Hoa Kỳ thả viện trợ xuống Gaza giữa hoàn cảnh khắc nghiệt tại khu vực do Hamas kiểm soát
Kể từ cuộc tấn công khủng bố vào Israel ngày 07/10/2023 của Hamas, Hoa Kỳ đã thả 946 tấn vật tư xuống Gaza.
Theo tuyên bố ngày 18/04 của bộ chỉ huy quân sự Hoa Kỳ ở Trung Đông, Hoa Kỳ đã thả một đợt viện trợ nhân đạo khác vào Gaza.
Trong một tuyên bố được đăng trên X, trước đây gọi là Twitter, Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (CENTCOM) cho biết họ đã thả khoảng “50,600 suất ăn tiêu chuẩn Hoa Kỳ xuống Bắc Gaza, một khu vực có nhu cầu rất lớn, cho phép thường dân tiếp cận hàng viện trợ thiết yếu” thông qua các phi cơ C-130 của Không quân Hoa Kỳ.
25 khối hàng viện trợ đã được thả xuống vùng Địa Trung Hải này.
Kể từ cuộc tấn công khủng bố vào Israel ngày 07/10/2023 của Hamas, Hoa Kỳ đã thả 946 tấn viện trợ nhân đạo.
CENTCOM cho biết: “Các đợt thả hàng nhân đạo của Bộ Quốc phòng góp phần vào các nỗ lực không ngừng của chính phủ Hoa Kỳ và quốc gia đối tác nhằm giảm bớt khốn khổ cho người dân. Những đợt thả hàng này là một phần trong nỗ lực bền vững, và chúng tôi sẽ tiếp tục lên kế hoạch cho những lần giao hàng từ trên không tiếp theo.”
Hoa Kỳ đã tiến hành hơn chục đợt thả hàng viện trợ nhân đạo tới Gaza — vốn là khu vực do Hamas kiểm soát và đang trên bờ vực xảy ra nạn đói, theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vào tháng trước (03/2024).
Theo WFP, 70% người dân ở phía bắc Gaza đang trải qua nạn đói thảm khốc có thể đẩy một nửa tổng dân số Gaza đến bờ vực sinh tử.
Thông tin này, do cơ quan uy tín của cộng đồng quốc tế có chuyên môn về xác định mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng khan hiếm thức ăn đưa ra, được công khai trong bối cảnh Israel phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ ngay cả các đồng minh thân cận nhất của mình để tạo thuận lợi cũng như mở thêm nhiều tuyến đường bộ để viện trợ cho Gaza.
Các nhóm viện trợ phàn nàn rằng việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cũng như đường biển của Hoa Kỳ và các nước khác quá chậm chạp và số lượng quá ít.
Những thông tin mới nhất về nạn đói ở Gaza được hệ thống Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) cập nhật. Hệ thống này là một sáng kiến được đề ra lần đầu tiên vào năm 2004 trong nạn đói ở Somalia nhằm xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất an ninh lương thực. Hiện tại IPC đã bao gồm hơn một chục cơ quan, nhóm viện trợ của Liên Hiệp Quốc, các chính phủ, và nhiều cơ quan khác.
Theo IPC, hầu như mọi người ở Gaza đang phải chật vật để kiếm đủ lương thực, và khoảng 677,000 người — gần ⅓ trên tổng số 2.3 triệu người — đang phải trải qua nạn đói thảm khốc ở mức độ cao nhất.
Điều đó có nghĩa là họ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng và suy dinh dưỡng cấp tính.
Con số này bao gồm khoảng 210,000 người ở phía bắc Gaza.
Theo IPC, nạn đói hoàn toàn có thể xảy ra ở miền bắc bất cứ lúc nào từ nay cho đến tháng Năm.
Một khu vực được coi là gặp phải nạn đói khi 20% số gia đình thiếu lương thực nghiêm trọng, 30% trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính, và cứ 10,000 người thì có ít nhất 2 người lớn hoặc 4 trẻ em tử vong mỗi ngày.
Báo cáo này nêu rằng điều kiện đầu tiên đã hội đủ và “rất có thể” điều kiện thứ hai cũng vậy.
Bản tin có sự đóng góp của Associated Press.
Tuệ Minh lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times