Chính phủ TT Biden công bố chiến lược Thái Bình Dương trước ảnh hưởng của Trung Quốc
Hôm 29/09, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã công bố một khuôn khổ chiến lược về những mối bang giao với các quốc đảo Thái Bình Dương, tài liệu đầu tiên thuộc loại này. Hành động này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc đang tăng cường các hành động nhằm đặt khu vực này dưới ảnh hưởng của mình.
Tòa Bạch Ốc cho biết Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương (pdf) sẽ giúp tăng cường kết giao và thịnh vượng trong khu vực, cũng như củng cố các lợi ích an ninh quốc gia.
Tài liệu viết, “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương, trong đó Khối thịnh vượng chung của Quần đảo Bắc Mariana, Guam, American Samoa, và Hawai’i cũng là một phần của quê hương này.”
“Sự thịnh vượng và an ninh của Hoa Kỳ phụ thuộc vào khu vực Thái Bình Dương duy trì trạng thái tự do và cởi mở.”
Chiến lược này ghi nhận hoạt động ngày càng gia tăng của nhà cầm quyền Trung Quốc trong khu vực.
Tài liệu nêu rõ, “Sự cưỡng chế và chèn ép kinh tế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, … có nguy cơ làm suy yếu hòa bình, thịnh vượng, và an ninh của khu vực, nói rộng ra, là của Hoa Kỳ.”
Đáng chú ý, bản kế hoạch chi tiết định khung các quốc gia Thái Bình Dương này là một “tiểu khu vực của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” có khả năng đưa khu vực này vào dưới sự bảo trợ của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố trước đây. Chiến lược đó đã vạch ra rằng Hoa Kỳ sẽ tập trung phát triển các đồng minh và liên kết đối tác để bảo đảm duy trì một khu vực tự do và cởi mở, thịnh vượng, an ninh, và kiên cường trước sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng.
Tuy nhiên, khuôn khổ chiến lược mới nhấn mạnh rằng nó không tập trung vào bất kỳ địch thủ nào mà tìm cách phát triển khu vực theo hướng tích cực bằng cách tăng cường liên minh cũng như tăng cường thương mại và hợp tác.
Tài liệu viết, “Chúng tôi quan tâm đến việc duy trì các tuyến hàng hải tự do, cởi mở, và hòa bình ở Thái Bình Dương, trong đó các quyền tự do hàng hải và hàng không được công nhận và tôn trọng, người dân được ưu tiên, dòng chảy thương mại không bị cản trở, và môi trường được bảo vệ.”
“Chúng tôi cũng quan tâm đến việc bảo đảm rằng cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng không làm suy yếu chủ quyền và an ninh của các quốc đảo Thái Bình Dương, của Hoa Kỳ, hoặc của các đồng minh và đối tác của chúng tôi.”
Theo tài liệu, chính phủ có kế hoạch thúc đẩy các cam kết của Hoa Kỳ trong khu vực, củng cố bang giao kinh tế, xây dựng năng lực để hỗ trợ các cường quốc trong khu vực, củng cố chủ nghĩa khu vực, đồng thời làm việc với các đối tác để phát triển cũng như bảo vệ an ninh và chủ quyền cho các quốc đảo Thái Bình Dương.
Việc công bố kế hoạch này diễn ra vào ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Thái Bình Dương đầu tiên ở Hoa Thịnh Đốn, trong đó Tòa Bạch Ốc khẳng định sẽ dành hơn 810 triệu USD cho các chương trình mở rộng để hỗ trợ các quốc đảo. Theo một quan chức cao cấp trong chính phủ, trong thập niên vừa qua, Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 1.5 tỷ USD để hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương này.
Sáng kiến ngoại giao của Hoa Thịnh Đốn được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc đang gia tăng nỗ lực nhằm tăng cường bang giao kinh tế và an ninh với các quốc đảo Thái Bình Dương. Đáng chú ý nhất, hồi tháng Tư, Bắc Kinh đã ký một hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon. Hành động này đã vấp phải sự phản đối của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bành trướng dấu chân quân sự của mình.
Chiến lược mới này cũng đặt ra kế hoạch của Hoa Kỳ trong việc chính thức công nhận Quần đảo Cook và Niue là các quốc gia có chủ quyền, cung cấp 600 triệu USD để bảo đảm nguồn dự trữ cá ngừ trong khu vực, mở một phái bộ mới của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong khu vực, 3 triệu USD cho Lực lượng Tuần duyên đào tạo và nâng cao năng lực cũng như tăng cường hợp tác chấp pháp về an ninh mạng.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times