Canada nêu lo ngại về nhân quyền với tỉnh Tân Cương trong vấn đề cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ
Bộ Sự vụ Toàn cầu Canada cho biết, trong một chuyến thăm vừa qua tới một tỉnh được biết đến vì cuộc đàn áp người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ và các hoạt động cưỡng bức lao động, Đại sứ Canada tại Trung Quốc đã nêu lên mối lo ngại về nhân quyền với các quan chức Trung Quốc.
Theo một thông cáo báo chí hôm 23/06, Đại sứ Jennifer May đã gặp gỡ ông Mã Hưng Thụy (Ma Xingrui), Bí thư tỉnh Tân Cương và là lãnh đạo cao nhất của tỉnh trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong chuyến đi ba ngày bắt đầu từ hôm 19/06.
Bộ Sự vụ Toàn cầu Canada cho biết: “Đại sứ May đã nêu lên những lo ngại về những báo cáo đáng tin về các hành vi vi phạm nhân quyền mang tính hệ thống đang diễn ra tại Tân Cương gây ảnh hưởng đến người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi Giáo khác, bao gồm cả những vấn đề được nêu ra từ các chuyên gia [Liên Hiệp Quốc], và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.”
Ngoài ra, bà còn bày tỏ mối lo ngại của Canada đối với các báo cáo về những hạn chế trong việc giáo dục bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ và “việc ép buộc trẻ em Duy Ngô Nhĩ vào các trường nội trú.” Đại sứ cũng nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc cho phép các nhà điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc được “tự do tiếp cận tất cả các khu vực của Trung Quốc, kể cả Tân Cương.”
Cao ủy Liên Hiệp Quốc cho biết trong một báo cáo vào tháng 08/2022 rằng “các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” đã diễn ra ở tỉnh Tân Cương. Đánh giá này là lời phúc đáp lại những cáo buộc được đặt ra cho Ủy Ban Liên Hiệp Quốc vào năm 2017, bao gồm số vụ người Duy Ngô Nhĩ mất tích ngày càng tăng ở Tân Cương kể từ khi ĐCSTQ thành lập “trại cải tạo.” Báo cáo này cũng ghi nhận rằng các tổ chức nhân quyền và các nhà nghiên cứu đã cho rằng các trại này đã tùy tiện giam giữ, tra tấn, bạo lực tình dục, cưỡng bức lao động, và các hình thức bạo hành khác trên diện rộng.
Tân Cương là một trong năm “khu tự trị” của Trung Quốc chủ yếu là người dân tộc Duy Ngô Nhĩ sinh sống, trái ngược với các khu vực khác của đất nước nơi người Hán chiếm hơn 90% dân số.
Kể từ năm 2017, ĐCSTQ đã tăng cường kiểm soát người Duy Ngô Nhĩ dưới chiêu bài chống khủng bố và “chủ nghĩa cực đoan,” như được trình bày chi tiết trong báo cáo của Liên Hiệp Quốc và nhiều nghiên cứu khác. Những nỗ lực này bao gồm các cuộc hôn nhân cưỡng bức giữa phụ nữ Duy Ngô Nhĩ và nam giới người Hán, thực hiện chương trình “ở tại nhà” trong đó hơn 1 triệu cán bộ đảng được khai triển để thường xuyên đến thăm và sống cùng các gia đình người Duy Ngô Nhĩ, cũng như nhiều sự hạn chế về mặt ngôn ngữ và các hoạt động tôn giáo.
Theo Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, ước tính khoảng 1 triệu đến 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ một cách tùy tiện trong nhiều “trại truyền bá chính trị” khác nhau ở Trung Quốc.
Vào tháng 02/2021, Hạ viện [Canada] đã thông qua một kiến nghị xác nhận việc Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi Giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ khác ở Trung Quốc là hành vi diệt chủng.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times