Cáp ở Hồng Hải bị hư hại, ảnh hưởng đến truy cập Internet toàn cầu
Chỗ bị hư hại được phát hiện sau khi có các cảnh báo rằng nhóm khủng bố Houthi có thể nhắm mục tiêu vào dây cáp, nhưng Yemen đổ lỗi cho các cuộc tấn công đáp trả của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.
Lưu lượng truy cập internet toàn cầu đã bị ảnh hưởng do nhiều tuyến cáp dưới biển ở Hồng Hải bị hư hại, một khu vực đang chứng kiến xung đột gay gắt giữa phiến quân Houthi và các lực lượng của phương Tây.
“Trong số hơn 15 tuyến cáp ngầm ở Hồng Hải, thì 4 trong số đó (Seacom, TGN, AAE-1, EIG) đã bị cắt và chúng tôi ước tính ảnh hưởng đến 25% lưu lượng truy cập” trong khu vực đó, công ty viễn thông HGC Global Communications của Hồng Kông cho biết trong một tuyên bố hôm 04/03.
“Khoảng 15% lưu lượng truy cập ở châu Á đi về hướng Tây, trong khi 80% lưu lượng đó sẽ đi qua các tuyến cáp ngầm dưới biển ở Hồng Hải.”
HGC tuyên bố đã nghĩ ra kế hoạch định tuyến lại lưu lượng bị ảnh hưởng, trong đó có việc đa dạng hóa lưu lượng qua 11 hệ thống cáp ngầm còn lại ở Hồng Hải. Công ty này không tiết lộ nguyên nhân dây cáp bị hư hỏng hoặc có ai cố ý làm hỏng dây cáp hay không.
Vụ việc xảy ra sau khi chính phủ Yemen cảnh báo nhiều tuần trước rằng phiến quân Houthi có thể nhắm mục tiêu vào các dây cáp. Hồi cuối tháng Hai, hãng truyền thông Globes của Israel đưa tin rằng bốn dây cáp ngầm dưới biển ở Hồng Hải đã bị phiến quân Yemen làm hỏng.
Bản tin này cho biết việc sửa chữa dây cáp có thể mất tới tám tuần và có nguy cơ khiến công nhân chạm trán với lực lượng Houthi. Do đó, các công ty viễn thông có thể phải trả phí cao để thuê người đảm nhận việc sửa chữa.
HGC chỉ ra rằng mặc dù thiệt hại là đáng kể, nhưng không nghiêm trọng vì các tuyến cáp khác đi qua cùng khu vực này kết nối châu Âu, châu Phi, và châu Á không bị hư hại.
Lãnh đạo Houthi Abdel Malek al-Houthi đã phủ nhận khả năng nhóm này có liên quan đến việc làm hỏng dây cáp.
Theo CNN, ông nói: “Chúng tôi không có ý định nhắm tới các tuyến cáp biển cung cấp Internet cho các nước trong khu vực.”
Chính phủ Yemen đổ lỗi cho hành động quân sự nhắm vào nhóm Houthi của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã làm hỏng các dây cáp.
Theo hãng truyền thông công nghệ ITWeb, Seacom tuyên bố vị trí hư hỏng cáp là quan trọng do tính nhạy cảm địa chính trị hiện tại trong khu vực này, khiến hoạt động bảo trì và sửa chữa trở thành một thách thức.
“Seacom vẫn tiếp tục điều khiển lưu lượng truy cập trên tuyến cáp riêng của mình giữa Kenya, Tanzania, Mozambique, và Nam Phi cho cả dịch vụ truyền phát và IP,” công ty này cho biết.
“Tất cả các dịch vụ dựa trên IP khác dành cho châu Âu và các khu vực khác đều được tự động định tuyến lại thông qua các tuyến đường thay thế của Seacom.”
Tuyến cáp Seacom bị ảnh hưởng chạy từ Mombasa ở Kenya đến Zafarana ở Ai Cập. Hệ thống Mạng Toàn cầu Tata (TGN) bị ảnh hưởng do phần dây cáp bị hỏng kết nối Jeddah ở Saudi Arabia với Djibouti.
Cáp Á-Phi-Âu-1 cung cấp internet tới nhiều quốc gia trong đó có Ấn Độ, Singapore, Hồng Kông, Malaysia, Campuchia, và Việt Nam.
Hệ thống Internet Europe India Gateway kết nối 12 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Ai Cập, và Vương quốc Anh.
Mối đe dọa từ Houthi
Theo The Guardian, trước đây, nhóm Houthi đã công bố một tấm bản đồ các tuyến cáp dưới biển ở Hồng Hải trên kênh Telegram của họ, với thông điệp kèm theo sau: “Có nhiều bản đồ các tuyến cáp quốc tế kết nối tất cả các khu vực trên thế giới chạy qua biển này. Có vẻ như Yemen nằm ở một vị trí chiến lược, khi có các tuyến Internet kết nối toàn bộ các lục địa — không chỉ các quốc gia — đi qua gần mình.”
Hãng thông tấn này cho biết, trong vài năm qua, Yemen Telecom đã thực hiện các nỗ lực pháp lý và ngoại giao để thuyết phục các liên minh viễn thông toàn cầu không thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào với nhóm Houthi nhằm ngăn chặn nhóm khủng bố này tiếp cận được thông tin hoạt động trên các cáp ngầm.
Trong bài bình luận hôm 29/01 tại Diễn đàn Quốc tế vùng Vịnh, bà Emily Milliken, phó chủ tịch cao cấp và là nhà phân tích chính tại Askari Defense & Intelligence LLC ở Virginia, cảnh báo rằng lực lượng Houthi có thể nhắm vào các tuyến cáp ở Hồng Hải.
Bà viết: “Cho đến nay, các tuyến cáp đã được giữ an toàn nhờ công nghệ tương đối kém phát triển của Houthi hơn là do [phiến quân này] thiếu động lực.”
“Cho đến nay, nhóm dân quân này chủ yếu tiến hành một cuộc chiến trên bộ chống lại chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen cùng các đồng minh Saudi và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất; do đó, họ chưa bao giờ phát triển được một lực lượng hải quân hoặc thủy quân lục chiến được đào tạo bài bản.”
“Tuy nhiên, với đủ thời gian và cơ hội, Houthi có thể điều chỉnh một số chiến thuật hàng hải của họ để nhắm vào cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc quan trọng. Trên thực tế, những vùng nước nông của Vùng Vịnh — chỉ đạt độ sâu 100 mét — làm giảm sự cần thiết của việc sử dụng tàu ngầm công nghệ cao để thực hiện công việc.”
Bà Milliken chỉ ra rằng hồi năm 2013, ba thợ lặn đã bị bắt ở Ai Cập vì cố gắng cắt một tuyến cáp ngầm dưới biển gần cảng Alexandria. Theo bà Milliken, những thành viên Houthi đã trải qua khóa huấn luyện thợ lặn chiến đấu có thể thực hiện một cuộc tấn công tương tự.
Nói với BBC hồi tháng trước, cựu chỉ huy tàu ngầm Hải quân Hoàng gia Anh, Chuẩn Đô đốc John Gower đã gọi những lời đe dọa phá hoại các tuyến cáp dưới biển của Houthi là “nói suông, trừ phi đó là một cuộc tấn công vào một nhà ga.”
Để thực hiện một hành động như vậy “sẽ cần một đồng minh có năng lực, [ai đó có] tàu lặn cộng với khả năng định vị [các tuyến cáp],” ông cho biết.
Về việc liệu Houthi có thể nhận được sự trợ giúp như vậy từ bên hậu thuẫn là Iran hay không, thì cựu Trung tá Hải quân Hoàng gia Anh Tom Sharpe nói: “Tôi chưa thấy thứ gì trong Trật tự Chiến đấu (Order of Battle) của Iran có thể chạm đến những dây cáp này, chắc chắn không phải tàu ngầm của họ.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times