Chiêm ngưỡng bức trụ ngạch tại khu Rotunda của Tòa nhà Capitol
Hàng triệu người thưởng lãm tác phẩm nghệ thuật này tại khu Rotunda của Tòa nhà Capitol, nhưng không nhiều người hiểu được ý nghĩa lịch sử đằng sau.
Có rất nhiều thứ để chiêm ngưỡng khi đứng bên trong khu Rotunda (*) của Tòa nhà Capitol tại Hoa Thịnh Đốn. Căn phòng hình tròn với mái vòm này mang đến trải nghiệm thị giác choáng ngợp đối với nhiều người. Tuy nhiên, thật dễ dàng bỏ qua những ý nghĩa lịch sử quan trọng trừ phi du khách dành thời gian nghiên cứu về nghệ thuật, kiến trúc, và điêu khắc trong không gian rộng lớn này. Bức trụ ngạch (frieze) tại khu Rotunda là một ví dụ điển hình.
Tầng tầng lớp lớp các yếu tố nghệ thuật, kiến trúc, họa tiết trang trí, và tác phẩm chạm khắc đều thu hút sự chú ý của người xem. Đầu tiên, trụ ngạch là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, là một dải trang trí nằm ngang gần trần nhà, bên trên có các họa tiết được vẽ hoặc điêu khắc. Bức trụ ngạch tại khu Rotunda của Tòa nhà Capitol, với cái tên thích đáng là “The Frieze of American History” (Bức trụ ngạch về lịch sử Mỹ quốc) là tác phẩm được ba họa sĩ lần lượt thực hiện: Constantino Brumidi (1878–1880), Filippo Costaggini (1881–1889), và Allyn Cox (1951–1953). Cả ba đều được đào tạo ở Rome, Ý, nhưng những gì họ mang đến cho hậu thế Mỹ quốc bên trong một trong những công trình kiến trúc quan trọng nhất thế giới là hình ảnh và biểu tượng bao hàm những khía cạnh quan trọng của lịch sử nước Mỹ, từ cuộc đổ bộ của nhà thám hiểm Columbus đến sự ra đời của ngành hàng không.
Phần giải nghĩa hình ảnh cho tác phẩm này bắt đầu theo lối ngụ ngôn. Mỹ quốc được thể hiện bằng hình tượng một người phụ nữ cầm giáo và khiên. Ở bên phải là một phụ nữ Mỹ thổ dân cầm cung và mũi tên. Một nhân vật nữ được tôn vinh là Lịch sử, tay cầm tấm bia đá ghi lại các sự kiện lịch sử. Tất nhiên, còn có một con đại bàng Mỹ oai vệ đang quắp chặt cành olive trong móng vuốt của nó, tượng trưng cho hòa bình.
Sau sự sắp xếp mang tính biểu tượng này, 18 cảnh còn lại miêu tả rõ ràng những thời điểm then chốt trong lịch sử Mỹ quốc. Mỗi phần đều truyền tải sự kịch tính. Ví dụ, cảnh tang lễ của nhà thám hiểm Hernando DeSoto dọc theo Sông Mississippi năm 1542 cho thấy thi thể của nhà thám hiểm người Tây Ban Nha này được khâm liệm, vây quanh là 14 người đàn ông, một người đặt tay lên Kinh thánh. Phân đoạn Trận chiến Lexington năm 1775 miêu tả một sĩ quan người Anh trên lưng một con ngựa vạm vỡ đang nhấc bổng hai chân. Phía sau ông là những người lính Anh áo đỏ đang dàn trận và phía trước ông là một nhóm dân quân Mỹ đang tập hợp bên một tán cây rậm rạp, mình chịu thương tích song vẫn ngoan cường.
Bức trụ ngạch chuyển sang nội dung tiếp theo: Tuyên ngôn Độc lập, với hình ảnh người dân tụ tập ngoài trời hân hoan chào mừng ngài Benjamin Franklin và những vị lập quốc khác; sự đầu hàng đầy tôn trọng của đội quân Hầu tước Cornwallis tại Yorktown; một người lính Hiệp bang miền Nam và một người lính Liên bang miền Bắc bắt tay nhau sau khi Nội chiến kết thúc — mỗi bên được một người lính hộ tống và tất cả đều mang theo vũ khí: súng trường, kiếm, lưỡi lê; và, một đội pháo thủ chuẩn bị khai hỏa một khẩu pháo tương tự súng thần công trong một trận hải chiến thời Chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha.
Giữa các tấm trụ ngạch này là nhiều sự kiện lịch sử quan trọng khác của Mỹ quốc, chẳng hạn như việc bà Pocahontas cứu mạng đô đốc John Smith, cuộc đổ bộ của những người hành hương, quá trình thuộc địa hóa lục địa New England, và những sự kiện khác.
Mặc dù bức trụ ngạch này có vẻ nhỏ bé vì nó cách sàn nhà của khu Rotunda 58 feet, nhưng thực tế nó cao 8 feet, 4 inch và có chu vi khoảng 300 feet. Tác phẩm được vẽ theo phương pháp gọi là grisaille, sử dụng các sắc thái trắng và nâu để tạo hiệu ứng như một tác phẩm điêu khắc, chứ không chỉ là một bức tranh.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times