Chính phủ TT Biden thông báo phân tích theo từng tiểu bang về kế hoạch xóa nợ sinh viên
Hôm thứ Ba (20/09), chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã công bố ước tính của từng tiểu bang về kế hoạch xóa nợ cho sinh viên của họ sẽ tác động như thế nào đến người vay ở 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, và Puerto Rico.
Theo một tờ thông tin từ Tòa Bạch Ốc, chính phủ dự kiến rằng có hơn 40 triệu người vay đủ điều kiện cho kế hoạch xóa nợ sinh viên. Trong số này, gần 20 triệu người vay có thể được xóa toàn bộ số nợ còn lại của họ.
Thông báo này được đưa ra hồi tháng Tám sau khi Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố chính phủ của ông có kế hoạch cung cấp tới 10,000 USD cho những người vay có thu nhập dưới 125,000 USD mỗi năm, hoặc tới 20,000 USD để xóa nợ cho những người nhận tài trợ theo chương trình Pell Grant mà đáp ứng các tiêu chuẩn thu nhập tương tự. Chương trình Pell Grants cung cấp khoản trợ cấp tối đa 6,985 USD cho một năm học nhất định. Sinh viên đại học gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính thường được nhận gói trợ cấp này.
Phân tích từ Bộ Giáo dục do Tòa Bạch Ốc chia sẻ cho thấy dữ liệu theo từng tiểu bang về số người được ước tính đủ điều kiện cho chương trình giảm nợ sinh viên. Theo dữ liệu này, các tiểu bang có dân số đông hơn có nhiều người vay đủ điều kiện được giảm nợ sinh viên hơn. Những tiểu bang này gồm có California, Florida, New York, và Texas.
Theo những ước tính này, ở California có hơn 3.5 triệu người đủ điều kiện xóa nợ 10,000 USD, và khoảng 2.3 triệu người nhận trợ cấp Pell Grant đủ điều kiện xóa nợ 20,000 USD. Đối với Florida, 2.4 triệu người đủ điều kiện nhận khoản cứu trợ 10,000 USD và 1.7 triệu người nhận trợ cấp Pell Grant đủ điều kiện nhận khoản cứu trợ 20,000 USD.
‘Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các chủng tộc’
Tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng gần 90% số tiền giảm nợ cho sinh viên “sẽ đến với những người có thu nhập dưới 75,000 USD mỗi năm,” và “sẽ không dành khoản cứu trợ nào cho bất kỳ ai hoặc gia đình nào trong số 5 [%] dân số có thu nhập cao nhất Hoa Kỳ.”
Tờ thông tin của Tòa Bạch Ốc viết: “Bằng cách cứu trợ những người vay gặp khó khăn kinh tế nhiều nhất, những hành động này của Chính phủ cũng có khả năng giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các chủng tộc.”
Tờ thông tin này lưu ý: “Gần 71 [%] sinh viên gốc Phi Châu vay tiền cũng là người nhận tài trợ theo chương trình Pell Grant, và 65 [%] sinh viên gốc La-tinh vay tiền là người nhận Pell Grant.”
Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục dự kiến sẽ công bố thêm chi tiết để hướng dẫn người dân cách có thể nộp đơn xin xóa nợ.
Ủy ban vì một Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm, một tổ chức bất vụ lợi, đã cho biết kế hoạch xóa nợ cho sinh viên này sẽ tốn kém khoảng 500 tỷ USD.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc đã gợi ý rằng kế hoạch xóa nợ sẽ được tài trợ hoàn toàn bằng một khoản chi tiêu trong số tiền thâm hụt liên bang, có khả năng làm tổng chi tiêu của chính phủ trầm trọng hơn nữa.
Các nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ, cũng như các chuyên gia khác, đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch này, nói rằng nó có thể làm tăng nợ quốc gia và tăng thuế trong bối cảnh lạm phát tăng vọt trên khắp đất nước. Trước đó trong tháng Chín, 22 thống đốc đã kêu gọi TT Biden rút lại kế hoạch xóa nợ sinh viên này.
Dựa trên các giả định thận trọng, Tổ chức Liên minh Người nộp thuế Quốc gia đã ước tính rằng kế hoạch này có thể khiến mỗi người đóng thuế Hoa Kỳ thiệt hại hơn 2,500 USD.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Gary Wolfram, một giáo sư kinh tế tại Đại học Hillsdale, đã nêu lên những mối lo ngại về đạo đức đối với kế hoạch xóa nợ cho sinh viên này.
“Còn những người đã học đại học cộng đồng và làm việc toàn thời gian để không phải vay nợ thì sao? Họ sẽ phải đóng thuế để xóa khoản nợ mà một số sinh viên trung lưu tầng cao đã vay,” ông Wolfram nói. “Rồi còn những người đã trả lại nợ của họ thì sao? Ai mà trả hết nợ thì nên được nhận một tấm séc trị giá 10,000 USD. Đó là điều hợp lý phải làm.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times