Chuyến lưu diễn của Shen Yun năm nay (2009) có một tiết mục tên là “Truyền thuyết về cây bút Thần”, kể về câu chuyện các vị Thần Tiên đã truyền cho người Trung Quốc cách tạo ra chiếc bút lông như thế nào.
Trong phần giới thiệu, người dẫn chương trình đã đề cập đến các truyền thuyết ở Trung Quốc từ thời cổ đại như “Thần Nông nếm bách thảo”, “Thương Hiệt tạo chữ” v.v., đồng thời giải thích rằng văn hóa Trung Quốc là “văn hóa Thần truyền” – nền văn hóa được Thần truyền lại cho con người.
Cho dù là vùng miền, phong tục, lịch sử khác nhau ra sao, theo quan sát của tôi, các dân tộc khác nhau đều có ba đặc điểm chung: Đều có truyền thuyết tạo người từ bùn đất, đều có ký ức về một trận đại hồng thủy, và đều chờ đợi sự trở lại của các vị Thần. Trên thực tế, những quốc gia cổ xưa nhất còn tồn tại cho đến nay đều bắt đầu lịch sử của mình bằng những câu chuyện thần thoại sử thi, ghi chép lại một đoạn thời gian “nhân Thần đồng tại” (con người và các vị Thần cùng tồn tại). Từ “Sử thi Homer” của Hy Lạp cổ đại, “Sử thi Gilgamesh” của Babylon cổ đại, “Sử thi Mahabharata” ở Ấn Độ cổ đại cho đến “Sử thi Gesar” ở Tây Tạng cổ đại v.v. đều là như vậy.
Trong ký ức của các dân tộc, khi nhân Thần đồng tại, các vị Thần đã dạy cho con người về văn hóa. Mở lại “Kinh Thánh”, chúng ta có thể thấy rằng sau khi Thánh Moses dẫn người Do Thái ra khỏi Ai Cập, Đức Jehovah đã dạy ông cặn kẽ cách chế tác các loại dụng cụ và nghi lễ tế tự. Trong thần thoại Hy Lạp, Thần Prometheus đã đánh cắp lửa từ Thiên giới trao cho con người, cũng đã truyền đạt lại cho con người rất nhiều tri thức. Từ đó có thể thấy rằng, cả văn hóa phương Đông và phương Tây đều có thể được gọi là “nền văn hóa Thần truyền”.
Điểm đặc biệt của văn hóa Trung Quốc là: ở phương Tây hay các quốc gia khác, chủ thể của văn hóa không chỉ là để con người có thể tế Thần, ca ngợi Thần, mà còn dạy con người cách sinh sống như thế nào; còn văn hóa Trung Quốc, phần nhiều là trí tuệ vượt qua nhu cầu sinh sống của con người. Với những trí tuệ này, con người có thể thoát ly trần tục và tu luyện đắc Đạo.
Trong mắt người phương Tây, văn hóa Trung Quốc luôn tràn đầy sắc thái thần bí. Thái Cực Đồ, Bát Quái, Ngũ Hành, Chu Dịch, Hà đồ, Lạc thư, Trung Y, phong thủy, xem tướng, bói toán, tiên tri v.v. đều chiếm một vị trí vô cùng trọng yếu. Gần như mọi phần chính sử trong “Nhị thập tứ sử” đều đặc biệt mở ra một “Phương kỹ liệt truyện” để mô tả những hiện tượng phi thường và thần bí trong văn hóa. Trên thực tế, trong cuộc sống hàng ngày, mọi người có thể tôn kính Thần và duy trì luân lý đạo đức, thì xã hội tự nhiên sẽ có thể hài hòa an bình, sinh sôi thịnh vượng.
Khi tôi đang học toán cao cấp ở trường đại học, tôi cảm thấy rằng Vi phân và Tích phân thực sự là một phát minh vĩ đại của Newton, bởi vì nó là nền tảng của gần như mọi môn toán học và vật lý học hiện đại. Về sau đọc truyện ký về Tổ Xung Chi trong “Trung Quốc thông sử”, tôi mới biết rằng trước Newton hơn 1,000 năm, Tổ Xung Chi đã áp dụng nguyên tắc Vi phân và Tích phân để đưa ra công thức chính xác tính thể tích của hình cầu. Nhưng trong lịch sử Trung Quốc, địa vị của Tổ Xung Chi lại kém xa so với địa vị của Newton trong lịch sử phương Tây.
Truy cứu nguyên nhân, có lẽ là do nghiên cứu của Tổ Xung Chi vẫn là kiến thức thế tục, nhiều nhất cũng chỉ thuộc về “Thuật”. Điều này không phải là vì người Trung Quốc thiếu tinh thần khoa học, mà vì người Trung Quốc đem tiêu điểm chú ý tập trung vào “Đạo”, thứ vượt xa “Thuật”.
Điều này không khỏi khiến chúng ta đặt ra nghi vấn: Tại sao chỉ có văn hóa Trung Quốc là dường như không phải đơn thần truyền lại để cho con người sinh sống? Ngọn nguồn của việc ghi chép và truyền thừa nền văn hóa thần bí đó là gì?