Lạm phát 9.1% sẽ tấn công California ra sao?
Trong bộ phim “Rocky II” của nam tài tử Sylvester Stallone từ năm 1992, một người phỏng vấn hỏi nhân vật Clubber Lane, do Mr. T đóng, về dự đoán cho trận đấu. Câu trả lời của anh chỉ vỏn vẹn một từ: “Đau.”
Đó là cách mà tôi nhớ về đợt lạm phát khủng khiếp trong những năm 1970. Và đó là những gì đang chờ đợi California và phần còn lại của nước Mỹ.
Chúng ta vừa nhận được dữ liệu cho tháng Sáu. Lạm phát tăng vọt lên 9.1% hàng năm. Chỉ trong vòng một tháng, từ tháng Năm đến tháng Sáu, lạm phát đã tăng thêm 1.3%. Và giá bán sỉ tăng vọt lên hai con số, 11.3%. Con số cuối cùng này thường chuyển thành giá tiêu dùng thậm chí còn cao hơn trong tương lai.
Năm 1978-1979, tôi ở California, là một binh sĩ Lục quân Hoa Kỳ học tiếng Nga tại Học viện Ngôn ngữ Quốc phòng ở Monterey. Tôi là một chàng trai độc thân đến từ Michigan, vì vậy Lục quân đã cấp cho tôi những đồ dùng thiết yếu. (Mặc dù tôi đã phải trả nhiều tiền hơn cho các kỳ nghỉ và bia).
Nhưng những người bạn của tôi trong cộng đồng địa phương đã phàn nàn về việc trả nhiều tiền hơn cho mọi thứ. Ngay cả những ngôi nhà đã qua sử dụng cũng có giá cao hơn, vì giá trị gia tăng dẫn đến thuế địa ốc cao hơn. Điều đó đã dẫn đến Dự luật 13 nổi tiếng, được thông qua hồi tháng 06/1978, hạn chế thuế địa ốc và việc tăng thuế. Mọi người mà tôi biết ở đây đều ủng hộ điều đó.
Lạm phát tiếp tục kéo dài đến năm 1979, khi tôi được bổ nhiệm làm một nhà ngôn ngữ học tiếng Nga cho một đơn vị tình báo cơ động ở Hoechst, gần Frankfurt. Đồng tiền của người Đức khi ấy là đồng deutschemark, mà so với đồng tiền này thì đồng USD đang giảm giá trị, làm suy yếu mọi khoản ngân sách của lục quân.
Các trung sĩ đã có gia đình trong đơn vị của tôi đặc biệt bị ảnh hưởng và đã phải dùng tem phiếu thực phẩm để tồn tại.
Tổng thống Jimmy Carter khoe rằng ông đã tăng lương 7% cho lục quân chúng tôi — khi lạm phát chạm mức 13%. Hồi tháng 11/1980, các cử tri đã bỏ ông để theo ông Ronald Reagan.
Mặc dù lạm phát đang rất tệ, nhưng có một vấn đề thứ hai: Fed phải tăng lãi suất để tránh lạm phát phi mã như ở Đức trong những năm 1920 hay Venezuela ngày nay. Bắt đầu từ năm 1979, Chủ tịch Fed Paul Volcker chắc chắn đã làm được điều đó, với lãi suất tăng lên 20% trong một thời gian.
Ngày nay, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ông đang cố gắng tránh một cuộc suy thoái kinh tế. Nhưng con số 9.1% mới đây cho thấy khó có khả năng tránh khỏi điều này.
Yahoo Finance đã đăng bài viết có nhan đề: “Trái Phiếu Sụt Giảm khi Lạm Phát Gia Tăng Thúc Đẩy Đặt Cược vào việc Fed Tăng Lãi Suất Thêm 100 Điểm Cơ Bản” (“Bonds Slump as Inflation Surge Fuels Bets on 100-Basis-Point Fed Rate Hike”). Đó sẽ là một mức tăng 1 điểm phần trăm.
Mỗi cuộc suy thoái đều khác nhau. Cuộc suy thoái dot-com giai đoạn 2000-2001 tương đối nhẹ, làm rung chuyển ngành công nghệ ngay trước khi nó vươn lên vị thế thống trị toàn cầu hiện nay. Nhưng sắp đến một cuộc đổ vỡ khác. Cuộc đổ vỡ này sẽ làm sụp đổ Thung lũng Silicon và phần còn lại của California.
Cuộc suy thoái do nợ dưới chuẩn trong những năm 2007-2009 đặc biệt ảnh hưởng nặng đến California do đầu tư quá mức vào địa ốc. Tôi biết những người từ khu vực Inland Empire, những người đã thấy giá trị nhà của họ giảm 75%. Họ thôi thanh toán các khoản thế chấp của họ. Kể từ đó, các cải cách liên bang được cho là sẽ ngăn chặn một sự sụp đổ địa ốc khác ở cấp độ đó. Dự báo gần đây của Đại học Chapman cho rằng với mức giảm 15% [giá trị nhà] ở California, thì hầu hết vẫn có thể sống sót.
Nhưng đó chỉ là một phỏng đoán. Và xin đừng nghe bất kỳ lời khuyên đầu tư nào từ một phóng viên chính trị!
Điều chưa rõ là ảnh hưởng của cuộc suy thoái này đối với các ngân sách tiểu bang và địa phương ở California. Các cuộc suy thoái trong những năm 1990-1991, 2000-2001, và 2007-2009 đều gây ra thâm hụt ngân sách tiểu bang lớn, dẫn đến các đợt tăng thuế. Những đợt tăng thuế này đã chấm dứt giấc mơ thăng tiến chính trị của các thống đốc đã ký tên chấp thuận: ông Pete Wilson, người đã tái đắc cử hồi năm 1994, nhưng nỗ lực tranh cử tổng thống của ông đã tan thành mây khói; ông Gray Davis, người đã bị loại khỏi vị trí bởi một cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm; và ông Arnold Schwarzenegger, người mà nỗ lực tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ đã nhanh chóng bị dập tắt.
Điều có thể xảy ra là thời kỳ thặng dư ngân sách tiểu bang hơn 100 tỷ USD đã qua. Tiếp bước sự dẫn dắt của Thống đốc Jerry Brown, Thống đốc Gavin Newsom đã bảo đảm rằng chỉ có ít thặng dư được đưa vào quy trình ngân sách, điều đó có nghĩa là chi tiêu cao hơn sẽ tiếp tục ngay cả trong những thời điểm tồi tệ. Các quỹ dự trữ ngân sách của tiểu bang, một di sản khác của ông Brown, cũng đã tăng lên 37.2 tỷ USD. Đó là theo báo cáo Ngân sách Tiểu bang California cuối cùng của vị thống đốc này cho tài khóa 2022-2023, bắt đầu từ hôm 01/07.
Chừng đó tiền có lẽ đủ để đẩy California vượt qua một năm thậm chí là suy thoái thực sự tồi tệ. Nhưng hai năm thì sao?
Cuối cùng, việc một Quốc hội của Đảng Cộng Hòa có khả năng lên ngôi vào tháng 11 này là dấu hiệu tốt cho việc khôi phục tăng trưởng kinh tế. Những người mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn ở trung tâm quyền lực Hoa Thịnh Đốn chán ghét “tình trạng bế tắc” (“gridlock”), có nghĩa là chính phủ bị chia rẽ. Nhưng thuật ngữ này cũng có nghĩa là xung đột về chi tiêu. Tình trạng này thường có nghĩa là ít chi tiêu mới. Có nghĩa là ít tiền chảy vào hệ thống hơn, đồng thời giảm bớt áp lực lạm phát.
Khi chính phủ bị một đảng kiểm soát mọi thứ, thì chi tiêu sẽ bùng nổ. Các ví dụ có thể kể đến gồm nhiệm kỳ 2001-2005 dưới thời cựu Tổng thống Bush của Đảng Cộng Hòa, nhiệm kỳ 2009-2010 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama của Đảng Dân Chủ, nhiệm kỳ 2017-2018 ngay cả dưới thời cựu Tổng thống Trump của Đảng Cộng Hòa, và tất nhiên là chi tiêu hoang phí dưới thời Tổng thống Biden ngày nay.
Ngược lại, lần cuối cùng chính phủ liên bang điều hành thặng dư là vào cuối những năm 1990 khi Tổng thống Dân Chủ Bill Clinton đối đầu với Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich của Đảng Cộng Hòa. Họ kiểm soát chi tiêu và thậm chí cắt giảm thuế cho chúng ta.
Các ngành công nghệ cao của California, vốn đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đang chậm lại, nhưng vẫn còn đó. Bắc Kinh hay Moscow sẽ không gạt Thung lũng Silicon sang một bên.
Cuối cùng, một điều có thể xảy ra là người dân California có thể kiềm chế lạm phát bằng cách di cư với số lượng lớn hơn đến các tiểu bang ít đắt đỏ hơn. Nhưng trớ trêu thay, sự di cư này sẽ làm giảm giá địa ốc bằng cách giảm nhu cầu, giảm áp lực lạm phát cho những người trong chúng ta, những người vẫn muốn tránh các Tiểu bang Thời tiết Xấu và tiếp tục tận hưởng sở thích lướt sóng và vầng thái dương.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John Seiler là một nhà viết bình luận kỳ cựu của California. Ông đã viết các bài xã luận cho nhật báo Orange County Register trong gần 30 năm. Ông là một cựu binh của Lục quân Hoa Kỳ và là cựu tham vụ báo chí của Thượng nghị sĩ Tiểu bang California John Moorlach. Ông viết blog tại johnseiler.substack.com.