Các quan chức Fed cho rằng lãi suất Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng
Hôm thứ Ba (30/08), các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với việc tăng lãi suất hơn nữa để dập tắt lạm phát, với việc người đứng đầu có ảnh hưởng của Fed New York cho biết ngân hàng trung ương có thể sẽ cần phải đưa lãi suất chính sách của Fed tới “đâu đó trên” 3.5% và giữ ở mức đó đến cuối năm 2023.
“Tôi thấy chúng ta cần phải giữ một lập trường chính sách — đẩy lạm phát xuống, đưa cung và cầu phù hợp với nhau — việc này sẽ mất nhiều thời gian hơn, sẽ tiếp tục trong năm tới,” Chủ tịch Fed New York John Williams nói với tờ Wall Street Journal. “Dựa trên những gì tôi thấy trong dữ liệu lạm phát, và những gì tôi đang thấy trong nền kinh tế, sẽ mất một thời gian trước khi tôi kỳ vọng thấy được những điều chỉnh giảm lãi suất.”
Hồi tháng Ba, Fed đã bắt đầu tiến hành đợt tăng lãi suất mạnh nhất kể từ những năm 1980, và hồi tuần trước (22-28/08) Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói rõ rằng ông và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẵn sàng tăng chi phí đi vay lên cao tới mức cần thiết để hạn chế tăng trưởng và giảm lạm phát hiện tại, vốn đang ở mức hơn gấp ba lần mục tiêu 2% của Fed.
Ông nói, làm như vậy có thể sẽ có nghĩa là thị trường lao động giảm đi và gây đau đớn cho các gia đình cũng như các doanh nghiệp; nhưng để lạm phát tiếp tục ở mức cao sẽ gây ra thiệt hại thậm chí còn tệ hơn.
Ông Williams, người đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ với tư cách là phó chủ tịch hội đồng thiết lập lãi suất của Fed, nói rằng quyết định của ngân hàng trung ương về việc sẽ đưa ra mức tăng lãi suất 75 điểm căn bản lần thứ ba liên tiếp vào tháng tới hay một mức tăng nửa điểm nhỏ hơn sẽ phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới, bao gồm báo cáo việc làm hàng tháng sẽ công bố hôm thứ Sáu (02/09) và chỉ số giá tiêu dùng sẽ công bố chỉ vài ngày trước cuộc họp diễn ra vào ngày 20–21/09.
Nhưng quyết định của tháng Chín cũng sẽ phụ thuộc vào quan điểm của các nhà hoạch định chính sách về mức lãi suất mà họ nghĩ rằng sẽ cần đạt vào cuối năm nay, ông William cho biết.
“Nếu dựa trên dữ liệu, rõ ràng là chúng ta cần phải khiến lãi suất cao hơn đáng kể vào cuối năm nay, rồi thì yêu cầu ấy hiển nhiên sẽ [dẫn tới] thông báo một quyết định tại bất kỳ cuộc họp nhất định nào,” ông Williams nói. “Chúng ta sẽ cần phải có chính sách hạn chế tiền tệ trong một thời gian — đây không phải là điều mà chúng ta sẽ làm trong một khoảng thời gian rất ngắn và sau đó thay đổi hướng đi; đó thực sự là việc có các chính sách đến đúng mức độ để giảm lạm phát và giữ chính sách ở trạng thái này” để đạt được mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
Phạm vi mục tiêu hiện tại của Fed đối với lãi suất quỹ Fed chuẩn là 2.25–2.50%.
Hồi tháng Sáu, lần cuối cùng ngân hàng trung ương công bố bản tóm lược về kỳ vọng lộ trình lãi suất của các nhà hoạch định chính sách, các ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã chứng kiến lãi suất tăng lên 3.4% vào cuối năm.
Thị trường tài chính đang định giá mức tăng [lãi suất] mạnh hơn. Các hợp đồng tương lai gắn liền với chính sách của Fed phản ánh sự đặt cược của các nhà giao dịch rằng lãi suất sẽ tăng thêm 1.5% vào cuối năm. Có ba cuộc họp thiết lập chính sách nữa trong năm nay, trong đó có cuộc họp vào tháng tới.
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã thực hiện xong việc thắt chặt tiền tệ. Lạm phát vẫn ở mức quá cao,” Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic đã viết trong một bài viết luận được công bố hôm 31/08 trên trang web của ngân hàng khu vực. “Có nghĩa là, dữ liệu sắp tới — nếu chúng cho thấy rõ rằng lạm phát đã bắt đầu chậm lại — có thể cho chúng ta lý do để hành động ngược trở lại … Chúng ta sẽ phải xem những dữ liệu đó được ghi nhận như thế nào.”
Ông Bostic nói, lạm phát theo thước đo ưa thích của Fed đã giảm xuống 6.3% hồi tháng Bảy, giảm từ 6.8% hồi tháng Sáu, nhưng áp lực giá cả vẫn “tiếp tục lan rộng.”
Các dữ liệu khác cho thấy các phân khúc chính của nền kinh tế vẫn còn khá — bao gồm dữ liệu được công bố hôm thứ Ba (30/08) cho thấy tỷ lệ cơ hội việc làm vẫn ở mức cao cho đến tháng Bảy, có thể là một dấu hiệu về áp lực tiếp tục của tiền lương.
Ông Bostic gọi bối cảnh tổng thể này là “mơ hồ,” và nói rằng trong khi tập trung vào lộ trình chống lạm phát, ông cũng bối rối rằng việc hành động quá mạnh để tăng lãi suất cũng mang lại rủi ro.
“Hành động quá mạnh mẽ hoặc quá rụt rè đều có mặt trái của nó,” ông Bostic viết, với việc lạm phát cố hữu cao hơn có thể hình thành nếu Fed không siết chặt lạm phát trong nền kinh tế, và tăng trưởng mất đà cùng với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn là kết quả của việc “thắt chặt mạnh chính sách tiền tệ.”
Do Ann Saphir và Lindsay Dunsmuir của Reuters thực hiện
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times