Chính phủ Anh công bố kế hoạch loại bỏ các camera giám sát của Trung Quốc
Sau khi bị các nghị viên ở cả Hạ nghị viện lẫn Thượng nghị viện gây áp lực nhiều lần, chính phủ Vương quốc Anh hứa sẽ công bố khung thời gian cụ thể để loại bỏ thiết bị giám sát của Trung Quốc khỏi các địa điểm nhạy cảm.
Các bộ trưởng cũng sẽ có quyền cấm các nhà cung cấp gây nguy hại cạnh tranh để có được hợp đồng trong các lĩnh vực nhạy cảm, với một đơn vị chuyên trách đánh giá các nhà cung cấp có thể gây rủi ro đến an ninh quốc gia.
Trong một tuyên bố được công bố hôm thứ Tư (07/06), Văn phòng Nội các cho biết chính phủ trung ương “cam kết công bố một lịch trình loại bỏ thiết bị giám sát do các công ty phục tùng Luật Tình báo Quốc gia của Trung Quốc sản xuất khỏi các địa điểm nhạy cảm của chính phủ trung ương.”
Lời hứa hẹn này đã được công bố kèm theo các dự luật mới nhằm mục đích củng cố Dự luật Mua sắm. Nội các Anh Quốc cho biết hành động này được dự kiến sẽ “cung cấp sự trấn an cần thiết” rằng các bộ đang loại bỏ những thiết bị như vậy.
Việc sử dụng các loại camera giám sát của Trung Quốc đã được giám sát chặt chẽ hơn hồi năm ngoái sau khi nghiên cứu cho thấy camera do các công ty Trung Quốc Hikvision và Đại Hoa (Dahua) sản xuất có khả năng đang được 60% cơ quan công quyền ở Anh sử dụng, trong đó có các cơ quan chính phủ, cơ quan công quyền ở địa phương, trường học, trường đại học, bệnh viện, và lực lượng cảnh sát.
Một cuộc điều tra của tờ The Mail on Sunday hồi đầu năm nay cho thấy các loại camera của hai công ty nói trên cũng được sử dụng trong một số căn cứ quân sự của Anh.
Một số chuyên gia mạng đã đưa ra cảnh báo về các lỗ hổng bảo mật được tìm thấy trong hệ thống camera của Hikvision và Đại Hoa. Cũng có những lo ngại xung quanh việc giao nộp dữ liệu nhạy cảm cho chế độ Cộng sản Trung Quốc, vì luật tình báo quốc gia của nước này yêu cầu tất cả các tổ chức và công dân phải “ủng hộ, trợ lực, và hợp tác với các nỗ lực tình báo quốc gia.”
Hồi tháng 11/2022, chính phủ Vương quốc Anh đã cấm lắp đặt thiết bị giám sát mới của Trung Quốc trên các trang web nhạy cảm của chính phủ. Tuy nhiên, nghị viên Alton – Huân tước của vùng Liverpool, đã cảnh báo rằng quá trình này có thể mất quá nhiều thời gian.
Một nhóm gồm 27 nghị viên liên đảng, bao gồm cựu lãnh đạo Đảng Bảo Thủ Iain Duncan Smith, cựu Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Tobias Ellwood, và Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Chris Bryant, đã đề xướng một dự thảo sửa đổi (pdf) của Dự luật Mua sắm, kêu gọi chính phủ loại bỏ thiết bị giám sát của Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng mua sắm công của Vương quốc Anh đồng thời công bố một lịch trình cụ thể để thực hiện việc này trong vòng sáu tháng sau khi dự luật được thông qua.
Phản ứng trước thông báo của chính phủ trên Twitter, nghị viên Duncan Smith cho biết đề xướng này “không hoàn hảo nhưng nó liên quan đến các công ty phục tùng Luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc.”
“Còn nhiều việc phải làm nhưng tôi vẫn cảm thấy khá lạc quan,” ông nói thêm.
Cô Emily Taylor, Giám đốc điều hành của Oxford Information Labs, hoài nghi về lệnh cấm camera của Trung Quốc vì lý do an ninh.
Cô nói với hãng thông tấn Financial Times: “Hiện tại chúng tôi muốn nói rằng, hãy nhìn vào lá cờ của nhà sản xuất, và thông tin đó sẽ cho quý vị biết là thiết bị này có an toàn hay không.”
“Đó là một hành động nực cười, bởi vì nếu quý vị nhìn vào bất kỳ chuỗi cung ứng công nghệ nào, quý vị đều sẽ tìm thấy Trung Quốc ở đâu đó, vậy thì quý vị sẽ dừng lại ở điểm nào?”
Những lo ngại về nhân quyền
Những lo ngại về hai đại công ty giám sát của Trung Quốc vượt lên trên những lo ngại về an ninh.
Suy cho cùng, cả hai công ty này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ được biết là cung cấp thiết bị giám sát được sử dụng để nhắm mục tiêu vào người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.
Cả hai đều đã bị chính phủ cựu Tổng thống Trump của Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen vì vai trò bị cáo buộc của họ trong các vi phạm nhân quyền.
Trước đây, hai công ty này đã phủ nhận việc thông đồng trong các hoạt động vi phạm nhân quyền ở Tân Cương mà một số cơ quan lập pháp đã gọi là “nạn diệt chủng”, nhưng ông Conor Healy, giám đốc nghiên cứu chính phủ tại tổ chức nghiên cứu ngành giám sát và an ninh IPVM, từng nói với The Epoch Times rằng trong khi các nhà cung cấp khác có thể lập luận rằng họ không biết sản phẩm của họ đang được sử dụng như thế nào, thì “không hề cường điệu khi nói rằng chính Hikvision và Đại Hoa phải chịu trách nhiệm trực tiếp về quy mô to lớn của những gì đã xảy ra ở Tân Cương.”
Ông mô tả về cách “công nghệ tinh vi được chế tạo theo yêu cầu của Hikvision” được sử dụng trong một trại tập trung, đồng thời nói thêm, “việc Hikvision không biết các sản phẩm này đang được sử dụng như thế nào [là] hoàn toàn vô lý.”
Hồi tháng Mười Hai năm ngoái, IPVM cũng đã công bố một báo cáo, cáo buộc Hikvision kích hoạt báo động nhắm vào những người biểu tình và các học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện chiểu theo nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Đơn vị an ninh quốc gia
Chính phủ Anh Quốc cũng công bố kế hoạch thành lập Đơn vị An ninh Quốc gia về Mua sắm. Đơn vị trực thuộc Văn phòng Nội các này sẽ “điều tra các nhà cung cấp có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia, và đánh giá xem liệu các công ty có nên bị cấm tham gia vào quy trình mua sắm công hay không.”
Các bộ trưởng cũng sẽ có quyền cấm các nhà cung cấp đấu thầu trong một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng và an ninh quốc gia, tuy nhiên vẫn cho phép họ giành được hợp đồng trong các lĩnh vực khác.
Ông Jeremy Quin, Bộ trưởng Văn phòng Nội các kiêm Bộ trưởng Bộ Ngân khố, cho biết các dự luật này sẽ “bảo vệ các lĩnh vực nhạy cảm của chúng ta khỏi các công ty có thể đe dọa đến an ninh quốc gia và là sự ngăn chặn vững chắc đối với các tác nhân thù địch muốn làm tổn hại nước Anh.”
Có một sự nhượng bộ đối với những sửa đổi do nhóm nghị viên dẫn đầu bởi Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ Alicia Kearns đề xướng, yêu cầu chính phủ lập danh sách các nhà cung cấp “có rủi ro cao” và chỉ định một cơ quan giám sát để kiểm tra danh sách này.
Bà Kearns nói với tờ The Times of London rằng bà “rất vui vì chính phủ đã lắng nghe và hành động” khi bà thúc đẩy để “đặt an ninh quốc gia vào tâm điểm của Dự luật Mua sắm.”
Bà nói: “Từ các hội đồng địa phương đến các nhà máy điện, và các cơ quan an ninh như GCHQ (Cơ quan tình báo tín hiệu Anh), chúng ta phải bảo đảm rằng các quốc gia thù địch không thể cài cắm các công nghệ thù địch được nhà nước trợ cấp vào cuộc sống của chúng ta để thu thập và chuyển dữ liệu của chúng ta cho Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như các quốc gia và tác nhân thù địch khác.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times