Maryland ban bố tình trạng khẩn cấp sau vụ sập cầu ở Baltimore
Lực lượng Tuần duyên đang tìm kiếm những người sống sót bằng nhiều phương tiện và phối hợp với nhiều đối tác.
Sau vụ sập cầu Francis Scott Key thảm khốc ở Baltimore, tiểu bang Maryland, Thống đốc Wes Moore đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
“Tôi đã ban bố Tình trạng Khẩn cấp ở Maryland và chúng tôi đang hợp tác với một nhóm liên cơ quan để nhanh chóng khai triển các nguồn lực liên bang từ Chính phủ Tổng thống Biden,” vị thống đốc Đảng Dân Chủ này cho biết trong một thông cáo báo chí. “Chúng tôi rất biết ơn những nhân viên can đảm đang nỗ lực giải cứu những người có liên quan và cầu nguyện cho sự an toàn của mọi người.”
Thông cáo trên được công bố sau khi một tàu chở hàng khởi hành từ Cảng Baltimore đụng phải cây cầu vào khoảng 1 giờ 30 phút sáng khiến một phần của cây cầu bị sập.
Ông Moore cùng Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hoa Kỳ Pete Buttigieg, Thị trưởng Baltimore Brandon Scott, Giám đốc điều hành Quận Baltimore Johnny Olszewski, và Sở Cứu hỏa Baltimore đã cam kết sẽ có phản ứng nhanh chóng và kỹ càng trước thảm kịch này.
Ưu tiên của tiểu bang Maryland vẫn là sự an nguy và việc cứu hộ những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa này, tận dụng các nguồn lực của liên bang, tiểu bang, và địa phương để trợ giúp cho những nỗ lực đang diễn ra.
Sở trưởng Sở Giao thông Vận tải tiểu bang cập nhật thông tin
Trong một cuộc họp báo, Sở trưởng Sở Giao thông Vận tải Maryland Paul Wiedefeld đã trình bày chi tiết về phản ứng ban đầu và các bước được thực hiện ngay tức khắc sau vụ sập cầu.
Nhân viên cứu hộ từ Sở Giao thông Vận tải Maryland, cơ quan thu phí giao thông của tiểu bang, cùng nhiều đối tác liên bang, tiểu bang, và địa phương khác đã nhanh chóng hành động để ứng phó với vụ việc.
Ông Wiedefeld cho biết, vào thời điểm diễn ra vụ sập cầu, có nhiều người hiện diện trên cây cầu, trong đó có các công nhân tham gia hoạt động bảo trì.
Nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ là ưu tiên hàng đầu, với trọng tâm là việc xác định vị trí của những người sống sót, cho dù họ ở trên cầu hay ở dưới nước vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Thiếu tá Erin Palmer thuộc Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ, đại diện cho Vùng Thủ đô Quốc gia Maryland, đã trình bày chi tiết về các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ sâu rộng đang được tiến hành.
Phối hợp với nhiều đối tác, Lực lượng Tuần duyên đã điều động ba chiếc thuyền nhỏ, một tuần duyên hạm dài 87 feet (khoảng 26 mét rưỡi), và một chiếc trực thăng từ Trạm Hàng không Atlantic City để tích cực tìm kiếm những người sống sót.
Vụ sập cầu đã lập tức gây ra tình trạng gián đoạn đáng kể, khiến hoạt động ra vào của tàu thuyền tại cảng Baltimore bị đình chỉ.
Ông Wiedefeld cho biết, mặc dù các hoạt động tại cảng đối với vận tải đường bộ vẫn mở, nhưng các tài xế được khuyến nghị nên tránh hành lang Đông Nam của xa lộ liên tiểu bang I-695 và tìm kiếm các tuyến đường thay thế qua các xa lộ liên tiểu bang I-95 và I-895. Các biện pháp này được lập ra để bảo đảm an toàn cho công chúng trong khi tạo thuận lợi cho các nỗ lực điều tra và cứu hộ đang diễn ra.
Khi các cuộc điều tra tiếp tục, Lực lượng Tuần duyên và FBI đang xem xét tất cả các khía cạnh của vụ việc, kể cả khả năng xảy ra một vụ mất điện trên chiếc tàu chở hàng trước khi va chạm.
Tuy nhiên, ông Wiedefeld cho biết vẫn còn quá sớm để xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ va chạm vào thời điểm này trong cuộc điều tra, hoặc suy đoán về thời gian cây cầu và bến cảng này phải đóng cửa vì trọng tâm vẫn là hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, đồng thời bảo đảm an toàn cho các gia đình và cá nhân bị ảnh hưởng.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times