Cặp vợ chồng ở Quận Cam trong cuộc giằng co với Trung Quốc
Gia đình nỗ lực giải cứu người đàn ông bị bức hại đang bị quản thúc tại gia
Vợ chồng anh Jeff Nenarella và cô Vương Hiểu Đan (Xiaodan Wang) rất thất vọng khi họ trở về tay không sau chuyến đi đến Trung Quốc vào ngày 09/08/2016.
Họ chỉ còn trong gang tấc là có thể giải cứu được người cha gần 68 tuổi của cô Hiểu Đan. Ông đã bị bức hại trong trại lao động Trung Quốc suốt 15 năm, và hiện đang bị theo dõi sát sao dưới sự quản thúc tại nhà riêng ở Bắc Kinh.
Ông có tội gì?
[Chính là] tu luyện Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện thiền định và khí công. Các nguyên lý tinh thần và sự phổ truyền rộng rãi của Pháp Luân Công đã khiến môn tu luyện này trở nên đối lập với các nguyên tắc vô thần của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Môn tu luyện này đã bị bức hại ở Trung Quốc kể từ năm 1999, và cha của cô Hiểu Đan, ông Vương Trị Văn (Zhiwen Wang), đã trở thành một ví dụ điển hình cho cuộc bức hại này.
Năm 1999, ông Trị Văn bị xét xử tại một phiên tòa dàn dựng và bị kết án 16 năm tù vì làm một điều phối viên tình nguyện cho môn tu luyện này.
Ông đã bị đột quỵ khi đang bị giam giữ vào tháng 09/2014 và được “thả” một tháng sau đó, để rồi nhanh chóng bị đưa đến một cơ sở tẩy não trong một tuần nhằm buộc ông từ bỏ đức tin của mình. Ông không bao giờ đồng ý, và cuối cùng đã được thả ra vào tháng 10/2014.
Anh Nenarella và cô Hiểu Đan cho hay rằng ông [hiện giờ] trông khá hơn so với khi ông [mới] ra tù, nhưng ông vẫn hốc hác, và họ sợ rằng cơn đau ở chân mà ông nhắc tới thực ra còn nghiêm trọng hơn những gì ông tiết lộ. Họ cho hay toàn bộ răng của ông đã rụng hết chỉ còn một chiếc, cô Hiểu Đan nghi ngờ là do suy dinh dưỡng, và xương quai xanh của ông, vốn bị gãy trong tù, chưa bao giờ được bó lại đúng cách.
Sau khi làm được hộ chiếu Trung Quốc cho ông vào tháng 01/2016 và thị thực đến Hoa Kỳ, cặp đôi này đã đến Trung Quốc vào cuối tháng 07/2016 để đưa ông về nhà.
Họ cho biết, mặc dù họ đã tuân thủ mọi yêu cầu theo luật nhập cư của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng chuyến đi của họ từ thành phố phía đông bắc Bắc Kinh đến thành phố phía nam Quảng Châu, nơi họ định đi phà tới Hồng Kông, gặp phải muôn trùng khó khăn.
Họ nói rằng, họ chưa bao giờ bị quấy rối về mặt thể chất, nhưng các đặc vụ đã theo dõi họ liên tục để chụp ảnh, và những sự việc kỳ lạ như vé phi cơ của ông Trị Văn bị hủy một cách bí ẩn và Internet cũng như máy điện toán của họ đột nhiên không hoạt động là chuyện thường xuyên xảy ra.
“Thật là một cảm giác đáng sợ khi ở đất nước cộng sản rộng lớn này khi mà bạn biết rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn đang tiếp diễn,” anh Nenarella cho hay. “Và không có ai để bạn có thể gọi, không ai bạn có thể tin cậy, không có cơ quan thực thi pháp luật nào mà chúng tôi có thể tin tưởng. Đó đúng là một cảm giác rất đáng sợ.”
Ngay khi họ chuẩn bị lên phà tới Hồng Kông, một khu vực bán tự trị ở Trung Quốc, nơi họ tin rằng họ có cơ hội thoát ra cao hơn, thì hộ chiếu của ông Trị Văn đã bị đưa đến bộ phận văn phòng hành chính và một góc của cuốn hộ chiếu bị cắt đi mà không kèm lời giải thích. Cuốn hộ chiếu bị vô hiệu hóa.
“Đó là lúc tôi cảm thấy gần như tuyệt vọng,” cô Hiểu Văn nói.
Không có nguồn lực nào ở Trung Quốc để đưa ông Trị Văn ra khỏi đất nước này, cả hai vợ chồng cô quay trở lại Hoa Kỳ mà không có ông, tuyên bố rằng sẽ sử dụng sự vận động và sức mạnh của mình với tư cách là công dân Hoa Kỳ để giúp ông được phóng thích.
Giành lại tự do
Không biết là có bao nhiêu học viên Pháp Luân Công đã qua đời vì cuộc đàn áp này, nhưng trang web Minghui.org (Minh Huệ Net), một trung tâm thông tin về cuộc đàn áp, đã xác nhận hơn 4,000 trường hợp tử vong do bị tra tấn và lạm dụng. Vì việc lấy thông tin từ Trung Quốc rất khó, nên Minh Huệ tin rằng con số tử vong thực sự còn cao hơn nhiều.
Ngoài ra, một số lượng lớn các học viên đã bị sát hại và nội tạng của họ bị bán để cấy ghép. Một báo cáo độc lập được công bố vào tháng 06/2016 đã kiểm tra thông tin từ 700 bệnh viện ở Trung Quốc thực hiện cấy ghép nội tạng. Báo cáo này ước tính từ năm 2000 đến năm 2015, có khoảng 60,000 đến 100,000 ca cấy ghép được thực hiện mỗi năm ở Trung Quốc. Báo cáo cho biết hầu hết nội tạng cho các ca phẫu thuật đó đều đến từ các học viên Pháp Luân Công. Vì sự yếu kém của hệ thống cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu tin rằng trong hầu hết các trường hợp, việc cấy ghép một nội tạng đòi hỏi phải lấy đi sinh mạng một người hiến.
Một phần lý do cô Hiểu Đan tin rằng cha cô được thả là do vụ án của ông đã nhận được sự quan tâm của công chúng.
Trong 17 năm qua, cô và những người khác đã đưa vụ việc này đến với các thành viên Quốc Hội, thành viên Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và các tổ chức chính phủ và phi chính phủ khác.
Cô Hiểu Đan cho biết các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình ngồi, và suốt 24 giờ một ngày, đã gọi điện đến trung tâm tẩy não nơi ông bị giam giữ.
Vợ chồng cô đã thành lập trang web freemydad.org đăng các thông tin cập nhật về trường hợp của ông Trị Văn. Họ đang nỗ lực thu thập chữ ký cho một bản kiến nghị gửi tới Ngoại trưởng [đương thời] John Kerry. Họ nói rằng, cho đến nay họ đã thu thập được hơn 12,000 chữ ký.
Họ cho biết họ được khích lệ bởi sự đón tiếp mà họ nhận được ở Hoa Thịnh Đốn khi đến thăm các dân biểu của mình sau chuyến đi tới Trung Quốc. Họ hy vọng rằng đó là biểu tượng cho một sự thay đổi lớn hơn trong thái độ.
Anh Nenarella nói: “Bởi vì ông [Trị Văn] đã được cấp hộ chiếu, nên tôi nghĩ tất cả họ đều hiểu rằng [chính quyền Trung Quốc] cần cấp lại hộ chiếu và để ông đi.”
Trong khi cô Hiểu Văn và anh Nenarella, cả hai đều là học viên Pháp Luân Công, muốn nhìn thấy ông Trị Văn được tự do, họ cho hay rằng mục tiêu của họ không chỉ là giải cứu ông Trị Văn mà còn [giúp] nâng cao nhận thức, và cuối cùng là chấm dứt cuộc đàn áp môn tu luyện này ở Trung Quốc.
Về nhà
Cặp vợ chồng không tiết lộ địa chỉ vì lý do an ninh. Họ cho biết họ liên lạc với ông Trị Văn nhưng không thường xuyên vì lý do an toàn.
Họ vẫn giữ ý định đưa ông về nhà, nhưng họ sẽ làm điều đó bằng cách nào thì họ vẫn cần phải tìm hiểu.
Họ nói rằng ông Trị Văn cần một hộ chiếu mới, nhưng kể từ khi họ cố gắng đưa ông ra khỏi Trung Quốc, ông đã phải đối mặt với sự giám sát và thẩm vấn chặt chẽ hơn từ công an. Họ cho biết chỉ một chuyến đi đơn giản đến cửa hàng tạp hóa cũng có một công an đi theo ông.
Tại thời điểm này, việc đi đến Cục Xuất nhập cảnh Trung Quốc để lấy hộ chiếu mới có thể không an toàn.
Cô Hiểu Văn, người gặp lại cha mình lần đầu tiên trong chuyến đi này sau 18 năm, cho biết cô cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng trạng thái tinh thần của ông ổn định và dường như ông vẫn ổn dù lâm vào tình thế này.
“Nhưng chắc chắn tôi muốn bù đắp khoảng thời gian chúng tôi đã bỏ lỡ trong 17 năm qua,” cô nói về việc cha cô đến Hoa Kỳ.
Họ dự định tiếp tục làm việc với các dân biểu của mình để gây áp lực buộc Trung Quốc phải trả tự do cho ông với niềm tin rằng điều đó đã giúp ông sống sót cho đến nay, và cuối cùng sẽ lấy lại được hộ chiếu cho ông.
Anh Nenarella nói: “Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng nếu chính phủ Hoa Kỳ lên tiếng mạnh mẽ về vụ việc này, thì họ sẽ thả ông ra.”
Hòa Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times