Chính phủ TT Biden đàm phán thỏa thuận để trao cho WHO quyền quyết định đối với các chính sách về đại dịch của Hoa Kỳ
Hiệp định y tế quốc tế mới tránh được sự chấp thuận cần thiết của Thượng viện
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang chuẩn bị để Hoa Kỳ ghi danh vào một hiệp định “ràng buộc về mặt pháp lý” với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hiệp định này sẽ trao cho cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Geneva quyền quyết định các chính sách của Hoa Kỳ trong một thời kỳ đại dịch.
Tháng 09/2022, bất chấp sự chỉ trích rộng rãi về phản ứng của WHO đối với đại dịch COVID, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Xavier Becerra đã cùng với Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus công bố “Đối thoại Chiến lược Hoa Kỳ-WHO.” Họ đã cùng nhau phát triển một “nền tảng để tối đa hóa mối quan hệ đối tác lâu dài giữa Hoa Kỳ và WHO, đồng thời để bảo vệ và nâng cao sức khỏe của tất cả người dân trên toàn cầu, trong đó có người dân Mỹ.”
Những cuộc thảo luận này và các cuộc thảo luận khác đã tạo ra “bản thảo ban đầu” (pdf) của một hiệp ước đại dịch, được công bố hôm 01/02, hiện đang tìm kiếm sự chấp thuận của tất cả 194 quốc gia thành viên của WHO. Một cuộc họp của Cơ quan Đàm phán Liên chính phủ của WHO được dự trù diễn ra vào ngày 27/02 để đưa ra các điều khoản cuối cùng, mà sau đó các thành viên sẽ ký kết.
Được viết dưới biểu ngữ mang tên “thế giới cùng nhau bình đẳng,” bản dự thảo ban đầu này trao cho WHO quyền tuyên bố và quản lý một tình trạng khẩn cấp về đại dịch toàn cầu. Một khi một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe được tuyên bố, tất cả các bên ký kết, trong đó có Hoa Kỳ, sẽ đệ trình lên cơ quan có thẩm quyền của WHO về các phương pháp điều trị, các quy định của chính phủ chẳng hạn như các lệnh phong tỏa và các quy định chích ngừa, các chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như theo dõi và giám sát dân số.
Việc ứng phó với đại dịch được tập trung hóa
“Họ muốn thấy một cuộc ứng phó được tập trung hóa, dựa trên vaccine và thuốc men, và một sự ứng phó rất hạn chế về mặt kiểm soát dân số,” ông David Bell, một bác sĩ y tế công cộng và là cựu nhân viên của WHO chuyên trách về chính sách dịch bệnh, nói với The Epoch Times. “Họ có quyền quyết định như thế nào là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, và họ đang áp dụng một hệ thống giám sát để bảo đảm rằng có những trường hợp khẩn cấp tiềm ẩn cần phải tuyên bố.”
Hiệp ước về đại dịch này của WHO là một phần trong một nỗ lực song hành, trùng hợp với một sáng kiến của Hội đồng Y tế Thế giới nhằm tạo ra các quy định mới về đại dịch toàn cầu vốn cũng sẽ thay thế luật lệ của các quốc gia thành viên. Đại hội đồng Y tế Thế giới là cơ quan xây dựng quy tắc của WHO, bao gồm các đại diện từ các quốc gia thành viên.
“Cả hai [sáng kiến này] đều nguy hiểm chết người,” ông Francis Boyle, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Luật Illinois, nói với The Epoch Times. “Một trong hai hoặc cả hai sẽ thành lập một nhà nước cảnh sát y tế trên toàn thế giới dưới sự kiểm soát của WHO, và đặc biệt là Tổng Giám đốc WHO Tedros.”
“Nếu một trong hai hoặc cả hai thứ này được thông qua, ông Tedros hoặc người kế nhiệm của ông ấy sẽ có thể đưa ra các mệnh lệnh sẽ được chuyển đến tận tay các bác sĩ chăm sóc chính của quý vị.”
Bác sĩ Meryl Nass nói với The Epoch Times: “Nếu các quy định này được thông qua như bản dự thảo hiện tại, thì tôi, với tư cách là một bác sĩ, sẽ bị ra lệnh những gì tôi được phép đưa cho bệnh nhân và những gì tôi bị cấm đưa cho bệnh nhân, bất cứ khi nào WHO tuyên bố một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, họ có thể cho quý vị biết quý vị sẽ được dùng remdesivir, nhưng quý vị không thể dùng hydroxychloroquine hoặc ivermectin. Điều họ cũng đang nói là họ tin vào sự công bằng, nghĩa là tất cả mọi người trên thế giới đều được chủng ngừa, cho dù quý vị có cần hay không, cho dù quý vị đã có khả năng miễn dịch hay chưa.”
Về phương pháp điều trị y tế, hiệp định này sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên “giám sát và quy định đối với các sản phẩm liên quan đến đại dịch không đạt tiêu chuẩn và giả mạo.” Dựa trên chính sách của WHO và của chính phủ TT Biden trước đây, điều này có thể bao gồm việc buộc người dân sử dụng những loại vaccine mới phát triển, đồng thời ngăn các bác sĩ kê đơn các phương pháp điều trị hoặc thuốc không cần dùng đến vaccine.
Né tránh Thượng viện, Hiến Pháp?
Một câu hỏi quan trọng xung quanh hiệp định này là liệu chính phủ TT Biden có thể ràng buộc Hoa Kỳ với các hiệp ước và thỏa thuận mà không cần sự đồng ý của Thượng viện hay không, vốn là điều bắt buộc theo Hiến Pháp. Bản dự thảo ban đầu này không thừa nhận rằng, theo luật pháp quốc tế, các hiệp ước giữa các quốc gia phải được cơ quan lập pháp những quốc gia đó phê chuẩn, để từ đó tôn trọng quyền đồng ý của công dân họ.
Tuy nhiên, dự thảo này cũng bao gồm một điều khoản rằng hiệp định này sẽ có hiệu lực trên cơ sở “tạm thời” ngay sau khi được các đại diện của WHO ký và do đó, sẽ ràng buộc về mặt pháp lý đối với các thành viên mà không cần được các cơ quan lập pháp chấp thuận.
“Bất cứ ai soạn thảo điều khoản này đều hiểu rõ về luật Hiến Pháp và luật pháp quốc tế của Hoa Kỳ như tôi, và đã cố tình soạn thảo nó để né tránh quyền của Thượng viện trong việc đưa ra lời khuyên và sự chấp thuận của họ đối với các hiệp ước, để tạm thời đưa nó vào hiệu lực ngay sau khi ký kết,” ông Boyle nói. Ngoài ra, “chính phủ ông Biden sẽ cho rằng đây là một thỏa thuận điều hành quốc tế mà tổng thống có thể tự ký kết mà không cần Quốc hội phê chuẩn và mang tính ràng buộc với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, bao gồm tất cả các quan chức được bầu cử dân chủ của tiểu bang và địa phương, các thống đốc, tổng chưởng lý, và các quan chức y tế.”
Có một số phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ có thể ủng hộ quan điểm của chính phủ TT Biden. Các phán quyết đó bao gồm phán quyết của án lệ Tiểu bang Missouri kiện Hà Lan, trong đó Tối cao Pháp viện phán quyết rằng các hiệp ước thay thế luật của tiểu bang, trong khi các phán quyết khác, chẳng hạn như phán quyết của án lệ Hoa Kỳ kiện Belmont, phán quyết rằng các thỏa thuận hành pháp mà không có sự đồng ý của Thượng viện có thể ràng buộc về mặt pháp lý, với hiệu lực của các hiệp ước.
Có những điểm tương đồng giữa hiệp định về đại dịch của WHO này và một thỏa thuận thuế toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây do chính phủ Tổng thống Biden ký kết, mặc dù bị Đảng Cộng Hòa cho rằng “không có khả năng” được phê chuẩn về mặt lập pháp. Trong thỏa thuận OECD này, các điều khoản về trừng phạt được xây dựng cho phép ngoại quốc trừng phạt các công ty Mỹ nếu thỏa thuận không được Hoa Kỳ phê chuẩn.
Đối với thỏa thuận thuế OECD này, các quan chức chính phủ đang cố gắng kêu gọi các tổ chức quốc tế áp đặt các chính sách vốn đã bị cử tri Mỹ bác bỏ. Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, việc chăm sóc sức khỏe không thuộc thẩm quyền của chính phủ liên bang; đó là thẩm quyền của các tiểu bang. Chính phủ TT Biden nhận thấy đây là một trở ngại ngoài mong muốn đối với các nỗ lực nhằm áp đặt các quy định bắt buộc về vaccine và khẩu trang đối với người Mỹ khi các tòa án phán quyết rằng các cơ quan liên bang không có thẩm quyền làm như vậy.
Ông Boyle nói: “Để né tránh điều đó, họ đã tìm đến WHO, để né tránh sự phản đối trong nước đối với những quy định hoặc hiệp ước này.”
Theo bản dự thảo ban đầu này, các bên ký kết sẽ đồng ý “tăng cường năng lực và hiệu suất của các cơ quan quản lý quốc gia và gia tăng sự dung hòa các yêu cầu quy định ở cấp quốc tế và khu vực.” Họ cũng sẽ thực hiện một “biện pháp toàn chính phủ và toàn xã hội ở cấp quốc gia” trong đó sẽ bao gồm các chính phủ quốc gia, các chính phủ địa phương, và các công ty tư nhân.
Bản dự thảo ban đầu đó còn cho rằng hiệp định mới này là cần thiết vì “thất bại thảm hại của cộng đồng quốc tế trong việc thể hiện sự hiệp lực và công bằng trong việc ứng phó với đại dịch virus corona (COVID-19).”
Một báo cáo từ Hội đồng Độc lập về Chuẩn bị sẵn sàng và Ứng phó với Đại dịch của WHO (pdf) đã mô tả thành tích của WHO là một “mớ hỗn độn độc hại” gồm những quyết định tệ hại. Đồng Chủ tịch Ellen Johnson Sirleaf nói với BBC rằng đó là do “vô số thất bại, điểm yếu, và sự chậm trễ.” Tuy nhiên, các giải pháp được đề xướng trong báo cáo đó không đề nghị quyền tự chủ nhiều hơn ở địa phương hoặc quá trình ra quyết định đa dạng hơn, mà là sự tập trung hóa lớn hơn, nhiều quyền lực hơn, và nhiều tiền bạc hơn cho WHO.
‘Giám sát Một Sức khỏe’ và thông tin sai lệch
Thỏa thuận về đại dịch của WHO kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện “Giám sát Một Sức khỏe.” Một Sức khỏe là một khái niệm đã được Liên Hiệp Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, Ngân hàng Thế giới, và các tổ chức toàn cầu khác chấp nhận.
“Thuật ngữ này ban đầu có nghĩa là một cách nhìn nhận rằng sức khỏe con người và động vật có mối liên hệ với nhau — đôi khi đúng là như vậy — để quý vị có thể cải thiện sức khỏe con người bằng cách hành động rộng rãi hơn,” ông Bell cho biết. “Thuật ngữ này đã bị tước đoạt và hiện được sử dụng để tuyên bố rằng tất cả các hoạt động của con người và tất cả các vấn đề trong sinh quyển đều ảnh hưởng đến sức khỏe, và do đó đều thuộc thẩm quyền của Y tế Công cộng. Vì vậy, sức khỏe cộng đồng có thể được xem là bao gồm khí hậu, phân biệt chủng tộc, hoặc quản lý ngư nghiệp, và khái niệm này đang được sử dụng để khẳng định rằng giải quyết lượng phát thải carbon là một vấn đề sức khỏe và do đó là một ‘trường hợp khẩn cấp’ về sức khỏe.’”
Bản dự thảo ban đầu này của WHO ghi rằng “‘Giám sát Một Sức khỏe’ có nghĩa là…,” trong đó để trống phần định nghĩa nhằm đưa ra trong các bản dự thảo tương lai. Tuy nhiên, cho dù cuối cùng giám sát Một Sức khỏe đòi hỏi điều gì, thì các bên ký kết đều phải đầu tư vào ý tưởng này, thực hiện ý tưởng này, và “củng cố” ý tưởng này. Hồi tháng 09/2022, Ngân hàng Thế giới đã phê chuẩn một Quỹ Trung gian Tài chính để tài trợ cho giám sát Một sức khỏe, bên cạnh các hoạt động khác.
Các bên ký kết cũng đồng ý ủng hộ cách lập luận chính thức này khi có thông tin về một đại dịch. Cụ thể, họ sẽ “tiến hành phân tích và lắng nghe xã hội thường xuyên để xác định mức độ lan truyền và các đặc điểm của thông tin sai lệch,” đồng thời “trù hoạch các chiến lược truyền thông và nhắn tin cho công chúng để chống lại thông tin sai lệch, thông tin giả và tin tức sai sự thật, từ đó củng cố lòng tin của công chúng.”
Điều này phù hợp với những nỗ lực của chính phủ TT Biden, như cựu Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jennifer Psaki đã nói, nhằm “bảo đảm rằng các công ty truyền thông xã hội nhận biết được những tin tức mới nhất gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng … và tiếp xúc với họ để hiểu rõ hơn về việc thực thi các chính sách nền tảng truyền thông xã hội.” Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Melissa Fleming đã tuyên bố tại một hội thảo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2022 ở Davos, Thụy Sĩ về “Giải quyết Thông tin giả,” rằng “Chúng tôi sở hữu khoa học này và chúng tôi nghĩ rằng thế giới nên biết điều đó.”
Tin tức chính thức trong đại dịch COVID vừa qua bao gồm ủng hộ phong tỏa, đóng cửa trường học, và đeo khẩu trang — mà kể từ đó tất cả những biện pháp này đã được chứng minh là không hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này và gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Một nhóm gồm hơn 900,000 bác sĩ, nhà dịch tễ học, và nhà khoa học y tế công cộng đã cùng nhau ký vào Tuyên bố Great Barrington vào năm 2020, đồng thời bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc về tác động gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của các chính sách COVID-19 hiện hành.” Tuyên bố này đã bị nhiều người chế giễu là thông tin sai lệch đầy nguy hiểm và đã bị kiểm duyệt trên mạng xã hội.
“Những quan điểm mà họ đã đàn áp đều là sức khỏe cộng đồng chính thống,” ông Bell cho biết. Cho đến năm 2019, các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng “đặc biệt nói rằng những việc như đóng cửa biên giới kéo dài, đóng cửa các cửa hàng, v.v. là có hại, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp, và không nên thực hiện trong vòng nhiều hơn một vài tuần.”
Những người thúc đẩy phong tỏa “đã nói rất rõ ràng rằng những gì họ khuyến nghị đối với COVID sẽ vô cùng có hại, và tác hại đó sẽ lớn hơn lợi ích,” ông Bell nói. “Họ đã biết rõ ràng vì trước đây họ đã từng viết ra điều đó, và không có gì mới lạ khi có ý kiến cho rằng nghèo đói làm giảm tuổi thọ. Có điều gì đó đã khiến họ thay đổi suy nghĩ một cách trái ngược hẳn lại như vậy, và cái điều gì đó ấy không phải là bằng chứng, vì vậy chúng ta chỉ có thể giả thuyết rằng đó là áp lực từ những nhóm lợi ích được đầu tư.”
Hồi tháng Một, một cuộc khảo sát được trình bày tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy niềm tin của công chúng vào chính phủ đã giảm mạnh kể từ khi bắt đầu đại dịch này, mặc dù những người tham dự không thể giải thích lý do tại sao niềm tin lại giảm sút như vậy. Thay vào đó, cuộc thảo luận tại hội thảo này, có nhan đề “Phá vỡ sự ngờ vực,” tập trung vào việc chống lại các nguồn tin giả mạo thách thức các tin tức chính thức từ phía chính phủ.
Tư cách thành viên của Hoa Kỳ trong WHO
Hồi tháng 07/2020, Tổng thống đương thời Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi WHO. Viện dẫn thành tích tệ hại của cơ quan y tế này trong việc ứng phó đối với đại dịch COVID và mối liên hệ của cơ quan này với Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Trump cho biết khoản tài trợ khoảng nửa tỷ dollar mỗi năm của Hoa Kỳ cũng sẽ chấm dứt.
Đáp lại, ông Joe Biden, lúc bấy giờ là ứng cử viên tổng thống, tuyên bố: “Vào ngày đầu tiên làm Tổng thống, tôi sẽ tái gia nhập WHO và khôi phục vai trò lãnh đạo của chúng ta trên trường thế giới.” Ông Biden đã giữ lời hứa của mình và tiến thêm một bước, khi đàm phán về hiệp định đại dịch này.
Hôm nay, các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đang cố gắng hồi sinh nỗ lực đưa Hoa Kỳ ra khỏi WHO. Hôm 12/01, Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã giới thiệu “Đạo luật Không Dùng tiền thuế để Tài trợ chi tiêu cho Tổ chức Y tế Thế giới,” được 16 dân biểu bảo trợ.
Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas), nhà bảo trợ chính của dự luật trên, cho biết: “Chuyển hàng triệu dollar tiền thuế của người dân cho Tổ chức Y tế Thế giới tham nhũng phục vụ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc là một sự xúc phạm đối với các gia đình Mỹ cần mẫn làm việc đang gặp khó khăn với lạm phát cao kỷ lục, cũng như đối với tất cả những người có cuộc sống và sinh kế bị hủy hoại và tàn phá bởi đại dịch COVID.”
“WHO… đã ca ngợi Trung Quốc về ‘sự lãnh đạo’ của họ vào giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 và đã không làm gì để buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm về sự lây lan của COVID-19.”
Một phát ngôn viên của ông Roy nói với The Epoch Times rằng hiệp định đại dịch này “chính là một lý do khác để cắt tài trợ cho WHO.”
Định nghĩa lại chủ quyền và nhân quyền
Bản dự thảo ban đầu của hiệp định nói rằng chủ quyền quốc gia vẫn là ưu tiên hàng đầu, nhưng chủ quyền đó vẫn chỉ nằm trong các giới hạn.
“Các quốc gia, theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, có quyền tự quyết định và quản lý cách tiếp cận của mình đối với sức khỏe cộng đồng,” bản dự thảo trên tuyên bố, “với điều kiện là các hoạt động trong phạm vi quyền hạn hoặc quyền kiểm soát của các quốc gia không gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người dân của họ và các quốc gia khác.”
Hiệp định trên nêu rõ rằng nhân quyền cũng rất quan trọng, và cũng quy định rằng “những người sống dưới bất kỳ hạn chế nào đối với quyền tự do đi lại, chẳng hạn như bị cô lập và cách ly, được tiếp cận đầy đủ với thuốc men, các dịch vụ y tế cũng như các quyền và nhu cầu thiết yếu khác.” Hiệp định trên mô tả quyền con người là “công bằng về sức khỏe, thông qua hành động kiên quyết đối với các yếu tố quyết định về xã hội, môi trường, văn hóa, chính trị và kinh tế đối với sức khỏe.”
Theo quan điểm đó, các quốc gia như Áo đã đi xa đến mức hình sự hóa việc từ chối chích vaccine COVID. Tại Hoa Kỳ, những nơi như thành phố New York đã bắt buộc phải có giấy thông hành thể hiện đã chích ngừa bắt buộc để được tiếp cận các không gian công cộng, chia cư dân của họ thành một giai tầng đặc quyền đã chủng ngừa và một giai tầng hạng hai chưa chủng ngừa.
Tuy nhiên, những người khác xem nhân quyền không phải ở phương diện sức khỏe tập thể mà là quyền cá nhân, bao gồm những thứ như chủ quyền cá nhân, khả năng của các cá nhân trong việc đưa ra những sự lựa chọn của riêng họ, quyền của người dân trong việc có tiếng nói trong các quyết định y tế ảnh hưởng đến họ, tự do ngôn luận, tự do đi lại và tự do hội họp.
Sau Đệ nhị Thế chiến và các hệ tư tưởng kiểm soát nhà nước của chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa xã hội quốc gia, và chủ nghĩa cộng sản, “mọi người nhận ra rằng phải có một sự hiểu biết căn bản rằng mỗi cá nhân có chủ quyền đối với chính mình,” ông Bell nói. Các tuyên bố nhân quyền sau thế chiến nhấn mạnh rằng, ngay cả trong các thời kỳ khủng hoảng, “chúng ta sinh ra đều có quyền, tất cả chúng ta đều bình đẳng, và những quyền đó là bất khả xâm phạm. Những quyền đó sẽ cần phải bị làm cho suy yếu và xóa sạch để thực hiện điều này.”
“Tôi nghĩ vấn đề này rộng hơn rất, rất nhiều; đó là về việc chúng ta muốn sống trong loại hình xã hội nào. Chúng ta tin vào sự bình đẳng hay chúng ta tin vào một hệ thống phong kiến nơi chúng ta có một vài người đứng đầu, kiểm soát xã hội, bảo những người khác phải làm gì? Đó là hướng chúng ta đang đi.”
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times