Câu chuyện ly kỳ về một người Mỹ đào thoát khỏi cuộc Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc để đến với tự do
Câu chuyện ly kỳ của bà Teresa Buczacki kể về việc sống sót sau cuộc đàn áp dưới thời Mao và tìm đường đến với tự do ở Mỹ quốc
[Bà chỉ cần viết] hai trăm từ, và tương lai mà bà hằng mơ ước sẽ nằm trong tầm tay.
Đó là 200 từ lên án người cha người Mỹ của bà, nói ra những lời giả dối mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã vu khống ông là “một tín đồ nô lệ của chủ nghĩa tư bản và là một kẻ thù của người dân Trung Quốc,” và tuyên bố bà sẽ cắt đứt mọi quan hệ với ông.
“Em hãy viết như vậy,” một quan chức trường học hướng dẫn bà Teresa Buczacki khi đó mới 18 tuổi, “và các cánh cửa của Đại học Bắc Kinh hoặc Đại học Thanh Hoa” — là những ngôi trường danh giá nhất của quốc gia — “sẽ rộng mở cho em.”
Bà đã từ chối. Bà nhanh chóng bị trừng phạt, và phải hứng chịu những hậu quả không thể vãn hồi.
Một người Mỹ tại Trung Quốc
Bà Buczacki, một tác giả có bút danh Hàn Tú (Han Xiu), sinh năm 1946 tại New York, là con của một sĩ quan quân đội Mỹ và một nữ diễn viên người Trung Quốc. Cha mẹ bà ly thân khi bà được một tuổi rưỡi, và bà được gửi đến Trung Quốc để sống cùng bà ngoại ở Bắc Kinh khi mới chập chững biết đi.
Cha bà chỉ gặp bà một lần duy nhất, khi bà vừa mới chào đời, nhưng điều đó cũng đủ để bà phải gánh chịu hậu quả. Thậm chí trước khi lãnh đạo Đảng Mao Trạch Đông chuẩn bị phát động cuộc Cách mạng Văn hóa, thì tất cả những người có liên hệ với Hoa Kỳ đều bị xem là những người theo chủ nghĩa đế quốc, những người phá hoại sự nghiệp cộng sản. Chế độ này đã khơi lên thái độ bài xích Mỹ trong toàn xã hội [Trung Quốc].
Mặc dù thân mẫu của bà Buczacki cố gắng giấu bà về hoàn cảnh xuất thân của gia đình, nhưng bà ngoại vẫn luôn nói với cô gái nhỏ này rằng cha cô là một sĩ quan người Mỹ, người đã hỗ trợ nhân dân Trung Hoa trong cuộc chiến chống lại đế quốc Nhật Bản suốt thời Đệ nhị Thế chiến.
Bà chưa bao giờ thấy xấu hổ về xuất thân của mình, mà thay vào đó bà còn khao khát tìm hiểu về quê hương bà. “Mặc dù tôi không hiểu rõ về Mỹ quốc, … nhưng ngay từ đầu tôi đã biết rõ ràng rằng tôi thuộc về [Mỹ quốc],” sau này, bà đã viết như vậy trong cuốn bán tự truyện của mình với nhan đề là “Refraction: An American Girl in Mainland China.” (Sự Xuyên Tạc: Một Cô Gái Mỹ Ở Trung Quốc Đại Lục)
Ngay cả khi bà Buczacki bị các bạn cùng trường tẩy chay và chế giễu, bà vẫn là một học sinh xuất sắc và ước mơ trở thành một nhà thiết kế tàu thủy. Khi bà từ chối viết 200 từ giả dối theo yêu cầu của chính quyền, bà biết rằng bà đã định đoạt số phận của mình. Nhưng bà vẫn kiên quyết không viết.
“Bất luận những ai có quyền hành, hoặc những thuộc cấp ngu dốt hoặc ranh mãnh của họ, cố gắng phỉ báng ông, nhưng tôi, là con gái của ông, sẽ không bao giờ quên cha,” bà Buczacki viết trong cuốn “Sự Xuyên Tạc.” “Kể từ đó, tôi đã tuyên thệ với bản thân rằng tôi sẽ không bao giờ phản bội lương tâm của mình, không bao giờ khuất phục trước cường quyền, ngay cả khi tôi phải chịu vô vàn đau đớn [do hậu quả của việc không chịu khuất phục].”
Bà bị bắt làm các công việc khổ sai tại những vùng đất khắc nghiệt ở Tân Cương, thuộc miền viễn tây Trung Quốc. Sự mệt mỏi về thể chất và căng thẳng về tinh thần đã đẩy bà đến bờ vực của tử thần. Cuối cùng, khi bà Buczacki trốn thoát và trở về Mỹ vào năm 1978, ở tuổi 32, bà chỉ nặng có 95 pound (43 kg).
Nhưng bà vẫn còn sống. Kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên, bà là người Mỹ đầu tiên bị giam giữ không tự nguyện ở Trung Quốc trở về Hoa Kỳ, nhưng sự dũng cảm ngoan cường của bà đã tạo một tiền lệ [cho những người khác]: Bà sẽ không phải là người cuối cùng. “Chuyến trở về của tôi đã chứng minh những lời khẳng định trịnh trọng của Trung Quốc trong hơn 15 năm qua tại hơn một trăm cuộc họp ở Warsaw rằng không có người Mỹ nào bị giam giữ ở Trung Quốc chỉ là những lời xảo ngôn vô liêm sỉ,” bà đã viết như vậy trong một cuốn sách khác của mình có nhan đề “The Unwanted” (Người Bị Truy Nã).
Giờ đây tại Mỹ quốc, cùng với một cây bút và sự tự do mới tìm thấy được, bà đã bộc bạch tâm tư của mình.
Bà nói: “[Khi] xuất bản sách ở Mỹ quốc, quý vị không bị ngăn trở bởi những ý tưởng mà quý vị ủng hộ, hay là đức tin của quý vị, hoặc nền tảng chính trị của quý vị.” Bà bắt đầu viết, và thực hiện hơn 50 cuốn sách bằng Hoa ngữ, gồm các tác phẩm về nghệ thuật và lịch sử. Trong cuốn “Sự Xuyên Tạc” và “Người Bị Truy Nã” bằng Anh ngữ, bà đã kể lại cụ thể nỗi thống khổ mà bà trải qua.
Lao động cưỡng bức
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã buộc bà Buczacki lao động khổ sai trong một trang trại ở một ngôi làng hẻo lánh của tỉnh Sơn Tây. Nhưng để tránh khả năng bị bắt trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, bà lựa chọn càng tránh xa chính quyền Bắc Kinh chừng nào thì càng an toàn chừng đó. Theo lời kể của bà Buczacki, năm 1967, ở tuổi 21, bà đã đi hơn 2,000 dặm (3,219 km) đến Tân Cương, một vùng đồng quê truyền thống, rồi nộp đơn gia nhập Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, một tổ chức bán quân sự có nhiệm vụ phát triển khu vực này — để khai thác các nguồn tài nguyên của vùng đất. Bà trải qua những ngày dài làm công việc chặt cây, dọn sạch đất, và ngủ trong một căn hầm trú ẩn thô sơ dưới lòng đất vào ban đêm.
Sự man rợ của nhà cầm quyền Trung Quốc đã được phơi bày rõ ràng. Trong năm đầu tiên của bà [tại trại lao động cưỡng bức], giống như hàng triệu người khác ở Trung Quốc trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, bà phải tham dự một buổi đấu tố chính trị, trong đó những người bị Đảng cáo buộc là “phản cách mạng” đã bị tố cáo và tra tấn công khai. Bà Buczacki không thể chịu đựng được khi chứng kiến cảnh tượng tàn bạo đó. Khi bà định bỏ đi thì một cú đập bất ngờ giáng xuống đầu bà: Một người lính đã dùng báng súng đập vào đầu bà để bắt bà đứng yên. Cả thế giới trở nên đen kịt.
Ba ngày sau, bà tỉnh dậy và thấy mình ở sa mạc Gobi, bị vùi trong cát. Không rõ bà đã đến đó bằng cách nào, dù có khả năng là những người lính đã bỏ bà ở đó để bà mất mạng. Yếu ớt và bị thương, bà lại bò về trại. Mãi đến nhiều thập niên sau, bà mới nhận ra chấn thương sọ não từ cú đánh đó sẽ để lại di chứng suốt đời.
Trong suốt chín năm, bà đã bị đọa đày ở Tân Cương, bị bỏ đói và làm việc quá sức, chỉ sống sót được nhờ lòng tốt của những người láng giềng và sự trợ giúp của những bằng hữu người Duy Ngô Nhĩ. Bà Buczacki nói: “Tôi thấu hiểu sâu sắc sự kiên cường và cảm giác bất lực của họ. Vậy mà họ luôn đối xử tử tế với tôi.”
Năm 1976, sau sự kiện chủ tịch Mao qua đời là các cuộc đấu đá nội bộ giữa các phe phái. Nhà lãnh đạo mới, ông Đặng Tiểu Bình, lên nắm quyền đã đảo ngược các chính sách của ông Mao, văn phòng ông Đặng gọi bà Buczaki quay trở lại Bắc Kinh. Bà bắt đầu tìm một con đường để đến Hoa Kỳ bất kể hao tốn chi phí ra sao. Bà biết hai nước đang đàm phán về các điều khoản quan hệ ngoại giao chính thức và chắc chắn sẽ có một con đường mở ra.
Năm 1977, một lối thoát đã mở ra. Vào Ngày Tổng Thống, một ngày nghỉ lễ mà lẽ ra cơ quan không có nhân viên túc trực, bà Buczacki đến Văn phòng Liên lạc Hoa Kỳ, cầm trong tay cuốn sổ thông hành thời thơ ấu đã hết hạn. Vậy mà may mắn thay, bà đã gặp được một số nhân viên người Mỹ ở đó. Khi nhìn thấy sổ thông hành Hoa Kỳ của bà, họ hứa sẽ giúp đỡ bà.
Điều đó đồng nghĩa với việc từ giờ trở đi bà sẽ trở thành mục tiêu của các quan chức Trung Quốc, những người biết là bà đã liên lạc thành công với phía Hoa Kỳ, nhưng bà không hề sợ hãi. Các quan chức Trung Quốc liên tục từ chối làm các thủ tục, giấy tờ hợp lệ cho bà, nhưng bà vẫn liên tiếp nộp đơn. Bà nhớ lại lời một quan chức nói với bà rằng: “Bà có thể nộp đơn trong 100 năm, nhưng đừng quên, một ngày nào đó bà sẽ qua đời.”
“Ông nói đúng,” bà bình tĩnh trả lời. “Nếu tôi mất, xin hãy nhớ gửi tro cốt của tôi đến Văn phòng Liên lạc Hoa Kỳ. Sự hống hách của ông sẽ không thể lay chuyển được quyết tâm trở về quê hương của tôi.”
Năm 1978, bà Buczacki được phép rời đi. Cuối cùng thì bà đã được trở về quê hương.
Nhân viên hàng không hỏi bà có một điểm đến cụ thể nào không. Bà nói là Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. “Nơi đó gần Nghĩa trang Quốc gia Arlington, gần với cha tôi hơn.”
Cuộc đời được tái sinh ở Mỹ quốc
Khi đến Mỹ quốc, bà Buczacki không nói được một từ tiếng Anh nào cả. Khi bà lớn lên ở Trung Quốc, chế độ cộng sản cấm bà học Anh ngữ. Sau khi khám cho bà, một bác sĩ khuyên bà nên nghỉ ngơi: những ngày tháng còn lại của bà rất ngắn ngủi, và bà nên tận hưởng quãng thời gian ấy mà không nên chịu đựng căng thẳng thêm. Bà được chẩn đoán mắc chứng thiếu máu trầm trọng, huyết áp thấp, rối loạn nhịp tim, loét dạ dày, viêm thận, và mắt trái gần như mù lòa. Nhưng bà tự nhủ: “Nếu 30 năm đầu tiên của một đời người đã bị hủy hoại, thì sau đó, mỗi ngày là một đặc ân để sống.”
Bà định cư ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, và trở thành một giáo viên dạy Hoa ngữ tại Viện Dịch vụ Đối ngoại của Bộ Ngoại giao và là một giảng viên văn học Trung Quốc tại Khoa Quốc tế học Nâng cao của Đại học Johns Hopkins. Các quan chức chính phủ Mỹ và các học giả trong các lĩnh vực khác nhau đã tìm đến bà để tìm hiểu về thực tế cuộc sống dưới chính quyền Trung Quốc. Bà không từ chối tiếp chuyện với ai cả. Không nản lòng trước vô số vấn đề về sức khỏe của mình, bà quyết tâm nói cho cả thế giới biết sự thật: “Tôi trở về từ một đất nước không có tự do. Nếu tôi bị đánh gục bởi những nỗi đau đó thì chẳng phải đã lãng phí cuộc đời của tôi hay sao?” bà nói. “Nếu tôi không làm gì cả, thì bằng như là tôi phản bội lương tâm của mình.”
Năm 1990, bà xuất bản cuốn sách đầu tay: “Sự Xuyên Tạc.” Thật đau đớn khi lật lại những ký ức, nhưng bà thấy mình phải có trách nhiệm công bố những thông tin đó ra ngoài.
Những người cộng sản không bao giờ nhận được 200 từ [giả dối] của họ từ bà Buczacki. Nhưng khi viết về sự thật, và lòng nhân đạo, bà đã viết không ngừng nghỉ. Bà đã bị buộc phải im lặng quá lâu, giờ đây, những câu chữ ào ạt tuôn trào nhanh hơn cả tốc độ viết của bà.
Năm 2002, bà bắt đầu trải qua những cơn đau thần kinh dữ dội do di chứng chấn thương sọ não ngày xưa. Giữa các phần nội dung, “Tôi đã đẩy mình tới giới hạn để viết,” bà Buczaki nói. “Khi cơn đau lại ập đến, tôi sẽ dừng viết. Tôi cứ làm như vậy [trong nhiều năm].” Vào thập niên trước khi bà trải qua cuộc phẫu thuật não để làm dịu cơn đau, bà đã chấp bút cho 17 quyển sách.
“Điều tôi quan tâm nhất là lòng nhân đạo — tia sáng của lòng nhân đạo — sẽ không bao giờ lụi tàn.”
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times