Hơn 60% người Mỹ đổ lỗi cho chính phủ ông Biden vì lạm phát tăng cao nhất trong 40 năm
Theo một cuộc khảo sát mới được công bố bởi WalletHub hôm 20/07, phần lớn người Mỹ, 61%, đổ lỗi cho chính phủ ông Biden vì lạm phát tăng vọt, hiện đang ở mức cao nhất trong 40 năm.
Cuộc khảo sát được thực hiện trực tuyến từ hôm 04/07 đến 08/07 để đánh giá những gì mọi người biết về các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và cách chúng tác động đến tài chính của người tiêu dùng.
26% khác đổ lỗi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, người vào tháng Hai đã tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine gây ảnh hưởng đến chi phí của mọi thứ, từ dầu mỏ đến thực phẩm.
Trong khi đó, 13% những người được khảo sát đổ lỗi cho Fed đã gây ra lạm phát.
Với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 12 tháng đạt 9.1% trong tháng Sáu, hiện nhiều người dự đoán rằng các quan chức Fed sẽ tăng lãi suất lên mức 100 điểm cơ bản vào tháng tới.
Gần 65% nhà giao dịch được khảo sát bởi Công cụ FedWatch của CME Group tin rằng lãi suất quỹ liên bang sẽ tăng 3/4 điểm phần trăm.
Ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tăng lãi suất mục tiêu hôm 27/07 trong một nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách nhằm chống lại lạm phát ngày càng tăng.
Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm trước cuối năm nay, gây thêm căng thẳng cho người tiêu dùng đang mắc nợ.
Cho đến thời điểm này của năm, việc tăng lãi suất đã làm tăng thêm 8.1 tỷ USD vào khoản nợ thẻ tín dụng tiêu dùng hiện có, và có khả năng sẽ tăng thêm từ 4.8 tỷ USD đến 6.4 tỷ USD vào cuối năm 2022
Khoảng 63% số người được hỏi nói rằng chi tiêu cá nhân của họ bị ảnh hưởng bởi mức tăng gần 1.5% của Fed trong năm nay và 48% thừa nhận rằng họ chưa chuẩn bị về mặt tài chính cho một cuộc suy thoái.
Một nỗi sợ hãi lớn là số liệu thất nghiệp thấp sẽ bắt đầu tự đảo ngược nếu lạm phát đình trệ tiềm ẩn dẫn đến suy thoái.
Ít nhất 56% lo ngại rằng việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến họ mất việc làm trong năm nay, trong khi 80% tin rằng chúng ta đang đi vào một cuộc suy thoái.
Ông Christopher Ball, một nhà kinh tế tại Đại học Quinnipiac, cho biết: “Đáng lẽ ra Fed đã phải cắt giảm chương trình mua tài sản và tăng lãi suất rồi.”
Ông nói: “Nếu họ kiểm soát lạm phát tốt hơn. Sẽ có nhiều lý do hơn để trì hoãn việc tăng lãi suất trong cuộc khủng hoảng Ukraine này, nhưng đã quá muộn để chống lại lạm phát, đến mức họ phải tăng lãi suất hoặc chúng ta sẽ có vấn đề lạm phát rất nghiêm trọng và vẫn còn một cuộc khủng hoảng ở Ukraine.”
Về mặt chính trị, sẽ rất khó để tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào tình trạng suy thoái, vì sẽ có nhiều áp lực lên Fed để cho lạm phát tăng nhằm duy trì hoạt động của nền kinh tế.
Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc đang phải đối mặt với những lời phàn nàn ngày càng tăng từ cử tri, khi nền kinh tế Hoa Kỳ suy yếu do các đợt tăng lãi suất vào thời điểm nhạy cảm trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.
Với cuộc khủng hoảng ở Ukraine gây ra sự tàn phá kinh tế toàn cầu và các chính sách của ông Biden liên quan đến Nga và cuộc khủng hoảng dầu mỏ làm trầm trọng thêm tình hình, nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại với khả năng hạ cánh “khó khăn” vào cuối năm nay.
Áp lực của Kyiv đối với Hoa Thịnh Đốn nhằm chi tiêu nhiều hơn cho quân sự và các quỹ viện trợ hoặc cứu trợ cho Ukraine đang làm trầm trọng thêm khoản nợ vốn đã cao mà Hoa Kỳ đã tích lũy.
Ông Ball nói: “Chúng tôi sẽ phải chuyển nguồn ngân sách từ các dự án khác chỉ để trả lãi cho khoản nợ.”
Khi lãi suất cao hơn làm tăng chi phí chi tiêu, ảnh hưởng của việc này đối với nợ liên bang sẽ khiến cho bất kỳ khoản chi tiêu nào nữa của Quốc hội và chính phủ ông Biden sẽ rất tốn kém, làm tổn hại đến cơ hội của Đảng Dân Chủ vào tháng 11 tới.
“Vì vậy,” ông Ball kết luận, “nếu chúng ta cần nhiều chi tiêu hơn cho Ukraine và nhiều hơn nữa để trả lãi, các chính trị gia sẽ còn lại rất ít thành tích để quảng bá với các cử tri hoặc cho các dự án PR lớn, và điều này cũng sẽ gây thêm nhiều áp lực chính trị hơn đối với Fed để không tăng lãi suất hoặc làm chậm việc tăng lãi suất.”
Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức nền tảng về chính trị và ngành luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.