Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson công bố dự luật viện trợ ngoại quốc trị giá 95 tỷ USD
Các dự luật này tập trung vào Israel, Ukraine, và Đài Loan.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đã công bố một loạt dự luật viện trợ cho ngoại quốc với tổng trị giá 95 tỷ USD, trong bối cảnh ông phải đối mặt với những thách thức và thất vọng nữa từ hội nghị của đảng mình.
Gói được công bố hôm 17/04 bao gồm các dự luật tài trợ cho Ukraine, Israel, Đài Loan, và các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác.
Mức 95 tỷ USD khiến gói này gần như ngang bằng với gói viện trợ cho ngoại quốc và an ninh quốc gia đã được Thượng viện thông qua trước đó mà ông Johnson đã từ chối tiếp nhận tại Hạ viện.
Trong số 95 tỷ USD đó, khoảng ⅔ số tiền — 61 tỷ USD — sẽ đến Ukraine. Hơn 26 tỷ USD sẽ được chuyển đến Israel, và 16.5 tỷ USD được dành cho tài trợ quân sự, bao gồm cả việc bổ sung nguồn dự trữ đã cạn kiệt của hệ thống phòng thủ phi đạn Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel.
Gần 10 tỷ USD tài trợ bổ sung dự kiến sẽ được dùng để cứu trợ nhân đạo cho “các nhóm dân cư và cộng đồng dễ bị tổn thương” ở Dải Gaza.
Cuối cùng, dự luật bao gồm khoảng 8 tỷ USD dành cho các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ — cụ thể là Đài Loan — trong bối cảnh sự hiếu chiến ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Một dự luật thứ tư dự kiến đưa ra đã không được công bố cùng ba gói này.
Dự luật đó dự kiến sẽ bao gồm một lệnh cấm TikTok sửa đổi — đã được Hạ viện thông qua nhưng bị đình trệ ở Thượng viện — và Đạo luật REPO, cho phép Hoa Kỳ tài trợ cho một số khoản viện trợ cho ngoại quốc trong gói này bằng cách tịch thu tài sản của các nhà tài phiệt Nga.
Việc giới thiệu gói dự luật này có thể gây căng thẳng trong hội nghị đang bị chia rẽ sâu sắc của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, làm tăng nguy cơ ông Johnson sẽ phải đối mặt với kiến nghị truất phế giống như Chủ tịch tiền nhiệm Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California).
Kể từ tối ngày 15/04, khi ông Johnson công bố kế hoạch viện trợ cho ngoại quốc mới, ông đã phải đối mặt với áp lực từ hai thành viên trong hội nghị của mình, khi Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) và Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky) kêu gọi ông từ chức.
Đó là một lời kêu gọi mà ông Johnson cho biết ông không có ý định thực hiện.
Tuy nhiên, với việc thế đa số với cách biệt hai phiếu mỏng manh của Đảng Cộng Hòa sẽ sớm giảm xuống còn đa số với cách biệt một phiếu khi Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) rời đi vào cuối tuần này, mối đe dọa do bà Greene và ông Massie đặt ra là không thể xem nhẹ.
Bà Greene cho biết bà “kiên quyết phản đối kế hoạch này,” nhưng vẫn chưa thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bà sẽ kích hoạt kiến nghị truất phế để đáp lại kế hoạch đó. Bà đã lặp lại nhiều lần rằng bà chưa “đề ra ranh giới đỏ” về điều gì sẽ khiến bà kích hoạt kiến nghị này.
Nếu bà Greene kích hoạt kiến nghị bãi nhiệm ông Johnson, điều đó sẽ bảo đảm rằng ông sẽ cần sự ủng hộ của Đảng Dân Chủ để giữ được công việc của mình.
Mặc dù các thành viên Đảng Dân Chủ vẫn chưa cam kết ủng hộ ông Johnson để ông có thể trụ vững trước một kiến nghị như vậy, nhưng Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York) đã bày tỏ rằng điều đó không phải là không thể.
“Nếu Chủ tịch làm điều đúng đắn và cho phép Hạ viện biểu quyết trực tiếp về dự luật an ninh quốc gia này, thì tôi tin rằng có một số lượng hợp lý thành viên Đảng Dân Chủ sẽ không muốn chứng kiến Chủ tịch bị bãi nhiệm,” ông Jeffries cho biết trong cuộc họp báo vào tuần trước.
Một số thành viên Đảng Dân Chủ, kể cả cựu Chủ tịch Hạ viện Jim Clyburn (Dân Chủ-South Carolina), đã cho biết họ sẽ bảo vệ ông Johnson nếu được ông Jeffries yêu cầu.
Các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện cũng đã phát đi tín hiệu ban đầu rằng họ sẽ ủng hộ kế hoạch này.
“Điều quan trọng là nội dung của gói dự luật. Thực chất mới là quan trọng,” Dân biểu Pete Aguilar (Dân Chủ-California), Chủ tịch Đảng Dân Chủ, nói với các phóng viên vào ngày 16/04.
Sau khi gói dự luật này được công bố, Tòa Bạch Ốc đã tuyên bố ủng hộ gói này.