Chính phủ Argentina đang trên bờ sụp đổ, người dân từ chối làm việc
Chỉ 43% người trưởng thành có việc làm, trong bối cảnh lạm phát kinh tế tăng hơn 60%
Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Buenos Aires trong 90 ngày qua và tiếp tục phát triển bên trong thủ đô này khi người dân phản đối chính phủ trung tả của họ về những sửa đổi đáng kể đối với các chương trình phúc lợi xã hội.
Việc cắt giảm trợ cấp trong lĩnh vực năng lượng dựa trên thu nhập gia đình đã bắt đầu hồi tháng Sáu.
Các khoản trợ cấp khác, trong đó có chương trình phúc lợi nổi tiếng hào phóng của nước này, cũng đang bị cắt giảm, khiến hàng ngàn người dân tức giận xuống đường biểu tình.
Trợ cấp do nhà nước tài trợ cho thường dân đã tăng vọt trong 20 năm qua, khiến 22 triệu người Argentina bị lệ thuộc vào một số hình thức hỗ trợ của chính phủ.
Trong quý đầu tiên của năm 2022, tỷ lệ việc làm trên toàn quốc là 43%, theo số liệu của chính phủ.
Các chương trình được nhà nước tài trợ mở rộng đến hầu hết mọi khía cạnh của nền kinh tế, từ tiền lương đến tiện ích, giáo dục, và y tế.
Argentina đã chi khoảng 800 triệu peso mỗi ngày — tổng cộng hơn 6 triệu USD — cho các chương trình phúc lợi của nhà nước.
Đồng thời, lạm phát ở quốc gia Nam Mỹ này đạt 58% trong tháng Năm và tăng vọt trên 60% trong tháng Bảy. Để so sánh, lạm phát cả nước chỉ hơn 14% hồi năm 2015.
Ông Harry Lorenzo, giám đốc tài chính của tổ chức Nghiên cứu Dựa trên Thu nhập, nói với The Epoch Times rằng thói quen chi tiêu của chính phủ Argentina là nguyên nhân căn bản của vấn đề [lạm phát] leo thang.
Ông Lorenzo giải thích rằng, “Chính phủ Argentina đã phải chật vật với một nền kinh tế đang sụp đổ trong một thời gian. Lý do chính cho điều này là việc chi tiêu không bền vững của chính phủ, mà một phần đã được các chương trình phúc lợi hào phóng tài trợ.”
Lún sâu vào hỗn loạn kinh tế
Những lời kêu gọi đòi thêm tiền của nhà nước, sự tự do từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và yêu cầu Tổng thống Alberto Fernandez từ chức đã vang lên trong đám đông giận dữ tập trung gần văn phòng tổng thống — Casa Rosada — trong lễ kỷ niệm ngày độc lập của quốc gia này hôm 09/07.
Kể từ đó, các cuộc biểu tình theo lịch trình vẫn tiếp tục, do những người tổ chức biểu tình chuyên nghiệp hay còn gọi là “piqueteros” dẫn đầu, yêu cầu bãi bỏ các đề nghị sửa đổi về cắt giảm trợ cấp và tăng lương.
Ông Alvaro Gomez nói với The Epoch Times, “Đúng là giận quá mất khôn. Những gì các piqueteros đang yêu cầu là điều ngu xuẩn.”
Ông Gomez đã sống và làm việc tại Buenos Aires hơn 15 năm và hiện đang là một tài xế taxi. Nhiều năm trôi qua, ông ấy chứng kiến đất nước của mình đang lún sâu hơn vào sự hỗn loạn kinh tế.
Ông nói: “Trong quãng thời gian đó, tôi đã chứng kiến năm vị tổng thống đến và đi; không có gì được cải thiện. Một nửa đất nước của chúng tôi không muốn có việc làm, còn những người muốn có việc làm thì lại không muốn đóng thuế cho những người không có việc kia.”
Bộ trưởng Kinh tế Argentina kiêm đồng minh thân cận của ông Fernandez, ông Martin Guzman, đã từ chức hôm 02/07 trong bối cảnh có những khiếu nại rằng các mâu thuẫn trong nội bộ đã ngăn cản ông thực hiện công việc của mình.
Ông Guzman là động lực thúc đẩy đằng sau một thỏa thuận quan trọng mới của IMF. Ông cũng được cho là đã xích mích với phó tổng thống đương nhiệm và cựu tổng thống hai nhiệm kỳ Cristina Fernandez de Kirchner về việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày càng tệ hơn của Argentina.
Bà Kirchner là một người ủng hộ mạnh mẽ cho việc trợ cấp và trước đây đã lên án sự phụ thuộc của Argentina vào IMF.
Tóm lại, một nửa trong số liên minh cầm quyền muốn có nhiều gói cứu trợ ngoại quốc hơn như một giải pháp cho tình trạng lạm phát và ngân khố cạn kiệt.
Nửa còn lại muốn duy trì các chương trình xã hội hiện có và không phụ thuộc vào viện trợ ngoại quốc, trong khi tăng thuế đối với dân số ngày càng nghèo.
Hiện tại, một số vùng của Argentina có hơn 40% dân số sống dưới mức nghèo khổ.
Niềm tin của nhà đầu tư thấp
Bà Kirchner gọi việc từ chức đột ngột của ông Guzman là “một hành động vô trách nhiệm về mặt chính trị” trong một cuộc họp báo ở tỉnh Santa Cruz.
Hôm 03/07, Tổng thống Fernandez đã nhanh chóng bổ nhiệm bà Silvina Batakis thế vào chỗ trống của ông Guzman trong văn phòng trụ cột.
Không lãng phí thời gian, bà Batakis đã gặp giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva hôm 25/07 để thảo luận về một thỏa thuận mới tiềm năng cho khoản nợ 44 tỷ USD đang tồn đọng của đất nước.
Ông Robert Donnelly, giám đốc tài chính tại Marketplace Fairness, chia sẻ với The Epoch Times rằng việc Argentina phụ thuộc vào các gói cứu trợ của ngoại quốc không phải là một giải pháp mà còn là một biện pháp giảm áp lực kinh tế trong ngắn hạn.
“Mặc dù điều này đã phần nào thành công, nhưng nó vẫn chưa giải quyết được vấn đề căn bản,” ông Donnelly nói.
Ông giải thích rằng chính phủ ông Fernandez có thể làm một số việc để giảm bớt sự phụ thuộc của đất nước vào các khoản vay bên ngoài, như tăng cường xuất cảng và thu hút nhiều khoản đầu tư ngoại quốc hơn.
Song song với sự sụp đổ của đồng peso, lạm phát cao, và chính phủ không có chiến lược rõ ràng cho hướng đi sắp tới, niềm tin của các nhà đầu tư bên ngoài vẫn rất thấp.
Ông Lorenzo tin rằng sự cắt giảm trong chi tiêu của chính phủ là điều tối quan trọng. “Điều này sẽ liên quan đến việc thu nhỏ lại các chương trình phúc lợi, vốn là yếu tố đóng góp chính vào khoản nợ của đất nước.”
Tuy nhiên, đối với 1.2 triệu thành viên phụ thuộc vào chương trình xã hội Empower Work, một chương trình trợ cấp thu nhập cung cấp mức lương đủ sống trong một khoảng thời gian không xác định, thì việc làm một công việc bình thường là không thể.
“Chính phủ kỳ vọng chúng tôi làm việc từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều với khoản thù lao tương đương,” một nữ cư dân phẫn nộ ở Buenos Aires và là một piquetero than thở với các phóng viên trong một buổi phát sóng trực tiếp tin thời sự.
Khi được hỏi cô ấy đã kiếm thu nhập cho gia đình mình từ đâu, người phụ nữ này đáp, “[từ] chính phủ”.
Tức giận vì phải làm việc
Một người biểu tình khác, một người đàn ông trưởng thành, nói với các phóng viên địa phương, đồng thời chỉ trích những sửa đổi được đề xướng trong chương trình phúc lợi xã hội, “Bà Cristina [Kirchner] nói với chúng tôi rằng chúng tôi phải đi làm thay vì nhận trợ cấp xã hội. Đi làm, đó là chính sách của một người theo cánh hữu.”
Những người biểu tình tiếp tục yêu cầu thêm tiền trợ cấp hoặc là Tổng thống Fernandez phải từ chức.
Trong khi đó, trong lễ kỷ niệm 206 năm độc lập, vị nguyên thủ quốc gia này đã kêu gọi đoàn kết trong quốc gia bị tàn phá về mặt kinh tế này. Trong cùng một bài diễn văn, ông Fernandez đã chỉ trích gay gắt các nhóm đang tấn công chính phủ và muốn “giữ mọi nguồn thu nhập cho mình”.
Đối với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc của quốc gia này và hệ lụy bất ổn, ông Fernandez nói: “Tình đoàn kết luôn là kết quả của những người thực sự sẵn lòng đồng tâm hiệp lực.”
“Lịch sử dạy chúng ta rằng đó là một giá trị mà chúng ta phải gìn giữ trong những thời khắc khó khăn nhất.”
Cô Autumn Spredemann là một phóng viên ở Nam Mỹ chủ yếu đưa tin về các vấn đề Mỹ Latinh cho The Epoch Times.