Các công ty Hoa Kỳ tiếp tay cho các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc trở thành tâm điểm tại phiên điều trần của Quốc hội
Tại phiên điều trần do Ủy ban Điều hành lưỡng đảng và lưỡng viện về Trung Quốc (CECC) tổ chức hôm thứ Ba (11/07), các nhân chứng cho biết rằng, bằng cách tuân thủ các yêu cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các công ty Hoa Kỳ đồng lõa với các hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ và khiến nước Mỹ gặp rủi ro về an ninh quốc gia.
Trong lời nhận xét khai mạc của mình, Chủ tịch Ủy ban Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey) đã nêu bật tội ác diệt chủng, tra tấn, hãm hiếp, cưỡng bức phá thai, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng, cùng nhiều tội ác khác do nhà nước hậu thuẫn, là một phần trong “hồ sơ vô cùng ô danh về tội ác tàn bạo” của ĐCSTQ.
Ông nói thêm rằng, “Các công ty và người tiêu dùng Mỹ không nên trợ cấp cho hành vi bạo ngược. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng, với việc chuyển giao công nghệ, các tập đoàn Hoa Kỳ đã trợ giúp quân đội ĐCSTQ phát triển thành “một mối đe dọa an ninh hiện hữu” đối với Hoa Kỳ và nhiều quốc gia ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Tăng cường thực thi luật mới
Khởi xướng cho chương trình ký kết của ủy ban nhằm chống lại sự đồng lõa của công ty là Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA), được ban hành tháng hồi 12/2021. Luật này cấm hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Tân Cương của Trung Quốc đưa vào thị trường Hoa Kỳ, và hồi tháng 06/2022, Cục Hải quan và Biên phòng (CBP) đã bắt đầu thi hành luật mới này.
Trong năm đầu tiên thực thi, CBP đã chặn hơn 4,000 lô hàng trị giá khoảng 1.4 tỷ USD. Theo thống kê của CBP, họ đã giải quyết khoảng một nửa trong số đó với tỷ lệ từ chối khoảng 30%. Malaysia là quốc gia xuất xứ hàng đầu của những lô hàng này.
UFLPA cấm nhập cảnh các mặt hàng được sản xuất toàn bộ hoặc một phần ở Tân Cương hoặc nhập cảng từ các công ty có tên trong danh sách, hiện có tại 22 công ty Trung Quốc, trong đó có những công ty mới được thêm vào hồi tháng trước (tháng Sáu.)
Ông Robert Silvers, thứ trưởng phụ trách chính sách của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ kiêm chủ tịch Lực lượng Đặc nhiệm Thực thi Lao động Cưỡng bức, nói với ủy ban rằng lực lượng đặc nhiệm này sẽ tận dụng trí tuệ nhân tạo và machine learning để xác định nguồn gốc thực sự của hàng hóa.
Ông Silvers bảo đảm với ông Smith rằng các đánh giá của CBP không loại trừ các lô hàng dưới mức tối thiểu 800 USD nhưng thừa nhận thách thức trong việc đánh giá. Theo ông Silvers, cả nước nhận được từ 2 triệu đến 3 triệu lô hàng tối thiểu mỗi ngày. Ông cho biết ông và CBP đang xem xét các cải tiến về nhu liệu, các thay đổi về thu thập dữ liệu theo quy định, và các khoản phân bổ ngân sách của Quốc hội để hiện đại hóa việc xét duyệt và giải quyết hàng hóa.
Trong một cuộc phỏng vấn với NTD, hãng thông tấn cùng hệ thống với The Epoch Times, đồng chủ tịch ủy ban, Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Ohio) cho biết UFLPA là “một ví dụ về hành động lập pháp đang bắt đầu tạo ra một sự khác biệt thực sự.”
“Các công ty đang bắt đầu chú ý. Họ đang nghĩ, ‘Chúng tôi không muốn dính líu. Chúng tôi không muốn sản phẩm của mình bị chặn lại. Chúng tôi không muốn bị công khai rằng chúng tôi có những sản phẩm do lao động nô lệ sản xuất,” ông Merkley nói với NTD. “Và họ đang nghĩ đến việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển chuỗi cung ứng của họ.”
Tuy nhiên, UFLPA có những thách thức của mình. Ông Merkley nói rằng một số công ty đang lách luật mới này bằng cách vừa giữ các nhà máy của họ ở Tân Cương vừa bán những hàng hóa đó ra bên ngoài Hoa Kỳ. Ông nói, để giải quyết vấn đề này, hợp tác quốc tế là cần thiết. “Chúng tôi cần sự trợ giúp của Canada, Mexico, và Âu Châu để thực sự bắt đầu gây tác động lớn hơn.”
Công ty Milwaukee Tool bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức của Trung Quốc
Trong phiên điều trần, bà Thi Minh Lỗi (Shi Minglei), phu nhân của nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Trình Uyên (Cheng Yuan), đã làm chứng về một trường hợp lao động nô lệ có khả năng xảy ra bên ngoài Tân Cương.
Bà Thi cho biết, sau khi bị buộc tội “chống phá quyền lực nhà nước” hồi năm 2019 và bị kết án 5 năm tù, ông Trình làm việc tại một nhà máy ở Nhà tù Xích Sơn Hồ Nam, nơi sản xuất găng tay cho Milwaukee Tool, một thương hiệu của Mỹ.
Mặc dù bà không thể xác nhận rằng ông Trình đã làm việc cho nhà máy găng tay Milwaukee Tool, nhưng bà nói rằng bà biết ông đã bị buộc phải “làm việc 11 đến 12 giờ mỗi ngày, còng lưng bên chiếc máy may.” Bà nói thêm rằng, “Ông cũng nói rằng ông đã bị biệt giam, buộc phải đứng trong nhiều giờ, không được ngủ và không được ăn, và bị cưỡng bức uống nước từ nhà vệ sinh.”
Bà Thi cho biết bà đã liên lạc với Walmart, Home Depot, và Amazon — các tuyến bán hàng chính của Milwaukee Tool, một công ty thuộc sở hữu của Techtronic Industries có trụ sở tại Hồng Kông. Bà khen ngợi Walmart vì đã ngừng cung cấp loại găng tay này trên trang web của mình và hứa sẽ đưa sản phẩm này ra khỏi kệ hàng tại các cửa hàng. “Tuy nhiên, cho đến nay Home Depot và Amazon vẫn đang bán găng tay Milwaukee Tool được làm từ lao động bị cưỡng bức,” bà nói.
Hôm 12/07, tìm kiếm găng tay Milwaukee Tool trên trang web của Walmart không cho ra kết quả nào.
Ông Smith cho biết ông và ông Merkley đã viết một lá thư cho chủ tịch Milwaukee Tool về vấn đề lao động nô lệ được trình bày chi tiết trong một báo cáo điều tra gần đây.
“Milwaukee Tool không dung túng cho việc sử dụng lao động cưỡng bức. Chúng tôi áp dụng các chính sách và thủ tục nghiêm ngặt để bảo đảm rằng không có sản phẩm Milwaukee Tool được ủy quyền nào được sản xuất bằng cách sử dụng lao động cưỡng bức. Milwaukee Tool chỉ hợp tác với các nhà cung cấp cũng cam kết thực hành lao động có đạo đức trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ, và bảo đảm rằng không sử dụng lao động cưỡng bức. Milwaukee Tool thường xuyên tiến hành đánh giá toàn diện và kỹ lưỡng các hoạt động và chuỗi cung ứng toàn cầu của chúng tôi. Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh cho những tuyên bố được đưa ra đó. Khi chúng tôi làm việc để tiếp tục cung cấp các giải pháp sáng tạo đẳng cấp thế giới cho các ngành nghề trên toàn cầu, chúng tôi luôn cam kết chặt chẽ hợp tác với các đối tác thể hiện các thực hành lao động có đạo đức và cam kết tuân thủ Bộ quy tắc Ứng xử và Chính sách Chống lại Chế độ Nô lệ hiện đại của chúng tôi,” phát ngôn viên của công ty cho biết trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử cho The Epoch Times.
“Home Depot nghiêm cấm việc sử dụng lao động cưỡng bức hoặc lao động trong tù trong chuỗi cung ứng của mình. Đây là một vấn đề mà chúng tôi rất coi trọng, và chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các đối tác là nhà cung cấp của mình để bảo đảm rằng sản phẩm chúng tôi bán ra không có lao động cưỡng bức và tuân thủ đầy đủ tất cả các quy định hiện hành, bao gồm cả Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ,” phát ngôn viên của Home Depot đã nói với The Epoch Times trong một thư điện tử. “Khi chúng tôi biết về các cáo buộc đối với Milwaukee, chúng tôi đã điều tra họ ngay lập tức. Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy găng tay Milwaukee được bán tại The Home Depot được làm bằng lao động bị cưỡng bức.”
Amazon từ chối bình luận.
Các tập đoàn ‘quỳ phục trước Tập Cận Bình hàng ngày’
Sự nghiệp của cựu cầu thủ NBA Enes Kanter Freedom đột ngột dừng lại hồi năm 2021 sau khi anh chỉ trích biên sử nhân quyền của Trung Quốc và mang giày “Free Tibet” (Tây Tạng Tự do) và “Free Uyghurs” (Người Duy Ngô Nhĩ Tự do) khi thi đấu.
“Và một điều khiến tôi đau lòng — tôi đã chơi cho NBA 11 năm, tôi có hàng trăm đồng đội, hàng trăm huấn luyện viên, tôi có rất nhiều bằng hữu mà tôi thường gọi là anh em, vì tôi từng xem họ hơn cả gia đình, mà tôi đã chưa được gặp lại [trong] hơn mười năm rồi — sau khi tôi được phóng thích, không ai trong số họ nhắn tin cho tôi và chúc cho tôi mọi điều may mắn trên con đường của tôi.”
“Không ai trong số họ gọi cho tôi. Tôi rất buồn,” anh nói với các thành viên ủy ban.
“Vì vậy, họ rất sợ nếu tôi có một cuộc phỏng vấn, hoặc nếu tôi nói về điều này, nếu tôi thực hiện một chương trình podcast, họ hoàn toàn không muốn tôi nhắc đến tên của họ. Bởi vì họ biết rằng nếu tôi từng nói, ‘Ồ, cầu thủ này đã ủng hộ tôi; cầu thủ này đã nói điều này điều kia,’ thì tất cả các hợp đồng quảng cáo của họ sẽ không còn nữa,” anh nói thêm.
Hồi tháng 05/2022, ESPN đưa tin rằng 40 chủ sở hữu NBA có hơn 10 tỷ USD bị giữ lại ở thị trường Trung Quốc. The Epoch Times đã liên lạc với NBA để yêu cầu bình luận.
Và những lo ngại tương tự cũng tồn tại trong ngành công nghiệp quốc phòng, theo ông Isaac Stone Fish, một thành viên khách mời tại Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn kiêm nhà sáng lập Strategy Risks, một công ty tư vấn chuyên quản lý rủi ro đối với Trung Quốc.
Ông nói rằng do có mối ràng buộc kinh doanh sâu sắc với Trung Quốc, các công ty quân sự của Mỹ có thể tuân theo các yêu cầu của ĐCSTQ và hành động ngược lại lợi ích của người dân Mỹ.
“Ở Trung Quốc, không có hãng hàng không tư nhân. Mỗi chiếc phi cơ mà Boeing bán ở Trung Quốc là bán cho Đảng Cộng sản. Và vì vậy chúng ta đang ở trong một tình huống mà chúng ta không chỉ tạo thuận tiện cho sự phát triển của nền kinh tế và quân đội Trung Quốc, mà còn tạo thuận tiện cho các tập đoàn Mỹ có những lợi ích và động cơ khác với rất nhiều người trong tòa nhà này,” ông Fish nói tại phiên điều trần.
Sau phiên điều trần, ông Smith nói với NTD rằng NBA được coi là một trong những công ty đồng lõa nhất trong việc trợ giúp các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. “Và còn rất nhiều tổ chức khác nữa. Điều tồi tệ nhất trong số những điều tồi tệ nhất dường như là có quá nhiều tập đoàn lớn của chúng ta hàng ngày đều quỳ phục trước ông Tập Cận Bình.”
Một số công ty Hoa Kỳ đã đứng lên chống lại Trung Quốc; tuy nhiên, theo ông Fish, họ sẽ không muốn nói về điều này.
“Tôi nghĩ mọi người cần biết, đặc biệt là những người trong cộng đồng doanh nghiệp, rằng có một cách để giảm tiếp xúc với Trung Quốc, giảm sự phụ thuộc của quý vị vào Đảng Cộng Sản mà vẫn kiếm được tiền và thành công,” Ông nói với các thành viên ủy ban. “Thế nhưng, thật không may, tất cả các công ty mà tôi biết là phù hợp với tiêu chuẩn đó đều muốn im lặng hơn.”
Buộc các công ty phải chịu trách nhiệm
Các nhóm người Trung Quốc bị bức hại cũng đang tiếp tục nỗ lực buộc các công ty Mỹ phải chịu trách nhiệm về cáo buộc đồng lõa của họ trong các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.
Một trong những nỗ lực như vậy là vụ kiện được đệ trình năm 2011 chống lại đại tập đoàn công nghệ Cisco Systems và hai cựu giám đốc điều hành của công ty này vì cáo buộc trợ giúp ĐCSTQ theo dõi và tra tấn các học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần mà ĐCSTQ đã bức hại kể từ tháng 07/1999.
Trong cuộc phỏng vấn với NTD, ông Smith đã chỉ trích Cisco là một trong những đại công ty công nghệ tiếp tay cho các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc trong nhiều thập niên qua.
Thứ Sáu tuần trước, Tòa Phúc thẩm Khu vực số 9 đã ra phán quyết cho vụ kiện này, vốn đã bị bác bỏ trước đó tại một tòa án cấp thấp hơn, để tiếp tục xét xử.
Thay mặt hội đồng gồm ba thẩm phán, Thẩm phán Marsha S. Berzon đã viết rằng các nguyên đơn Pháp Luân Công cho thấy rằng các cựu giám đốc điều hành của Cisco nhận thức được rằng “các vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm tra tấn, về căn bản là có thể xảy ra.”
“Sự tra tấn về thể xác mà các nguyên đơn phải chịu đựng khi bị giam giữ và trong khi bị cầm tù trong các trại lao động cưỡng bức bao gồm đánh đập bằng thanh thép và sốc điện bằng dùi cui điện, không cho ngủ, bị cưỡng bức ngồi hoặc đứng trong thời gian dài ở những tư thế gây đau đớn, và bức thực bạo lực,” bà nói thêm.
Vụ án sẽ được trả lại cho tòa án cấp dưới để xét xử, hoặc các bị đơn có thể yêu cầu một hội đồng xét xử lớn hơn của Tòa Phúc thẩm Khu vực số 9 hoặc kháng cáo lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
“Như chúng tôi đã tuyên bố trước đây, không có cơ sở nào cho các cáo buộc chống lại Cisco. Phán quyết hôm 07/07 của Tòa Phúc thẩm Khu vực 9 đã không đưa ra bất kỳ phát hiện thực tế nào hoặc đánh giá bất kỳ trách nhiệm pháp lý tiềm năng nào, mà chỉ cho thấy rằng các nguyên đơn được phép đưa ra yêu cầu của họ và được Tòa án Địa hạt xem xét thêm,” một phát ngôn viên của Cisco cho biết trong một tuyên bố được gửi qua thư điện tử cho The Epoch Times.
“Chúng tôi xây dựng các sản phẩm của mình theo các tiêu chuẩn toàn cầu nhằm thúc đẩy luồng thông tin tự do, quyền riêng tư, và tự do ngôn luận. Cisco có một cam kết lâu dài nhằm duy trì và tôn trọng nhân quyền cho tất cả mọi người và chúng tôi cam kết chặt chẽ về một mạng Internet toàn cầu mở,” bà nói thêm.
Trước khi kết thúc phiên điều trần, ông Smith tuyên bố sẽ tiếp tục điều tra sự đồng lõa này và mời NBA, Milwaukee Tool, và các công ty khác tham gia các phiên điều trần trong tương lai.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times