CEO Gettr: Bắc Kinh sẽ biết về quý vị nhiều hơn cả bản thân quý vị
Khi mọi người nghĩ về một “vụ xâm phạm dữ liệu”, phản ứng tự nhiên của họ là lo lắng về việc mất thông tin, chẳng hạn như mật khẩu. Tuy nhiên, ông Jason Miller, người sáng lập ứng dụng truyền thông xã hội Gettr, nói rằng có nhiều thứ hơn thế nữa cũng đang gặp rủi ro.
Ông nói với The Epoch Times hôm 01/10, “Vấn đề là họ sẽ biết về trạng thái tinh thần của quý vị nhiều hơn cả quý vị, và điều đó thật đáng sợ.”
Các ứng dụng được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, chẳng hạn như TikTok — đang nhắm đến các nhóm thuần tập thế hệ Z (Gen Z) và thế hệ Alpha được đánh giá cao — không chỉ thu thập dữ liệu từ người dùng của họ mà còn cho Bắc Kinh hiểu đầy đủ về trạng thái tinh thần của người dùng, những người sẽ là thế hệ lãnh đạo tiếp theo của chúng ta, theo ông Miller.
Vị cựu cố vấn của chính phủ Tổng thống Trump này đã có mặt tại Sydney để tham dự CPAC Úc — Hội nghị Hành động Chính trị Bảo tồn truyền thống.
Ông cho biết các công ty có trụ sở tại Trung Quốc, và mặc nhiên kèm theo là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền, hiện có quyền truy cập vào tất cả thông tin người dùng, bao gồm thông tin thẻ tín dụng và mật khẩu, từ các ứng dụng như TikTok, đồng thời tiến hành “phân tích tâm lý của cả một thế hệ người.”
“Vì vậy, giả sử con gái lớn của tôi 13 tuổi, và họ bắt đầu theo dõi con bé khi con bé bắt đầu lập tài khoản. Một thập niên sau, con bé vào đại học, tức là họ đã có một thập niên dữ liệu phân tích tâm lý học về một người mà họ biết,” ông Miller nói.
Ông cho biết dữ liệu này sẽ cung cấp cho ĐCSTQ cái nhìn sâu sắc về những gì thế hệ trẻ ở các quốc gia khác nghĩ về các vấn đề như Đài Loan hoặc khi nào thì “loại virus tiếp theo sẽ được tung ra.”
“Họ sẽ biết điều gì sẽ khiến dư luận xúc động trong một thời gian ngắn,” ông Miller nói. “Tua nhanh 10 hoặc 20 năm nữa, và nói rằng con gái tôi tranh cử. Hãy tưởng tượng khả năng thao túng khi họ có được những phân tích tâm lý của cả một thế hệ lãnh đạo chính trị và cử tri, không chỉ ở Hoa Kỳ mà trên toàn thế giới.”
“Họ sẽ biết liệu quý vị có nhấn ‘thích’; vuốt lên, sang trái, hoặc sang phải không; và nội dung nào mà quý vị sẽ phản ứng trước khi quý vị biết. Và hãy nghĩ xem họ sẽ sử dụng điều đó như thế nào để thao túng các chính phủ khác, người dân ở các quốc gia khác — và họ chỉ mới bắt đầu.”
Các đại công ty công nghệ của Trung Quốc và những tham vọng của ĐCSTQ
Từ lâu đã có những câu hỏi đặt ra về cách các công ty công nghệ được nhà nước hậu thuẫn của Trung Quốc sử dụng dữ liệu mà họ thu thập được. Một số thương hiệu công nghệ nổi tiếng nhất trên thế giới có trụ sở tại Trung Quốc, bao gồm TikTok (ByteDance), Huawei, HikVision, WeChat (Tencent), và nhà sản xuất phi cơ không người lái lớn nhất thế giới, DJI.
Các công ty có trụ sở tại Trung Quốc phải tuân theo luật của ĐCSTQ, vốn buộc họ phải hợp tác khi nhà cầm quyền này yêu cầu.
Đáng chú ý, Luật Tình báo Quốc gia 2017 buộc các công ty có trụ sở tại Trung Quốc chia sẻ dữ liệu với ĐCSTQ nếu được lệnh làm như vậy và học thuyết hợp nhất quân sự-dân sự của họ có nghĩa là các công nghệ được phát triển trong lĩnh vực dân sự có thể được sử dụng lại cho Quân Giải phóng Nhân dân của nhà cầm quyền.
Cách tiếp cận này — cùng với việc đánh cắp công nghệ từ các tổ chức phương Tây — đã giúp Trung Quốc có những bước phát triển nhảy vọt trong một số lĩnh vực tân tiến, trong đó có trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.
Đáp lại, ông Arthur Herman, một thành viên cao cấp tại Viện Hudson – một tổ chức tư vấn chính sách theo phái bảo tồn truyền thống, đã cảnh báo giới lãnh đạo Hoa Kỳ nên đón đầu xu thế để duy trì lợi thế công nghệ trước Bắc Kinh.
“Thực tế là chúng ta dẫn trước không nhất thiết có nghĩa là chúng ta sẽ giành chiến thắng,” ông Herman trước đây đã từng nói với The Epoch Times. “Nó giống như cuộc đua giữa thỏ và rùa. Chúng ta giống như con thỏ rừng kia, chúng ta đã lao hết tốc lực về phía trước … nhưng người Trung Quốc đang tiến về phía chúng ta, chậm mà chắc.”
Thượng nghị sĩ Úc James Paterson đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị trên toàn thế giới khai thác thế mạnh của các Đại Công ty Công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon phải hoạt động theo luật pháp của Hoa Kỳ.
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo gốc từ The Epoch Times