Câu chuyện gia giáo: Cha con nhà họ Vương dạy con có phương pháp riêng
Vương Phu Chi, tự là Nhi Nông, hiệu Khương Trai, các tên hiệu khác là Nhất Biều Đạo Nhân, Tịch Đường, Song Kế Ngoại Sử… người vùng Hành Dương (nay thuộc Hồ Nam), là nhà tư tưởng nổi tiếng thời Minh mạt Thanh sơ. Vì ông từng dựng căn nhà đất sống ở trong núi Thạch Thuyền, cho nên các học giả còn gọi ông là Thuyền Sơn tiên sinh.
Vương Phu Chi là cử nhân vào những năm cuối triều Minh. Khi Trương Hiến Trung nổi dậy khởi nghĩa vũ trang, từng mời ông về dưới trướng, đồng thời bắt phụ thân của ông là Vương Triều Sính giam giữ làm con tin, thực tế là muốn bức ép Vương Phu Chi tuân theo sự điều khiển của ông ta. Vương Phu Chi đã dùng dao tự đâm vào mình khiến cho toàn thân đầy thương tích, rồi gọi người khiêng mình đến gặp Trương Hiến Trung, nguyện lấy bản thân thay cho cha để cha trở về. Trương Hiến Trung thấy ông bị thương nặng, bèn thả ông và Vương Triều Sính trở về.
Sau khi triều Minh diệt vong, quân Thanh tiến xuống phía nam, Vương Phu Chi ở tại Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam đã từng điều động binh lính kháng Thanh. Sau khi thất bại, ông lại đầu nhập vào triều đình Nam Minh của Vĩnh Lịch Đế. Sau đó, vì tận mắt chứng kiến sự mục nát của triều đình Vĩnh Lịch, cho nên ông phẫn nộ từ chức rời đi. Từ đó, ông dựng nhà ở trong núi Thạch Thuyền sống ẩn cư, dốc lòng cố gắng với học thuật, ẩn cư suốt 40 năm.
Trong thời gian ẩn cư, từng có quan lại địa phương ngưỡng mộ thanh danh, muốn mời ông xuống núi, thế nhưng Vương Phu Chi đều không hề bị lay động. Ông giỏi thơ văn, khéo từ khúc, tinh thông học thuật, có không ít tác phẩm nổi tiếng như “Chu Dịch ngoại truyện”, “Thượng Thư dẫn nghĩa”…
Phụ thân giáo dục có phương pháp riêng
Vào giai đoạn đầu triều Thanh, Vương Phu Chi có thể từ đầu đến cuối giữ được khí tiết, đồng thời đạt được thành tựu rất lớn về mặt học thuật, trở thành nhà tư tưởng nổi tiếng, những điều này là không thể thiếu vắng sự giáo dục nghiêm khắc của cha ông – Vương Triêu Sính. Vương Triêu Sính là cống sinh Phó bảng của kỳ thi Hương năm đầu tiên thời Thiên Khải triều Minh (năm 1621), phương pháp giáo dục con cái của ông ngày thường nghiêm khắc, được người trong dòng tộc lưu truyền và ca tụng.
Phương pháp giáo dục con của Vương Triêu Sính rất đặc biệt, ông cũng không áp dụng phương thức thần sắc nghiêm nghị trong giáo dục, mà là nhẹ nhàng tiến hành dạy dỗ khuyên bảo. Mỗi khi con có hành vi không thỏa đáng, ông luôn ôn hòa giáo dục trực tiếp, kiên nhẫn hướng dẫn khuyên bảo. Vương Triêu Sính không cho phép các con học các loại vui chơi như đánh bạc hý kịch, cưỡi ngựa đánh bóng, ca hát múa nhạc, mà thỉnh thoảng ông lấy bàn cờ ra để các con chơi cờ. Thông thường khi ngồi chơi cờ, ông bèn dạy một ít lời nói của tổ tiên, phân tích giảng giải cho các con nghe, đồng thời còn dạy cho các con về một số sự tích và gia phong của những người trong lịch sử và tổ tiên …
Vương Triêu Sính còn thường chong đèn đàm luận với các con, có khi đến nửa đêm cũng chưa nghỉ ngơi. Vương Phu Chi khi còn bé chưa biết tự ước thúc bản thân, cho nên thường nói điều sai. Mỗi lúc như vậy, Vương Triêu Sính cũng không vội trách cứ con, chỉ tỏ vẻ mặt nghiêm khắc và không nói chuyện với con trai, để cho con từ trong nội tâm tự xét lại mình. Đợi đến khi nội tâm của Vương Phu Chi thực sự nhận thức được điều sai trái, rơi nước mắt bày tỏ quyết tâm sửa chữa, ông mới phê bình và dạy dỗ, giúp con trai nhận thức được sai lầm của bản thân rõ hơn.
Dùng thơ ca dạy con lập chí
Vương Phu Chi đã kế thừa truyền thống gia giáo tốt đẹp của phụ thân, vì vậy cũng rất chú trọng giáo dục con cháu. Vương Phu Chi từng dùng hình thức thơ ca, giáo dục con trai lập chí, chú ý rời xa những ảnh hưởng xấu của thế tục. Ông viết thơ rằng:
“Lập chí chi thủy, tại thoát tập khí.
Tập khí huân nhân, bất lao nhi túy…
Tụ trung huy quyền, châm tiêm cạnh lợi…
Khởi hữu trượng phu, nhẫn dĩ thân thí…
Yên hữu kỳ câu, tùy hành trục đội?
Vô tẫn chi tài, khởi ngô chi tích.
Mục tiền chi nhân, giai ngô chi trị.
Đặc bất tiết nhĩ, khởi vi ngô luy.
Tiêu sái an khang, thiên quân vô hệ…
Dĩ chi độc thư, đắc cổ nhân ý.
Dĩ chi lập thân, cứ hào kiệt địa.
Dĩ chi sự thân, sở dưỡng duy chí.
Dĩ chi giao hữu, sở hợp duy nghĩa…”
Những lời thơ ấy có ý nói rằng:
Khi bắt đầu lập chí, thì quan trọng là không nhận sự ảnh hưởng của các thói hư tật xấu của thế tục. Những thói hư tật xấu ở đời là thứ lây nhiễm người ta nhất, giống như không uống rượu mà cũng sẽ say vậy. Những người bị nhiễm thói xấu độc hại kia, thường giấu tay trong tay áo mà xuất thủ, ngấm ngầm hại người, lại liều mạng đi tranh giành từng chút lợi ích cực nhỏ như đầu mũi kim. Làm gì có bậc đại trượng phu nào mà cam tâm đi học hỏi với những người này? Lại có người tài năng xuất chúng nào nguyện ý làm bạn với những hạng người dung tục như vậy?
Những tài phú vô cùng vô tận kia, không phải là thứ mà những người như chúng ta đây nên tích trữ. Tận mắt thấy được phẩm tính của những người kia, cũng là những thứ mà chúng ta nên dứt bỏ. Chúng ta thực khinh thường cho những người nguyện ý mệt mỏi vì của cải như thế. Tiêu sái thoát tục, bình an khỏe mạnh là thứ mà chúng ta hướng tới, có thể không bị ràng buộc, tư tưởng tự do bay bổng. Dùng cảnh giới như vậy đọc sách, liền có thể rất dễ lĩnh hội thâm ý của người xưa. Dùng cảnh giới như thế lập thân, không lo không thể thành hào kiệt. Dùng cảnh giới như thế để phụng dưỡng bề trên, thì có thể bồi dưỡng được tình cảm sâu đậm, chí hướng cao xa. Dùng cảnh giới như thế để kết giao bằng hữu, thì hành vi có thể phù hợp lễ nghĩa.
Vương Phu Chi yêu cầu con trai mình không chịu ảnh hưởng của thói hư tật xấu trong đời, mà thể hiện sự siêu thoát của bản thân.
Vương Phu Chi còn viết một bài thơ giáo dục cháu trai của mình, dạy cháu phải dựng lập chí nguyện cao thượng và chí hướng xa rộng. Ông viết rằng:
“Truyền gia nhất quyển thư, duy tại nhữ lập chí.
Phượng phi cửu thiên nhận, yến tước độc tương thị.
Bất ẩm toan xú tương, nhàn khán bàng nhân túy.
Thức tự thức đắc chân, tục khí tự viễn tị.
Nhân tự lưỡng phiết nại, nguyên dữ cầm tự dị.
Tiêu sái bất niêm nê, tiện dữ thiên vô nhị.”
Tạm dịch nghĩa:
“Truyền lại một cuốn sách, chỉ để cháu lập chí.
Phượng bay chín ngàn trượng, chim sẻ tầm nhìn thấp hẹp (“Phượng” là ví von với người có chí hướng cao xa, “Yến tước” là chỉ người không ôm chí lớn).
Đừng uống nước chua hôi, nhàn nhìn người khác say.
Biết chữ phải biết rõ ràng, tự tránh xa thô tục (dạy cháu trai phải tránh xa thói hư tật xấu trong đời, không chịu sự ảnh hưởng của chúng).
Chữ nhân (人) hai nét phẩy, vốn khác với chữ cầm (禽)
Tiêu sái không dính bùn, là chữ thiên không chữ nhị (chữ Thiên 天 không có chữ Nhị 二 sẽ thành chứ Nhân 人)”
Mặc An thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Đài Loan