Chính phủ TT Biden công bố khoản viện trợ an ninh mới trị giá 6 tỷ USD cho Ukraine
Gói viện trợ an ninh này bao gồm phi đạn Patriot, Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS), và đạn pháo 155mm cùng nhiều thứ khác.
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang công bố khoản viện trợ an ninh mới trị giá 6 tỷ USD cho Ukraine khi quốc gia đang chìm trong chiến tranh này cố gắng chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Theo một tuyên bố từ Ngũ Giác Đài, gói viện trợ mới, được công bố hôm 26/04, sử dụng nguồn vốn từ khoản viện trợ bổ sung trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine mà Quốc hội đã thông qua trước đó trong tuần, và “bao gồm các thiết bị để tăng cường năng lực phòng không, hỏa lực, và pháo binh của Ukraine, và để duy trì năng lực vũ khí.”
Hầu hết viện trợ an ninh mà Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine cho đến nay đều được thực hiện bằng cách sử dụng quyền rút ngân sách viện trợ của tổng thống (PDA), trong đó tổng thống cho phép cấp một lượng vũ khí cho Ukraine trực tiếp từ các kho dự trữ của Hoa Kỳ tương đương với số tiền viện trợ.
Tuy nhiên, gói mới này lại khác, và được cung cấp trong Sáng kiến Viện trợ An ninh Ukraine (USAI), một chương trình hiện được tài trợ bởi gói dự luật bổ sung được thông qua trong tuần này, và được tổ chức bởi Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine gồm 50 quốc gia.
USAI là một chương trình mà thông qua đó Hoa Kỳ sẽ mua sắm năng lực vũ khí quân sự từ ngành công nghiệp [quân sự] hoặc đối tác của Mỹ quốc. Do đó, thông báo của Ngũ Giác Đài cũng báo hiệu sự khởi đầu của một tiến trình ký kết hợp đồng mới để mua thêm vũ khí từ Ukraine.
Tuyên bố của Ngũ Giác Đài nói rằng: “Với vai trò là một phần của liên minh toàn cầu mà chúng tôi đã xây dựng với khoảng 50 Đồng minh và đối tác, gói USAI này nêu bật cam kết mạnh mẽ và kiên định của Hoa Kỳ để đáp ứng nhu cầu năng lực vũ khí trước mắt và lâu dài cấp bách nhất của Ukraine để chống lại sự xâm lược của Nga.”
Gói viện trợ trị giá 6 tỷ USD bao gồm phi đạn Patriot, Các hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS), thiết bị chống drone, công nghệ radar, đạn pháo 155 mm, đạn dược vũ khí nhỏ, các loại xe chiến thuật, và nhiều hệ thống có giá trị cao khác.
Theo một tờ thông tin liên quan do Ngũ Giác Đài phát hành, chính phủ TT Biden đã cam kết viện trợ an ninh hơn 50 tỷ USD cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào năm 2022. Số tiền đó không bao gồm 55 tỷ USD chưa chi tiêu còn lại trong số tiền viện trợ bổ sung cho Ukraine được thông qua trong tuần này.
Để nêu ra chỉ một số ít, thì sự viện trợ của Hoa Kỳ cho đến nay bao gồm việc cung cấp hơn 3 triệu viên đạn pháo 155mm, 31 xe tăng chiến đấu Abrams, hơn một ngàn thiết giáp xa và xe chiến thuật hạng nhẹ, vài chục chiếc thuyền, và 10,000 hệ thống chống thiết giáp Javelin.
Bắt đầu từ tháng Ba năm nay, chính phủ TT Biden cũng đã bí mật vận chuyển phi đạn tầm xa tới Ukraine sau khi nhận được những cam kết từ phía Kyiv rằng quốc gia Đông Âu này sẽ không sử dụng vũ khí này để tấn công lãnh thổ thuộc chủ quyền của Nga.
Chính phủ TT Biden coi việc tăng cường viện trợ quân sự ngoại quốc như một phương tiện để kích thích nền kinh tế Hoa Kỳ, khiến cho các nhà lập pháp và nhà phân tích chính sách cáo buộc về hành vi trục lợi chiến tranh.
Các quan chức trong Bộ này cũng thừa nhận rằng việc nước này tiếp tục chuyển giao các hệ thống vũ khí quan trọng cho Ukraine đã có một số tác động tiêu cực đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của chính quân đội Hoa Kỳ.
Trong một cuộc họp báo hồi tháng Ba, một quan chức cho biết: “Chúng tôi có khả năng chuyển nguồn tài trợ ra khỏi kho của mình, nhưng không có khả năng cung cấp thêm, chúng tôi đang đặt khả năng sẵn sàng chiến đấu của chính mình vào tình thế có phần rủi ro.”
Cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine đã rơi vào tình trạng gần như bế tắc kể từ đầu mùa hè năm ngoái, khi cả hai bên đều đang nỗ lực để giành được nhiều lãnh thổ.
Chỉ có một vài trường hợp ngoại lệ đáng chú ý đối với tình trạng vô cùng bế tắc này, gồm việc Ukraine giải phóng Robotyne hồi tháng Tám năm ngoái, và Nga chiếm được Avdiivka hồi tháng Hai.
Ngoài tình trạng bế tắc ra, thì cả Kyiv và Moscow đều không cho thấy thực sự tự nguyện tiến hành các cuộc đàm phán thiện chí để chấm dứt chiến tranh.
Hồi tháng Một, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận hòa bình chỉ khi thỏa thuận này phải bao gồm việc Nga nhượng lại toàn bộ lãnh thổ bị chiếm đóng, kể cả Crimea, và đệ trình lên một tòa án quốc tế về các tội ác chiến tranh.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc lại cam kết của ông với các mục tiêu ban đầu của chiến dịch này, bao gồm phi quân sự hóa hoàn toàn Ukraine và chấp nhận hiện trạng trung lập vĩnh viễn trong các vấn đề quốc tế.
Không rõ Ukraine sẽ có thể tận dụng những đợt cung cấp vũ khí mới ở mức độ nào, và liệu những hệ thống này sẽ dẫn đến những đột phá trên tiền tuyến hay chỉ ngăn cản những bước tiến tiếp theo của Nga. Kyiv đã phải đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị và nhân lực trong mùa đông, cũng như các vấn đề liên quan đến các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng lương thực và năng lượng.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times