Các sản phẩm của Trung Quốc ngày càng bị từ chối trên toàn cầu
Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới tìm cách hạn chế nhập cảng các mặt hàng của Trung Quốc.
Bắc Kinh dường như muốn phần còn lại của thế giới giúp đỡ giải quyết các vấn đề kinh tế của Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng địa ốc cùng các vấn đề khác đã dẫn đến sự sụt giảm trong nhu cầu nội địa của người dân Trung Quốc đối với hàng hóa và dịch vụ, vì vậy khi cố gắng loại bỏ các sản phẩm dư thừa, các nhà lập kế hoạch Bắc Kinh đã tăng cường các nỗ lực xuất cảng, đặc biệt là xe điện (EV) và các thiết bị năng lượng xanh khác.
Tuy nhiên, không giống như 25 năm trước, vào lần gần đây nhất mà Bắc Kinh theo đuổi những chính sách như vậy, phần còn lại của thế giới lại không hợp tác. Giống như rất nhiều biện pháp cũ khác mà Bắc Kinh sử dụng để vực dậy nền kinh tế Trung Quốc, biện pháp này đang không khởi tác dụng và sẽ không có tác dụng, cho dù giới lãnh đạo ở Bắc Kinh của quốc gia này có muốn các biện pháp đó thành công đến đâu.
Nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn cần được giúp đỡ. Các vấn đề của Trung Quốc là rất sâu rộng. Cuộc khủng hoảng địa ốc bắt đầu kể từ năm 2021 khi nhà phát triển Evergrande thừa nhận thất bại tài chính đã ngày một trở nên tồi tệ hơn. Sau một thời gian dài không có hành động nào từ phía chính quyền Bắc Kinh, tính đến tháng Hai cuộc khủng hoảng đã kéo doanh số bán nhà ở và hoạt động xây dựng giảm lần lượt 33% và 30% so với các mức của năm trước.
Có lẽ điều tệ hại hơn là, cuộc khủng hoảng này đã làm suy yếu khả năng của nền tài chính Trung Quốc trong việc trợ giúp tăng trưởng, bằng cách chất lên vai các cá nhân và tổ chức tài chính những khoản nợ đáng ngờ lớn. Hơn nữa, doanh số bán nhà sụt giảm đã làm giảm giá trị địa ốc, do đó làm giảm giá trị tài sản ròng cũng như niềm tin của các gia đình nhiều đến mức khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Và bởi vì chính quyền địa phương phụ thuộc vào việc phát triển địa ốc để có doanh thu, cuộc khủng hoảng này cũng khiến họ gặp khó khăn trong việc trả nợ, và thậm chí là không thể cung cấp các dịch vụ căn bản trong một số trường hợp.
Trước hàng loạt vấn đề như vậy, các nhà lập kế hoạch Bắc Kinh đã thất bại ít nhất ở hai điểm.
Đầu tiên, họ đã từ chối giải quyết thỏa đáng cuộc khủng hoảng địa ốc. Họ đã bỏ qua cuộc khủng hoảng địa ốc trong một thời gian dài, để cuộc khủng hoảng này di căn. Những phản ứng gần đây hơn — các đợt cắt giảm nhỏ đối với lãi suất và những khoản cho vay tương đối nhỏ từ các ngân hàng quốc doanh dành cho các dự án thuộc “danh sách trắng” — đều không đủ để làm giảm gánh nặng do đổ vỡ địa ốc từ lâu đã gây ra cho nền tài chính và kinh tế Trung Quốc.
Thứ hai, sau khi bỏ qua nguyên nhân căn bản của nhiều vấn đề trong nước, thay vì khắc phục vấn đề, Bắc Kinh đã lại nhấn mạnh vào sản xuất, khiến Trung Quốc càng phụ thuộc nhiều vào xuất cảng hơn trước kia vì nhu cầu trong nước không đủ.
Loại mô hình tăng trưởng dựa vào xuất cảng này có thể đã có hiệu quả trong những năm 1990 và 2000, nhưng giờ đây mọi thứ đã khác. Thời đó, Trung Quốc có rất ít lựa chọn ngoài việc dựa vào xuất cảng. Trung Quốc quá kém phát triển nên không có nhiều nhu cầu tiêu dùng, và nhu cầu trong nước đã đến từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết, vốn chỉ cung cấp một số đầu ra cho sản phẩm của các nhà máy Trung Quốc.
Quan trọng nhất là khi đó thị trường thế giới có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc. Rốt cuộc, khi đó Trung Quốc chỉ chiếm 2% xuất cảng toàn cầu. Nhưng ngày nay, tỷ lệ xuất cảng toàn cầu đó đã tăng lên 15%, khiến các nền kinh tế khác khó có thể nhập cảng nhiều hơn mà không gây hại cho chính họ. Hoàn cảnh có vẻ không thuận lợi cho Trung Quốc lặp lại trò chơi mà quốc gia này đã bắt đầu khoảng 25 năm trước.
Sự miễn cưỡng của thế giới trong việc đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc giờ đây ngày càng trở nên rõ ràng. Hoa Kỳ đã áp dụng mức thuế cao đối với hàng nhập cảng của Trung Quốc, và giờ đây, để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa, Hoa Kỳ đang xem xét áp thêm các mức thuế bổ sung đối với xe điện, pin, và các sản phẩm năng lượng xanh khác, thậm chí cả thép. Liên minh Âu Châu đã phàn nàn về việc Trung Quốc bán phá giá xe điện giá rẻ trên thị trường của EU và đang xem xét các mức thuế quan đáp lại. Vương quốc Anh đã phàn nàn về sự tràn ngập máy kéo và máy móc xây dựng của Trung Quốc, chắc chắn là do sự sụt giảm xây dựng ở Trung Quốc đã làm cạn kiệt nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm như thế. London đang mở cuộc điều tra chống bán phá giá. Anh quốc cũng đã gửi đơn khiếu nại về xe đạp điện.
Sự phản kháng cũng không chỉ giới hạn ở các nền kinh tế phát triển. Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Chile, và Mexico đã phàn nàn về việc Trung Quốc bán phá giá thép, gốm sứ, và hóa chất. Chile đang xem xét áp mức thuế quan 15% đối với thép Trung Quốc. Ấn Độ đã bổ sung thêm bu lông, gương, và bình cách nhiệt chân không của Trung Quốc vào đơn khiếu nại bán phá giá. Indonesia cũng đã làm điều tương tự với sợi tổng hợp, cho rằng việc sản phẩm Trung Quốc tràn vào đã gây nguy hiểm cho ngành công nghiệp nội địa của Indonesia.
Kể từ đầu năm, các chính phủ trên khắp bản đồ thế giới đã công bố hơn 70 biện pháp liên quan đến nhập cảng chống lại Trung Quốc. Con số này tăng từ 50 vào năm 2021 và 2022. Rõ ràng, mọi thứ sẽ không diễn ra như cách đây 25 năm. Mô hình gần như hoàn toàn dựa vào xuất cảng này sẽ thất bại. Có lẽ trong thời điểm hiện tại, ký ức về những thành công trong quá khứ sẽ khiến các nhà lập kế hoạch và hoạch định chính sách của Bắc Kinh mù quáng, nhưng theo thời gian, thực tế sẽ khiến họ bừng tỉnh. Lúc đó Bắc Kinh sẽ làm tốt việc tái tập trung vào cuộc khủng hoảng địa ốc vẫn đang hoành hành ở Trung Quốc, và từ đó nâng cao nhu cầu trong nước, vốn luôn là giải pháp trong một nền kinh tế phát triển, điều mà Trung Quốc đã trở thành.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times