Câu chuyện về người phụ nữ tự thiết kế và đan len chiếc đầm cưới trong hôn lễ của mình
Nhà thiết kế vải dệt kim và cũng là một youtuber người Phần Lan cảm thấy rất nao nức về ngày cưới nên đã tự tay may áo cho mình. Cô đã nảy ra ý tưởng thiết kế một chiếc đầm bằng vải dệt kim và đan len thật tinh tế.
Cô Veronika Lindberg ở Helsinki, Phần Lan, có biệt danh là Kika, đã chia sẻ những video đan len trên YouTube. Cô đã trò chuyện với thời báo The Epoch Times về “dự án lạ lẫm dễ thương” của mình.
“Mọi chuyện đã đến thật ngẫu nhiên, chúng tôi chẳng có nhiều thời gian để lên kế hoạch,” cô Lindberg chia sẻ về nguồn cảm hứng đằng sau câu chuyện của chiếc đầm cưới. “Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đến áp lực khi tự mình tạo ra một chiếc đầm cưới. Tôi cũng có nghĩ đến chuyện đặt mua, nhưng như vậy sẽ rất lâu… thế là tôi bắt đầu nghĩ ngợi là, ‘Có lẽ mình tự làm thôi. Mình là một nhà thiết kế mà, chẳng phải mình còn biết đan len sao!”
Cô Lindberg mất vài ngày để phác thảo, thiết kế và tìm nguồn cảm hứng. Cô biết bản thân mình mong đợi làm ra một chiếc đầm có tay dài và đường viền cổ áo hình vuông. Tuy nhiên, với phần còn lại của thiết kế, cô nói, “Tôi phải hình dung cách thực hiện ra sao, rồi mới chắt lọc kiểu thiết kế trong quá trình làm.”
Cô đã đặt mua 2.5kg sợi tơ 100% từ Đan Mạch, bắt đầu may trang phục từ phần trên và lấy cảm hứng từ các mẫu ren trong cuốn sách có nhan đề, “Japanese Knitting Stitch Bible.”
Dự án của cô không phải lúc nào cũng trơn tru.
Bước đầu, khi cô hoàn thành vạt áo với tay áo, cô mới nhận ra mình đã thiết kế quá rộng. Vì thế, cô phải tháo ra và làm lại mất hết một ngày.
“Thật sự lúc ấy tôi cảm thấy bực mình,” cô Lindberg chia sẻ. Nhưng sau khi thực hiện xong phần trên của chiếc đầm, cô đã bỏ luôn “kế hoạch B” – đó là mua một chiếc khác trong trường hợp chiếc đầm mình tạo ra bị hỏng.
Kế tiếp, chúng ta cùng nghe cô chia sẻ về một thử thách khác khi may phần váy.
“Tôi muốn có một chiếc váy xinh xắn và thướt tha,” cô nói. “Kế hoạch ban đầu của tôi là đan luôn phần váy nữa, [nhưng] rồi một ngày, tôi nhận ra [váy đan bằng kim móc] dày quá khó di chuyển…thế là tôi đã nghĩ rằng, ‘Ý tưởng đó chắc sẽ không thành công,’ rồi tôi quyết định, ‘Ổn thôi, mình sẽ đan móc nguyên chiếc đầm suông!”
Lindberg ước tính rằng cô sẽ mất gần 4 tuần trong số 6 tuần chỉ để may phần thân váy.
Trong suốt khoảng thời gian đan chiếc đầm, cô Lindberg và vị hôn phu cũng đang bận bịu với nhiều công việc chuyển nhà và kế hoạch cho hôn lễ.
Một tuần trước đám cưới, khi cô đã hầu như hoàn thành chiếc đầm, cô lại mắc một “sai lầm” là quyết định bóc toạc phần đan và làm lại.
“Tôi cảm thấy như, ‘Ôi, giờ mình chỉ muốn mọi việc xong xuôi,’” cô nói. “Có lẽ đó là phần khó khăn nhất, thôi mình tiếp tục cố gắng vậy.”
Chuyên gia về dệt kim cũng sử dụng một thủ thuật thương mại để giảm độ căng của sợi do đan móc những sợi chéo nhau gây ra – đó là ngâm và làm mềm ren trong nước. “Phần vải sẽ luôn trương nở giúp kết cấu phẳng và trông đẹp hơn,” cô nói. Lindberg cũng tự tay đan phần nội y bên trong giúp chiếc đầm được kín đáo.
Vị hôn phu của cô Lindberg có chút hoài nghi lúc ban đầu, còn chị gái cô khiến [mọi người] thêm lo lắng khi thường xuyên gọi để kiểm tra tiến độ đan áo. Nhưng càng về sau, cả hai người đều ấn tượng vì Lindberg đã có thể thực hiện thành công.
Rốt cuộc, Lindberg cho rằng cô đã dành 200 giờ đan móc suốt 45 ngày với chi phí gần 400 đô. Cô đã cố gắng hoàn thành chiếc đầm sớm 4 ngày trước khi lễ cưới diễn ra ở sân sau trong ngôi nhà mới của hai vợ chồng vào ngày 10/11/2021.
“Tôi không biết khi mình khoác lên chiếc đầm đó sẽ như thế nào cho tới khi tôi thật sự hoàn thành và mặc thử,” cô nói. “Chiếc đầm thật sự là rất, rất dễ thương và đặc biệt.”
Lindberg đã chia sẻ toàn bộ quá trình đan áo trên Instagram và YouTube. Nhiều bạn bè và thành viên trong gia đình chỉ được nhìn thấy chiếc đầm trực tuyến trước khi sự kiện trọng đại diễn ra.
“Vào ngày cưới, mọi người đến gặp tôi và thốt lên, ‘Chao ôi, chiếc đầm tuyệt lắm đấy!’ và còn muốn nhìn ngắm, cảm nhận nó nữa.”
Dù chất liệu dệt kim co giãn giúp cô rất thoải mái khi di chuyển, nhưng Lindberg thật sự chú ý một chi tiết thú vị từ bộ đầm nặng nề vào ngày mặc. “Suốt ngày hôm đó, chiếc đầm có lẽ dài thêm 4 hoặc 5cm! Cuối đêm, trang phục của tôi hoàn toàn bẩn hết, trông thật buồn cười,” cô nói.
Cô Lindberg đã từng sinh sống ở Luân Đôn từ năm 2018, sau đó chuyển đến Phần Lan vào năm 2020 khi đại dịch bùng phát và gặp gỡ chồng mình mùa hè trong năm. Họ đã phải lòng nhau và đính hôn vào tháng 11/2020.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội, họ đã gặp nhiều khó khăn khi lên kế hoạch làm lễ cưới. Vì thế, cuối cùng, khi cặp đôi về chung một nhà, họ chọn nơi ấy làm bữa tiệc tân gia ấm cúng cho hôn lễ của mình.
Lindberg mô tả [bầu không khí] ngày hôm đó “khá thân mật … một chút phóng túng và lãng mạn,” với âm nhạc, khiêu vũ và đầy đủ món ăn với một chiếc bánh pizza thật to dành cho một bữa tiệc đông khách. Lindberg tự mình trang điểm và cài những bông hoa trên mái tóc, còn chồng cô thì vận quần âu dài cùng với chiếc dây đeo.
Cô cũng để điện thoại sang một bên để có thể tận hưởng cả ngày với bạn bè và gia đình.
Từ lúc đan chiếc đầm cho đám cưới, Lindberg vẫn tiếp tục thực hiện những video về đan len, những khóa học nhiếp ảnh kỹ thuật số và đăng tải trên Youtube, phương tiện truyền thông xã hội. Cô cũng phát hành một quyển sách về đan len. Với thành công của chiếc đầm, cô cũng cân nhắc thêm nhiều dự án đan len lớn cho kênh của mình.
“Đây là thứ thật sự khiến tôi cảm thấy rất hào hứng,” cô chia sẻ với thời báo The Epoch Times. “Trong 5 tuần, tôi đã không đăng một video nào trên Youtube vì tôi chỉ chú tâm đến việc đan len…nhưng tôi đã trải nghiệm rằng khi bản thân thật sự cam kết tiến hành một dự án có chất lượng cao hơn, thì mới thật lòng đặt tâm và tận sức làm.”
“Sứ mệnh” của Lindberg là hướng dẫn cho mọi người thấy rằng việc đan len có thể tạo ra một sản phẩm thời trang cao cấp và cùng với ước mơ, từ những sợi chỉ với một chút nhẫn nại, bất kỳ ai cũng có thể tạo ra bộ cánh vừa vặn để trình diễn – hoặc cho một lễ cưới.
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.