Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ giới thiệu dự luật kiểm soát các đại công ty công nghệ
Hôm 27/07, hai thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) và Elizabeth Warren (Dân Chủ-Massachusetts) đã giới thiệu một dự luật lưỡng đảng nhằm kiềm chế quyền lực của các nền tảng công nghệ lớn mà họ cho rằng đã khai thác dữ liệu của người tiêu dùng và đe dọa an ninh quốc gia.
Dự luật sẽ thiết lập một cơ quan quản lý lưỡng đảng chịu trách nhiệm kiểm soát các nền tảng công nghệ như Facebook, Google, và Amazon, nhằm mục đích thúc đẩy cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, và củng cố an ninh quốc gia.
Dự luật sẽ trao quyền cho cơ quan quản lý nói trên và Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư pháp, để thực thi luật đối với các hành vi vi phạm. Các nền tảng kỹ thuật số sẽ có nguy cơ bị tước giấy phép hoạt động nếu liên tục vi phạm luật.
Ông Graham viết trên Twitter, “Đã đến lúc kiểm soát các đại công ty công nghệ (Big Tech). Và chúng ta không thể làm điều đó với một luật chỉ đi vòng vo quanh vấn đề. Những nỗ lực nhỏ lẻ để ngăn chặn các hành vi lạm dụng và nguy hiểm đã thất bại.”
Ông nói thêm: “Quốc hội hoạt động quá chậm chạp, họ thiếu chuyên môn về công nghệ và đội quân vận động hành lang của Big Tech có thể loại bỏ những nỗ lực cá nhân dễ như trở bàn tay.”
Dự luật yêu cầu các nền tảng thống trị phải thuộc sở hữu của công dân Hoa Kỳ hoặc có công ty con ở Hoa Kỳ. Dự luật sẽ áp đặt các hạn chế đối với việc quản lý dữ liệu ở một số quốc gia và yêu cầu các nền tảng nhận diện các bot (ứng dụng phần mềm chạy các tác vụ tự động hóa trên mạng).
“Tôi đã nghe quá nhiều câu chuyện từ những gia đình cảm thấy bất lực trước Big Tech. Những câu chuyện về những đứa trẻ bị bắt nạt đến mức tự tử. Nạn buôn người. Nạn bóc lột trẻ vị thành niên. Trong khi đó thì các nền tảng truyền thông xã hội lại phớt lờ những điều này,” ông ấy nói.
“Hôm nay, chúng tôi thực hiện bước đầu tiên và cung cấp cho người tiêu dùng những công cụ họ cần để bắt đầu tạo nên sân chơi bình đẳng.”
‘Ưu tiên hàng đầu của cả hai đảng’
Dự luật này sẽ cấm các hành vi lạm dụng vị trí thống trị như tự ưu tiên, thỏa thuận ràng buộc bán kèm, thỏa thuận trọng tài trước tranh chấp và miễn trừ tố tụng tập thể, thỏa thuận không cạnh tranh, và thỏa thuận không lôi kéo nhân viên của đối thủ cạnh tranh.
Để tạo ra một sân chơi bình đẳng và ngăn chặn các hành vi phản cạnh tranh, dự luật này cũng sẽ cho phép xem xét lại các vụ sáp nhập Big Tech trước đây và trong tương lai đồng thời nghiêm cấm các xung đột lợi ích.
Bà Warren nói rằng Tổng thống Joe Biden trước đó đã kêu gọi thông qua luật lưỡng đảng để kiềm chế Big Tech và tăng cường thực thi chống độc quyền để thúc đẩy cạnh tranh trong ngành công nghệ.
Bà đề cập đến bài diễn văn Thông điệp Liên bang của ông Biden hồi tháng Hai, trong đó ông kêu gọi thông qua luật lưỡng đảng “để ngăn Big Tech thu thập dữ liệu cá nhân về trẻ em và thanh thiếu niên trực tuyến, cấm các quảng cáo nhắm mục tiêu đến trẻ em, và áp đặt các giới hạn chặt chẽ hơn đối với dữ liệu cá nhân mà các công ty này thu thập.”
“Trong một thời gian dài, các đại công ty công nghệ đã khai thác dữ liệu của người tiêu dùng, xâm phạm quyền riêng tư của người dân Mỹ quốc, đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta, và loại bỏ sự cạnh tranh trong nền kinh tế của chúng ta,” bà Warren nói.
Bà còn nói thêm: “Dự luật lưỡng đảng này sẽ thiết lập một cơ quan quản lý công nghệ mới, và làm rõ rằng việc kiểm soát các nền tảng công nghệ lớn là ưu tiên hàng đầu của cả hai đảng.”
Năm ngoái, hàng chục công ty và tổ chức kinh doanh đã gửi thư tới các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ thúc giục họ ủng hộ dự luật kiểm soát các đại công ty công nghệ. Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar (Dân Chủ – Minnesota) và các nhà lập pháp khác đã bảo trợ dự luật này nhằm mục đích ngăn cản các công ty công nghệ ưu tiên cho các doanh nghiệp của chính mình.