Cẩn thận ‘tình yêu’ lạc lối
Con người đều có nguyện vọng truy cầu những thứ tốt đẹp mỹ hảo, đều hy vọng nắm giữ hạnh phúc và vui vẻ. Từ mặt chữ để lý giải từ “ủng” 擁, “Thuyết văn giải tự” giảng nghĩa: “Ủng, nghĩa là ôm vào lòng vậy.” Ý nói là dùng tay ôm giữ lấy, cũng có nghĩa là một loại chiếm hữu chuyên thuộc về bản thân.
Hạnh phúc lẽ nào có thể dùng tay giữ chặt lấy không cho nó bỏ chạy được?
Chúng ta yêu thích chú chim nhỏ vui vẻ. Một khi chúng ta đem chú chim nhỏ nhốt vào lồng, nó sẽ trở thành chú chim trong lồng, và sẽ mất đi sự vui vẻ của tự do. Chúng ta không còn nhìn thấy sự vui vẻ khoái hoạt của nó nữa, đương nhiên lúc đó, chúng ta cũng mất đi sự vui vẻ khi thưởng thức, ngắm nhìn chú chim.
Có bao nhiêu niềm hạnh phúc, vui vẻ của chúng ta là phản chiếu từ hạnh phúc của người khác mang đến? Khi người khác vui vẻ hạnh phúc thì họ cũng sẽ chúc phúc cho chúng ta.
Mọi người đều yêu thương con cái của mình, và luôn muốn đem những điều mà họ cho rằng tốt nhất cho con. Họ có thể không tiếc hết thảy mọi thứ để làm được điều này, thậm chí là làm tổn hại đến người khác. Thế nhưng, trẻ chưa từng trải qua sóng gió kinh nghiệm, giống như một đóa hoa được nuôi dưỡng bao bọc trong ngôi nhà ấm áp, có khả năng thích ứng tốt với hoàn cảnh hay không?
Một khi trẻ mất đi sự bảo vệ của ngôi nhà ấm áp và rời xa vòng tay của cha mẹ, chúng có thể không chịu nổi mưa gió bên ngoài và bị tổn thương. Khi đó, chúng có thể sẽ oán giận ngược lại cha mẹ, vì họ đã không cho chúng nhận biết hiện thực cuộc sống thực sự là gì!
Trong trước tác của Tô Thức có một câu chuyện tựa đề “Mang Sơn đạo.” Câu chuyện xảy ra vào những năm Tuyên Hòa triều đại nhà Tống. Tại núi Mang Sơn, một đạo tặc sắp bị xử tử đã nói lời từ biệt với mẹ mình. Tên trộm nói: “Nếu con lại được uống sữa mẹ thì dù có mất mạng con cũng không hối hận.”
Người mẹ đồng ý yêu cầu và cho anh bú sữa. Nhưng tên trộm đã cắn đứt núm vú của người mẹ, máu chảy tràn trên đất. Người mẹ cuối cùng vì mất máu quá nhiều mà qua đời.
Người đao phủ hỏi đạo tặc: “Sao ngươi tàn nhẫn như vậy?” Tên này trả lời: “Khi tôi còn bé, tôi đã lấy trộm của người ta một cọng rau và một cây củi. Mẹ tôi nhìn thấy không những không khuyên can tôi, ngược lại bà còn cao hứng vui vẻ. Kết quả, tôi đã đi trên con đường không lối về này. Vì vậy, trong lòng tôi rất oán hận.” Câu chuyện này thực sự mang đến cho con người chúng ta một bài học giáo dục bi thảm.
Loại kết quả này cũng sẽ phát sinh ở các mối liên hệ giữa con người với nhau, không chỉ trong quan hệ mẫu tử. Khi tình yêu thương đi nhầm lối thì sẽ sinh ra thù hận. Lúc này, hết thảy những điều họ nỗ lực sẽ trở thành vô ích, phản tác dụng và đi ngược lại ước nguyện về niềm vui và hạnh phúc.
Khi chúng ta buông bỏ những điều vướng bận, buông bỏ những suy nghĩ ích kỷ, buông bỏ chấp trước này, buông bỏ tính chiếm hữu, thì tâm cảnh của “tình yêu thương” sẽ thay đổi như thế nào? Thế giới quan của chúng ta sẽ trở nên khác nhau như thế nào?
Khi đó, tâm cảnh và thế giới quan của chúng ta có thể trải qua một số thay đổi tích cực, chẳng hạn như:
—Nội tâm bình tĩnh: Buông bỏ những lo toan, tư niệm, có thể khiến nội tâm chúng ta bình tĩnh hơn. Chúng ta sẽ không còn bận tâm vì những chuyện vụn vặt trong quá khứ hay lo lắng về tương lai.
—Tư duy cởi mở hơn: Khi chúng ta buông bỏ chấp trước, tư duy của chúng ta trở nên cởi mở và dễ tiếp thu hơn những quan điểm và ý tưởng mới. Điều này hữu ích cho sự phát triển cá nhân, cũng giúp ích cho sự phát triển mối liên kết giữa cha mẹ và con cái, cùng các mối quan hệ giữa con người với nhau.
—Tạo ra lòng trắc ẩn và sự đồng cảm: Buông bỏ tính chiếm hữu giúp chúng ta dễ dàng trân trọng những nhu cầu và cảm xúc thực sự của người khác, đồng thời thể hiện được nhiều lòng trắc ẩn và sự đồng cảm hơn. Điều này trợ giúp cho sự phát triển của sinh mệnh.