Các tiểu bang bỏ phiếu để mở rộng hoặc hạn chế quyền tiếp cận phá thai
Các cử tri ở Michigan đã chấp thuận một dự luật trên lá phiếu, trong đó đề nghị bảo lưu quyền tiếp cận phá thai như một quyền hiến định của tiểu bang, trong khi đó các cử tri của Kentucky bác bỏ một đề nghị sửa đổi có thể tuyên bố rằng quyền phá thai không phải là quyền hiến định của tiểu bang.
Các dự luật của Michigan và Kentucky là hai trong số năm đề xướng liên quan đến phá thai được đưa ra trước các cử tri trong các cuộc bầu cử giữa kỳ hôm 08/11.
Các cử tri ở California và Vermont đã đứng về phía các cử tri ở Michigan trong việc chấp thuận một dự luật trên lá phiếu nhằm duy trì hoặc mở rộng quyền tiếp cận phá thai.
Ở Montana, “dự luật bảo vệ trẻ sơ sinh sinh ra có sự sống” đã bị cử tri phản đối. Tiểu bang này cùng với Michigan đã thất bại trong nỗ lực áp dụng các biện pháp hạn chế [phá thai].
Các kết quả ngày 08/11 dường như khẳng định sự bác bỏ đáng ngạc nhiên sau đó đối với Dự luật Sửa đổi Trân trọng Mẹ & Bé (Value Them Both Amendment) của Kansas trong một cuộc bầu cử đặc biệt hôm 02/08. Các cử tri ở Kansas đã được giới thiệu một đề nghị hiến pháp trên các lá phiếu sơ bộ của họ, trong đó tuyên bố rằng quyền phá thai không phải là quyền hiến định.
Đề xướng này là cuộc bỏ phiếu liên quan đến phá thai đầu tiên sau phán quyết của Tối cao Pháp viện Liên bang với tỷ lệ 6-3 được công bố hôm 24/06 lật ngược án lệ Roe kiện Wade năm 1973 và trả lại quyền ra quy định về việc phá thai cho các tiểu bang.
Gần 60% cử tri Kansas đã bỏ phiếu phản đối sửa đổi này, một chiến thắng vang dội cách biệt hơn 18 điểm phần trăm đã thúc đẩy các nền tảng chiến dịch bầu cử giữa nhiệm kỳ của Đảng Dân Chủ và dường như tạo ra một xu hướng miễn cưỡng trong các cử tri — thậm chí đối với cả một số lượng đáng kể cử tri tự nhận mình là người bảo tồn truyền thống và “Ủng-hộ-Sự-sống” — về việc áp đặt các hạn chế dành cho phụ nữ trưởng thành.
Dự luật “Quyền Tự do Sinh sản Michigan” đã khẳng định vị trí của mình trên lá phiếu bằng việc đã đạt được ít nhất 735,000 chữ ký của cử tri đã ghi danh.
Dự luật này bãi bỏ một điều luật 91 năm tuổi của tiểu bang Michigan và tạo ra một quyền hiến định của tiểu bang “để đưa ra và thực thi các quyết định về tất cả các vấn đề liên quan đến việc mang thai, bao gồm nhưng không giới hạn về … biện pháp tránh thai, triệt sản, chăm sóc phá thai.”
Văn phòng Tổng Thư ký Tiểu bang Michigan cho biết dự luật có tên là Đề nghị 3 này đã được chấp thuận với gần 2.48 triệu phiếu bầu, tương đương 56.7%, với 90% số phiếu đã được kiểm.
Cũng như ở Kansas, các nhà lập pháp Kentucky đã đưa ra đề nghị sửa đổi hiến pháp với nội dung “không công nhận quyền phá thai” trong cuộc bỏ phiếu hôm 08/11.
Tu chính án thứ 2, còn được gọi là Sửa đổi Đồng ý để Ủng hộ Sự sống, đã yêu cầu các cử tri trả lời “đồng ý” hoặc “không đồng ý” đối với một đề nghị sửa đổi trong đó nêu rõ: “Với mục đích bảo vệ sự sống của con người, không điều luật nào trong Hiến Pháp của tiểu bang được diễn giải theo hướng bảo đảm hay bảo vệ quyền phá thai hoặc yêu cầu tài trợ cho việc phá thai.”
Dự luật này đã thất bại, khi 52.4%, hoặc gần 740,000 cử tri, nói “không” với đề xướng này, với 90% phiếu bầu đã được kiểm đếm.
Tại Montana, các cử tri cũng bác bỏ đề nghị LR-131, Dự luật về Quy định Chăm sóc Y tế cho Trẻ sơ sinh Sinh ra Có sự sống, nhằm tìm cách thu hẹp đáng kể khả năng tiếp cận thủ tục phá thai.
Dự luật LR 131 của Montana tuyên bố rằng “trẻ sơ sinh sinh ra có sự sống ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào đều là những người có tư cách pháp lý” và đòi hỏi phải được tiếp cận với dịch vụ “chăm sóc y tế được cung cấp cho trẻ sơ sinh sinh ra có sự sống sau một cuộc chuyển dạ, mổ lấy thai, phá thai có chủ ý, hoặc một phương pháp khác.”
Với hơn 82% số phiếu bầu đã được kiểm đếm, tương đương tỷ lệ 52.4%, hay 213,895 cử tri ở Montana, đã nói “không” với đề nghị này.
Đúng như dự đoán, cử tri ở Vermont và California đã chấp thuận một cách áp đảo các dự luật mở rộng “quyền phá thai”.
Đề nghị 5 của Vermont, Sửa đổi về Quyền Tự chủ Sinh sản Cá nhân, bổ sung “quyền của một cá nhân về tự chủ sinh sản” vào hiến pháp của tiểu bang sau khi dự luật này được 77.2% cử tri chấp thuận hôm 08/11.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times