Arthur anh hùng: Hình ảnh thời Trung Cổ về vị vua thần thoại
Ở châu âu thời Trung Cổ, những câu chuyện về Vua Arthur và triều đình của ông nổi tiếng chỉ sau Kinh Thánh. Hình ảnh nhà vua cũng được khắc họa trên những tấm thảm dệt và bản thảo viết tay.
Vua Arthur đã thu hút trí tưởng tượng của công chúng trong nhiều thế kỷ. Dựa vào thơ ca và các truyện dân gian xứ Wales từ cuối những năm 500 đến đầu những năm 600, giáo sĩ Geoffrey xứ Monmouth đã thực hiện những ghi chép lịch sử thời Trung Cổ quan trọng đầu tiên về vị vua này trong cuốn “History of the Kings of Britain” (Lịch Sử Các Vị Vua Nước Anh).
Cuốn sách giữa thế kỷ 12 này đã hệ thống hóa nền tảng cơ bản cho truyền thuyết về Vua Arthur. Các tác giả sau này, ở thời Trung cổ và cả về sau, đã dựa trên nền tảng đó để phát triển thêm một loạt các biên niên sử, có cả dạng kể lại lẫn tác phẩm phái sinh. Các câu chuyện thế tục về Vua Arthur và triều đình của ông tại Camelot phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp xã hội đến mức chúng trở thành tác phẩm nổi tiếng thứ nhì, chỉ sau Kinh Thánh, ở châu Âu thời Trung Cổ. Vào thời kỳ này, Vua Arthur được khắc họa trên nhiều phương tiện [nghệ thuật] như thảm thêu và tranh minh họa trong các bản thảo viết tay.
‘Tấm thảm chín vị anh hùng’
Viện bảo tàng Nghệ thuật The Met Cloisters, nổi tiếng trên toàn cầu với loạt tác phẩm “Unicorn Tapestries” (Thảm Kỳ lân) lừng danh, hiện đang lưu giữ một bộ tranh dệt thời Trung cổ khác cũng là minh chứng tiêu biểu cho đỉnh cao nghệ thuật của thể loại này. “Nine Heroes Tapestries” (Tấm thảm chín vị anh hùng) là một trong những thảm dệt lâu đời nhất còn sót lại có niên đại từ thời Trung cổ, khắc họa hình ảnh oai nghiêm về Vua Arthur như một trong chín vị anh hùng.
Tác phẩm nghệ thuật này được thực hiện vào những năm đầu thế kỷ 15 và được dệt bằng len xuất xứ từ miền Nam Hà Lan, thuộc nước Bỉ ngày nay. Vào lúc tạo ra, tấm thảm được sử dụng cho hai mục đích: vừa đem lại nét thẩm mỹ trong trang trí, vừa làm phương tiện cách nhiệt cho không gian bên trong vào những tháng lạnh giá hơn.
Các học giả đưa ra giả thuyết rằng tấm thảm có thể là một phần trong bộ sưu tập của Công tước Jean xứ Berry (1340–1416), một trong những nhà bảo trợ nghệ thuật quan trọng nhất thời Trung Cổ và cũng là con trai của Vua John Đệ nhị nước Pháp. Tuy nhiên, bằng chứng xác đáng về người đặt hàng ban đầu vẫn còn là bí ẩn.
Chủ đề Chín vị Anh hùng là sự kết hợp giữa các nhân vật thời cổ đại với các chủ đề tôn giáo, xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng năm 1312 trong bản thảo viết tay “The Vows of the Peacock” (Lời Thề của Con Công) của nhà thơ người Pháp Jacques de Longuyon. Ý tưởng văn học về chín người đàn ông biểu trưng và truyền cảm hứng cho tinh thần hiệp sĩ, lòng dũng cảm, và trí tuệ đã trở thành đề tài phổ biến cho các tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo ở châu Âu vào cuối thời Trung Cổ.
Bộ thảm này còn được gọi là “Nine Worthies” (Chín vị Tôn quý), là sự kết hợp giữa các nhân vật lịch sử và huyền thoại của Hy Lạp và La Mã cổ đại (Hoàng tử Hector của Thành Troy, Alexander Đại đế, và Julius Caesar); truyền thống Do Thái (Joshua, David, và Judas Maccabeus), và Cơ Đốc Giáo (Vua Arthur, Charlemagne, và Godfrey xứ Bouillon).
“Nine Heroes Tapestries” (Tấm thảm chín vị Anh hùng) ban đầu được sáng tác gồm ba tấm thảm lớn theo chiều ngang, mỗi tấm có ba nhân vật chính. Do chất liệu mỏng manh vốn có, nên chỉ còn sót lại hình ảnh năm vị anh hùng, trong đó có “Vua Arthur.” Vị vua huyền thoại này được nhận diện qua quốc huy mà ông đeo và ba chiếc vương miện trên nền xanh.
Trên tấm thảm, Vua Arthur ngự trên ngai vàng bên dưới một không gian có mái vòm. Xung quanh ông, các giám mục và hồng y an tọa dưới những lều bạt nhỏ hơn. Những chi tiết kiến trúc Gothic này, cũng bao gồm các cửa sổ hình lỗ châu mai và họa tiết hình mảng, được sử dụng để tạo ấn tượng về chiều sâu không gian cũng như làm nổi bật các nhân vật.
Trong suốt lịch sử 500 năm của “Nine Heroes Tapestries” (Tấm thảm chín vị Anh hùng), tác phẩm đã bị cắt thành nhiều mảnh. Đến đầu thế kỷ 20, những mảnh còn sót lại được vá lại với nhau để làm màn treo cho lâu đài của một gia đình quý tộc người Pháp. Vào những năm 1930 và 1940, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan đã mua lại loạt thảm này, và lúc đó nó đã bị chia thành tổng cộng 94 mảnh.
Những người phụ trách của bảo tàng phải tìm cách tái tạo các phần của tấm thảm. Một nhóm bốn nữ thợ may có tay nghề cao đã thực hiện quá trình này bằng cách cắt, lắp ráp lại, đan và thay lớp lót cho tác phẩm nghệ thuật quan trọng này. Kể từ khi những nỗ lực phục hồi hoàn tất vào năm 1949, bảo tàng The Met chưa từng tác động thêm vào tấm thảm “Vua Arthur” này.
Phòng Bảo tồn Dệt may hiện nay của bảo tàng đã bắt tay vào một nỗ lực bảo tồn quy mô lớn cho tác phẩm “Vua Arthur” vào năm 2019 và kéo dài đến năm 2022. Mục tiêu là làm sạch, gia cố, và dệt lại những phần thảm bị hỏng, và kết quả cuối cùng là tấm thảm trở nên tươi sáng và sống động hơn trông thấy.
Mặc dù những giai thoại gốc về ông đều mang tính thế tục, nhưng trong tấm thảm dệt “Vua Arthur,” ông được mô tả là một vị vua Cơ Đốc Giáo; đây là lý do vì sao ngài được khắc họa với các giáo sĩ vây quanh. Tác giả Peter Barnet và Nancy Wu đã giải thích trong cuốn sách “The Cloisters: Medieval Art and Architecture” (The Cloisters: Nghệ Thuật và Kiến Trúc Thời Trung Cổ) rằng những nhân vật phụ này “tương tự với những nhân vật trong tranh minh họa của các bản thảo viết tay, bị đẩy ra rìa và khó nhận biết.”
Bản thân hình ảnh của Vua Arthur, dù là nổi bật, cũng xuất hiện trong các bản thảo viết tay thời Trung cổ. Những câu chuyện này được lưu giữ trên giấy da, giấy da bê, và giấy, được viết tay, và một số tác phẩm còn được vẽ hình minh họa để làm nổi bật nội dung.
Các bản thảo viết tay thời Vua Arthur
Các bản thảo về Vua Arthur rất được trân quý vào thời điểm chúng được tạo ra, và vẫn có giá trị cao cho đến thời nay. Vào năm 2010, cuốn “Rochefoucauld Grail” (Chén Thánh Rochefoucauld), một bản viết tay được sơn son thiếp vàng có các hình ảnh được làm bằng kim loại quý, được bán với giá 2.4 triệu bảng Anh tại đấu giá Sotheby’s, cao vượt xa ước tính. Tác phẩm này có từ đầu thế kỷ 14, được coi là tài liệu toàn diện lâu đời nhất còn tồn tại về truyền thuyết Vua Arthur.
Bản thảo viết tay này gồm ba tập lớn có 107 hình minh họa long lanh như ngọc. Các hình ảnh thể hiện các cảnh tượng về tinh thần hiệp sĩ, tình yêu hoàng gia, và chiến trận. Vào thời điểm bán đấu giá, chuyên gia Timothy Bolton của Sotheby’s cho biết: “Những khung cảnh thường mang một năng lượng huyên náo và vượt ra ngoài ranh giới của khung tranh, với những tòa tháp cao chót vót nhô lên khỏi đường viền phía trên, và các nhân vật như thể lăn ra khỏi bức tiểu họa, rơi xuống nền giấy trắng khi họ ngã xuống hoặc trườn đi để trốn thoát kẻ thù.”
Trong một nghiên cứu văn học hàn lâm gần đây có sử dụng các mô hình thống kê khoa học, các nhà nghiên cứu kết luận rằng hơn 90% bản thảo thời Trung cổ về tinh thần hiệp sĩ và chủ nghĩa anh hùng đã bị thất lạc qua nhiều thế kỷ. Vì lý do này, những bản viết tay còn sót lại càng trở nên quý giá hơn.
Thư viện Anh quốc lưu giữ hơn 40 bản thảo thời Vua Arthur. Ví dụ điển hình mà thư viện đưa ra là bản sao của cuốn “History of Britain” (Lịch Sử Nước Anh) của nhà thơ Wace người Norman, ra đời trong giai đoạn 1326-1350. Tác phẩm này dựa trên bản thảo trước đó về Vua Arthur của giáo sỹ Geoffrey xứ Monmouth, nhưng bổ sung thêm những chi tiết mà ngày nay người ta xem là cốt lõi [về truyền thuyết Vua Arthur], chẳng hạn như Hội Bàn Tròn. Bản thảo này của Thư viện miêu tả những chiến công của Vua Arthur bằng một chuỗi hình ảnh tường thuật. Có gần 100 bức vẽ bằng bút màu, và các nhân vật gây chú ý vì những gương mặt biểu cảm của họ.
Một bản thảo đặc biệt khác tại Thư viện Anh quốc là một cuốn sách có niên đại từ năm 1400, mô tả cảnh Vua Arthur đội vương miện, khoác bộ áo choàng xanh trong câu chuyện về Ngài Gawain, một hiệp sĩ trong triều đình của ông. Bản thảo này là một phần của bộ sưu tập nổi tiếng nước Anh bị cháy vào năm 1731. Mặc dù nhiều tác phẩm quan trọng đã bị thiêu rụi, nhưng tác phẩm nghệ thuật này vẫn còn tồn tại.
Nhìn sang lục địa châu Âu, một biên ký của nước Đức từ năm 1372 có những hình ảnh tinh mỹ về thời Vua Arthur. Cuốn sách này thuộc sở hữu của Đại học Leiden, kể chi tiết về một chuyện tình cụ thể và là bản minh họa lâu đời nhất thuộc thể loại này. Cuốn sách có những tranh vẽ tay nửa trang và cả trang với màu sắc rực rỡ cùng hình ảnh tựa như truyện cổ tích. Các sử gia nghệ thuật tin rằng bố cục thể hiện của các hình ảnh chịu ảnh hưởng từ những tấm thảm thời Trung cổ.
Những câu chuyện về Vua Arthur vẫn có sức hút lớn lao bất chấp thị hiếu đại chúng đang thay đổi, và vẫn tiếp tục là một tiêu chuẩn văn hóa. Giáo sư văn học thời Trung Cổ Raluca Radulescu tại Đại học Bangor cho rằng những tác phẩm này có sức hấp dẫn vượt thời gian vì chúng thể hiện “một chuẩn mực đạo đức ngay chính” khó mà tìm thấy trong thế giới thực. Việc nghiên cứu những tấm thảm và bản viết tay thời Trung cổ cung cấp bằng chứng sinh động về hình ảnh thần thoại và tinh thần hiệp sĩ của Vua Arthur.
Thu Quý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times