Chính phủ TT Biden tập trung vào sự công bằng trong các nỗ lực về trí tuệ nhân tạo mới
Hôm 23/05, Bộ Giáo dục liên bang đã công bố một báo cáo có nhan đề “Thông tin chi tiết và Khuyến nghị” về trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục, như một phần trong một loạt thông báo của chính phủ Tổng thống (TT) Biden nhấn mạnh sự cần thiết của “công bằng” trong AI.
Báo cáo này nêu rõ: “Bộ Giáo dục cho rằng những thiên vị trong các thuật toán AI phải được giải quyết khi các thuật toán này đưa ra hoặc duy trì các hành vi phân biệt đối xử bất công trong giáo dục.”
Báo cáo kể trên không cho biết liệu cơ quan này có tin vào một thứ gọi là một “hành vi phân biệt đối xử” hay không — ví dụ: quy định chống phân biệt đối xử (affirmative action) có thể phân biệt đối xử với các nhóm trong tuyển sinh giáo dục, và là trọng tâm của một quyết định quan trọng sắp tới của Tối cao Pháp viện.
Các tác giả của báo cáo này nhấn mạnh những gì họ mô tả là một số cơ hội tích cực do AI mang lại.
Những cơ hội đó bao gồm các chiến lược bù đắp cho việc mất khả năng học tập do đại dịch và “khả năng thích ứng và cá nhân hóa cao hơn trong các công cụ học tập kỹ thuật số” dành cho những học sinh khuyết tật, học sinh đa ngôn ngữ, và những học sinh khác.
Tuy nhiên, khi trình bày chi tiết một ví dụ về khả năng “phân biệt đối xử theo thuật toán” — được định nghĩa hơi mơ hồ là “sự bất công có hệ thống trong các cơ hội hoặc nguồn tài liệu học tập được đề nghị cho một số nhóm học sinh — những tác giả này có vẻ hoài nghi hơn về một số hình thức cá nhân hóa.
Báo cáo viết rằng: “Nếu AI thích nghi bằng cách tăng tốc độ chương trình giảng dạy cho một số học sinh và giảm tốc độ cho những học sinh khác [dựa trên dữ liệu không đầy đủ, các lý thuyết không phù hợp, hoặc có tư tưởng thiên vị về học tập], thì khoảng cách thành tích có thể ngày càng lớn.”
Sự công bằng và những lo ngại liên quan về các kết quả chênh lệch giữa các nhóm không phải là mối quan tâm duy nhất được đề cập trong báo cáo này. Báo cáo còn bao gồm việc giám sát học sinh và những lo lắng về tính an toàn công việc của giáo viên, cùng các lĩnh vực khác.
“Bộ Giáo dục kiên quyết bác bỏ ý kiến cho rằng AI có thể thay thế giáo viên,” báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, báo cáo đó cũng mô tả sự phân biệt đối xử theo thuật toán là một vấn đề rủi ro liên quan đến AI “có tầm quan trọng hàng đầu.”
Các tác giả này nói rằng bốn phiên họp năm 2022 với hơn 700 người tham dự là một phần cơ sở cho bản phân tích của họ.
Báo cáo còn cho biết: “Các vấn đề liên quan đến công bằng chủng tộc và thiên vị bất công là trọng tâm của mọi phiên họp mà chúng tôi tổ chức.”
Dựa trên phản hồi mà họ nhận được từ “các yếu tố giáo dục,” các tác giả kết luận, rằng “các hệ thống và công cụ AI phải phù hợp với tầm nhìn chung của chúng ta về học tập chất lượng cao, bao gồm cả sự công bằng.”
Các tác giả cũng mô tả khả năng thiên vị là một động lực cho một việc cấp bách khác: “Các hệ thống giáo dục phải quản lý việc sử dụng các hệ thống AI của họ.”
Trong một tuyên bố từ chối trách nhiệm ban đầu, họ lưu ý rằng những nội dung này “không có hiệu lực pháp luật và không nhằm mục đích ràng buộc công chúng.”
Báo cáo của Bộ Giáo dục được đưa ra vài tuần sau khi chính phủ TT Biden đưa ra một loạt thông báo khác về AI cũng nhấn mạnh “công bằng chủng tộc.”
Vào thời điểm đó, một quan chức nói với các phóng viên rằng tổng thống nghĩ rằng Quốc hội nên hành động đối với sự phân biệt đối xử theo thuật toán trong khu vực tư nhân.
Phó Tổng thống Kamala Harris đã tiếp tục gặp gỡ các nhà lãnh đạo tại Microsoft, OpenAI, Alphabet, và Anthropic về việc sử dụng AI có trách nhiệm trong các sản phẩm của họ.
Hôm 23/05, Microsoft đã công bố một dịch vụ kiểm duyệt nội dung AI mới, gọi là “Azure Content Safety.”
Microsoft cho biết: “Dịch vụ này có thể phát hiện nội dung thù địch, bạo lực, tình dục, và tự làm hại bản thân trong hình ảnh và văn bản, đồng thời đưa ra điểm số mức độ nghiêm trọng, cho phép các doanh nghiệp hạn chế và ưu tiên những gì người kiểm duyệt nội dung cần xem xét.”
Các thông báo khác về AI của chính phủ TT Biden hôm 23/05 bao gồm những thay đổi đối với Kế hoạch Chiến lược Quốc gia R&D AI, được phát triển lần đầu dưới thời chính phủ ông Obama vào năm 2016 và được sửa đổi dưới thời Tổng thống Donald Trump vào năm 2019.
Sự công bằng là trọng tâm của kế hoạch này, như được nêu chi tiết trong bản tóm tắt của họ.
Một chiến lược được liệt kê cho AI là: “Phát triển các phương pháp tiếp cận để thấu hiểu và giảm thiểu các rủi ro về đạo đức, pháp lý, và xã hội do AI gây ra nhằm bảo đảm rằng các hệ thống AI phản ánh các giá trị của quốc gia chúng ta và thúc đẩy sự công bằng.”
Ngoài ra, chính phủ đã đưa ra một Yêu cầu cung cấp thông tin (RFI) cho Chiến lược Trí tuệ Nhân tạo (AI) Quốc gia của mình.
Các câu hỏi trong RFI cũng cho thấy nhóm của ông Biden quan tâm đến tính công bằng trong AI.
Một câu hỏi đặt ra là: “Cần có những cân nhắc hoặc biện pháp bổ sung nào để bảo đảm rằng AI giảm thiểu sự phân biệt đối xử theo thuật toán, nâng cao cơ hội bình đẳng, và thúc đẩy những kết quả tích cực cho tất cả mọi người?”
Một câu hỏi khác là: “Làm cách nào để cập nhật các luật và chính sách hiện hành trong việc giải quyết các tác động bất bình đẳng từ các hệ thống AI?”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times