Những sửa đổi mới của WHO tạo ra một thể chế toàn cầu nhân danh sức khỏe
Một bước nữa hướng tới chủ nghĩa toàn cầu
Kể từ khi thành lập, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đảm nhận vai trò của một cơ quan tư vấn trong lĩnh vực y tế quốc tế. Từ năm 2005, WHO đã thiết lập Quy định Y tế Quốc tế (IHR) như một công cụ tuân theo chính để bảo đảm việc giải quyết nhanh chóng các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Đại dịch COVID minh họa một cách hoàn hảo sức mạnh của WHO.
Tuy nhiên, các quốc gia thành viên của WHO đã đề xuất một bộ sửa đổi mới (pdf) được công bố vào cuối năm 2022 nhằm tăng quyền lực của WHO dưới chiêu bài IHR. Điều này, ngoài Cơ quan đàm phán liên chính phủ (INB) (pdf) mới được đề xuất cũng như việc bổ sung điều khoản phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch (WHO CA+) (pdf) trong INB, đã làm dấy lên một số dấu hiệu cảnh báo về sự thay đổi mô hình WHO đang thực hiện, từ vai trò của một cơ quan tư vấn sức khỏe quốc tế trở thành một thể chế toàn cầu hoạt động nhân danh sức khỏe.
Từ mối quan hệ bệnh nhân-bác sĩ đến tập đoàn y tế hùng mạnh
Trong suốt lịch sử, con người đã dựa vào các mối quan hệ với bạn bè, gia đình và hàng xóm để duy trì một đời sống xã hội lành mạnh. Điều này không chỉ quan trọng với sức khỏe mà còn xây dựng niềm tin tạo nền tảng cho các mối quan hệ. Niềm tin rất quan trọng trong mối quan hệ với gia đình và bạn bè. Cũng như thế đối với sức khỏe, niềm tin cũng rất cần thiết trong mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ.
Các bác sĩ ở nhiều quốc gia và khu vực khác nhau có rất nhiều phương pháp điều trị khác nhau cho một bệnh đơn giản như cảm lạnh. Một số bác sĩ có thể [đề nghị] chích ngừa vaccine cúm, một số có thể kê vài loại thuốc nhỏ, và thậm chí một số có thể khuyên ăn súp nóng và nghỉ ngơi nhiều hơn. Có thể một phương thuốc lạ của Châu Mỹ Latinh hoặc Đông Nam Á cũng có tác dụng tốt như ở một loại thuốc ở Hoa Kỳ. Tất cả điều này nhằm nói rằng các bác sĩ được đào tạo bài bản biết họ đang làm gì dựa trên các phương pháp sẵn có.
Mối quan hệ một-một giữa bệnh nhân-bác sĩ theo truyền thống là cách thức đã vượt qua thử thách và được công nhận trong thiết lập một hệ thống y tế ở bất kỳ xã hội nào. Ngay cả theo y học dựa trên bằng chứng, lời khuyên từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hoặc các cơ quan y tế khác là khuyến nghị không ràng buộc các bác sĩ và cho phép họ đưa ra quyết định của riêng mình dựa trên hiểu biết về bệnh nhân.
Mọi người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng liên quan đến sức khỏe của họ; do đó, các bác sĩ cần có sự đồng ý của bệnh nhân trong điều trị hay phẫu thuật. Niềm tin mà mọi người dành cho bác sĩ của họ là thiêng liêng và đòi hỏi các bác sĩ phải hành nghề dựa trên đạo đức, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm y khoa chân chính – tất cả những điều mà hầu hết các bác sĩ vẫn có.
Bất chấp những gì đã thành chuẩn mực qua nhiều thế hệ, sự tiến bộ của y học hiện đại và công nghệ sinh học đã khiến các lĩnh vực y tế và y học trở thành những ngành công nghiệp khổng lồ. Kết quả là, chất lượng chăm sóc sức khỏe ngày càng trở nên phụ thuộc vào việc phân phối lợi tức và tiền bạc.
Các công ty dược phẩm lớn, các cơ quan y tế hùng mạnh và các doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe đang thống trị đều có liên kết với nhau, tạo thành một tập đoàn quyền lực to lớn. Nhân danh bảo vệ người dân, sự uy quyền này đã đạt đến một mức độ chưa từng có, được thể hiện đầy đủ trong thời kỳ đại dịch dưới hình thức phong tỏa, các mệnh lệnh, khuyến khích thuốc và vaccine, chính sách bảo hiểm quyết định chẩn đoán, v.v.
WHO: Một thể chế toàn cầu nhân danh sức khỏe?
Sau đó, chúng ta có các tổ chức quốc tế như WHO với vai trò mà nhiều người cho là quá độc đoán khi xem [WHO] là một yếu tố nổi bật trong cuộc sống của họ. WHO được thành lập trong Liên hợp quốc và trong lịch sử đã đóng vai trò điều phối các nguồn lực và vấn đề sức khỏe toàn cầu để giải quyết các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng như bệnh bại liệt, AIDS và COVID. Tuy nhiên, đề xuất cải cách mới nhất của tổ chức này làm dấy lên mối lo ngại trầm trọng về việc liệu WHO có đang trở thành một thể chế gần như toàn cầu hay không.
Những thay đổi mới nhất mà WHO đang phải đối mặt là những sửa đổi đối với thỏa thuận Quy định Y tế Quốc tế. Đại hội đồng Y tế Thế giới lần đầu tiên thông qua IHR vào năm 1969 bao gồm sáu bệnh và kể từ đó nó đã được sửa đổi nhiều lần. Một phiên bản cập nhật đầy đủ đã được khai triển vào năm 2005 sau khi dịch SARS bùng phát ở Trung Quốc vào năm 2003, sau khi Trung Cộng từ chối duy trì tính minh bạch trong đợt bùng phát. Phiên bản năm 2005 này của IHR hiện đang phải đối mặt với những thay đổi rõ rệt.
IHR yêu cầu các quốc gia của WHO phát hiện, đánh giá, báo cáo và phản hồi một cách thích hợp liên quan đến các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng có thể lan rộng trên phạm vi quốc tế. Trong đại dịch COVID-19, đặc biệt là trong thời gian mới bắt đầu, Trung Quốc đã cho thấy khả năng đưa thông tin sai lệch và thiếu minh bạch đối với cộng đồng quốc tế liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu, cho phép điều tra nguồn gốc của virus và các vấn đề liên quan đến số ca nhiễm và tử vong tăng đột biến chưa từng thấy gần đây nhất sau khi dỡ bỏ các hạn chế về zero-COVID.
Không liên quan đến các sự cố quốc tế này, WHO đã công bố một số sửa đổi đối với IHR nhằm gia tăng đáng kể quyền lực của WHO liên quan đến các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Ví dụ, WHO sẽ có quyền hành động theo các trường hợp khẩn cấp tiềm năng hơn là thực tế và cho phép tổng giám đốc của WHO kiểm soát việc sản xuất thuốc.
Một mối lo ngại là WHO sẽ có thẩm quyền bác bỏ các quyết định về giải pháp y tế do từng quốc gia đưa ra và kiểm duyệt những gì họ xem là thông tin gây hiểu lầm và tin cố tình gây nhầm lẫn, nếu các sửa đổi được thông qua. Đây là một mối đe dọa trầm trọng đối với chủ quyền của mọi thành viên WHO.
Một thay đổi đáng ngạc nhiên khác là việc loại bỏ “tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của con người” trong Điều 3 của IHR, thay thế bằng các thuật ngữ “công bằng” và “bao gồm.”
Đồng thời, các sửa đổi mới của WHO thay đổi bản chất tư vấn của IHR thành luật pháp, nghĩa là tổ chức này sẽ nắm giữ nhiều quyền lực – nếu không muốn nói là nhiều hơn – so với một cơ quan quản lý có thẩm quyền ràng buộc về mặt pháp lý và khả năng thực thi.
Các bản sửa đổi nói trên và nhiều bản sửa đổi khác gây lo ngại vì chúng mơ hồ và có nhiều chỗ cần sự giải thích. Ví dụ, các sửa đổi không nêu rõ số tiền tài trợ mà các quốc gia cần đóng góp, điều này có thể dẫn đến tình trạng tham nhũng leo thang ở các nước kém phát triển.
Hệ thống chứng chỉ sức khỏe toàn cầu với nhiều rủi ro
Trong thời kỳ đại dịch, đã có một số hệ thống chứng nhận sức khỏe được thiết lập trên một số khu vực ở Bắc Mỹ, Âu Châu và các quốc gia khác, nhưng không có hệ thống nào phổ biến và được thực thi chặt chẽ như hệ thống mã QR y tế ở Trung Quốc. Trong suốt ba năm thực hiện các giải pháp zero-COVID cực đoan của Trung Quốc, màu sắc của mã trên điện thoại của bạn sẽ quyết định xem bạn có được phép rời khỏi khu vực cộng đồng, ăn trong nhà hàng, hay thậm chí là nhập viện để sinh con hay không.
Hệ thống mã QR có thể theo dõi sự di chuyển và sử dụng một thuật toán để xác định xem bạn có nguy cơ bị lây nhiễm hay không. Nếu có rủi ro, mã của bạn sẽ chuyển sang màu vàng và chính quyền sẽ đưa bạn đến trại cách ly bằng chi phí của bạn. Hệ thống mã QR này cũng được gắn vào tài khoản ngân hàng cá nhân của bạn để có thể thanh toán chi phí cách ly bắt buộc trong khách sạn trước khi bạn đến.
Được thực hiện bởi một thể chế ít quan tâm đến nhân quyền, các mã được cho là chuyển sang màu vàng hoặc thậm chí màu đỏ (biểu thị sự lây nhiễm) đối với những công dân phàn nàn về các giải pháp nghiêm ngặt đối với đại dịch. Một hệ thống xâm lấn như vậy rất có khả năng sẽ xóa bỏ quyền riêng tư và quyền tự quyết, buộc cư dân phải sống dưới thể chế Orwellian.
Mục đích bề ngoài của hệ thống chứng nhận sức khỏe là vô hại, nhưng nó có thể là một công cụ thuận tiện để thành lập một chính phủ toàn cầu bao trùm. Hệ thống chứng nhận sức khỏe có thể là một phần không thể thiếu trong việc đạt được một chương trình nghị sự toàn cầu mà không cần sự ủng hộ của quần chúng.
Chứng nhận sức khỏe không phải là điều duy nhất WHO muốn thêm vào chính phủ thế giới. Cơ quan này cũng kêu gọi thành lập Cơ quan Đàm phán Quốc tế (INB) có trách nhiệm phòng tránh, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
INB có thể là một lý do khác để kiểm soát
Với trích dẫn “thất bại thảm hại của cộng đồng quốc tế trong việc thể hiện sự đoàn kết và công bằng để đối phó với … đại dịch” trong phần mở đầu, dự thảo số 0 cho INB được khởi xướng vào năm 2022 và được sửa đổi vào tháng 02/2023 kêu gọi một tổ chức quốc tế có thẩm quyền vượt quá một số, nếu không muốn nói là hầu hết các chính phủ trên khắp thế giới có khả năng hành động để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu tiếp theo.
Đồng thời, INB cũng bao gồm sáng kiến “One Health”, hiện là kế hoạch 5 năm nhằm giải quyết các dịch bệnh lây từ động vật sang người trên toàn thế giới. Có thể hiểu rằng INB sẽ là cơ quan hành động của “siêu cường” WHO, trong khi IHR sẽ cung cấp cơ sở pháp lý cho chính phủ chuyên quyền. Kinh phí cho các giải pháp này, theo đề xuất, sẽ đến từ ngân hàng thế giới.
Trong khi WHO chuẩn bị nâng cao quyền lực bằng những sửa đổi này, một câu hỏi đặt ra là: Mọi người có hài lòng với cách tổ chức này ứng phó với đại dịch không? Dư luận toàn cầu dường như không nhất quán về chủ đề này. Trong khi các quốc gia phát triển ở Âu Châu và Bắc Mỹ dường như ủng hộ những cố gắng của WHO, thì một số quốc gia Á Châu như Nhật Bản và Đại Hàn lại bày tỏ sự không hài lòng.
Trong khi đó, các chính sách mà WHO đang cố gắng ban hành cũng là nguồn gây căng thẳng và chia rẽ xã hội mạnh mẽ. Nhiều người dường như không biết nên dùng hộ chiếu y tế tư nhân và hộ chiếu y tế do chính phủ điều hành có thể được dùng làm bằng chứng chích ngừa hoặc vì những lý do tương tự.
Giống như bất kỳ chính phủ tốt nào có sự kiểm tra và cân nhắc, chẳng phải WHO cũng cần đánh giá khách quan sau COVID trước khi các sửa đổi được thông qua hay sao? Điều này đặt ra các vấn đề về loại tổ chức giám sát mà WHO trực thuộc và liệu có tồn tại các cơ chế pháp lý để WHO có thể chịu trách nhiệm nếu tổ chức này không giải quyết được một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng trầm trọng hay không. Cần giải quyết những vấn đề này trước khi bất kỳ thay đổi nào được thông qua.
Do đó, một trong những vấn đề cấp bách nhất ở đây có thể là sự thiếu minh bạch của WHO và các phương pháp giải trình được đề xuất. Ngôn ngữ trong tài liệu sửa đổi là vô cùng mơ hồ và có nhiều chỗ cần sự giải thích . Đồng thời, dường như có sự thiếu kiểm tra và cân nhắc đáng lo ngại trong trật tự mới được đề xuất.
Tất cả 194 quốc gia trong WHO sẽ bỏ phiếu về các sửa đổi và hoàn thiện INB mới trước tháng 05/2024. Điều này có thể đem lại những thay đổi sâu rộng đối với sinh kế của các thế hệ mai sau. Mọi người có được thông báo và giáo dục đầy đủ về những thay đổi này không? Có nên có nhiều cuộc tranh luận công khai và cởi mở hơn để minh bạch hơn về điều gì sẽ xảy ra nếu các sửa đổi được thông qua? Tại sao các phương tiện truyền thông chính thống không nói điều này?
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times