Cảng Baltimore tê liệt sau vụ sập cầu
Các nhà phân tích cho rằng vụ sập cầu này có thể có các tác động sâu rộng đến chuỗi cung ứng trên khắp Hoa Kỳ.
Hôm thứ Ba (26/03), Sở trưởng Sở Giao thông Vận tải Maryland xác nhận rằng hoạt động vận chuyển ra vào Cảng Baltimore đã bị đình chỉ sau vụ sập cầu Francis Scott Key gần đó.
Sở trưởng Sở Giao thông Vận tải Maryland Paul Wiedefeld cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng, “Giao thông tàu thuyền ra vào cảng Baltimore đã bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới, nhưng cảng vẫn mở cửa cho các giao dịch vận tải đường bộ.”
Sáng sớm thứ Ba, một tàu container lớn do hãng Maersk thuê đã đâm vào cây cầu, khiến một bộ phận đáng kể trong kết cấu cây cầu bị sập và làm nhiều xe rơi xuống nước.
Trong một tuyên bố, Thống đốc Maryland Wes Moore đã ban bố tình trạng khẩn cấp và đang nỗ lực “nhanh chóng khai triển các nguồn lực liên bang” để ứng phó với thảm họa này.
“Chúng tôi rất biết ơn những nhân viên can đảm đang nỗ lực giải cứu những người có liên quan và cầu nguyện cho sự an toàn của mọi người,” ông nói. “Chúng tôi sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với các cơ quan liên bang, tiểu bang, và địa phương đang thực hiện các nỗ lực cứu hộ khi chúng tôi tiếp tục đánh giá và ứng phó với thảm kịch này.”
Đại công ty vận tải Maersk đã xác nhận với các hãng thông tấn rằng chiếc tàu container đâm vào cây cầu hiện đang được công ty thuê để vận chuyển. Tuyến đường qua cầu Francis Scott Key là một bộ phận của Xa lộ Liên tiểu bang 695, một tuyến đường trọng yếu ở Maryland. Tàu container Dali thuộc sở hữu của công ty Singapore Grace Ocean và thuộc quyền quản lý của Synergy Marine Group.
Maersk nói với các hãng thông tấn rằng, “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các cuộc điều tra do chính phủ và công ty Synergy tiến hành, đồng thời chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để thông báo cho các khách hàng của mình.”
Theo một báo cáo do chính phủ tiểu bang phát hành vào cuối năm ngoái, cây cầu này đã vận chuyển hơn 12 triệu xe cộ trong năm 2023, tương đương với khoảng 34,000 xe cộ mỗi ngày. Toàn bộ lưu lượng giao thông qua tuyến đường của cây cầu này đều đã được định tuyến lại, đồng thời Sở Giao thông vận tải Maryland cũng đã ban hành cảnh báo giao thông khuyến nghị các tài xế sử dụng những tuyến đường thay thế.
Các quan chức địa phương cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy đây là một vụ việc có chủ đích. Tòa Bạch Ốc cũng cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng Tổng thống Joe Biden đã được thông báo ngắn gọn về vụ việc, và hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy va chạm xảy ra là do ý định bất lương.
Thảm họa hôm thứ Ba có thể là vụ sập cầu tồi tệ nhất ở Hoa Kỳ kể từ năm 2007 khi cầu I-35W ở Minneapolis sập xuống sông Mississippi, khiến 13 người thiệt mạng. Theo ông David Knight, chuyên gia tại Viện Kỹ sư Xây dựng Dân dụng (ICE), đây là vụ sập cầu lớn đầu tiên do va chạm với tàu trong khoảng 40 hoặc 50 năm qua.
Video: Khoảnh khắc cây cầu lớn của Baltimore sụp đổ sau vụ va chạm tàu chở hàng
Các vấn đề về chuỗi cung ứng?
Việc đóng cửa một trong những cảng lớn ở Bờ Đông Hoa Kỳ có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung ứng của nhiều mặt hàng, từ xe hơi, than đá, đến các mặt hàng khác như đường. Các chuyên gia cho biết, việc đình chỉ hoạt động có thể tạo ra tình trạng tắc nghẽn, làm tăng sự chậm trễ và chi phí trên vùng bờ biển Đông Bắc. Cảng Baltimore quản lý việc nhập cảng xe hơi nhiều nhất và là một trong những cảng xuất cảng than lớn nhất.
Các nhà phân tích cho rằng bất kỳ vấn đề nào kéo dài tại Cảng Baltimore cũng sẽ có tác động lan tỏa trên khắp đất nước, cụ thể là các tiểu bang thuộc khu vực Trung Đại Tây Dương.
“Đây là một thảm họa lớn và sẽ tạo ra những vấn đề nghiêm trọng ở Bờ Đông Hoa Kỳ đối với các nhà nhập cảng và xuất cảng của Hoa Kỳ,” ông Lars Jensen, Giám đốc điều hành của Vespucci Maritime, viết trên trang mạng xã hội LinkedIn. “Việc cây cầu này bị sập có nghĩa là vào lúc này sẽ không có cách nào đi đến được các bến container — hoặc một loạt các bến cảng khác — ở Baltimore.”
Theo ông Jensen, điều đó cũng có nghĩa là hàng hóa được đưa vào các bến cảng sẽ phải chờ đợi trong một khoảng “thời gian không xác định” hoặc “được đưa trở ra và chuyển sang một cảng khác.”
Theo Bloomberg, Cảng Baltimore là nơi quản lý xuất nhập cảng xe hơi và xe tải hạng nhẹ lớn nhất của Hoa Kỳ, có nghĩa là việc đóng cửa cảng này sẽ khiến hàng hóa phải vận chuyển đến các cảng ở Bờ Tây.
Bà Emily Stausolll, một nhà phân tích tại Xeneta, một công ty vận tải biển, nói với World Cargo News: “Mặc dù Baltimore không phải là một trong những cảng Bờ Đông lớn nhất Hoa Kỳ, nhưng bến cảng này vẫn nhập và xuất cảng hơn một triệu container mỗi năm.”
Bà nói thêm: “Các dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường biển từ Viễn Đông đến Bờ Đông Hoa Kỳ đã chịu ảnh hưởng vì hạn hán ở Kênh đào Panama và xung đột gần đây ở Hồng Hải, khiến giá cước tăng 150%, vì vậy vụ việc mới nhất này sẽ làm tăng thêm những lo ngại đó.”
“Nhiều khả năng là các cảng lớn hơn khác ở Bờ Đông Hoa Kỳ như các cảng New York/New Jersey và Virginia lân cận có thể giải quyết thêm một lượng hàng container nhập cảng bổ sung nếu Baltimore trở nên không thể tiếp cận, như vậy bất kỳ tác động nào đến giá cước vận chuyển hàng hóa bằng đường biển sẽ có thể được hạn chế,” nhà phân tích này cho biết thêm. “Tuy nhiên, công suất cảng chỉ có thế thôi và điều này sẽ khiến các chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương trước bất kỳ áp lực nào nữa.”
Bà Stausoll cho biết, một câu hỏi còn lại là liệu các hãng vận tải biển có thể nhanh chóng chuyển hướng tàu đến các cảng khác hay không, cụ thể là đối với các tàu đã đi đến Baltimore hoặc các container đang chờ bên trong Cảng Baltimore.