Chính phủ Hoa Kỳ loay hoay tìm giải pháp cho ngân hàng First Republic Bank
Các nhà quản lý Hoa Kỳ đã yêu cầu các ngân hàng lớn nộp hồ sơ dự thầu mua lại ngân hàng First Republic Bank (NYSE: FRC) vào cuối tuần qua, trong một nỗ lực giải cứu ngân hàng đang gặp khó khăn này.
Được biết, Tổng Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã tổ chức một cuộc đấu giá, yêu cầu nhiều ngân hàng mời thầu FRC trước hạn chót vào buổi chiều ngày 30/04. Tính đến thời điểm phát hành bài báo này, không có thông báo nào được đưa ra.
Hôm 28/04, First Republic đã đưa ra một tuyên bố nói rằng ngân hàng này đang đàm phán với nhiều bên về các lựa chọn chiến lược của mình, đồng thời vẫn tiếp tục phục vụ khách hàng của mình.
Cuối tuần qua, các hãng truyền thông đưa tin các nguồn ẩn danh nói rằng khoảng 6 ngân hàng đã cạnh tranh để có được tất cả các khoản tiền gửi của FRC, một phần lớn tài sản, và một số khoản nợ của ngân hàng này. Citizens Financial Group Inc., PNC Financial Services Group, US Bancorp, và JPMorgan Chase nằm trong số những bên đặt giá thầu trong một cuộc đấu giá do FDIC điều hành.
FRC là ngân hàng thương mại lớn thứ 14 của quốc gia, với tổng tài sản là 212.6 tỷ USD vào cuối năm 2022. Ngân hàng này bắt đầu hoạt động vào năm 1985 với một văn phòng duy nhất ở San Francisco, đã phát triển với hơn 80 văn phòng nằm rải rác trên bảy tiểu bang trong các cộng đồng có thu nhập cao.
Giá cổ phiếu của ngân hàng đã giảm hơn 95% kể từ đầu tháng Ba, xóa sạch giá trị thị trường 22 tỷ USD của mình.
Tin tức này được đưa ra chưa đầy hai tháng sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank sụp đổ trong bối cảnh một cuộc rút tiền gửi hàng loạt khỏi hệ thống ngân hàng này, khiến Cục Dự trữ Liên bang và Bộ Ngân khố phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp.
Một tháng đầy khó khăn
Giá cổ phiếu của First Republic đã giảm tới 97% một cách đáng kinh ngạc so với một năm trước. Các cổ phiếu được định giá hơn 153 USD hồi tháng Tư năm ngoái (2022) đã giảm xuống còn 3.51 USD trong giao dịch thông thường hôm 28/04.
Tháng trước (tháng Ba), các ngân hàng hàng đầu của Hoa Kỳ đã chuyển 30 tỷ USD vào First Republic Bank để tránh các vấn đề tài chính sắp xảy ra. Tuy nhiên, hơn 100 tỷ USD tiền gửi đã rời khỏi kho tiền của ngân hàng này kể từ đầu tháng Ba, mà các chuyên gia cho rằng đó là một đòn chí mạng đối với ngân hàng này.
Trong báo cáo thu nhập mới nhất được phát hành hôm 24/04, FRC tiết lộ rằng họ đã trải qua một đợt cạn kiệt tiền gửi “chưa từng có” sau sự sụp đổ của SVB và Signature Bank.
Tin tức về việc rút tiền gửi đã khiến cổ phiếu của ngân hàng này xuống mức thấp kỷ lục.
Ông Will Denyer thuộc tổ chức Gavekal Research cho biết trong một báo cáo nghiên cứu hôm 26/04 rằng các nhà đầu tư đã được nhắc nhở rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng tín dụng rộng lớn hơn ở Hoa Kỳ còn lâu mới kết thúc.
Trước tình trạng rút tiền hàng loạt, First Republic Bank buộc phải vay từ các chương trình liên bang để củng cố bảng cân đối kế toán. Ngân hàng này cho biết trong báo cáo thu nhập của mình rằng hôm 15/03 tổng số khoản vay của họ đạt mức cao nhất với 138.1 tỷ USD.
Trong một nỗ lực củng cố bảng cân đối kế toán của mình, First Republic Bank cũng đã công bố các kế hoạch bán bớt các tài sản không sinh lời, trong đó có các khoản thế chấp lãi suất thấp mà ngân hàng cung cấp cho các khách hàng giàu có, cũng như sa thải 20 đến 25% lực lượng nhân sự của mình, với tổng số khoảng 7,200 nhân viên tại thời điểm cuối năm 2022.
Nhiều bất ổn phía trước?
Một số nhà phân tích dự đoán rằng sự sụp đổ của First Republic Bank sẽ gây thêm áp lực suy giảm đối với một khu vực tài chính vốn đã bị tổn hại.
Cựu Bộ trưởng Ngân khố Larry Summers đã chỉ trích các cơ quan quản lý của chính phủ ông Biden vì thiếu quyết đoán trong giải pháp của họ đối với ngân hàng First Republic Bank.
“Tôi ngạc nhiên và thất vọng vì tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài lâu như vậy, với cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm 95%,” ông Summers nói với hãng thông tấn Bloomberg hôm 28/04. “Tôi hi vọng rằng giữa các ngân hàng này, FDIC, các nhà chức trách kia, cách thức tốt nhất sẽ được tìm thấy trong vòng một tuần hoặc 10 ngày tới.”
Những người khác cho thấy mức độ can thiệp quá mức của chính phủ là nguyên nhân chính của sự bất ổn tài chính ngày nay.
“Môi trường bây giờ hoàn toàn khác so với trước đây, nhờ có ngân hàng trung ương hoạt động tích cực,” cựu giám đốc quản lý quỹ Bill Fleckenstein nói với The Epoch Times. “Chúng ta gặp phải tình trạng chi tiêu ngoài tầm kiểm soát của chính phủ và lượng lớn tiền đầu tư được Vanguards và BlackRocks trên thế giới chuyển đi hàng ngày một cách mù quáng.”
Ông Fleckenstein, tác giả của cuốn sách có nhan đề “Greenspan’s Bubbles: The Age of Ignorance at the Federal Reserve” (Những Quả Bong Bóng Của Ông Greenspan: Kỷ Nguyên Thiếu Hiểu Biết Tại Fed), lập luận rằng hàng thập niên chính sách tiền tệ theo trường phái Keynes đã khiến hệ thống tài chính của chúng ta trở nên mong manh và không thể chịu đựng được sự biến động do đợt tăng lãi suất gần đây nhất của Fed gây ra.
Lỗi của ai?
Hôm 28/04 Cục Dự trữ Liên bang đã công bố bản đánh giá rất được mong đợi của họ về sự sụp đổ của SVB hồi tháng Ba vốn đã ảnh hưởng đến hệ thống tài chính Hoa Kỳ. Theo ngân hàng trung ương này, sự sụp đổ của SVB là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có cả chính Fed, thừa nhận rằng họ đã không làm đủ để đảm bảo rằng ban lãnh đạo SVB khắc phục các vấn đề của công ty này.
Bản đánh giá này nêu rõ, vào thời điểm sụp đổ, SVB đã có “31 cảnh báo về giám sát an toàn và sự lành mạnh chưa được giải quyết,” gấp ba lần số lượng trung bình của các ngân hàng cùng ngành.
Theo bản đánh giá này, các cơ quan quản lý ngân hàng trung ương đã không “đánh giá đầy đủ mức độ của các lỗ hổng khi Silicon Valley Bank ngày càng phát triển về quy mô và độ nén.” Nhưng khi ngân hàng trung ương xác định được các lỗ hổng, các cơ quan quản lý “đã không thực hiện đủ các bước để đảm bảo rằng” SVB đã khắc phục những vấn đề này với một tốc độ đủ nhanh.
Báo cáo trên của Fed cũng cảnh báo rằng các ngân hàng có các khoản lỗ lớn chưa nhận ra “phải đối mặt với những rủi ro đáng kể về an toàn và tính lành mạnh”.
Một báo cáo khác của FDIC công bố hôm 28/04 về sự sụp đổ của Signature Bank cho biết “nguyên nhân sâu xa” của sự sụp đổ của ngân hàng cho vay có trụ sở tại New York này là “sự quản lý kém” nhưng FDIC “có thể đã tăng cường các hành động giám sát sớm hơn” và “mạnh mẽ hơn.”
Các vụ sụp đổ ngân hàng ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào?
Theo Morgan Stanley, cuộc khủng hoảng ngân hàng này được cho là sẽ gây ra “những cuộc khủng hoảng tín dụng,” làm giảm tăng trưởng kinh tế.
“Sự gián đoạn trong hệ thống tài chính này sẽ để lại dấu ấn đối với nền kinh tế thực,” các kinh tế gia của Morgan Stanley viết trong một báo cáo mới đây. “Các nhà phân tích ngân hàng của chúng tôi nhận thấy chi phí tài trợ thường xuyên cao hơn đối với các ngân hàng trong tương lai, và sự gián đoạn đối với các thị trường tài trợ có thể sẽ dẫn đến việc thắt chặt các điều kiện tín dụng.”
Theo Goldman Sachs, các lĩnh vực sản xuất, địa ốc thương mại, và công nghệ là những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất trước một sự cắt giảm cho vay của ngân hàng.
Ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, đã viết trong một ghi chú gần đây rằng việc giảm cho vay sẽ dẫn đến việc đầu tư kinh doanh vào các ngành này giảm đi.
Bản tin có sự đóng góp của Tom Ozimek và Andrew Moran.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times