Canada triệu tập Đại sứ Trung Quốc sau tin tức về đồn công an không chính thức trên đất Canada
Canada đã chính thức khiếu nại với đại sứ Trung Quốc liên quan đến các bản tin về các đồn công an không chính thức của Trung Quốc hoạt động tại Canada.
Ông Weldon Epp, tổng giám đốc phụ trách Sự vụ Toàn cầu của Văn phòng Á Châu Thái Bình Dương của Canada, đã làm chứng tại ủy ban Canada-Trung Quốc của Hạ viện hôm 29/11, rằng bộ phận của ông đã chính thức đưa ra những phản đối tới đại sứ Trung Quốc trước các bản tin về hơn 50 đồn công an không chính thức của Trung Quốc trên toàn thế giới.
“Chính phủ Canada đã chính thức khẳng định rằng chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm — bao gồm cả đại sứ và đại sứ quán của nước này — đối với bất kỳ hoạt động nào bên trong Canada, nằm ngoài Công ước Viên, và chịu trách nhiệm về những hoạt động đó, đồng thời bảo đảm rằng họ phải chấm dứt những hoạt động đó.”
Hôm 04/10, ông Epp cho biết nếu những cáo buộc về những tiền đồn công an này được chứng minh là đúng, thì các hoạt động của họ sẽ “hoàn toàn bất hợp pháp, hoàn toàn không phù hợp, và sẽ phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt về mặt ngoại giao.”
Theo Công ước Viên quốc tế về Quan hệ Ngoại giao và Công ước Viên về Quan hệ Lãnh sự, các dịch vụ hành chính ở hải ngoại phải do các đại sứ quán và lãnh sự quán thực hiện. Các điều ước quốc tế đó cũng quy định rằng các viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự quán có “nghĩa vụ không can thiệp vào công việc nội bộ” của các quốc gia mà họ đặt trụ sở.
Theo CBC News, đại sứ quán Trung Quốc tại Canada đã thừa nhận sự tồn tại của những đồn công an này nhưng cho biết những đồn này được sử dụng để cung cấp cho công dân Trung Quốc sống ở hải ngoại các dịch vụ như đổi mới giấy phép lái xe, và các trung tâm dịch vụ này là cần thiết để thực hiện kiểm tra thị lực và thính giác.
Đại sứ quán cho biết những đồn này được bố trí nhân viên tình nguyện, những người “không phải là công an Trung Quốc” và “không tham gia vào bất kỳ cuộc điều tra tội phạm hoặc hoạt động liên quan nào.”
Trong báo cáo của mình, tổ chức phi chính phủ về nhân quyền có trụ sở tại Tây Ban Nha Safeguard Defenders cho biết những đồn công an này, được gọi là “110 hải ngoại” — được đặt tên theo số điện thoại khẩn cấp 110 của công an ở Trung Quốc — có vai trò như một “mục tiêu thâm độc” hơn trong việc thúc đẩy một chiến dịch chính thức của Trung Quốc dường như nhằm ngăn chặn gian lận viễn thông, nhưng cũng nhắm vào những người không bị tình nghi và những người bất đồng chính kiến đào thoát khỏi cuộc đàn áp tôn giáo và/hoặc chủng tộc của Bắc Kinh.
An Nhiên lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times