Chính phủ TT Biden thông qua dự án khoan dầu quy mô lớn tại Alaska
ConocoPhillips được cấp phép khai triển Dự án Willow trị giá 8 tỷ USD, trong khi đó chính phủ sẽ cấm khoan dầu ở các khu vực của Bắc Băng Dương
Quyết định của chính phủ Tổng thống (TT) Biden cho phép ConocoPhillips tiến hành Dự án North Slope Alaska Willow trị giá 8 tỷ USD trong khi hạn chế khai thác dầu ở Bắc Băng Dương và cấm cho thuê khoan dầu khí mới trên 13 triệu mẫu Anh (khoảng 5.3 ha) trong tổng diện tích 23 triệu mẫu Anh (khoảng 9.3 ha) của Khu dự trữ Dầu khí Quốc gia tại Alaska đang vấp phải sự chỉ trích từ tất cả các bên.
ConocoPhillips và phái đoàn quốc hội lưỡng đảng của tiểu bang này không nằm trong số những người chỉ trích.
“Đây là quyết định đúng đắn đối với Alaska và quốc gia của chúng ta,” ông Ryan Lance, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc ConocoPhillips, cho biết: “Willow phù hợp với các ưu tiên của Chính phủ TT Biden về công bằng xã hội và môi trường, tạo thuận tiện cho quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng cường an ninh năng lượng của chúng ta, đồng thời tạo ra công ăn việc làm tốt cho nghiệp đoàn và mang lại lợi ích cho các cộng đồng Cư dân Bản địa ở Alaska.”
Đối với tập đoàn ConocoPhillips có trụ sở tại Houston, sự chấp thuận của Tòa Bạch Ốc kết thúc 5 năm xem xét theo quy định, trong đó đề xướng ban đầu gồm năm pad khoan (địa điểm khai thác dầu) của công ty năng lượng này đã giảm xuống còn ba pad khoan với mối lo ngại ngày càng tăng — cho đến khi quyết định này được đưa ra hôm 13/03; Cục Quản lý đất đai (BLM) của Bộ Nội vụ (DOI) đã khuyến nghị rằng Willow nên được tách thành hai pad khoan, vốn có thể khiến nỗ lực này không khả thi về mặt tài chính.
Trong một tuyên bố, ConocoPhillips cho biết tập đoàn “hoan nghênh quyết định này … áp dụng kế hoạch ba pad khoan cốt lõi,” và ông Lance bảo đảm dự án Willow “sẽ cung cấp năng lượng đáng tin cậy đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về môi trường.”
2,500 việc làm trong ngành xây dựng; 300 nhân sự làm việc dài hạn
ConocoPhillips sẽ chi tới 8 tỷ USD để xây dựng các con đường, đường ống, và 219 giếng dầu vốn sẽ cần tuyển dụng 2,500 nhân sự xây dựng của tiểu bang Alaska. Điều này đã thu hút sự ủng hộ từ tổ chức nghiệp đoàn CIO-AFL Alaska dành cho dự án Willow.
Ba pad khoan phủ lớp nền sỏi rộng 12 mẫu Anh (khoảng 4.9 ha) này sẽ trải rộng trên khu đất có diện tích 556 mẫu Anh (khoảng 225 ha). Mỗi pad khoan, nơi 300 nhân sự làm việc dài hạn của dự án này sẽ sinh sống, có bán kính khoan ngang 55 dặm vuông (khoảng 142 km²) ở độ sâu 22,000 feet (6.7 km). Trong khoảng thời gian 30 năm của dự án, công ty dự trù mở rộng bán kính pad khoan lên 154 dặm vuông (khoảng 400 km²), và đào sâu tới 37,000 feet (khoảng 11.3 km) bên dưới vùng lãnh nguyên này.
ConocoPhillips dự báo dự án Willow sẽ sản xuất tới 180,000 thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 1.5% tổng sản lượng dầu của Hoa Kỳ. ConocoPhillips cho biết trong suốt vòng đời kéo dài ba thập niên, dự án này sẽ sản xuất hơn 600 triệu thùng dầu và tạo ra doanh thu lên tới 17 tỷ USD cho chính phủ liên bang, tiểu bang Alaska, khu vực North Slope Borough, và các cộng đồng tại khu vực North Slope.
Hồi năm 2018, ConocoPhillips đã đệ trình đề xướng gồm năm pad khoan của mình. Đến tháng 10/2020, đề xướng này đã được DOI của chính phủ cựu TT Trump thông qua. Trong khi đó, Earthjustice nằm trong số các nhóm phản đối về mặt pháp lý tuyên bố tác động môi trường (EIS) của BLM vốn chấp thuận dự án này. Bộ Tư pháp của chính phủ TT Biden đã bảo vệ EIS trong các thủ tục tố tụng tại tòa án.
Hồi tháng 08/2021, một thẩm phán liên bang đã giữ nguyên sự chấp thuận và trả lại EIS cho BLM để sửa đổi, yêu cầu tuyên bố này sẵn sàng trong vòng 18 tháng.
Hôm 01/02, BLM đã đưa ra đánh giá mới của cơ quan này, đồng thời khuyến nghị trong “phương án thay thế ưu tiên” của mình rằng dự án Willow sẽ được tái chấp thuận, nhưng giảm từ năm pad khoan thành ba pad khoan.
Một quyết định dự kiến sẽ được đưa ra sau một giai đoạn lấy ý kiến công khai kéo dài 30 ngày bắt đầu hôm 01/02 khi BLM công bố EIS sửa đổi của mình, và hết hạn hôm 02/03.
Thông tin về quyết định này được đưa ra hồi cuối tuần qua (11-12/03), dự kiến sẽ có một thông báo chính thức vào ngày 15/03. Nhưng BLM đã công bố quyết định của họ sớm — hôm 13/03 — bằng cách đăng Tuyên bố Tác động Môi trường (EIS) bổ sung dài 68 trang trên trang web của cơ quan này.
Người Alaska tán thành
Lưỡng viện của Cơ quan Lập pháp Alaska đã đồng thuận thông qua một nghị quyết phê chuẩn Dự án Willow. Thống đốc thuộc Đảng Cộng Hòa Mike Dunleavy là một người đề xướng, và thuộc phái đoàn quốc hội của tiểu bang này — các Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng Hòa Lisa Murkowski và Dan Sullivan cùng Dân biểu thuộc Đảng Dân Chủ Mary Peltola — ủng hộ dự án này.
Hôm 01/3, bà Murkowski, ông Sullivan, và bà Peltola đã tham gia một “nhóm tinh tú tuyệt vời của hoàng gia Alaska” bao gồm các nhà lập pháp tiểu bang, các đại diện nghiệp đoàn, người Mỹ bản địa, và người bản địa Alaska ở tiểu bang Washington để kêu gọi TT Biden chấp thuận dự án Willow.
“Chúng ta đã làm được, Alaska!” bà Murkowski đã viết trong một tweet. “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi Dự án Willow khả thi về mặt kinh tế đang được tái chấp thuận. Thật là một chiến thắng lớn và cần thiết cho toàn bộ tiểu bang Alaska. Dự án này sẽ tạo ra các lợi ích kinh tế và an ninh lâu dài cho tiểu bang và quốc gia của chúng ta.”
Trong một tuyên bố chung, bà Murkowski, ông Sullivan, và bà Peltola cho biết họ “hoan nghênh quyết định của chính phủ TT Biden … sau vụ kiện tụng, một lệnh tạm hoãn của tòa án, nhiều năm phân tích môi trường bổ sung, và một sự thúc đẩy hiệp lực mạnh mẽ trên toàn tiểu bang” để thông qua “một dự án ba pad khoan khả thi về mặt kinh tế.”
Ông Sullivan cho biết dự án này “rất quan trọng đối với nền kinh tế Alaska, các công việc được trả lương cao cho những gia đình của chúng ta, và sự thịnh vượng trong tương lai của tiểu bang chúng ta” cũng như “đối với an ninh quốc gia và môi trường của chúng ta. Sản xuất năng lượng rất cần thiết của Mỹ ở Alaska với các tiêu chuẩn về môi trường cao nhất thế giới và lượng khí thải thấp nhất giúp cải thiện môi trường toàn cầu.
“Giờ đây, đó là trách nhiệm của chúng ta ngay tại Alaska để bảo đảm rằng chúng ta tận dụng tốt nhất cơ hội này — rằng chúng ta sử dụng doanh thu, các cơ hội về việc làm và kinh tế từ dự án này để thực hiện các dự án đầu tư vào tương lai của Alaska,” bà Peltola nói. “Chúng ta cần xây dựng các trường học, trữ lượng nhà ở, các mạng lưới điện, và Internet ở nông thôn của chúng ta, và nhiều hơn nữa, để biến nơi đây thành một nền kinh tế đích thực của thế kỷ 21. Chúng ta có thể biến Alaska thành một ví dụ kiểu mẫu trên toàn quốc và toàn cầu về một cầu nối năng lượng vào tương lai thực sự trông ra sao.”
Các hạn chế mới ‘không rõ ràng về mặt pháp lý’
Mặc dù hoan nghênh việc dự án Willow được thông qua, ông Sullivan đã chỉ trích quyết định của chính phủ về việc cấm sử dụng vô thời hạn 2.8 triệu mẫu Anh (khoảng 1.1 ha) của Biển Beaufort ở Bắc Băng Dương và 13 triệu mẫu Anh (khoảng 5.3 ha) trong Khu Dự trữ Dầu khí Quốc gia Alaska để cho thuê khoan dầu khí trong tương lai.
“Cuộc chiến giải khai năng lượng Mỹ và Alaska còn lâu mới kết thúc,” ông cho hay. “Thực tế rằng [quyết định thông qua] dự án Willow này đi kèm với thông báo về các hạn chế phát triển tài nguyên không rõ ràng về mặt pháp lý trong tương lai đối với các vùng đất và vùng biển Alaska đang gây phẫn nộ và chứng tỏ rằng lệnh phong tỏa chưa từng có ở tiểu bang chúng ta của chính phủ Tổng thống Biden sẽ tiếp tục.”
Các hạn chế ở Bắc Cực này cũng đã thu hút sự chỉ trích từ Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ (API), tổ chức đại diện cho các công ty dầu khí lớn nhất quốc gia, khi viện dẫn “các tín hiệu mâu thuẫn” khó hiểu của chính phủ đối với ngành này.
“Trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, chính phủ Tổng thống Biden nên tập trung vào việc tăng cường an ninh năng lượng của Hoa Kỳ và đồng hành cùng các gia đình lao động ở Alaska bằng cách ủng hộ sự phát triển có trách nhiệm của các vùng đất và vùng biển liên bang — chứ không phải hành động để hạn chế sự phát triển đó,” Phó Chủ tịch Cao cấp của API Frank Macchiarola cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi kêu gọi chính phủ chấm dứt các tín hiệu mâu thuẫn về chính sách năng lượng và thay vào đó tập trung vào các giải pháp thực sự cho người dân Mỹ.”
Các mối quan tâm về môi trường
Những người phản đối gọi Dự án Willow là “một quả bom carbon,” cho rằng, theo phân tích của BLM, dự án này sẽ sản xuất đủ dầu mỗi năm để thải ra 9.2 triệu tấn carbon vào khí quyển, tương đương với lượng phát thải kết hợp của 2 triệu xe hơi chạy bằng xăng.
BLM tính toán rằng trong vòng 30 năm, dự án Willow sẽ thải ra khoảng 278 triệu tấn carbon, mà những người phản đối cho là nhiều hơn 70 nhà máy nhiệt điện than có thể sản xuất mỗi năm.
Việc thông qua đề xướng ba pad khoan này đã khiến nhiều thành viên Đảng Dân Chủ và các nhóm môi trường nổi giận, bao gồm Liên đoàn Cử tri Bảo tồn, Câu lạc bộ Sierra, và Earthjustice, trong số những nhóm tạo phiếu bầu quan trọng cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Biden. Những người phản đối đã ra mắt một bản kiến nghị chớp nhoáng #StopWillow (Hãy Chấm Dứt Willow), thuyết phục hơn 50 triệu người ký tên yêu cầu tổng thống dừng dự án này.
“Tổng thống Biden đã chấp thuận Willow khi hoàn toàn biết rõ rằng dự án này sẽ gây ra sự hủy diệt lớn và không thể đảo ngược, vốn là điều thật kinh khủng,” Luật sư Cao cấp của Trung tâm Đa dạng Sinh học, bà Kristen Monsell cho biết trong một tuyên bố. “Con người và động vật hoang dã sẽ bị ảnh hưởng, và việc khai thác cũng như đốt cháy nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn sẽ khiến khí hậu ấm lên nhanh hơn. Tổng thống Biden không có lý do gì để cho phép dự án này tiếp tục dưới mọi hình thức. Hoạt động khoan mới ở Bắc Cực là vô nghĩa, và chúng tôi sẽ chiến đấu hết mình để ngăn ConocoPhillips động thổ.”
“Chúng ta không thể khoan ra một lối thoát để hướng tới một tương lai bền vững. Chúng ta phải bảo tồn đất liên bang, chứ không phải bán những khu đất này cho các công ty gây ô nhiễm,” Giám đốc điều hành Câu lạc bộ Sierra Ben Jealous cho biết trong một tuyên bố. “Những tác động tiêu cực từ quyết định của Tổng thống Biden không phải là phóng đại.”
Ông cho rằng người ta sẽ cảm nhận được những “tác động tiêu cực” đó về mặt môi trường và TT Biden cũng sẽ cảm nhận điều đó về mặt chính trị.
Ông cho hay: “Bằng cách cho phép ConocoPhillips tiến hành hoạt động này, [ông Biden] và chính phủ của ông đã khiến việc đạt được các mục tiêu về khí hậu mà họ đặt ra cho các khu đất công gần như là không thể.”
“Dự án Willow sẽ là một trong những hoạt động khai thác dầu khí lớn nhất trên các vùng đất công của liên bang trong cả nước, và ô nhiễm carbon mà dự án này thải ra không khí sẽ có những tác động tàn phá đối với cộng đồng, động vật hoang dã, và khí hậu của chúng ta. Chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc này trong nhiều thập niên tới.”
“Chúng ta đã quá muộn trong cuộc khủng hoảng khí hậu để chấp thuận các dự án dầu khí quy mô lớn vốn trực tiếp làm suy yếu nền kinh tế sạch mới mà Chính phủ Tổng thống Biden cam kết thúc đẩy,” Chủ tịch Earthjustice Abigail Dillen cho biết trong một tuyên bố, ám chỉ một hành động pháp lý.
“Chúng tôi biết Tổng thống Biden hiểu mối đe dọa hiện hữu của khí hậu, nhưng ông ấy đang phê chuẩn một dự án làm chệch hướng các mục tiêu khí hậu của chính mình.”
Ông Sullivan cho biết những người ủng hộ đã sẵn sàng cho những thách thức pháp lý dự kiến sẽ xảy ra.
“Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ quyết định này trước những thách thức pháp lý phù phiếm có thể xảy ra từ chính các tổ chức phi chính phủ ở lục địa Hoa Kỳ, vốn đã liên tục cố gắng hủy hoại Dự án Willow,” ông nói. “Chúng tôi sẽ làm như vậy bằng cách hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan ở Alaska, những người đã đưa chúng tôi tiến xa như vậy. Chúng tôi hy vọng rằng thẩm phán liên bang thụ lý vụ án này của Alaska sẽ nghe và tôn trọng tiếng nói của họ.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times