Hoa Kỳ: Nỗi lo lạm phát khiến người mua sắm săn lùng ưu đãi chuyển sang các nhãn hiệu rẻ hơn
Ngày càng nhiều người tiêu dùng Mỹ trên khắp đất nước đang mua các nhãn hiệu cửa hàng rẻ hơn tại các siêu thị do giá hàng bách hóa tăng cao, tạo thêm áp lực cho các thương hiệu thực phẩm lớn.
Sự thay đổi lớn trong thói quen chi tiêu bắt đầu vào tháng Ba với việc giá xăng tăng đột biến và mức lạm phát cao nhất trong 40 năm.
Các công ty phát hành thẻ tín dụng báo cáo rằng người tiêu dùng đang có xu hướng mua các mặt hàng có chi phí thấp hơn, chẳng hạn như nhãn hiệu cửa hàng (store brand, sản phẩm bán dưới nhãn hiệu riêng của cửa hàng, ví dụ VinEco, Vinmart Cook), khi họ phải vật lộn với tác động của lạm phát.
Chi phí thực phẩm, xăng, và tiền thuê nhà tăng cao đã làm cho các nhãn hiệu cửa hàng thông thường trở nên hấp dẫn hơn đối với ngân sách gia đình eo hẹp.
Hầu hết các thương hiệu thực phẩm lớn đã tăng giá kể từ đầu năm nay để bù đắp chi phí sản xuất tăng cao, khiến các sản phẩm chung (sản phẩm không có thương hiệu, được bán dưới nhãn hiệu riêng của cửa hàng) trung bình rẻ hơn 30%.
Theo dữ liệu mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường IRI, về doanh số bán hàng, doanh số mua thực phẩm và đồ uống theo các nhãn hiệu cửa hàng đã tăng lên 1% thị phần trong bốn tuần kết thúc hôm 10/07.
Hơn nữa, theo IRI, 47% thịt cho bữa sáng và 50% bánh quy giòn được mua bằng phiếu giảm giá hoặc thông qua các hình thức giảm giá khác. Ít nhất 39% giấy vệ sinh và khăn giấy cũng được mua bằng giảm giá, cao nhất kể từ đầu năm.
Cạnh tranh khốc liệt
Giấy vệ sinh và khăn giấy có thương hiệu hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhãn hiệu cửa hàng.
Các nhãn hiệu cửa hàng hiện chiếm 21.6% tổng chi tiêu, một sự đảo ngược so với mức trước đại dịch, sau khi người tiêu dùng chuyển hướng sang các sản phẩm có thương hiệu trong hai năm qua.
Khi đại dịch làm gián đoạn sản xuất trên diện rộng, nhiều nhà sản xuất sản phẩm chung phải vật lộn để theo kịp, vì họ ít linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh giá, không giống như các thương hiệu lớn hơn có khả năng cắt giảm các lựa chọn sản phẩm để tăng hiệu quả và duy trì sản xuất.
Các công ty thực phẩm lớn như Kraft Heinz và General Mills có thể chiếm được nhiều thị phần hơn từ các nhà sản xuất sản phẩm chung, những người thường xuyên hết hàng hơn; nhưng giờ đây điều đó đã thay đổi.
Các đại gia thực phẩm lớn đều dự kiến báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 âm vào tuần tới (01-07/07), các báo cáo này sẽ tính đến tác động của các nhãn hiệu cửa hàng.
Các nhà phân tích trong ngành nói rằng các công ty có thương hiệu tên tuổi thường thua các nhãn hiệu chung khi nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái, vì họ tăng giá để bù đắp chi phí lạm phát.
Các nhãn hiệu cửa hàng thường rẻ hơn, bởi vì họ không phải trả thêm chi phí tiếp thị cho các thương hiệu tên tuổi hoặc cho các lựa chọn sản phẩm đa dạng của mình.
Lợi thế nhãn hiệu riêng
Một lý do khác khiến các nhãn hiệu cửa hàng tăng doanh thu là vì chúng xuất hiện trên kệ nhanh hơn so với các đối thủ có thương hiệu, hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng ngày càng trầm trọng của chính mình.
Ông Steve Oakland, giám đốc điều hành của TreeHouse Foods, cho biết khi giá tăng trong quá khứ, các nhãn hiệu riêng có lợi thế bằng cách chuyển đổi vật liệu đóng gói hoặc nhà cung cấp thành phần để cắt giảm chi phí.
Ông Oakland nói: “Với tất cả tình trạng lạm phát, nhãn hiệu riêng là ưu đãi tốt nhất từng có.”
Các mặt hàng nhãn hiệu cửa hàng có chi phí thấp hơn, do các công ty như TreeHouse Foods sản xuất, được bán tại các chuỗi bán lẻ lớn như Walmart và Kroger.
Các nhà sản xuất có thương hiệu đang phải đối mặt với nhiều hạn chế hơn trong các lựa chọn của họ, do sự gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra bởi cuộc xung đột ở Ukraine và các cuộc phong tỏa do đại dịch ở Trung Quốc.
Trong khi đó, khoảng cách về giá giữa các nhãn hiệu cửa hàng và thương hiệu quốc gia đã lần đầu tiên được nới rộng kể từ khi bắt đầu đại dịch, theo Morgan Stanley.
Các nhà sản xuất có thương hiệu đang quay trở lại các chiến thuật định giá được sử dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009, chẳng hạn như giảm quy mô khẩu phần, để giữ giá bằng hoặc cao hơn.
Các thương hiệu quốc gia khác đang cố gắng thuyết phục người mua hàng ở lại với họ bằng cách nhấn mạnh tính ưu việt của các sản phẩm cao cấp so với các lựa chọn thay thế nhãn hiệu cửa hàng rẻ hơn.
Các thương hiệu quốc gia hiện cũng đang chi tiêu nhiều hơn cho việc giảm giá và khuyến mại đối với hàng hóa, bao gồm nước ngọt và khăn giấy, để giữ chân người mua hàng ở lại các cửa hàng cao cấp hơn và mua các sản phẩm có thương hiệu.
Tiết kiệm vượt mức
Đầu năm 2022, người tiêu dùng Mỹ đã tiết kiệm được 2.5 ngàn tỷ USD tiền tiết kiệm dư thừa, được dùng để trả các khoản nợ và hóa đơn hàng tháng.
Trước khi công bố kết quả kinh doanh quý 2, các nhà đầu tư lo ngại về chi tiêu của người tiêu dùng do các yếu tố như lạm phát tăng vọt, lãi suất cao hơn, và hậu quả của đại dịch COVID-19.
Các giám đốc điều hành của các nhà phát hành thẻ tín dụng báo cáo rằng người tiêu dùng dường như đang duy trì tốt cho đến nay, vì tỷ lệ khoanh nợ tại năm công ty cho vay thẻ tín dụng lớn nhất của Mỹ giảm xuống mức trung bình 1.9% trong quý 2 từ mức 2.6% vào một năm trước đó.
Nhiều công ty cho vay đang báo cáo rằng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ở mức cao kỷ lục, do lạm phát cao dẫn dắt. Lạm phát đã không ngăn cản người Mỹ chi tiêu cho du lịch, hàng hóa, và dịch vụ.
Tổng khối lượng mua hàng bằng thẻ tín dụng đã tăng 20%, lên 1.1 ngàn tỷ USD, trong quý 2/2022.
Giám đốc điều hành Capital One Richard Fairbank cho biết trong một cuộc gọi hội nghị với các nhà phân tích: “Tuy nhiên, tôi bị ấn tượng bởi xuất phát điểm mạnh mẽ của người tiêu dùng khi chúng tôi xem xét những nguy cơ tiềm ẩn của lạm phát và tình hình kinh tế khó khăn hơn.”
Ông nói thêm: “Tất nhiên, tôi sẽ đối chiếu điều này với cuộc Đại Suy Thoái hoặc cuộc khủng hoảng tài chính lớn, nơi người tiêu dùng ở vào thế yếu hơn nhiều.”
Ngoài ra, American Express tuần trước đưa tin cho biết rằng chi tiêu cho du lịch và giải trí lần đầu tiên vượt qua mức trước đại dịch vào tháng Tư, thúc đẩy thu nhập doanh nghiệp lên mức kỷ lục 340 tỷ USD trong quý thứ hai.
Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với nền tảng về chính trị và ngành luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.