California: Học viên Pháp Luân Công ở Santa Monica phản đối cuộc bức hại kéo dài 23 năm
SANTA MONICA, California – Hôm 17/07, hơn một trăm học viên Pháp Luân Công đã tề tựu trước khung cảnh ven biển tuyệt đẹp ở Công viên Palisades để tưởng niệm 23 năm diễn ra cuộc đàn áp môn tu luyện này ở Trung Quốc.
Một số diễn giả đã lên án cuộc bức hại vô đạo đức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với môn tu luyện Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp này.
Cuộc mít-tinh bắt đầu vào buổi trưa với hàng trăm người mặc áo vàng có dòng chữ, “Pháp Luân Đại Pháp, Chân, Thiện, Nhẫn” ngồi thành từng hàng thiền định cùng nhau trong tiếng nhạc tường hòa.
Giáo sư USC: ‘Cuộc bức hại Pháp Luân Công là một tội ác phản nhân loại’
Một trong những diễn giả, giáo sư về chính sách công tại Đại học University of Southern California Diệp Khoa (Michael Ye), đã bày tỏ cảm xúc buồn vui lẫn lộn tại sự kiện này.
“Một mặt, chúng ta đang nói về sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất trên thế giới hiện nay. Mặt khác, chúng ta cũng đồng thời chứng kiến một nỗ lực phản bức hại lớn lao và vĩ đại.”
Cựu Chủ tịch ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã tiến hành một cuộc đàn áp trên toàn quốc chống lại Pháp Luân Công vào ngày 20/07/1999. Vào thời điểm bắt đầu cuộc bức hại này, có khoảng 70 đến 100 triệu người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc, ông Diệp cho biết.
Ông Diệp cho hay, “Kể từ đó, hàng triệu người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị sách nhiễu, giam giữ, bỏ tù, tra tấn, hoặc sát hại bất hợp pháp, và thảm kịch này vẫn đang tiếp diễn.”
Ông cũng cho biết Pháp Luân Công là nhóm lớn nhất và bị ĐCSTQ bức hại nghiêm trọng nhất trong hai thập niên qua.
Ông Diệp cho biết cuộc đàn áp này cũng mở rộng sang các nhóm khác, như người Duy Ngô Nhĩ và người Hồng Kông. Ông nói, ngọn lửa ấy cũng đã lan ra ngoại quốc đến các nước như Hoa Kỳ.
“Họ không chỉ đấu tranh cho quyền lợi của chính họ, họ còn chiến đấu cho chúng ta, chiến đấu để bảo vệ các giá trị cốt lõi của chúng ta, và chiến đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới của chúng ta. Họ đáng để chúng ta tôn trọng và ủng hộ,” ông nói.
“Nơi nào có bất công thì nơi đó công bằng chính nghĩa bị đe dọa,” ông nói, trích lời Martin Luther King Jr. để kêu gọi mọi người ở Hoa Kỳ chú ý đến những gì đang xảy ra ở Trung Quốc.
Tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH)
Ông Dana Churchill tới từ tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), cho biết “tội ác nghiêm trọng” về thu hoạch nội tạng cưỡng bức bất hợp pháp từ các học viên Pháp Luân Công còn sống ở Trung Quốc đã xảy ra hơn 20 năm mà “không thấy hồi kết”.
Ông Churchill, cùng với Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania) và các nhà hoạt động nhân quyền khác, đã bảo trợ cho Nghị quyết 6319 của Hạ viện, cho phép tổng thống áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm cấp thị thực cho những người Trung Quốc nào tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng không tự nguyện.
Dự luật này cũng hối thúc Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chính thức lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Ông Churchill nói, “Đảng Cộng sản Trung Quốc không tôn trọng sinh mạng hay pháp quyền. Đây là một tội ác phản nhân loại tàn bạo khủng khiếp và phải được ngăn chặn càng sớm càng tốt.”
Ông cho biết hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ không chỉ là sát hại những sinh mạng vô tội, mà còn dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng trong lĩnh vực y khoa của Hoa Kỳ.
Ông nói: “Nhiều bệnh viện cấy ghép ở Hoa Kỳ của chúng ta vẫn đang làm việc với các bệnh viện cấy ghép ở Trung Quốc, những nơi mà chúng tôi có bằng chứng trực tiếp về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức bất hợp pháp này.”
Các nhân viên nhân quyền từ các quốc gia trên thế giới đã bày tỏ lo ngại về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Nam tước Philip Hunt, một nghị viên của Nghị viện Vương quốc Anh và nguyên là cựu Bộ trưởng Y tế Anh, hồi tháng 09/2021 đã mô tả thu hoạch nội tạng cưỡng bức là “hành vi sát nhân được thương mại hóa và không nghi ngờ gì nữa, là một trong những tội ác xấu xa nhất”.
Ông Churchill nói rằng “giờ là lúc để phản đối ĐCSTQ một cách dứt khoát, để ký Dự luật này thành một đạo luật có sức răn đe và ràng buộc.”
Nhà bình luận chính trị: ‘Học viên Pháp Luân Công thực sự đáng ngưỡng mộ’
Ông Quách Thụ Nhân (Shuren Guo), một nhà bình luận chính trị ở miền Nam California, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các học viên Pháp Luân Công.
“Họ luôn khiêm tốn và hòa nhã, sau khi biết họ trong nhiều năm, tôi nghĩ rằng tất cả những điều này là do đức tin của họ vào chân, thiện, và nhẫn,” ông Quách nói tại cuộc mít-tinh.
Ông nói, tuân theo những nguyên lý này cho phép các học viên Pháp Luân Công trở nên chân thành, tận tâm, và thiện lương hơn, và nhờ đó họ cũng không bị sức ảnh hưởng của ĐCSTQ làm cho dao động.
“ĐCSTQ đã hối lộ nhiều tổ chức, họ thậm chí còn hối lộ nhiều quốc gia và chính phủ, nhưng họ không bao giờ có thể hối lộ Pháp Luân Công. Đây là điều đặc biệt ở họ,” ông nói.
Ông nhắc nhở mọi người rằng bên ngoài vùng đất tự do Hoa Kỳ, những điều kinh hoàng đang diễn ra ở Trung Quốc.
Ông Quách nói: “Làm thế nào mà các học viên Pháp Luân Công có thể chịu áp lực và sự tra tấn mà ĐCSTQ áp đặt lên họ? Vốn dĩ là điều mà chúng ta – những người đang sống trong một thế giới tự do ở hải ngoại không cách nào hình dung được.”
Trải nghiệm trong trại lao động cưỡng bức: ‘Cân nặng của tôi chỉ có vài chục pound’
Cô Lý Huy (Hui Li), tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1997, đã chia sẻ thể nghiệm về quá trình bắt đầu tu luyện của mình cũng như việc cô bị ĐCSTQ bức hại nghiêm trọng ra sao.
Cô Lý cho biết việc tu luyện Pháp Luân Công đã biến cô “từ một người ích kỷ thành một người biết nghĩ cho người khác.”
Tuy nhiên, cô Lý cũng trở thành một trong nhiều mục tiêu bức hại của ĐCSTQ chỉ vì tín tâm của mihf.
Cô đã bị cảnh sát giam cầm ba lần vào năm 2000 vì tập Pháp Luân Công.
Cô đã bị cảnh sát tra tấn khi bị giam giữ tại Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia trong ba năm rưỡi.
“Tôi đã bị bức hại một cách vô nhân đạo. Tôi không được phép ngủ trong chín ngày chín đêm. Ngay khi vừa nhắm mắt, tôi đã bị đánh đập dữ dội vào đầu bằng một tấm gỗ,” cô kể.
“Tôi đã tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại… Tôi ngày một yếu đi. Tôi đã nôn hết đồ ăn ra,” cô Lý nói.
Do sức khỏe yếu, cô Lý được trả về với gia đình.
“Lúc đó, tôi đã không ăn được gì trong gần hai tháng. Cân nặng của tôi chỉ có vài chục pound,” cô nói.
Cô Lý nhập cư đến Hoa Kỳ, nhưng cho biết cô vẫn lo lắng cho các học viên Pháp Luân Công khác ở Trung Quốc đại lục.
“Bây giờ tôi đã đến một đất nước tự do, vẫn còn rất nhiều học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc và bức hại bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu,” cô nói.
Biểu diễn âm nhạc
Anh Trần Đông (Tony Chen), một nhạc sĩ và nhà soạn nhạc từng đạt giải thưởng, đã biểu diễn nhạc khúc “Courage to Believe” (“Có Dũng Khí Để Tin”), nhạc phim “Free China” (“Trung Quốc Tự Do”), một bộ phim phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công. Anh nói rằng anh hy vọng âm nhạc của mình có thể mang lại hy vọng và dũng khí trong thời buổi rối ren này.
Nhiều du khách đã dừng lại để xem những người biểu diễn trống truyền thống của Trung Quốc thời nhà Đường tấu lên một ca khúc có nhan đề “Vạn mã bôn đằng thế bất khả đáng” (tạm dịch: “Vạn mã phi đằng, thế thời khó ngăn”). Một đội trống lưng thì biểu diễn bài “Pháp Luân Đại Pháp Hảo.”
Cô Tề, điều phối viên của đội trống, nói rằng họ muốn sử dụng âm nhạc như một cầu nối giữa hai nền văn hóa Đông-Tây để mọi người đến từ mọi giai tầng xã hội có thể thưởng thức sự thuần mỹ của Đại Pháp và văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Sau buổi biểu diễn, các học viên Pháp Luân Đại Pháp xếp thành hàng dọc theo Ocean Avenue cầm các biểu ngữ Trung văn và Anh văn có nội dung “Từ Bỏ ĐCSTQ” (“Reject CCP”), “Kỷ Niệm 23 Năm Pháp Luân Công Phản Bức Hại” (“23rd Anniversary of Falun Gong Against Persecution”), “Trung Cộng Nói Dối, Người Dân Tử Vong” (“CCP Lied, People Died”).