền ít hơn số ghi trên hóa đơn (ví dụ: 80%) nhưng được trả trước, và nhận số dư còn lại — sau khi đã trừ phí dịch vụ — sau khi công ty bao thanh toán thu được tiền của hóa đơn ấy.
Lấy ví dụ: nếu trong thời kỳ suy thoái kinh tế, quý vị nhận ngay 4,000 USD trên hóa đơn 5,000 USD (80%) mà không phải đợi 60 hoặc 90 ngày để nhận được tiền — đó là một điểm cộng. Và, sau khi họ thu được số dư còn lại của quý vị là 1,000 USD, họ sẽ chuyển tới quý vị một phần (ví dụ: 850 USD) và giữ số dư còn lại (có thể là 150 USD hay là 3% giá trị hóa đơn) là phí của họ. Và đó không phải là một thỏa thuận tồi để bảo đảm quý vị có được một dòng tiền ổn định.
4) Trả hết các khoản nợ giá cao
Để “chế ngự lạm phát”, các chính phủ dự kiến sẽ tung ra các đợt tăng lãi suất chưa từng có trong những tháng tới. Khi họ làm như vậy, những bên cho vay sẽ làm theo và điều đó có nghĩa là chi phí trả nợ của quý vị cũng sẽ tăng lên. Khi phân tích kỹ vào dòng tiền ra của quý vị, hãy đặc biệt chú ý đến các khoản nợ có chi phí cao — chẳng hạn như các khoản vay thế chấp và các khoản vay thẻ tín dụng. Hãy sử dụng một phần của số tiền tiết kiệm được từ việc cắt giảm chi phí và từ nguồn doanh thu bổ sung được tạo ra từ việc rà soát dòng tiền vào của quý vị để thanh toán một phần khoản nợ.
Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng mặc dù việc thanh lý khoản nợ sớm thường là một ý tưởng hay, nhưng nó có thể không phải là chiến lược phù hợp cho mọi doanh nghiệp đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế. Hãy xem quý vị có thể sử dụng số tiền đó một cách hiệu quả hơn không — chẳng hạn như để bổ sung cho hoạt động kinh doanh hoặc để đáp ứng việc trả lương tháng tới?
5) Xem lại kế hoạch tiếp thị của quý vị
Nếu quý vị chưa bắt đầu triển khai hoạt động tiếp thị trực tuyến, thì bây giờ là thời điểm hoàn hảo để làm điều đó! Mặc dù nhiều đối thủ cạnh tranh và đồng nghiệp của quý vị có thể đã đóng cửa các cửa hàng truyền thống, và chuyển sang mô hình chỉ bán trực tuyến — có lẽ quý vị lại chưa sẵn sàng để thực hiện bước chuyển đổi đó. Và, thế còn mô hình tiếp thị lai thì sao? Hoặc, có thể chuyển sang mô hình “trực tuyến trước”, như vậy quý vị vẫn sẽ có lựa chọn chuyển lại về mô hình mua tại-cửa-hàng nếu nền kinh tế đảo chiều nhanh chóng.
Suy thoái và sụt giảm kinh tế — dù là thực tế hay dự kiến — có xu hướng làm thay đổi các đặc tính của khách hàng một cách mạnh mẽ. Chiến lược tiếp thị hiện tại của quý vị liệu có còn phù hợp hay không? Quý vị có đang tiếp thị đúng nhóm khách hàng tiềm năng hay không — vì họ cũng có khả năng gặp phải khó khăn do suy thoái kinh tế? Nếu không, thì hãy nhanh chóng tiếp thị sản phẩm và dịch vụ của mình đến với những đối tượng mục tiêu mới của quý vị.
Đôi khi, tồn tại trong thời kỳ kinh tế khó khăn không phải là tăng thị phần, mà là duy trì những gì quý vị đang có. Thay vì phân bổ ngân sách tiếp thị của quý vị quá lan man, với hy vọng thu hút khách hàng mới, hãy xem xét các khách hàng hiện tại xem họ là ai, và cung cấp cho họ một đề nghị giá trị để họ tiếp tục trung thành với thương hiệu của quý vị: mức giá đặc biệt để gia hạn tư cách thành viên hoặc cải thiện trải nghiệm khách hàng để giữ chân khách hàng quan trọng. Tỷ lệ đặc biệt dành riêng cho khách hàng lâu năm? Giảm giá cho khách hàng hiện tại? Ngay cả việc tăng nhẹ doanh thu cũng được hoan nghênh trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
6) Tăng cường dự trữ tiền mặt của quý vị
Dự trữ đủ tiền mặt chính là tuyến phòng thủ cuối cùng để vượt qua những thời điểm khó khăn về kinh tế. Đó là nguồn quỹ đặc biệt mà quý vị sử dụng khi không thể tìm ra cách nào khác để có thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình. Cách đáng tin cậy nhất để xây dựng quỹ dự trữ đó là cẩn thận dành một phần doanh thu hàng tháng (hàng quý) của quý vị để dành cho trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, vấn đề với việc xây dựng quỹ dự trữ, và duy trì nó trong dài hạn, là những khoản tiền đó “vượt quá giới hạn” mà phải dành cho các mục đích hoạt động khác — mua hàng tồn kho, mua lại đối thủ cạnh tranh, v.v.
Một cách để xây dựng quỹ khẩn cấp là trao đổi với bên cấp tài chính cho quý vị và xem liệu quý vị có đủ điều kiện nhận Hạn mức Tín dụng Phục vụ Kinh doanh (BLoC) hay không. Nếu quý vị đang là khách hàng doanh nghiệp tốt của ngân hàng trong nhiều năm, với hồ sơ tín dụng tốt, thì việc tiếp cận được một hạn mức tín dụng như vậy có thể đồng nghĩa với việc quý vị không cần có một quỹ khẩn cấp lớn. Điều này cho phép quý vị linh hoạt hơn trong việc sử dụng quỹ dự trữ được hiệu quả hơn, khi biết rằng mình có đủ khoản tín dụng cho dự phòng — khi cần đến nó.
Lời nhắn cuối
Mọi người thường nói rằng lập kế hoạch tốt chính là quản lý tốt hơn! Và đó chính xác là điều mà các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp SME, phải làm — lập kế hoạch tốt để quản lý tốt hơn khi tình trạng suy thoái kinh tế có thể sẽ xảy ra. Xem lại các kế hoạch hoạt động kinh doanh, xem kỹ các kế hoạch tài chính, và rà soát từng dòng trong kế hoạch thu nhập và chi tiêu của quý vị. Nếu có thể, hãy cắt giảm các khoản chi tiền mặt không thiết yếu, và trì hoãn (nếu không phải là hủy bỏ) các khoản chi tiêu không khẩn cấp.
Quý vị cũng có thể thận trọng khi tăng cường quỹ dự trữ tiền mặt khẩn cấp bằng cách sử dụng các chiến lược nâng cao doanh thu và sáng tạo như Bao Thanh toán. Đáp ứng đủ điều kiện để nhận BLoC cũng có thể là một ý tưởng hay. Kể cả khi cuối cùng quý vị không sử dụng đến hạn mức tín dụng đó, thì thực tế rằng quý vị có được nguồn tài trợ bổ sung như vậy sẽ khiến việc vượt qua suy thoái kinh tế — nếu có xảy ra — ít căng thẳng hơn.
Một lời cảnh báo cuối cùng: Lập kế hoạch và chuẩn bị cho một chu kỳ kinh doanh suy giảm có thể sắp xảy ra không có nghĩa là tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh. Điều đó cũng không có nghĩa là quý vị không nên tích cực tìm kiếm những cơ hội tốt có thể xuất hiện. Chẳng hạn, nếu đối thủ cạnh tranh đang thanh lý hoạt động kinh doanh của họ — với mức chiết khấu cao, giá chỉ còn vài xu trên mỗi dollar tài sản — thì có lẽ đó là cơ hội để quý vị nhảy vào, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải gánh một khoản nợ nhỏ. Đây có thể là một trong những thời điểm mà quý vị cần có một BLoC của mình để tận dụng tối đa cơ hội chỉ có một lần trong đời nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh và tăng trưởng doanh thu trong tương lai.
Do Chris Porteous của Due thực hiện
Minh Trí biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times