Pháp Luân Công trước khi diễn ra cuộc bức hại tại Trung Quốc
Trong suốt những năm 1990, trước khi bị coi là Kẻ thù công khai số 1 trong tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc, thì các học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc có một niềm vui thầm lặng cho mình. Họ đã phát hiện ra bí quyết mang lại sức khỏe và ý nghĩa sinh mệnh đời mình, đồng thời rất háo hức khám phá và chia sẻ điều đó.
Họ thức dậy vào buổi sáng để tập các bài tập “khí công” — các động tác chuyển động chậm rãi, và sau đó thường là thiền định, ngồi ở thế liên hoa — học các bài giảng Pháp Luân Công cùng nhau, và nói chung là chú tâm vào việc của mình.
Bà Elizabeth Trương (Elizabeth Zhang), một học viên Pháp Luân Công từ năm 1997, bắt đầu tập các bài tập công pháp ở nhà lúc 3 giờ sáng, trước khi bắt đầu đi làm lúc 6 giờ sáng; bà đến công viên vào cuối tuần để gặp gỡ các học viên Pháp Luân Công khác, nhưng nói chung là bà tập luyện một mình.
“Hồi đó ở Trung Quốc, người ta có thể đến bất kỳ công viên hoặc không gian công cộng nào và sẽ thấy mọi người tập Pháp Luân Công. Không khí rất hài hòa,” bà nói. “Sẽ không có ai đến hỏi bạn tên gì. Cứ luyện công xong rồi về nhà thôi.”
Bà Trương, cũng giống như nhiều người khác, cảm thấy bị lôi cuốn bởi Pháp Luân Công vì điều mà bà chia sẻ là những lợi ích sức khỏe to lớn mà môn tu luyện này mang lại.
“Trước khi tôi tu luyện Pháp Luân Công, tôi chưa bao giờ biết trạng thái vô bệnh là như thế nào,” bà nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ nhà riêng ở khu vực Hoa Thịnh Đốn.
Bà Trương bị dị tật tim bẩm sinh và được phẫu thuật tim hở năm 11 tuổi. “Cơ thể tôi luôn yếu ớt. Nếu có ai xung quanh tôi bị bệnh, thì tôi sẽ bị bệnh theo. Tôi không bao giờ có thể thoát khỏi bệnh cảm cúm,” bà cho biết.
Sau khi tập Pháp Luân Công, các đồng nghiệp và sinh viên hỏi bà: “Cô giáo Trương, cô có tập thể thao không?” Bà sẽ trả lời, “Tôi thiền định. Tôi tu luyện Pháp Luân Công.”
Câu chuyện của bà Thôi Tử Kinh (Cui Zijing), trước đây là một nhà khoa học tại Đại học Thanh Hoa, một trong những trường danh giá nhất ở Trung Quốc, cũng tương tự: Bà bị viêm cơ tim nặng, một loại bệnh viêm tim, bà chỉ có thể đi bộ lên một tầng cầu thang trước khi cần nghỉ ngơi. “Đôi khi tôi thức dậy vào ban đêm với tim đập mạnh đến mức tôi sợ mình sẽ không qua khỏi,” bà nói.
Bà Thôi hiện sống ở Chicago và rời Trung Quốc hồi năm 2006, bảy năm sau khi cuộc đàn áp chống lại đức tin của bà bắt đầu. Tuy nhiên, trước ngày 20/07/1999, bà Thôi là một học viên Pháp Luân Công tích cực và nhiệt tình.
Mặc dù những lo lắng về sức khỏe đã thôi thúc bà bước chân vào con đường tu luyện, nhưng bà nhanh chóng nhận ra rằng Pháp Luân Công ẩn chứa điều gì đó sâu sắc hơn thế nhiều. “Tôi nhận ra rằng đây thật ra là một môn tu luyện,” bà nói. Thuật ngữ này đề cập đến các bài tập cả tâm lẫn thân đã được truyền lại hàng thiên niên kỷ ở Trung Quốc, thường liên quan đến sự kết hợp của thiền định và nguyên lý đạo đức.
“Tôi không biết tu luyện là gì. Tôi chỉ nghe nói về các đạo sĩ tu luyện trên núi từ việc đọc tiểu thuyết võ hiệp. Tôi không hiểu khái niệm đó,” bà Thôi nói. “Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi nhận ra rằng ‘Ồ, thật ra chúng tôi đang tu luyện, tu luyện chiểu theo đặc tính của vũ trụ.”
Bà Thôi nói rằng các nguyên lý của Pháp Luân Công — chân, thiện, và nhẫn — đặc biệt cuốn hút, vì bà cảm thấy rõ ràng các nguyên lý này đơn giản và tốt.
Ông Mạnh Quân (John Meng), một học viên Pháp Luân Công hiện đang sinh sống ở Úc với tư cách là một học giả, cho biết lần đầu tiên ông nhìn thấy các học viên là khi “Họ đang tập bài công pháp thứ năm trong một khu rừng. Tôi cảm thấy những thế tay của họ rất đẹp.” Bài tập thứ năm là một bài ngồi thiền. “Tâm trạng hân hoan của tôi lúc đó thật khó diễn tả bằng ngôn ngữ của nhân loại vì tôi biết mình có hy vọng vào cuộc sống,” ông viết trong một thư điện tử.
Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, ông nói, “nhiều thứ đã thay đổi.” Ông bắt đầu đối xử tử tế với mọi người, ngừng xung đột với các bạn cùng lớp, học tập và làm việc chăm chỉ hơn, và “quen được nhiều người bạn chân chính cũng là học viên và những người đã giúp tôi rất nhiều trong việc cải thiện tính cách của mình.”
Ông Mạnh nói tiếp: “Pháp Luân Công được mọi người hoan nghênh rộng rãi vì những việc tốt mà các học viên đã làm, cũng như các tác dụng chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe diệu kỳ. Và chính vì những yếu tố này, Pháp Luân Công đã lan truyền rất nhanh và trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc.”
Theo ông Dương Thanh (Yang Qing), một kỹ sư ở Trung Quốc sau khi về hưu đã điều phối một điểm luyện công của Pháp Luân Công gần lối vào phía nam của Đại học Thanh Hoa, khắp nơi xung quanh họ, người Trung Quốc đang nhìn thấy các thành viên trong gia đình và đồng nghiệp của họ trở nên thay đổi nhờ môn tu luyện tinh thần này.
Ông Dương nói rằng khi ông biết Pháp Luân Công là gì, ông trở nên rất hào hứng. “Tôi đã tập các môn khí công khác, nhưng họ chưa bao giờ nói về chân, thiện, và nhẫn. Họ không nói về việc phản bổn quy chân. Chúng tôi cảm thấy mình đã tìm ra con đường tu luyện chân chính. Tôi đã rất phấn khích tự nội tâm: Tôi đã tìm thấy một con đường tu luyện chân chính mà tôi có thể đi đến cuối cùng.”
Vì vậy, ông đến điểm luyện công lúc 4 giờ sáng mỗi ngày và quét sạch nền đất và những con đường gần đó, sau đó thiền định trong một giờ trước khi đám đông đến nơi vào lúc 6 giờ sáng. Ông đã phụ đạo môn tập này cho con trai và vợ của mình, và sau đó vợ ông đã khỏi bệnh ung thư, ông nói.
Ông Dương nói rằng các bài báo sẽ xuất hiện đều đặn trên các tờ báo ca ngợi một việc tốt này hay việc tốt khác mà ai đó đã làm — trả lại một số tiền lớn mà họ đã tìm thấy, hoặc đưa một người lạ bị thương đến bệnh viện và bảo đảm rằng gia đình của người đó được gọi đến — mà chắc chắn là có liên quan đến Pháp Luân Công và sức mạnh đạo đức của môn tu luyện này.
Ông nói: “Môn tu luyện này phát triển rất nhanh ở Trung Quốc.” Nhà sáng lập pháp môn này, Ngài Lý Hồng Chí, đã được mời đến giảng Pháp trong hội trường khắt khe của Cục Công an Trung Quốc. Ông Dương nói, cảnh sát, và đặc biệt là những người giám sát khu phố, tất cả đều thích các học viên Pháp Luân Công, vì họ biết rằng các học viên sẽ không gây cho họ bất kỳ rắc rối nào.
Tất cả đã thay đổi vào ngày 20/07/1999, khi Giang Trạch Dân, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, phát động cuộc đàn áp chống lại môn tu luyện này. Ông Dương cho biết những người giám sát khu phố mà ông nói chuyện làm việc theo lệnh. “Ài,” một người trong số họ thở dài với ông. “Chúng tôi biết các vị là người tốt.”
Anh Matthew Robertson là cựu biên tập viên tin tức Trung Quốc của The Epoch Times. Trước đây, anh là phóng viên của tờ báo ở Hoa Thịnh Đốn. Năm 2013, anh đã được trao giải Sigma Delta Chi của Hiệp hội Ký giả Chuyên nghiệp vì đã đưa tin về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm của chính quyền Trung Quốc.