Bộ phim mới ‘Nhà Nước Cảnh Sát’ của ông Dinesh D’Souza là hồi chuông cảnh tỉnh cho nước Mỹ
Một bộ phim mới của nhà làm phim Dinesh D’Souza đang bóc trần mối đe dọa đối với lối sống Mỹ do sự trỗi dậy của nhà nước cảnh sát. Bộ phim là một lời cảnh báo táo bạo, gay cấn.
Nhà làm phim theo phái bảo tồn truyền thống Dinesh D’Souza đã sản xuất một bộ phim tài liệu dài mà ông hy vọng sẽ cảnh báo công chúng về mối nguy hiểm mà nhà nước cảnh sát đang trỗi dậy của Mỹ gây ra cho tất cả chúng ta.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại gần đây với The Epoch Times, ông D’Souza nói rằng, ngay cả khi còn là một thiếu niên nhập cư vào Hoa Kỳ, ông “không chỉ say mê với cơ hội kinh tế và sự phát triển đi lên của đất nước này, mà còn với hệ thống của các quyền cá nhân của Mỹ.”
“Những quyền này được trân trọng giữ gìn trong Tuyên ngôn Nhân quyền như là những điều bất khả xâm phạm, không thể bàn cãi.”
Ông nói: “Điều đáng buồn là hiện nay không có quyền nào trong số những quyền này được an toàn.”
Bộ phim có tựa đề “Police State” (Nhà Nước Cảnh Sát) sẽ được chiếu tại hàng trăm rạp trên toàn quốc chỉ trong hai ngày, 23/10 và 25/10. Giá vé khoảng 22 USD.
Các quyền tự do dân sự đang xói mòn
“Kẻ xấu đang dùng nhiều cái cớ và nhiều lý do khác nhau, nhưng xu hướng đó là rõ rệt. Các quyền tự do của chúng ta đang bị bóp nghẹt từng cái một.”
“Tình huống này cũng giống như một đàn gia súc đang gặm cỏ và ngủ gật yên bình trên cánh đồng mà không hề biết đến sự hiện diện của kẻ săn mồi đang ẩn nấp trên cây.”
“Nhà Nước Cảnh Sát là một hồi chuông cảnh tỉnh. Đó là một nỗ lực nhằm đánh thức nước Mỹ khỏi sự thờ ơ và ngủ quên,” ông D’Souza nói.
Bộ phim này sẽ ra mắt trên mạng vào ngày 27/10. Sau sự kiện có bán vé này sẽ là phần hỏi đáp với ông D’Souza và những người khác.
Vào một ngày chưa được tiết lộ trong tương lai, khán giả sẽ có thể được xem bộ phim này trên một số dịch vụ phát trực tuyến có tính phí, hoặc có thể xem bằng DVD.
Chế độ độc tài đang hình thành
Theo ông D’Souza, “[Bộ phim] của chúng tôi” là một nhà nước cảnh sát đang trong tiến trình được xây dựng. Họ cần một khu vực bầu cử để giúp xây dựng và bảo vệ nhà nước này. Cánh tả và Đảng Dân Chủ ngày nay là khu vực bầu cử đó.”
“Họ có thể nói rằng họ cam kết thực hiện các quyền như tự do ngôn luận, nhưng điều họ muốn nói là quyền tự do ngôn luận cho họ, chứ không phải cho tất cả mọi người.”
“Ngoài mặt thì họ xem những quyền này như một chiến thuật chứ không phải là một cam kết thực sự đối với quyền tự do dân sự. Về nguyên tắc, họ không cam kết cho quyền tự do dân sự. Họ không thích quyền này vì nó làm chậm nghị trình của họ.”
Khi được yêu cầu hãy đưa ra định nghĩa cho nhóm từ “nhà nước cảnh sát,” ông nói: “Hãy nhìn quanh thế giới này. Hãy xem xét Trung Quốc, Bắc Hàn, Iran, và Liên Xô cũ.”
“Họ đều có những điểm chung này; công dân của họ bị giám sát hàng loạt, sự kiểm duyệt có hệ thống, truyền bá chính trị và tư tưởng thay vì nền giáo dục chân chính, đàn áp các đảng đối lập, giam giữ các tù nhân chính trị, và tất cả những nước này đều phá hoại tôn giáo. Họ cũng không bao giờ cho phép mọi người tự do rời đi.”
“Tất cả những điều này đặt ra câu hỏi, ‘Có phải chúng ta đang tiến tới một nhà nước cảnh sát?’”
“Chắc chắn chúng ta vẫn có những sự tự do cơ bản ở Mỹ, chẳng hạn như tự do đi lại. Tuy nhiên, tôi ước tính rằng trên thang điểm từ 1 đến 10, đất nước chúng ta đang ở mức 6 hoặc 7 trên con đường trở thành một nhà nước cảnh sát.”
Ông nói: “Tình hình này nghiêm trọng đến mức chúng tôi có lý do chính đáng để cảm thấy báo động, nhưng chúng tôi vẫn chưa đến mức mất hết hy vọng.”
Một lời kêu gọi hãy có dũng khí
Một trong những mục tiêu của bộ phim này là tiếp cận những người tử tế, có thiện chí, những người có thể không nhận ra điều gì đang xảy ra.
Ông D’Souza nói: “Tôi hy vọng bộ phim sẽ khiến tâm trí họ nảy lên câu hỏi này, ‘Quý vị có thực sự muốn mọi việc diễn ra theo cách này không?’”
Ông nói thêm rằng, “Chúng tôi cũng hy vọng bộ phim sẽ tiếp thêm dũng khí cho những người ái quốc đang phản đối nhà nước cảnh sát này một cách yếu ớt, chẳng hạn như các tín đồ Cơ Đốc Giáo, và các lãnh đạo Đảng Cộng Hòa quá nhút nhát và sợ bị tấn công.”
“Khi các chính trị gia Đảng Cộng Hòa không hành động, thì thông điệp gửi đến Cánh Tả là ‘Chúng ta hãy cứ tiếp tục tấn công mà không bị trừng phạt vì sẽ không có hậu quả nào, không có hình phạt hay cái giá phải trả nào.’”
‘Mô hình Trung Quốc’
Khi The Epoch Times hỏi ông tại sao nhiều chính trị gia, ông trùm kinh doanh, và học giả Mỹ lại ngưỡng mộ cái gọi là “Mô hình Trung Quốc,” ông D’Souza trả lời: “Họ say sưa với sự kiểm soát tập trung và mức độ hiệu quả cao trong việc thi hành chính sách mà họ thấy ở Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
“Cái gọi là ‘Mô hình Trung Quốc’ hoàn toàn trái ngược với Mô hình Mỹ. Chúng ta có sự phân chia quyền lực, đó là sự phân quyền. Chúng ta có sự kiểm tra và cân bằng, có nghĩa là sự giám sát và trách nhiệm giải trình. Hai đặc điểm này của hệ thống Mỹ được tạo ra nhằm bảo vệ quyền tự do.”
“Mô hình Trung Quốc là quyền lực tập trung, độc tài.”
“Những Tổ phụ Lập quốc của chúng ta đã để lại cho chúng ta một thỏa thuận nhằm phân tán quyền lực. Hệ thống của chúng ta dựa trên nỗi sợ hãi hợp lý mà các phe phái dành cho nhau.”
“Điều đó dẫn đến sự tôn trọng lẫn nhau giữa đa số và thiểu số. Mô hình Mỹ không khuyến khích cả hai bên tham gia vào hành vi chuyên chế. Ở đây, các cá nhân có những quyền bất khả xâm phạm mà khối đa số không thể bỏ phiếu để tước bỏ. Các quyền của chúng ta cũng không thể bị tước đoạt.”
Ông D’Souza cho biết trong một podcast rằng nhóm của ông đã mua trước tất cả số ghế trong rạp với giá chiết khấu và đang bán lại những vé này trên mạng. Việc làm này bảo đảm cho ban quản lý rạp bán hết vé. Đó là một cách để khuyến khích các nhà quản lý điều hành bộ phim.
Ông cũng khuyên khán giả đừng tìm tựa phim tại rạp chiếu phim vì đây là buổi chiếu riêng tư. Người ta sẽ không tổ chức bán vé tại cửa.
Cộng tác với ông D’Souza trong bộ phim này là người dẫn chương trình trò chuyện trên đài phát thanh kiêm cựu nhân viên Mật vụ Dan Bongino, cùng sự xuất hiện rất có sức thuyết phục của ký giả điều tra Peter Schweitzer.
Những người được phỏng vấn trong phim là Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio); ông Kash Patel, cựu chánh văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng và cũng là người trung thành với ông Trump, và Thượng nghị sĩ Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky), cùng một số nhân vật khác.
Chủ nghĩa khủng bố nội địa là mối đe dọa lớn nhất của chúng ta sao?
Ông Schweitzer tuyên bố trong đoạn giới thiệu công khai của bộ phim rằng bộ máy an ninh chính phủ từng phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố Hồi Giáo giờ đây đang truy lùng chủ nghĩa cực đoan nội địa.
Ông Schweitzer nói: “Bộ máy này thực sự tô vẽ lên bất kỳ ai ở cánh hữu.”
Bên cạnh những cuộc phỏng vấn những nhân vật có thật đã bị nhà nước cảnh sát này quấy nhiễu, hầu như bộ phim là sự kịch tính hóa về thái độ và hành động của FBI ngày nay qua phần diễn xuất của các diễn viên chuyên nghiệp.
“Trong phim, lời thoại của các diễn viên đóng vai nhân viên FBI được lấy trực tiếp từ các tuyên bố công khai của FBI, kể cả lời khai trước Quốc hội.”
Ông D’Souza nói: “Hành động và phương pháp của các đặc vụ khi đề ra kế hoạch và tiến hành các cuộc đột kích được mô tả trong phim đều dựa trên những thực tế hoàn toàn xác thực.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times