BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Tòa án ra lệnh cấm Big Tech kiểm duyệt theo yêu cầu của chính phủ
Hôm Thứ Ba (04/07), 11 cơ quan liên bang và hàng chục quan chức đã bị pháp luật cấm tiếp tục liên lạc với hơn 20 công ty truyền thông xã hội về việc kiểm duyệt thông tin mà chính phủ cho là thông tin sai lệch.
Các thông tin liên lạc liên quan đến các hoạt động tội phạm, các mối đe dọa an ninh quốc gia, các nỗ lực gây ảnh hưởng từ ngoại quốc, các cuộc tấn công mạng, quyên góp tranh cử bất hợp pháp và đàn áp cử tri sẽ không bị cấm.
Thẩm phán Terry Doughty, người được cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm, đã ban hành lệnh cấm sơ bộ và lệnh cấm tạm thời này tại Tòa án Địa hạt phía Tây Louisiana của Hoa Kỳ.
Cuộc tấn công lớn nhất chưa từng có vào tự do ngôn luận ở Mỹ
Trong một bản ghi nhớ dài 155 trang đi kèm, Thẩm phán Doughty đã trình bày tầm quan trọng của quyết định của mình.
Ông viết: “Nếu những cáo buộc của bên Nguyên đơn là đúng, thì vụ kiện hiện tại được cho là liên quan đến cuộc tấn công lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ nhắm vào quyền tự do ngôn luận.”
Trong phán quyết của mình, Thẩm phán Doughty đã đồng ý với các nguyên đơn rằng thiệt hại đang tiếp diễn và có khả năng tiếp tục diễn ra trong cuộc bầu cử năm 2024 và hơn thế nữa.
Thẩm phán Doughty cho biết các hành động bị cáo buộc của chính phủ liên bang “đã phớt lờ quyền tự do ngôn luận của Tu chính án thứ Nhất.”
Vượt ra ngoài ranh giới đảng phái
Ông cũng nói rằng mặc dù “sự kiểm duyệt bị cáo buộc trong vụ kiện này hầu như chỉ nhắm vào ngôn luận của phái bảo tồn truyền thống, nhưng các vấn đề nêu ra ở đây vượt ra ngoài ranh giới đảng phái.”
Theo đơn kiện trên, một số quyền tự do ngôn luận của phái bảo tồn truyền thống đã được chứng minh là bị vi phạm bao gồm các vấn đề liên quan đến tính liêm chính của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020; tính bảo mật của việc bỏ phiếu qua thư; câu chuyện về chiếc máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden trước cuộc bầu cử năm 2020; lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm về nguồn gốc của virus COVID-19; hiệu quả của khẩu trang, phong tỏa và vaccine; chỉ trích Tổng thống Joe Biden; các bài chế nhạo các quan chức chính phủ; và những bình luận tiêu cực về nền kinh tế.
Phán quyết trên được đưa ra trong một vụ kiện có tên là Tiểu bang Missouri, và những người khác, kiện ông Joseph R. Biden Jr. và những người khác, trong đó các tiểu bang Missouri, Louisiana và một nhóm cá nhân đã kiện nhánh hành pháp của chính phủ liên bang vì vi phạm quyền được nói và được nghe theo Tu chính án thứ Nhất của họ.
Những tổ chức kiểm duyệt lớn nhất
Phán quyết của tòa đặc biệt chỉ thị cho Văn phòng Điều hành của Tổng thống, Bộ Tư pháp (DOJ), Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng và An ninh Mạng (CISA), Bộ An ninh Nội địa (DHS), Cục An ninh Quốc gia, Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm (NIAID), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Tổng Y sĩ Vivek H. Murthy và các cơ quan khác cùng với nhân viên của họ.
Các bị đơn được lệnh không được “ép buộc” hoặc “tích cực khuyến khích” các nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu của quốc gia kiểm duyệt ngôn luận được bảo vệ.
Các nguyên đơn trong vụ kiện đã trình lên tòa các tài liệu được cho là cho thấy rằng hồi năm 2019, FBI đã điều tra và gắn nhãn 929,000 ngôn luận chính trị trên Twitter của công dân Mỹ là “thông tin sai lệch trong nước” và gửi chúng cho các công ty truyền thông xã hội để đánh giá và có thể kiểm duyệt.
Bản ghi nhớ của Thẩm phán Doughty trích dẫn lời khai của Đặc vụ FBI Elvis Chan, người nói rằng vào năm 2019, Twitter đã xóa 422 trương mục tương đương với 929,000 tweet.
“Tất cả các ngôn luận chính trị đều là ngôn luận được bảo vệ,” Thẩm phán Doughty lưu ý về Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Các công ty truyền thông xã hội tham gia kiểm duyệt do chính phủ chỉ thị bao gồm Facebook/Meta, Twitter, YouTube/Google, Instagram, TikTok, Linkedin và các công ty khác.
Không có công ty truyền thông xã hội nào được nêu tên ở trên là bị đơn trong vụ kiện này hoặc là được liệt kê trong lệnh cấm.
Các chiến thuật mạnh tay
Theo bản ghi nhớ, các nguyên đơn cáo buộc rằng các bị đơn đã sử dụng các chiến dịch gây áp lực công khai, thường xuyên có các cuộc gặp riêng tư, và các hình thức liên lạc khác để “thông đồng và/hoặc ép buộc” các nền tảng truyền thông xã hội nhằm kiểm duyệt những người, quan điểm và nội dung không phù hợp với quan điểm của chính phủ.
Các nguyên đơn cũng lập luận rằng các quan chức chính phủ đã sử dụng khả năng tích cực tăng cường giám sát chống độc quyền, các quy định bổ sung, và những thay đổi đối đối với Mục 230 của Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông như đòn bẩy để thúc đẩy các công ty truyền thông xã hội tăng cường nỗ lực đáp ứng các yêu cầu kiểm duyệt.
Mục 230 cho phép các nền tảng truyền thông xã hội được miễn trừ trách nhiệm dân sự trong các vụ kiện người dùng về nội dung trong bài đăng của họ.
Bằng chứng thuyết phục
Trong 80 trang đầu tiên của bản ghi nhớ, thẩm phán đã xem xét một phần các bằng chứng phong phú do các nguyên đơn cung cấp, điều đã thuyết phục ông ban hành lệnh cấm này.
Phần lớn những bằng chứng này là ở thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19, cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.
Thẩm phán Doughty đã viện dẫn rất nhiều bằng chứng cụ thể dưới dạng lời khai, thư điện tử, thư từ, các tài liệu, và tuyên bố công khai của các quan chức chính phủ, nội dung hàm chứa chính xác lời nói của họ và của các công ty truyền thông xã hội mà họ đã liên lạc.
Một ví dụ về bằng chứng thuyết phục khiến tòa án ban hành lệnh cấm tiết lộ rằng, từ ngày 28/05 đến 10/07/2021, một giám đốc điều hành cao cấp của Meta được cho là đã để cựu cố vấn cao cấp về COVID-19 của Tòa Bạch Ốc ông Andrew Slavitt, ở phần CC trong thư điện tử của ông ấy gửi cho Tổng Y sĩ Hoa Kỳ Murthy, để báo cho họ biết rằng Meta đang tham gia kiểm duyệt thông tin sai lệch về COVID-19 theo “yêu cầu của Tòa Bạch Ốc” và nói rằng “các trừng phạt mở rộng” đối với các trương mục Facebook cá nhân chia sẻ thông tin được cho là sai lệch đang được thực hiện.
Meta cũng tuyên bố, “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể làm được nhiều điều hơn nữa khi hợp tác với ông và nhóm của ông để định hướng hành vi.”
Một ví dụ khác về sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty truyền thông xã hội và Tòa Bạch Ốc được nêu bật trong bản ghi nhớ của Thẩm phán Doughty là phần ý kiến liên quan, “Vào ngày 07/02/2021, Twitter đã gửi cho ông Flaherty một ‘Cổng Trợ giúp Đối tác của Twitter’ để xem xét nhanh việc gắn cờ kiểm duyệt … Twitter cũng tuyên bố rằng ‘gần đây’ họ đã bị ‘dội bom’ với các yêu cầu kiểm duyệt từ Tòa bạch Ốc và muốn có một quy trình hợp lý hơn.
Ông Rob Flaherty là cựu phó trợ tá của tổng thống và giám đốc chiến lược kỹ thuật số của Tòa Bạch Ốc.
Giám sát các yêu cầu
Ông Flaherty được ghi nhận là đã thường xuyên giám sát các nền tảng mạng xã hội về cách thức họ đáp ứng các yêu cầu của Tòa bạch Ốc.
Sau đây là một ví dụ về phản ứng của Facebook đối với sự giám sát và áp lực tương tự.
“Rõ ràng là chúng tôi phải nỗ lực để lấy được lòng tin của quý vị… Chúng tôi đang làm việc để cung cấp cho quý vị thông tin hữu ích mà trung thực. Đó là công việc của tôi và tôi xem trọng việc đó — Tôi sẽ tiếp tục làm công việc đó bằng hết khả năng của mình và tôi sẽ chịu trách nhiệm về việc này.”
Đề cập đến sự không hài lòng của Tòa Bạch Ốc đối với Facebook, bản ghi nhớ của Thẩm phán Doughty tiếp tục, “ông Slavitt… đã gây thêm áp lực bằng cách tuyên bố, ‘trong nội bộ, chúng tôi đã cân nhắc các lựa chọn của mình về những việc cần làm với việc này.’”
Theo các tài liệu được trích dẫn trong bản ghi nhớ, hồi tháng 06/2022, Tòa Bạch Ốc đã yêu cầu các nền tảng mạng xã hội làm việc nhiều hơn để kiểm duyệt cái gọi là thông tin sai lệch “liên quan đến biến đổi khí hậu, thảo luận về giới tính, phá thai, và chính sách kinh tế.”
Phật ý về việc các công ty truyền thông xã hội cho phép những thứ mà chính phủ TT Biden xem là thông tin giả và thông tin sai lệch về biến đổi khí hậu, Cố vấn Khí hậu Quốc gia của Tòa bạch Ốc Gina McCarthy “đã liên kết một cách rõ ràng các yêu cầu kiểm duyệt này với các mối đe dọa về vấn đề pháp lý bất lợi liên quan đến Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông,” theo bằng chứng cho thấy.
Cũng trong tháng 06/2022, Tòa Bạch Ốc của ông Biden đã thành lập một lực lượng chuyên trách để dập tắt cái gọi là thông tin giả và thông tin sai lệch nói chung về phụ nữ và các cá nhân LGBT là nhân vật chính trị và là người của công chúng, các quan chức chính phủ, lãnh đạo dân sự, nhà hoạt động, và ký giả.
Trong một bản ghi nhớ thảo luận về việc thành lập lực lượng chuyên trách và mối liên quan của lực lượng này với các nền tảng truyền thông xã hội, một lần nữa họ đe dọa hậu quả pháp lý bất lợi nếu các công ty công nghệ không kiểm duyệt đủ mạnh.
Bản ghi nhớ của Thẩm phán Doughty cũng liệt kê một số kỹ thuật được các nền tảng truyền thông xã hội sử dụng để kiểm duyệt ngôn luận được bảo vệ. Các kỹ thuật này bao gồm việc thay đổi các thuật toán để tránh khuếch đại thông tin sai lệch; phát hiện sớm thông tin sai lệch “siêu lan truyền”; gây ra “xích mích” để giảm thiểu chia sẻ thông tin sai lệch; chuyển hướng tìm kiếm; đình chỉ; và xóa vĩnh viễn khỏi nền tảng.
Vai trò của CISA
Theo các nguyên đơn, CISA gặp gỡ thường xuyên với các nền tảng truyền thông xã hội.
CISA có một đơn vị được gọi là “Thông tin Sai lệch Thông tin Giả và Nhóm thông tin độc hại” (MDM). Trước khi chính phủ TT Biden nhậm chức, nhóm này là Lực lượng Chuyên trách Chống Ảnh hưởng của Ngoại quốc.
Trong năm 2020, và đến nay MDM hiện đang thực hiện chức năng “tổng đài”, một hệ thống báo cáo thông tin giả do CISA điều hành được thiết lập để cho phép các quan chức bầu cử cấp tiểu bang và địa phương xác định cái gọi là thông tin sai lệch liên quan đến khu vực tài phán của họ. Sau khi thông tin được xác định, CISA sẽ chuyển thông tin đó cho các công ty truyền thông xã hội.
CISA cũng tài trợ cho một tổ chức bất vụ lợi có tên là Trung tâm An ninh Internet (CIS), thực hiện công việc tương tự như MDM nhưng được xem là một tổ chức phi chính phủ.
Ngoài ra, CISA bắt đầu làm việc với một liên minh bất vụ lợi có tên là Đối tác Liêm chính trong Bầu cử (EIP), cũng thực hiện công việc tương tự như MDM.
EIP cũng bắt đầu nhắm mục tiêu vào các đảng phái chính trị có lượng người theo dõi lớn trên internet, những người bị cáo buộc truyền bá thông tin sai lệch.
CISA, CIS, và EIP chia sẻ thông tin tình báo giữa họ với nhau.
Theo bà Renee DiResta của Đài quan sát Internet của Đại học Stanford và là thành viên của Ủy ban Cố vấn An ninh mạng của CISA, EIP được thiết lập để giải quyết “những câu hỏi rất thực tế về Tu Chính án Thứ Nhất vốn sẽ phát sinh nếu CISA hoặc các cơ quan chính phủ khác theo dõi và gắn cờ thông tin để kiểm duyệt trên phương tiện truyền thông xã hội.”
Các công ty tư nhân làm công việc không trung thực
Theo lệnh của mình, Thẩm phán Doughty đã viết, “Một tiểu bang không được xúi giục các cá nhân thực hiện những gì mà Hiến Pháp cấm thực hiện.”
Trong phần tranh tụng trước tòa hôm 26/05, luật sư của các bị đơn lập luận rằng EIP hoạt động độc lập với bất kỳ cơ quan chính phủ nào.
Thẩm phán Doughty không đồng tình, ông viết trong phân tích pháp lý của mình rằng, “Bằng chứng thì cho thấy điều ngược lại.”
Ông nhận thấy rằng các bị cáo CISA, cũng như tất cả những người khác “có khả năng cùng tham gia” với các công ty truyền thông xã hội mà họ đã trở nên “mật thiết với nhau.” Thẩm phán Doughty cho biết, sự tham gia của chính phủ vào hoạt động của các công ty tư nhân đã “làm mờ” ranh giới giữa hành động công và tư.
Đài quan sát Internet của Đại học Stanford và Đại học Washington là hai thành viên của EIP.
‘Kiểm soát tư tưởng’ hiệu quả
Một ví dụ về loại bài đăng bị CISA và các chi nhánh của tổ chức này gắn cờ như cái gọi thông tin sai lệch là một bài đăng tuyên bố, “bỏ phiếu qua thư không an toàn” và rằng “không thể coi nhẹ các thuyết âm mưu về gian lận bầu cử.”
Theo hồ sơ của bên nguyên đơn, CISA tuyên bố họ dự định mở rộng cuộc chiến chống lại cái gọi là thông tin sai lệch như vậy trong cuộc bầu cử năm 2024.
Giám đốc CISA Jen Easterly cho biết: “Chúng tôi đang bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và điều quan trọng nhất là ‘cơ sở hạ tầng nhận thức’ của chúng ta.”
Theo EIP, tất cả các nền tảng chính đã thay đổi đáng kể các thủ tục và chính sách nhằm làm chậm quá trình phổ biến các câu chuyện không có thật liên quan đến bầu cử năm 2020.
Lời biện hộ cho biết tổ chức bất vụ lợi này đã chứng kiến 35% các bài đăng mà tổ chức này gửi đến các nền tảng để kiểm duyệt đã được gỡ.
Theo đánh giá của EIP, những người có ảnh hưởng trên Internet về quyền chính trị đã lan truyền thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm nhất và hầu hết những người tái phạm là những người ủng hộ Tổng thống đương thời Donald Trump.
Kiểm duyệt tập trung
Các nguyên đơn trích dẫn Virality Project (VP) là một nhóm phi chính phủ khác ủng hộ kiểm duyệt mạnh mẽ hơn.
VP đã khuyến nghị chính phủ liên bang thành lập một Trung tâm Xuất sắc về Thông tin sai lệch và Thông tin giả như một cách tập trung chuyên môn kiểm duyệt.
Quyết định của thẩm phán Doughty kết luận, “Các Nguyên đơn có khả năng thành công về những tuyên bố của họ rằng Chính phủ Hoa Kỳ, thông qua Tòa Bạch Ốc và nhiều cơ quan liên bang, đã gây áp lực và khuyến khích các công ty truyền thông xã hội ngăn chặn quyền tự do ngôn luận.”
Thẩm phán đã liệt kê 22 ví dụ về việc Tòa Bạch Ốc được cho là đã thực hiện sự ép buộc.
Thẩm phán Doughty viết: “Áp lực dường như không ngừng này của các Bị đơn có kết quả dự kiến là ngăn chặn hàng triệu ngôn luận được bảo vệ của công dân Mỹ”.
“Các Bị đơn của Tòa Bạch Ốc đã nói rất rõ ràng với các công ty truyền thông xã hội rằng họ muốn kiểm duyệt điều gì và họ muốn khuếch đại điều gì… ‘Thông tin sai lệch’ cần bị kiểm duyệt là bất cứ điều gì chính phủ xem là thông tin sai lệch.
“Điều thực sự đáng nói là hầu như tất cả quyền tự do ngôn luận bị ngăn chặn đều là quyền tự do ngôn luận của phe bảo tồn truyền thống… Việc nhắm mục tiêu vào ngôn luận bảo tồn truyền thống cho thấy các Bị cáo có thể đã tham gia vào việc ‘phân biệt quan điểm’.”
Duy trì tự do ngôn luận, tự do tư tưởng
“(Chính phủ) đã trở thành ‘đối tác’ với các nền tảng mạng xã hội, gắn cờ và báo cáo các tuyên bố trên mạng xã hội mà bên Bị cáo cho là sai sự thật,” thẩm phán nói thêm.
“Mỗi công dân Hoa Kỳ có quyền tự quyết định điều gì là đúng và điều gì là sai. Chính phủ… không có quyền quyết định sự thật…”
Tiểu bang Missouri và Louisiana đã nộp đơn kiện hôm 05/05/2022 và được các nguyên đơn tham gia vào ngày 02/08/2022.
Lệnh cấm sơ bộ mà tòa án cho là “vì lợi ích công chúng” sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi vụ việc được giải quyết theo lệnh tiếp theo của tòa án này hoặc của Tòa Phúc thẩm hoặc Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times