Các thị trường vốn đóng băng khi thị trường tiếp tục bất ổn
Đây là một năm khó khăn cho các công ty muốn huy động vốn.
Thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), nơi cho phép một công ty huy động tiền bằng cách bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư đại chúng, đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong năm nay, sau một năm kỷ lục vào năm 2021.
Theo các nhà dự báo, các đợt chào bán ra công chúng ở Hoa Kỳ cho thấy đây là năm tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Sự biến động trên thị trường chứng khoán, do lạm phát cao, lãi suất tăng, và lo ngại suy thoái ngày càng gia tăng, đã khiến hoạt động IPO chững lại.
Theo một báo cáo của Renaissance Capital, trong tháng Tám, chỉ có 9 công ty nộp hồ sơ IPO lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm là 23 công ty.
Báo cáo nêu rõ: “Thị trường IPO của Hoa Kỳ năm 2022 đang trên đà huy động số tiền thu được thấp nhất so với bất kỳ năm nào trong lịch sử hơn 30 năm của công ty chúng tôi.”
Các nhà đầu tư tỏ ra không mấy quan tâm đến các công ty mới niêm yết trong bối cảnh thị trường suy thoái năm nay. Và đặc biệt là các công ty công nghệ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi xu hướng này.
Ví dụ, Chỉ số Tổng hợp Nasdaq thâm dụng công nghệ đã giảm 24% cho đến nay vào năm 2022, tệ hơn mức giảm 15% của Chỉ số S&P 500.
Trong khi đó, Chỉ số IPO Renaissance, chỉ số theo dõi các công ty đại chúng mới niêm yết lớn nhất, có tính thanh khoản cao nhất, đã giảm mạnh hơn 40%, cho thấy nhà đầu tư ít quan tâm đến các công ty mới niêm yết.
Trong tháng này (09/2022), nhà sản xuất sữa chua Chobani đã rút lại IPO, đây là tin xấu mới nhất đối với thị trường IPO. Công ty này đã thông báo kế hoạch rút IPO của mình trong một bức thư hôm 02/09 cho SEC, sau khi trì hoãn việc chào bán nhiều lần.
IPO của Chobani được dự kiến sẽ là một trong những đợt IPO lớn nhất trong năm, mang lại cho nhà sản xuất sữa chua này mức định giá hơn 10 tỷ USD.
Lượng hồ sơ IPO giảm mạnh trong năm 2022
Hồi tháng Bảy, nhà bán lẻ thực phẩm Fresh Market và công ty phần mềm trả lương Justworks cũng đã rút hồ sơ IPO của họ.
Theo Ernst & Young, trong nửa đầu năm 2022, số lượng các đợt chào bán công khai ở Hoa Kỳ đã giảm 75% so với một năm trước đó, trong khi số tiền thu được từ các đợt chào bán giảm 94%.
Trong đợt phục hồi của thị trường chứng khoán hồi tháng Tám, một số nhà phân tích cho rằng các thị trường IPO sẽ phục hồi vào mùa thu năm nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan.
Ông Tom Farley, cựu chủ tịch NYSE và hiện là giám đốc điều hành của Far Peak, đã cảnh báo hồi tháng Sáu rằng thị trường vốn đã “chết hoàn toàn” và sẽ không sớm phục hồi. Ông nói với đài CNBC rằng những công ty nào tin rằng họ có thể phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên vào nửa cuối năm nay đã suy tính sai lầm.
Các thị trường sẽ chú ý rất nhiều đến hai đợt chào bán công khai lớn tiềm năng, của các hãng Porsche và Corebridge thuộc sở hữu của AIG, khi họ rón rén bước ra vào mùa thu này.
Theo một báo cáo của Pitchbook, một nhà cung cấp dữ liệu cho các thị trường vốn tư nhân, các công ty ngày càng có nhu cầu cấp bách để được cấp vốn thông qua IPO hoặc thị trường tư nhân, đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn về sau.
Ông David Peinsipp, một đối tác tại công ty luật Cooley, nói với Pitchbook: “Chúng tôi có rất nhiều công ty đang nói chuyện với các nhà đầu tư của họ, và các nhà đầu tư của họ nói với họ rằng đừng mong có nguồn tiền mới trong tương lai gần.”
Thị trường nợ
Thị trường nợ của doanh nghiệp cũng chịu áp lực khi Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên. Lãi suất cao hơn đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp có ít thu nhập hơn để trả nợ, và điều này sẽ khiến việc huy động vốn mới trở nên khó khăn hơn.
Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã tăng lãi suất chuẩn bốn lần trong năm nay, với lãi suất cho vay đạt mức 2.25-2.50% trong tháng Sáu. Các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến sẽ lựa chọn tăng lãi suất thêm 75 điểm căn bản nữa tại cuộc họp chính sách của ngân hàng trung ương diễn ra trong hai ngày 20-21/09 tới.
Chi phí cho vay cao hơn sẽ buộc các doanh nghiệp phải vay ít hơn, tình huống này có thể làm giảm các hoạt động kinh doanh, đầu tư, và tuyển dụng của họ. Một số doanh nghiệp cũng lo ngại về rủi ro vỡ nợ.
Theo S&P Global Market Intelligence, số vụ phá sản doanh nghiệp ở Hoa Kỳ đang gia tăng. Ví dụ, tháng trước (08/2022), có 38 công ty đã nộp đơn phá sản, tăng so với con số 31 công ty của tháng Bảy.
Các chuyên gia thị trường dự đoán rằng số vụ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao trong những quý tới. Các vụ phá sản lớn nhất trong năm nay với những khoản nợ trị giá hơn 1 tỷ USD bao gồm các công ty Carestream Health, OSG Group Holdings, Aearo Technologies, Celsius Network, và Revlon.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times