Canada: Các quan chức phản ứng với báo cáo về đồn cảnh sát không chính thức của Trung Quốc ở Toronto
Các quan chức cho biết một cuộc điều tra về những cáo buộc rằng Trung Quốc cộng sản đang điều hành các đồn cảnh sát hải ngoại không chính thức ở Canada đang được tiến hành.
Làm chứng trước Ủy ban Canada-Trung Quốc của Nghị viện hôm 04/09, ông Weldon Epp, Tổng giám đốc Cục Bắc Á và Châu Đại Dương thuộc Bộ Sự vụ Toàn cầu Canada (GAC), cho biết nếu các cáo buộc này được chứng minh là đúng, thì hoạt động này sẽ “nằm ngoài vai trò liên lạc hợp pháp giữa các cảnh sát” của hai nước, và Ottawa sẽ “nghiêm túc phản ánh” tới Bắc Kinh.
Ông Epp nói: “Hoạt động đang bị cáo buộc này sẽ là hoàn toàn bất hợp pháp, hoàn toàn không phù hợp, và sẽ được phản hồi rất nghiêm túc cũng như theo dõi về mặt ngoại giao.”
Tin tức về việc Trung Quốc mở rộng “các đồn cảnh sát ở hải ngoại” đã thu hút sự chú ý của công chúng sau khi tổ chức phi chính phủ về nhân quyền có trụ sở tại Tây Ban Nha Safeguard Defenders (Người Bảo Vệ An Toàn) công bố báo cáo điều tra của họ hồi tháng trước, với nhan đề “Đồn cảnh sát Hải ngoại 110: Hoạt động Cảnh sát Xuyên Quốc Gia Của Trung Quốc Đã Trở Nên Mất kiểm soát” (“110 Overseas: Chinese Transnational Policing Gone Wild”).
Tại thời điểm phát hành bản tin này, báo cáo nói trên đã xác định 54 đồn cảnh sát Trung Quốc ở hải ngoại tại 30 quốc gia, trong đó có ba đồn ở Toronto. Báo cáo này cho biết, các đồn này đều thuộc quyền quản lý của hai cơ quan công an cấp địa phương ở Trung Quốc — Cục Công an Phúc Châu ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, và Cục Công an huyện Thanh Điền ở tỉnh Chiết Giang.
Ông Peter Dahlin, người sáng lập viên kiêm giám đốc của Safeguard Defenders và đồng tác giả của báo cáo, nói với The Epoch Times trước đó rằng ngoài ba đồn ở Toronto — hai đồn ở Markham và một đồn ở Scarborough, với địa điểm đã được một hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc công bố — có khả năng các đồn cảnh sát không chính thức khác của Trung Quốc đã tồn tại hoặc được thành lập ở Canada, mặc dù chúng vẫn chưa bị phát hiện.
Ông Dahlin cho biết, trong cuộc điều tra này, nhóm của ông đã xem được một bản tin do Bắc Kinh phát hành vào ngày 05/07/2018, trong đó tuyên bố 10 tỉnh khác nên khai triển các hoạt động tương tự trên cơ sở thí điểm.
Ông Epp, cựu tổng lãnh sự Canada tại Thượng Hải từ năm 2015 đến năm 2019, xác nhận không có hiệp ước song phương nào với Trung Quốc cho phép cảnh sát Trung Quốc cư trú tại Canada và mở đồn cảnh sát của họ trên đất Canada.
‘Xâm phạm chủ quyền của chúng ta’
Trong quá trình điều tra, nghị sĩ Đảng Bảo Thủ kiêm nhà phê bình các vấn đề ngoại giao Michael Chong đã hỏi ông Epp liệu GAC đã phản hồi chính quyền Trung Quốc về việc ĐCSTQ được cho là đã thành lập các đồn cảnh sát, mà theo ông nói là được sử dụng để “đe dọa người Canada và thậm chí ép buộc họ quay trở lại Trung Quốc,” là “không thể chấp nhận được” hay chưa.
Ông Epp cho biết bộ của ông đang hợp tác với các cơ quan đối tác để xác định “liệu các cáo buộc này có cơ sở hay không.”
“Tôi có thể nói với quý vị rằng chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác để tìm hiểu xem liệu các tin tức truyền thông này có đúng sự thật hay không,” ông Epp nói và cho biết thêm rằng cục thường xuyên nêu ra các mối lo ngại lên các cấp cao ở Ottawa và Bắc Kinh về việc “ngày càng có nhiều bằng chứng liên quan đến sự can thiệp ngoại quốc ngày càng tăng” từ Trung Quốc.
Ông Epp đang đề cập đến một loạt báo cáo do Ủy ban An ninh Quốc gia và Tình báo của các Nghị sĩ gửi cho các cơ quan liên bang. Ông cho biết bằng chứng từ những báo cáo đó cho thấy nguồn can thiệp ngoại quốc lớn nhất vào Canada của các tổ chức nhà nước ngoại quốc, “đến từ các nguồn của CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa].”
Ông Chong cũng hỏi GAC có đang điều tra xem liệu các nhà ngoại giao được công nhận tại Đại sứ quán Trung Quốc và các nhiệm vụ khác ở Canada có liên quan đến các đồn cảnh sát bị cáo buộc hay không và liệu chính phủ có cử các đại diện đến kiểm tra ba địa điểm được công bố trên các bản tin truyền thông nhà nước Trung Quốc chưa.
Ông Chong nói: “Chúng không chỉ bất hợp pháp, mà còn vi phạm chủ quyền của chúng ta, vi phạm luật pháp quốc tế, và vi phạm hết thảy các quy tắc ngoại giao hiện hành.”
Ông Epp trả lời: “Để không làm thất vọng phần chất vấn này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh thực tế rằng trong vụ việc này vai trò của việc điều tra là rất quan trọng, trước khi chúng ta phản hồi bằng các hành động ngoại giao quan trọng và được lường trước, điều đó khá là trọng yếu.”
Nghị sĩ Đảng Bảo Thủ Raquel Dancho đã hỏi rằng trong cuộc điều tra này, GAC đang làm việc với bên nào, ông Epp trả lời rằng việc ông thảo luận về các chi tiết hoạt động khi có camera là không thích hợp.
‘Thị thực nên bị thu hồi’
Ông Glen Linder, tổng giám đốc Bộ Di trú, Tị nạn, và Quốc tịch Canada (IRCC), cũng đã làm chứng tại cuộc họp nói trên của ủy ban. Tại đây, ông Chong hỏi ông liệu IRCC đã tiến hành kiểm tra tình trạng nhập cư đối với những người làm việc trong những đồn cảnh sát bị cáo buộc này chưa.
Ông Chong nói: “Có cuộc điều tra nào hiện đang diễn ra để xác định tình trạng nhập cư của họ không? Bởi vì nếu những người này từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến đây với cái cớ giả tạo, thì những thị thực đó sẽ bị thu hồi.”
Ông Linder trả lời: “Như đồng nghiệp của tôi từ GAC đã đề cập, [chúng tôi] đang xem xét những vấn đề này rất nghiêm túc và đang thảo luận với các đối tác.”
Nghị sĩ Đảng Tự Do Jean Yip, người đại diện cho khu vực bầu cử Scarborough-Agincourt ở Ontario, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trấn an người dân Canada, đặc biệt là những người cư trú ở Scarborough và Markham, nơi được cho là có các trung tâm cảnh sát không chính thức này. Bà hỏi ông Epp sẽ tiến hành một cuộc điều tra như thế nào nếu một cử tri phải đối mặt với sự quấy rối, đe dọa, hoặc ép buộc của các trung tâm bị cáo buộc này.
Bà nói: “Họ có thể làm gì đây? Chỉ cần báo cảnh sát địa phương thôi sao?”
Ông Epp nói: “Chúng tôi khuyến khích những người này không chỉ cho GAC biết, để chúng tôi có thể thực hiện liên lạc thích hợp với [chính phủ] Trung Quốc, mà họ cần báo những vụ việc này cho cảnh sát.”
Nghị sĩ NDP Heather McPherson cho biết đề nghị người dân liên lạc với GAC là “vô ích,” vì sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực phát triển quốc tế, bản thân bà vẫn chưa tìm được cách liên lạc với GAC. Bà hỏi liệu bộ thuộc chính phủ liên bang này có bất kỳ phối hợp nào với các cơ quan cảnh sát địa phương hay không, và cảnh sát có được đào tạo để giải quyết các yêu cầu như vậy hay không.
Ông Epp nói, “Việc chia sẻ thông tin tình báo là thông qua RCMP với các lực lượng cảnh sát địa phương, nhưng GAC hợp tác rất chặt chẽ với RCMP, với CSIS, và các bên tình báo khác.” Ông nói thêm rằng cục của ông có chia sẻ thông tin về việc ngoại quốc can thiệp với những đối tác đó.
Ông nói: “Về đào tạo nghiệp vụ cụ thể của họ … việc các cơ quan cảnh sát sẽ xem trọng thông tin đó và chuyển nó thành [đào tạo] thực tế như thế nào là vượt quá khả năng chuyên môn của tôi.”
“Có rất nhiều cuộc thảo luận về cách để những người dân Canada đang chịu đựng điều này biết cách ứng phó với điều đó,” ông nói thêm. “Điều đó rất quan trọng, nhưng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng người dẫn đầu hoạt động này vẫn phải là phía cảnh sát. Tuy như vậy chưa đủ, nhưng đó là [bước] đầu tiên.”
Khi được Nghị sĩ Dancho hỏi GAC sẽ công bố công khai hay không nếu phát hiện ra những cáo buộc đó là thật, ông Epp cho biết ông sẽ trì hoãn công bố để RCMP đưa ra quyết định. Khi bị thúc giục đưa ra thời gian hoàn tất cuộc điều tra, ông cho biết ông chưa thể nói được điều đó.
‘Không có gì để răn đe họ’
Bà Aileen Calverley, người đồng sáng lập và được ủy thác của nhóm vận động nhân quyền Hong Kong Watch, cho biết việc hay tin về những nơi được cho là các trung tâm cảnh sát không chính thức do chính quyền Trung Quốc thành lập quả thực “rất chấn động”.
“Họ công khai làm vậy bởi vì chưa có luật, không có gì để răn đe họ, không có gì để trừng phạt họ,” bà Calverley nói với ủy ban này, đồng thời nói thêm rằng những đồn này có mục đích đe dọa những người lên tiếng chống lại chính quyền đó.
Bà nói: “Họ có thể đe dọa những người như chúng tôi. Tôi đã sống ở Canada trong nhiều thập niên — giờ thì, tôi cảm thấy sợ hãi.”
Bà Calverley đề nghị Canada nên ban hành luật mới và xem xét việc ghi danh những người liên quan là đại diện ngoại quốc.
Hưởng ứng lời khai của bà Calverley, tối hôm đó Thượng nghị sĩ Leo Housakos đã khen ngợi bà trên Twitter vì đã “lên tiếng chống lại chính quyền cộng sản Trung Quốc.”
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Chen
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times